Đăng ký

Nghị luận về giá trị nhân đạo, giá trị hiện thực trong tác phẩm

Dưới đây là bài viết nghị luận về giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo trong tác phẩm văn xuôi mà Cunghocvui gửi đến bạn. Bên cạnh đó cũng đưa ra ví dụ minh họa, kèm hướng dẫn chi tiết chính xác nhất.

1) Các bước nghị luận

a) Bước 1: Nêu được khái niệm giá trị nhân đạo, giá trị hiện thực. 

Xem khái niệm: Tại đây

b) Bước 2: Chỉ rõ được biểu hiện của giá trị nhân đạo, giá trị hiện thực trong tác phẩm. 
+) Biểu hiện của giá trị nhân đạo thường là: lên án, tố cáo những thế lực chà đạp lên cuộc sống của con người (các nhân vật thuộc giai cấp thống trị, cuộc sống cùng cực của người dân...); thể hiện sự thông cảm, đồng cảm sâu sắc với số phận bất hạnh của con người; khẳng định, ngợi ca khát vọng tự do, hạnh phúc và những phẩm chất tốt đẹp của con người; thể hiện tinh thần đấu tranh vì con người. 
+) Biểu hiện của giá trị hiện thực thường là: hiện thực đời sống của con người trong một giai đoạn lịch sử cụ thể; hiện thực về những phong tục tập quán riêng của các vùng miền; hiện thực đời sống nội tâm của con người; sức mạnh tố cáo của bức tranh hiện thực.

c) Bước 3: Cũng cần đưa ra được bình luận, đánh giá về giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo.

Lưu ý: 
- Cần phân bố thời gian hợp lí vì lượng kiến thực yêu cầu rất lớn.
- Chỉ đi sâu vào một số vấn đề.

2) Ví dụ minh họa

a) Đề bài: Phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của đoạn trích “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài).

b) Gợi ý:

* Mở bài:

- Giới thiệu tác giả Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ
- Vấn đề cần nghị luận: giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo.

* Thân bài:

- Luận điểm 1: Khái quát chung.
+ Khái quát nội dung tác phẩm Vợ chồng A Phủ.
+ Giải thích khái niệm giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo

- Luận điểm 2: Phân tích giá trị hiện thực.
Tô Hoài đã phản ánh một cách chân thực bộ mặt giai cấp thống trị và đời sống của nhân dân miền núi trước Cách mạng.
+ Bộ mặt của giai cấp thống trị được thể hiện tập trung qua hai nhân vật thống lí Pá Tra và A Sử. Đây là hiện thân của những tên chúa đất miền núi. Chúng bóc lột sức lao động, đánh đập, hành hạ, trói đứng những người bị chúng biến thành nô lệ (cảnh xử kiện nhà thống lí, thái độ A Sử trói Mị).
+ Cuộc sống tăm tối, đau khổ của nhân dân qua số phận Mị và A Phủ trong thời gian ở nhà thống lí.
++ Cuộc đời Mị: Từ một người con gái xinh đẹp, tài hoa,giàu sức sống, Mị trở thành nạn nhân của sự vùi dập về thể xác (bị bóc lột sức lao động thậm tệ; bị đánh đập, bị trói và bỏ đói bất cứ lúc nào...), về tinh thần (căn buồng Mị ở tối tăm, chỉ thông ra thế giới bên ngoài qua một cửa sổ “Lỗ vuông bằng bàn tay Mị sống “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”...).
++ Cuộc đời A Phủ: Là chàng trai khỏe mạnh, giỏi giang, con gái trong làng nhiều người mê.Vì không chịu được sự bất công cũng như thái độ hống hách, cậy quyền thế của A Sử - con trai thống lý Pá Tra, A Phủ đã đánh A Sử. A Phủ bị bắt, phải vay nhà thống lý một trăm đồng bạc hoa xòe để nộp vạ cho làng và trở thành người ở trừ nợ. Vì để hổ ăn mất một con bò, A Phủ bị thống lý Pá Tra trói đứng và bỏ đói đến gần chết. Thân phận con người không bằng con vật.

- Luận điểm 3: Phân tích giá trị nhân đạo:
Ngòi bút của Tô Hoài đã đề cập đến những nội dung cơ bản nhất của giá trị nhân đạo khi “Vợ chồng A Phủ” vừa là tiếng nói cảm thương sâu sắc, vừa là tiếng nói lên án tố cáo, vừa khẳng định, đề cao sức sống tiềm tàng, sức mạnh vùng lên giải phóng của người lao động bị áp bức, vừa hướng tới con đường đấu tranh đem lại hạnh phúc cho con người.
+ Tác phẩm là tiếng nói cảm thương sâu sắc của nhà văn giành cho số phận bị áp bức đau khổ.
Đoạn văn tả tâm trạng Mị trong đêm mùa xuân nghe tiếng sáo gọi bạn thấm đượm một niềm xót thương vô hạn cho số phận người con dâu trừ nợ đồng thời nâng niu những giấc mơ tình tứ, đẹp đẽ của một con người. Ngòi bút tác giả đã thâm nhập vào thế giới nội tâm nhân vật, hóa thân vào nhân vật để nói lên tiếng nói của tâm trạng.
+ Lên án, tố cáo tội ác của giai cấp thống trị: Những tên chúa đất đã tước đoạt quyền sống, sức sống của con người. Mị như một bông hoa rừng xinh đẹp giàu sức sống, khi làm dâu trừ nợ nhà thống lí Pá Tra đã bị biến thành một công cụ lao động biết nói mà không dám nói. A Phủ, một chàng trai khỏe mạnh, người con của núi rừng tự do, giàu sức phản kháng bị biến thành nông nô, bị tước đoạt sự sống, trở nên cam chịu, tự chôn cọc, tự lấy dây trói để cha con thống lí trói mình đợi ngày chết khô chết héo.
+ Chiều sâu nhân đạo của ngòi bút Tô Hoài ở chỗ nhà văn đã phát hiện, khẳng định, đề cao sức sống tiềm tàng, sức mạnh vùng lên giải phóng của những người lao động bị áp bức.
Dù bị áp chế về cả thể xác và tinh thần, tâm hồn Mị vẫn không hoàn toàn giá lạnh. Bên trong cái dáng lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa, Tô Hoài vẫn nhận ra một sức sống tiềm tàng trong con người Mị mà khi có đủ điều kiện nó sẽ vùng lên để tìm lại cuộc sống đích thực cho mình. Sức sống của nhân vật Mị được miêu tả trực tiếp trong tác phẩm:
++ Trong lần định ăn nắm lá ngón tự tử: Mị định chết vì ý thức được cuộc sống tủi nhục, vô nghĩa của mình.
++ Trong đêm tình mùa xuân: Điều kiện có tác dụng trực tiếp cho việc biểu hiện sức sống của Mị là không gian của đêm tình mùa xuân, hơi rượu và tiếng sáo. Sức sống của Mị thể hiện trong cảm xúc, trong sự hồi tưởng và hành động. Sức sống tiềm tàng thể hiện ngay cả khi bị trói.
++ Trong đêm cởi trói cho A Phủ: Từ sự đồng cảm với A Phủ (khi nhìn thấy hai dòng nước mắt của A Phủ khi bị trói), Mị nhận ra gia đình thống lý Pá Tra độc ác thật, trói người cho đến chết và Mị đã cắt dây mây cởi trói cho A Phủ. Kết quả của sức sống tiềm tàng: Mị cởi trói cho A Phủ và cùng A Phủ trốn khỏi Hồng Ngài đến với cuộc sống tự do.

-  Luận điểm 4: Khái quát lại, đánh giá bình luận về giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực.
“Vợ chồng A Phủ” là một bước phát triển của tư tưởng nhân đạo so với văn học hiện thực phê phán trước đó.Văn học hiện thực phê phán đã phản ánh và lí giải sâu sắc hiện thực xã hội. Tuy nhiên để chỉ ra con đường đi tới tương lai, để giải tỏa những bế tắc của thời đại thì văn học hiện thực phê phán vẫn còn hạn chế. Văn học cách mạng không chỉ phản ánh, lí giải hiện thực mà còn góp phần cải tạo hiện thực (so sánh: chị Dậu và Mị đều là những người phụ nữ có sức sống mãnh liệt, đều vùng chạy khỏi địa ngục trần gian trong một đêm tối trời tối đất nhưng phía trước của chị Dậu là “trời tối đen như mực, tối như cái tiền đồ của chị”, còn con đường phía trước chờ đón Mị là con đường của tương lai và hạnh phúc)

* Kết bài: Khái quát, khẳng định vấn đề nghị luận.

Xem thêm >>> Cảm nghĩ về "lòng ham sống" trong tác phẩm "Vợ nhặt"

Hãy để lại comment thắc mắc, đóng góp ý kiến mà bạn biết về nghị luận giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực của một tác phẩm văn xuôi ở phía dưới. Chúc các bạn học tập tốt <3

shoppe