Nhận biết các lỗi không đáng có khi viết văn
Khi viết văn, một bài văn đạt điểm cao không hẳn là một bài văn dài mà quan trọng là không mắc những lỗi cơ bản. Làm sao để nhận biết các lỗi này và tránh mắc phải khi làm văn? Cùng học vui sẽ giúp các em HS phát hiện chúng thông qua bài viết dưới đây:
I. Lỗi về lập luận
1. Lỗi luận điểm không rõ ràng
Luận điểm không rõ ràng là nói lan man mà không nêu được ý kiến, nhận định, đánh giá của mình về vấn đề đặt ra trong bài hoặc diễn đạt thiếu mạch lạc nên không làm rõ được nội dung ý kiến.
VD: Trong văn học cách mạng 1930 – 1945 là chủ nghĩa hiện thực chẳng những phải có một ngòi bút lạnh lùng mà phải có một trái tim nhân đạo chính là nơi xuất phát, nơi bắt đầu nguồn của những sáng tác, của nhân vật hiện thực cũng là thiên chức của nhân vật trong bất kì thời đại nào. (Bài làm của HS)
2. Lỗi luận cứ không chuẩn xác, không đáng tin cậy
Một biểu hiện của luận cứ thiếu chuẩn xác không đáng tin cậy là nhớ lời thơ, văn không chuẩn, dẫn đến bình giảng không đúng tinh thần của câu chữ.
VD:
Nắng xuống trời lên xanh bát ngát
Sông dài trời rộng, bến cô liêu..
Thường thì nắng chiều đã xuống thì bầu trời trở nên xanh mênh mông bát ngát, cảnh đẹp của quê hương cũng không lấp được nỗi trống trải, cô đơn trong lòng người…
3. Lỗi luận chứng thiếu logic
- Kiểu 1: Lập luận có mâu thuẫn
VD: Hình tượng người nông dân trong văn học hiện thực phê phán có những nét đẹp truyền thống. Nếu đặt họ bên cạnh những nhân vật phản diện như Nghị Hách, Nghị Quế thì họ hoàn toàn đối lập. với bản chất kệch cỡm, nhố nhăng, tàn ác của bọn quan lại. Chị Dậu không như Thúy Kiều hay Kiều Nguyệt Nga khi gặp hoạn nạn thì không tin vào cõi Phật để hưởng chút bình an mà chị đã đấu tranh để bảo vệ nhân phẩm.
Trong đoạn trên, câu chủ đề đã khẳng định rằng “người nông dân trong văn học hiện thực phê phán có những nét đẹp truyền thống” nhưng luận cứ lại nói lên sự khác biệt giữa nhân vật nông dân của văn học hiện thực phê phán với các nhân vật truyền thống như Thúy Kiều hay Kiều Nguyệt Nga.
- Kiểu 2: Lập luận không nhất quán
VD: Trước hết ta thấy nàng Kiều là một người có lòng nhân ái. Nàng có tài, có sắc, có đạo đức. Lẽ ra con người ấy phải được sống sung sướng, nhưng nàng đã nếm trải tất cả nỗi khổ đau của người phụ nữ trong xã hội cũ.
Luận cứ ở trong đoạn văn trên tuy không mâu thuẫn với luận điểm “Kiều là người có lòng nhân ái: nhưng nó không phục vụ cho luận điểm này.
- Kiểu 3: Lập luận không đủ lý do
Sách..thiệt là vừa hay, vừa lành: hay vì nó không đến nỗi vô vị, vô duyên, lành vì nó không có ảnh hưởng gì xấu đến tinh thần người đọc
Một cuốn sách “không đến nỗi vô vị, vô duyên’ chưa thể gọi là một cuốn sách “hay: và một cuốn sách “không có ảnh hưởng gì xấu” chưa thể gọi là một cuốn sách “lành” được.
II. Lỗi về chọn và trình bày dẫn chứng
1. Chọn dẫn chứng không có sức thuyết phục.
VD: Tác giả đã tố cáo chế độ phong kiến xấu xa, đồng tiền tác oai tác quái làm người dân lương thiện không được hưởng cuộc sống hạnh phúc.:
Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu
…Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.
(Bài làm của HS)
2. Sắp xếp dẫn chứng không hợp lí
VD: Thương người con trai đi xa, lão Hạc thương cả con chó. Lúc kể câu chuyện bán chó cho ông giáo nghe, mắt lão rơm rớm. Lão đối xử bình đẳng với nó như bạn: Tao ăn gì, mày ăn nấy. Thậm chí, lão còn gọi con chó là cậu Vàng như một đứa con.
(Bài làm của HS)
3. Thiếu phân tích dẫn chứng
VD: Tác giả đã miêu tả những người dân nghèo khổ qua câu thơ: "Việc cuốc việc cày tay vốn quen làm"
Những người chiến sĩ được tác giả khắc họa rất đậm nét. Đó là những nghĩa quân chiến đấu rất anh dũng, dùng sao xông vào chém ngược chém xuôi, “coi giặc cũng như không” . (Bài làm của HS)
4. Phân tích sai dẫn chứng
VD:
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng
Màu xanh là màu tượng trưng cho hòa bình. Ở đây nó là màu của ấm nó, hạnh phúc. Còn màu vàng là màu của “hình hài đất nước”. Ở đây nó thể hiện sự ấm no. (Bài làm của HS)
III. Lỗi về hành văn
1. Lỗi dùng từ sai chuẩn mực
1.1 Dùng từ không đúng nghĩa
VD: Nam Cao đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh điển hình về người nông dân bị lưu manh hóa.
Những lỗi chính tả như viết “trữ tình” thành “chữ tình”, “bàng quan” thành “bàng quang”, “Chia sẻ’ thành “chia xẻ”, ‘dành thì giờ” thành “giành thì giờ” …xuất phát từ việc không hiểu đúng nghĩa của từ.
1.2 Dùng từ không hợp phong cách
VD: Lời nhận xét ấy có đúng không? Đúng quá đi chứ! Nào mời bạn cùng tôi đi phân tích tác phẩm để hiểu rõ vấn đề! (Bài làm của HS)
1.3 Lỗi lặp từ
- Lặp lại 1 từ: VD: Có thể nói Chí Phèo có thể trở thành người lương thiện nếu xã hội Chí Phèo sống là một xã hội khác.
- Lặp lại những từ có nghĩa tương phản nhau. VD: Quá trình vượt núi cao là quá trình con người trưởng thành lớn lên.
1.4 Kết hợp từ sai chuẩn mực
VD: Lòng yêu mến thiên nhiên say đắm đã làm cho Người quên đi nỗi vất vả trên đường đi.
2. Lỗi đặt câu sai quy tắc
2.1 Thiếu thành phần chính của câu
- Thiếu cả chủ ngữ lẫn vị ngữ
VD: Sau những năm tháng chìm nổi khổ đau, bằng sự thể nghiệm của chính bản thân mình, với trái tim nhân hậu và ngòi bút tài hoa – ngòi bút đã đưa ông lên hàng thi thánh.
- Thiếu chủ ngữ
VD: Qua truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh cho ta thấy niềm tin của người lao động vào chiến thắng trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên.
- Thiếu vị ngữ
VD: Nghĩa quân, những người “chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung” trong chiến đấu, với lòng nồng nàn yêu nước.
2.2 Thiếu một vế của câu ghép chính phụ
VD: Mặc dù bị bọn cường hào, địa chủ và quan lại áp bức, bóc lột nặng nề, mặc dù phải chịu những nỗi khỏ đau cùng cực. Mà chị Dậu khổ thật. Nỗi khổ của chị tiêu biểu cho người nông dân trước cách mạng.
2.3 Thể hiện sai quan hệ giữa các bộ phận câu
VD: Mắt đăm đăm nhìn ra cửa bể, ta thấy Kiều dõi theo cánh buồm thấp thoáng mà nghĩa đến cảnh cô đơn của mình.
2.4 Không biết cách tách mỗi ý độc lập thành một câu
VD: Đức tính của người phụ nữ Việt Nam đã được tiếp nối từ đức tính sẵn có mà chị Dậu đã mang lấy đến nay hai mươi bẩy năm là bì học quý báu tuy đối với ngày nay thì đức tính đó chưa đầy đủ, hoàn chỉnh.
3. Diễn đạt thiếu chặt chẽ
VD1: Bé tuy chưa biết chữ mà biết dạy học như một cô giáo thực thụ.
Sự diễn đạt thiếu cân nhắc ở VD trên khiến ý của câu văn mâu thuẫn. Có thể sửa như sau: Bé tuy chưa biết chữ nhưng đóng vai dạy học y hệt một cô giáo.
VD2: Đỗ Phủ là một nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc
Đọc câu văn này, người ta có thể hiểu Đỗ Phủ chỉ nổi tiếng ở Trung Quốc. Để thể hiện đúng tầm vóc thực tế của nhà thơ, ta nên thay đổi trật tự câu: Đỗ Phủ là một nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng.
4. Khoa trương, khuôn sáo
VD1: Hình tượng vũ trụ nhưng tâm lý con người ước mơ vĩ đại bao dung chứa đựng một cốt lõi thực rất con người.
Câu văn này không phải không có ý nhưng thói khoe chữ của tác giả khiến người đọc khó có thể nhận ra ý kiến xác đáng. Nên sửa thành:
Hình tượng tuy mang tầm vóc vũ trụ, có vẻ hoang đường nhơng thể hiện một ước mơ rất thực của con người
VD2: Bọn phong kiến nhu nhược gây chiến tranh liên miên.
Sự mâu thuẫn về ý trong câu này bắt nguồn từ một nguyên nhân khác đó là: người viết không chịu suy nghĩ để tìm từ thích hợp mà chỉ dựa vào một công thức kết hợp từ có sẵn “bọn phong kiến nhu nhược” bất kể nó có sức gợi cảm hay đã sáo mòn, nó có phù hợp với nội dung định diễn đạt hay không, Dùng những từ sáo mòn bất kể hiệu quả là điều cần tránh.
Hi vọng với bài viết này một phần nào đó, chúng tôi có thể giúp các em học sinh cải thiện kĩ năng khi viết văn để tránh mất điểm ở những lỗi không đáng có.