Nghị luận về một nhân vật, nhóm nhân vật trong tác phẩm văn xuôi
Dưới đây là bài viết chỉ ra các bước, chú ý khi nghị luận về một nhân vật hoặc một nhóm nhân vật trong tác phẩm văn xuôi. Bên cạnh đó Cunghocvui cũng đưa ra một số ví dụ minh họa để bạn có thể hiểu một cách nhanh và chính xác nhất.
I) Tổng quát
1) Yêu cầu
Nêu được vai trò, vị trí của nhân vật trong tác phẩm (nhân vật trung tâm, nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật phát ngôn cho tư tưởng của tác giả, nhân vật hóa thân...)
2) Phân tích nhân vật:
Bước 1: Tên nhân vật: chỉ phân tích khi tên nhân vật có ý nghĩa
Ví dụ: Phùng - “Chiếc thuyền ngoài xa” - có nghĩa là “gặp gỡ, chứng kiến”. Cái tên này thể hiện quan điểm của tác giả: người nghệ sĩ cần luôn luôn gặp gỡ, chứng kiến những góc khuất của đời sống thì mới có được cái nhìn đúng đắn về nghệ thuật. Phùng phải trải qua hai cuộc gặp: với cảnh đắt trời cho và với số phận của người đàn bà hàng chài thì mới hiểu sâu sắc được mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm: Phân tích nhân vật Phùng - Chiếc thuyền ngoài xa
♦ Chú ý: có khi không đặt tên nhân vật cũng là một dụng ý của tác giả.
Bước 2: Ngoại hình của nhân vật: chỉ phân tích khi ngoại hình có ý nghĩa.
Bước 3: Đặc điểm của nhân vật về tính cách, số phận, cuộc đời, dòng suy tư.... Tuỳ vào từng nhân vật mà lựa chọn phân tích một hoặc nhiều đặc điểm trên.
Bước 4: Phân tích được nghệ thuật xây dựng nhân vật: thông qua tình huống truyện, kết cấu truyện, qua ngôn ngữ nhân vật, ngôn ngữ kể chuyện, qua các chi tiết giàu ý nghĩa. (Phần này thường là lồng vào cùng với phần phân tích đặc điểm nhân vật)
Bước 5: Khái quát được ý nghĩa của nhân vật: Mỗi nhân vật đều có ý nghĩa nhất định, ý nghĩa của nhân vật chỉ ra giá trị của nhân vật trong tác phẩm, nhân vật ấy đã thể hiện chủ đề tư tưởng tác phẩm như thế nào, qua nhân vật ấy tác giả muốn nói điều gì, muốn khẳng định hay lên án hay phủ nhận điều gì?
Ví dụ: Nhân vật quản ngục - “Chữ người tử tù” - đây là nhân vật được xây dựng nhằm bổ sung cho tính cách nhân vật chính vì không có nhân vật này, Huấn Cao không thể chói sáng tài năng và phẩm chất của mình. Nhân vật quản ngục tạo nên tính khách quan cho câu chuyện, thể hiện quan điểm tư tưởng của Nguyễn Tuân về cái Đẹp mang sức mạnh cứu rỗi.
- Đối với nhóm nhân vật, cách phân tích cũng tương tự. Tuy nhiên cần chú ý:; đặt các nhân vật trong mối quan hệ với nhau (kế tiếp, bổ sung hoặc đối lập). Lựa chọn phân tích những đặc điểm thực sự có giá trị, có ý nghĩa, không nên đi quá sâu và quá rộng vào một nhân vật, tránh việc phân tích sơ sài những nhân vật còn lại, không đảm bảo tính cân đối của bài làm hoặc làm không hết bài.
II) Ví dụ minh họa
1) Đề bài: Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân.
2) Gợi ý:
a) Mở bài:Giới thiệu tác giả Kim Lân, tác phẩm Lợ nhặt, vấn đề cần nghị luận: nhân vật bà cụ Tứ.
b) Thân bài:
- Luận điểm 1: Khái quát chung:
+ Giới thiệu khái quát về nội dung và giá trị nội dung của tác phẩm Vợ nhặt.
+ Giới thiệu khái quát về vị trí của nhân vật: xuất hiện ở phần sau của câu chuyện nhưng vẫn đóng vai trò là nhân vật chính. Đây là nhân vật thành công của truyện, góp phần thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.
- Luận điểm 2: Phân tích nhân vật.
+ Hoàn cảnh của nhân vật: Nhân vật bà cụ Tứ là nhân vật được xây dựng thành công nhất trong truyện ngắn Vợ nhặt. Cuộc đời bà gặp nhiều bất hạnh: chồng chết sớm, con gái có số phận không may, con trai ngẩn ngơ, ế vợ. Tuy nhiên, người mẹ ấy có những phẩm chất cao đẹp, rất mực yêu thương con và không ngừng tin tưởng vào tương lai.
+ Tâm trạng của bà cụ Tứ được khắc họa trong một hoàn cảnh éo le: con trai lấy vợ vào lúc đói khát nhất và đột ngột xuất hiện cô con dâu theo không trong bộ dạng tả tơi như tổ đỉa.
-H- Ban đầu, bà cụ Tứ vô cùng ngạc nhiên, (dẫn chứng)
++ Khi hiểu ra mọi chuyện, bà lâo cúi đầu nín lặng. Đó là sự nín lặng đầy nội tâm. Trong lòng bà là nỗi xót xa, thương, lo lẫn lộn: xót xa, ai oán thương cho số kiếp đứa con trai mình; tủi thân, day dứt trong bổn phận làm mẹ mà không lo chu toàn được cho con; lo lắng không biết các con có nuôi nổi nhau sống qua cơn đói khát này không. Vui vì con trai có vợ, vì các con phải duyên phải kiếp với nhau; thương con và thương dâu. Thậm chí lòng thương của bà còn có chút hàm ơn; Khuyên bảo, động viên, khơi dậy niềm tin vào tương lai cho các con.
+ Tình yêu thương con của bà cụ Tứ thể hiện ở bữa cơm đãi các con, nhất là món chè khoán. Tấm lòng thơm thảo của người mẹ đã làm vơi đi vị đắng chát của cháo cám.
+ Ý nghĩa của hình tượng nhân vật: Nhân vật bà cụ Tứ là hiện thân cho nỗi khổ của con người đồng thời cũng là hiện thân cho những phẩm chất tốt đẹp, cho tâm hồn của người mẹ Việt Nam. Kim Lân đã miêu tả tâm trạng của bà cụ Tứ một cách phong phú, sinh động. Nhà văn dường như đã nhập thân vào nhân vật, xây dựng một hình ảnh chân thực về người mẹ nông dân nghèo giàu lòng nhân hậu và tình yêu thương.
- Luận điểm 3: Đánh giá chung
Đánh giá chung về giá trị của tác phẩm và nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật bà cụ Tứ.
c) Kết bài: Khái quát, khẳng định lại vấn đề.
Xem thêm >>> Vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam qua nhân vật Mị và bà cụ Tứ
Trên đây là bài viết mà Cunghocvui gửi đến bạn khi làm bài nghị luận về một nhân vật hoặc một nhóm nhân vật trong tác phẩm văn xuôi, hy vọng bài viết sẽ giúp ích được nhiều cho quá trình học tập của bạn. Chúc bạn học tập tốt <3