Cách làm bài phân tích tác phẩm văn học
Bài phân tích tác phẩm văn học phản ánh kết quả phân tích và cách phân tích nhưng không có nghĩa là rập khuôn theo trình tự phân tích. Tùy theo yêu cầu truyền cảm, thuyết phục, bài phân tích có thể có nhiều cách tổ chức khác nhau. Sau đây Cùng học vui sẽ đưa ra gợi ý hướng dẫn các bước chính cần làm:
1. Định hướng và lập ý
Bài phân tích tác phẩm văn học phải thỏa mãn một lúc yêu cầu của đề bài (1) và yêu cầu phân tích khách quan của tác phẩm văn học (2). Để đáp ứng yêu cầu (1) cần cụ thể hóa vấn đề phân tích (chủ đề, đối tượng phân tích) của đề bài để làm định hướng. Để đáp ứng yêu cầu (2) cần tiến hành phân tích tác phẩm.
Cụ thể hóa chủ đề phân tích của đề bài
Nếu đề yêu cầu phân tích một tác phẩm hay bộ phận tác phẩm (vd: phân tích nhân vật, hình ảnh, hình tượng…) thì cần phân chia tác phẩm ra hai mặt lớn là nội dung và hình thức biểu hiện, mỗi mặt lại chia thành các khía cạnh nhỏ hơn.
- Nếu đề yêu cầu phân tích nhân vật thì có thể chia tách thành các khía cạnh như: ngoại hình – nội tâm , tính cách – số phận, các chặng đường biến đổi.
- Nếu đề yêu cầu phân tích theo một hướng xác định như phân tích tinh thần nhân đạo của một tác phẩm thì cần giải thích được chủ nghĩa/tinh thần nhân đạo là gì. VD: tình yêu thương con người, tôn trọng tính cách, nhân phẩm, chống lại sự đàn áp, bóc lột con người.
Phân tích sơ bộ các định hướng:
Đối chiếu các định hướng và tác phẩm, phân tích sơ bộ văn bản tác phẩm the bố cục, kết cấu, tập hợp các yếu tố cùng chủ đề, chia tách các bình diện, khía cạnh, vách ra các ý cần phân tích.
VD: Đề bài yêu cầu: Phân tích tinh thần nhân đạo trong tác phẩm Chí Phèo
Đối chiếu định hướng ta tìm được các ý lớn của tinh thần nhân đạo trong tác phẩm như:
- Tố cáo chế độ phong kiến nửa thực dân biến người lành thành quỷ dữ, nuôi dưỡng, lợi dụng làm công cụ kiếm tiền, nô lệ cho bọn cường hào, ác bá
- Thông cảm, đồng tình với khát vọng được sống lương thiện của Chí Phèo
- Đấu tranh với các định kiến để hiểu đúng con người, hiểu đúng người nông dân
2. Chọn chi tiết để phân tích
Nội dung khái quát của tác phẩm được gửi gắm qua các chi tiết (lời nói, điệu bộ, cử chỉ, nét mặt, đồ vật, cảnh vật..). Chi tiết bao giờ cũng có khả năng thuyết minh, biểu hiện cái toàn thể (phạm vi ý nghĩa mà nó thuộc vào). Nhưng không vì thế mà phân tích hết các chi tiết. Cần chọn lọc các chi tiết tiêu biểu nhất, nói lên tư tưởng quan trọng của tác giả, và phải phù hợp với chủ đề phân tích của đề bài. Biết lựa chọn thì bài làm sẽ tập trung, không lan man và bị lạc đề.
Ví dụ, điều quan trọng nhất của nhân vật Chí Phèo là việc hắn phẫn uất về số phận của mình, sự bất đắc dĩ phải làm việc ác, sự thức tỉnh về cuộc sống lương thiện, tuyệt vọng về khả năng sống lại cuộc đời lương thiện và sự phản kháng cuối cùng để chống lại số phận bế tắc. Muốn phân tích những ý đó thì phải chọn các chi tiết phù hợp như: tiếng chửi, cơn say, bát cháo hành, cơn tỉnh, hành động trả thù.
Có những chi tiết có tác dụng soi sáng chủ đề của cả tác phẩm, cần được đặc biệt chú ý. Như chi tiết cái đèn con của chị Tí trong cảm nhận của nhân vật Liên ở cuối truyện Hai đứa trẻ (Thạch Lam):
Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết, như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ.
Trong thơ, có những từ, những chữ được coi là “con mắt thơ” (thi nhãn) có tác dụng chứa đựng linh hồn, cảm xúc chủ đạo của cả bài thơ. Ví dụ như từ “run rẩy” trong câu “Những luồng run rẩy rung rinh lá” trong bài thơ Đây mùa thu tới (Xuân Diệu) thì người đọc chắc chắn phải phân tích.
3. Phân tích chi tiết
Phân tích văn học không chỉ là chia tách các khía cạnh để xem xét mà còn chỉ ra các giá trị nội dung, nghệ thuật qua cách chi tiết cụ thể. Thiếu phân tích chi tiết bài làm sẽ nghèo ý, chung chung. Có 2 cách phân tích chi tiết:
Cách 1: Khai thác chức năng biểu hiện của các chi tiết trong văn bản
Chi tiết trong tác phẩm được quy định bởi các phạm vi ý nghĩa và biểu hiện cho ý nghĩa ấy.
VD: Mọi chi tiết của Chí Phèo đều thể hiện sự quằn quại giãy giụa của Chí khi ở giữa hai phạm vi: phần Con (con vật, công cụ) và phần Người (nhân phẩm, đạo đức)
Cách 2: Dùng biện pháp đối chiếu, so sánh, suy luận từ bên ngoài để phát hiện giá trị
- Người phân tích có thể nêu câu hỏi để tìm ra câu trả lời trong tác phẩm. VD: Tiếng chửi của Chí Phèo để gây sự chú ý hay còn có ý nghĩa gì?
- Người phân tích có thể miêu tả ấn tượng của mình về tác phẩm. VD: Khi miêu tả cảm nhận về Tắt đèn của Ngô Tất Tố, nhà văn Nguyễn Tuân thấy tác phẩm là một cục tối, đống tối trong đó các nhân vật chính, phụ, thiện, ác đều thào thào giọng tiếng của lũ bóng ma. Khi miêu tả được ấn tượng tổng quan thì việc chỉ ra ý nghĩa của các chi tiết trong tác phẩm được định hướng dễ dàng hơn.
- Người phân tích có thể tìm ra điểm tương đồng, cùng lọa để so sánh nhằm thấy được cái độc đáo, khác biệt. VD: để chỉ ra cái độc đáo của hình ảnh “cánh chim’ trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận, ta có thể so sánh nó với các bài thơ khác cũng có xuất hiện hình ảnh này trong thơ văn nói chung
- Người phân tích cũng có thể trừu tượng hóa một khía cạnh của hình thức nghệ thuật để tìm hiểu giá trị của nó. Ngoài ra cách phân tích thường thấy hiện nay là sử dụng các biện pháp phân tích ngôn ngữ học, thống kê, phân tích cách sử dụng ngôn từ, phong cách đặc trưng..
4. Tổng kết, nhận định, đánh giá
Sau khi tiến hành phân tích theo hướng đề ra, bài viết phải đề xuất được nhận định, đánh giá về tính độc đáo của hiện tượng/vấn đề văn học trong đề bài., giá trị nhận thức (ý nghĩa của nó với văn học và thực tế hiện nay), giá trị tư tưởng (truyền tải thông điệp gì), giá trị nghệ thuật (cho thấy tài năng, phong cách, sức thuyết phục, truyền cảm của tác giả).
Những lời tổng kết, đánh giá nằm ở kết đoạn, kết bài giúp nâng cao giá trị của việc phân tích. Tuy nhiên cần lưu ý phù hợp với sự phân tích. Tránh phân tích một đằng, kết luận một nẻo.