Đăng ký

HỆ THỐNG KIẾN THỨC TOÀN BỘ CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN LỚP 12

HỆ THỐNG KIẾN THỨC TOÀN BỘ CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN LỚP 12

TÂY TIẾN

- Quang Dũng (1921-1988) tên khai sinh là Bùi Đình Diệm, quê ở làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây.

- Quang Dũng là một nhà thơ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa, đặc biệt khi ông viết về người lính Tây Tiến và Xứ Đoài.

-Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt-Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở thượng lào cũng như ở miền tây Bắc Bộ VN.

-Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa bao lâu, tại Phù Lưu Chanh (1 làng thuộc tỉnh Hà Đông cũ), Quang Dũng viết bài thơ "nhớ Tây Tiến". Khi in lại, tác giả đổi tên bài thơ là "Tây Tiến".

-Nội dung: Cả bài thơ là nỗi nhớ da diết của nhà thơ đối với đơn vị Tây Tiến: Nhớ những chặng đường hành quân với bao gian khổ, thiếu thốn, hy sinh mất mát mà vẫn có nhiều kỉ niệm đẹp, thú vị, ấm áp; nhớ những đồng đội Tây Tiến anh hùng ... Qua đó, tác giả đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến hào hùng, hào hoa và vẻ đẹp hùng vũ thơ mộng của thiên nhiên miền Tây tổ quốc.

-Nghệ thuật

+ Bút pháp hiện thực kết hợp lãng mãn, đậm chất bi tráng.

+ Nhiều sáng tạo về hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu: Hình ảnh thơ sáng tạo mang sắc thái thẩm mĩ phong phú; Ngôn ngữ thơ đa sắc thái, phong cách; tên địa danh vừa cụ thể xác thực vừa gợi cảm giác lạ lẫm...; Giọng điệu: Khi tha thiết bồi hồi, khi hồn nhiên vui tươi, khi bâng khuâng man mác, khi trang trọng, khi trầm lắng..


VIỆT BĂC

-Tố Hữu (1920-2002) là nhà thơ lớn của thi ca VIệt Nam hiện đại. Các chặng đường thơ của Tố Hữu gần như song hành với các giai đoạn đấu tranh cách mạng của đất nước khiến thơ ông mang tính biên niên sử với nội dung trữ tình chính trị đậm nét.

- Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lơi, tháng 10/1954, các cơ quan trung ương của Đảng và chính phủ từ biệt căn cứ địa Việt Bắc trở về Hà Nội. Nhân sự kiện thời sự có tính lịch sử ấy, Tố Hữu sáng tác Việt Bắc.

- Nội dung: 

+ Bài thơ thể hiện tình cảm lưu luyến, bịn rịn của những người các bộ cách mạng về xuôi với đồng bào Việt Bắc và đó cũng là tình cảm của người dân Việt Bắc với cán bộ cách mạng.

+ Bài thơ khẳng định tình nghĩa thủy chung gắn bó, tình cảm uống nước nhớ nguồn của những cán bộ cách mạng đối với thủ đô kháng chiến, quê hương cách mạng và người dân Việt Nam.

-Nghệ thuật:

+ bài thơ được viết dưới thể thơ lục bát

+ bài thơ được viết với nối kết cấu đối đáp thường gặp trong ca dao dân ca.

+ bài thơ sử dụng cách ví von so sánh thường gặp trong văn học dân gian

+ Ngôn ngữ thơ giản dị, mộc mạc, gần gũi với lời ăn tiếng nói của quần chúng nhân dân 

+ hình ảnh chân thực, cụ thể


ĐẤT NƯỚC

-Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943, tại Thừa Thiên Huế trong một gia đình cách mạng

-Tốt nghiệp trường đại học sư phạm Hà Nội

-Năm 1964, trở về quê hương tham gia chiến đấu, từng bị địch bắt giam

-Sau năm 1975 hoạt động văn nghệ và công tác chính trị tại thành phố Huế

-Ông từng là Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam, bộ trưởng Bộ Văn Hóa - thông tin.

-Sáng tác vào mùa đông năm 1971, tại chiến trường Trị -Thiên. Đây là thời điểm mà cuộc chiến tranh chống Mỹ đang hồi quyết liệt.

-Trích chương V trong trường ca "Mặt đường khát vọng"(1971)

-"Mặt đường khát vọng" là bản trường ca viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ các thành thị vùng tạm bị chiếm miền Nam, nhận rõ bộ mặt xâm lược của Đế quốc Mĩ, hướng về nhân dân, đất nước, xuống đường đấu tranh hòa nhịp với cuộc chiến đấu chung của dân tộc.

-Nội dung: Thể hiện những nhận thức, khám phá mới mẻ về Đất nước của tuổi trẻ thành thị miền Nam trong thời chống Mỹ. Trên nền văn hóa dân gian vững chắc, tác giả đã hướng tới sự tìm tòi, suy ngẫm tới nhiều bình diện như lịch sử, địa lí, phong tục,... để làm nổi bật tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân và gợi ý thức trách nhiệm của mỗi người trước vận mệnh của Đất Nước.

-Nghệ thuật: Tất cả các kiến thức, tư liệu, sự kiện phong phú được đưa vào không chỉ để tác động vào lí trí, làm bừng sáng nhận thức mà còn lay thức tình cảm của người đọc, của mỗi người Việt Nam chủ yếu nhờ vào sự thẩm thấu qua tâm hồn cảm xúc của Nguyễn Khoa Điềm. Từ đó nhà thơ đã tìm được một cách nói riêng giọng điệu tâm tình.


SÓNG

-Xuân Quỳnh (1942-1988) quê ở làng lụa Hà Đông

-Xuân Quỳnh có cuộc đời bất hạnh, luôn khao khát tình yêu, mái ấm gia đình và tình mẫu tử

-Đặc điểm hồn thơ: tiếng nói của người phụ nữ giàu yêu thương, khao khát hạnh phúc đời thường, bình dị, nhiều lo âu, day dứt, trăn trở trong tình yêu.

-Sóng được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi công tác vùng biển Diêm Điền. Trước khi Sóng ra đợi, Xuân Quỳnh đã phải nếm trải những đổ vỡ trong tình yêu. Đây là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ và phong cách thơ Xuân Quỳnh. Tác phẩm được in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968)

-Nội dung: Bài thơ là sự cảm nhận về tình yêu từ hình tượng sóng với tất cả những sắc thái, cung bậc (nỗi nhớ, sự thủy chung, trắc trở) và cả khát vọng vĩnh cửu hóa itnhf yêu của một tâm hồn phụ nữ luôn chân thành, khát kháo hạnh phúc.

-Nghệ thuật: Thể thơ năm chữ, nhịp điệu thơ đa dạng, linh hoạt tạo nên âm hưởng của những con sóng: lúc dào dạt sôi nổi, lúc sâu lắng dịu êm rất phù hợp với việc gửi gắm tâm tư sâu kín và những trạng thái tình cảm phức tạp của tâm hồn. Cấu trúc bài thơ được xác lập theo kiểu đan xen giữa hình tượng sóng - bờ, anh -em cũng góp phần làm nên nét đặc sắc cho bài thơ.


NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ

-Nguyễn Tuân (1910-1987)

-Quê quán: quê ở thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục (tên nôm là làng Mọc), nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

-Ông trưởng thành trong một gia đình nhà Nho khi Hán học đã tàn

-Ông là một nghệ sĩ tài hoa, uyên bác, có cá tính độc đáo. Là nhà văn lớn của nền văn học Việt NAm hiện đại, Nguyễn Tuân sáng tác nhiều thể loại song đặc biệt thành công ở thể tùy bút.

-"Người lái đò sông Đà" được Nguyễn Tuân sáng tác sau những chuyến đi thực tế gian khổ và hào hứng tới miền Tây Bắc xa xôi, rộng lớn. Bài tùy bút được in trong tập "Sông Đà" xuất bản năm 1960. Nội dung bài tùy bút là miêu tả con Sông Đà và hình ảnh người lái đò vượt thác.

-Nội dung: Người lái đò sông Đà là một áng văn đẹp được làm nên từ tình yêu đất nước say đắm, thiết tha của một con người muốn dùng văn chương để ca ngợi vẻ đẹp vừa kì vĩ, hào hùng, vừa trữ tình, thơ mộng của thiên nhiên và nhất là của con người lao động bình dị ở miền Tây Bắc.

+Một con sông "hung bạo" và "trữ tình"

+Một người lái đò tiêu biểu cho vẻ đẹp của con người Tây Bắc tài trí dũng cảm trong lao động

-Nghệ thuật:

+ Đậm chất tài hoa uyên bác

+ Tác phẩm giàu chất thông tin; thời sự. Tác giả đã huy động vốn tri thức chuyên môn của nhiều ngành văn hóa, nghệ thuật khác nhau.

+ Lối so sánh liên tưởng độc đáo

+ Ngôn ngữ giàu có, tinh tế hiện đại, giàu cảm xúc, đậm chất tạo hình, rất sắc sảo.


AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG

-Hoàng Phủ Ngọc Tường quê ở Quảng Trị nhưng sinh ra, lớn lên và học tập tại Huế. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình; giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lí... Tất cả được thê hiện qua lối hành văn hướng nội, súc tính, mê đắm và tài hoa.

- Bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông in trong tập bút kí cùng tên. Tập sách gồm tám bài kí, viết ngay sau chiến thắng mùa xuân 1975, đang bừng bừng cản hứng ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhưng ở Hoàng Phủ Ngọc Tường, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc thường gắn với tình yêu thiên nhiên và truyền thống văn hóa sâu sắc.

-Nội dung:

+bài kí ca ngợi dòng sông Hương và rộng hơn là vung đất cố đô Huế đẹp thơ mộng trữ tình, ca ngợi lịch sử vẻ vang của Huế, ca ngợi văn hóa và tâm hồn người Huế.

+Tác giả coi sông Hương là biểu tượng cho tất cả những gì là vẻ đẹp của cảnh và người đất đế đô này

+bài kí chứng tỏ sự gắn bó máu thịt, tình yêu thiết tha với Huế và một vốn hiểu biết sâu sắc về nền băn hóa đất cố đô của tác giả

-Nghệ thuật:

+Đoạn trích là đoạn văn xuôi súc tích và dày chất thơ về sông Hương. Nét đặc sắc làm nên sức hấp dẫn của đoạn văn là những cảm xúc sâu lắng được tổng hợp từ một vốn hiểu biết phong phú về văn hóa, lịch sử, địa lí và một trí tưởng tượng sáng tạo độc đáo.

+Văn phong tao nhã, hướng nội, tinh tế và tài hoa.


VỢ CHỒNG A PHỦ

-Tô Hoài là một trong những nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông có vốn hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều vùng văn hóa khác nhau trên đất nước ta. Thành công nhất của Tô Hoài là những tác phẩm viết về hiện thực cuộc sống, con người vùng Tây Bắc

-Truyện "Vợ chồng A Phủ" được nhà văn Tô Hoài sáng tác năm 1952, in trong tập "Truyện Tây Bắc". Tác phẩm gồm 2 phần: phần đầu kể về cuộc sống tủi nhục của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài, là nô lệ nhà thống lí Pá Tra; phần sau kể về Mị và A Phủ ở Phiềng Sa, họ thành vợ chồng, được cán bộ A Châu giác ngộ cách mạng, A Phủ trở thành tiểu đội trưởng du kích cùng Mị đánh Pháp bảo vệ dân làng. Đoạn trích trong sách giáo khoa là phần thứ nhất của tác phẩm.

-Nội dung:

+Qua tác phẩm, tác giả lên án bọn thực dân , chúa độc ác dã man tàn bạo,bày tỏ sự cảm thông thấu hiểu nỗi thống khổ của người dân nghèo miền núi và khẳng định sức sống ngoan cường, khát vọng tự do tiềm tàng ở người dân lao động

+Qua tác phẩm, nhà văn còn phản ánh quá trình đấu tranh từ tự phát đến tự giác,chỉ ra con đường đấu tranh để giải phóng của người dân miền núi dưới ách áp bức của bọn thực dân phong kiến.

-Nghệ thuật

+Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Khắc họa nhân vật sinh động, có cá tính rõ nét. Hai nhân vật Mị và A Phủ có số phận giống nhau nhưng tính cách khác nhau đã được tác giả thể hiện bằng bút pháp thích hợp.

+Ngòi bút tả cảnh đặc sắc

+ Nghệ thuật trần thuật rất thành công với giọng kể trầm lắng đầy cảm thông, yêu mến; nhịp kể chậm xúc động có khi hòa vào dòng tâm tư của nhân vật, vừa bộc lộ nội tâm của nhân vật vừa tạo được sự đồng cảm


VỢ NHẶT

-Kim Lân tên thật là Nguyễn VĂn Tài, sinh năm 1920. Quê quán: Phù lưu, Từ Sơn, Bắc Ninh. Sở trường về truyện ngắn. Thế giới nghệ thuật của ông là xóm làng quê với người dân cày Việt Nam. Ông viết rất hay về những thú chơi dân dã đồng quê như chọi gà, thả diều, nuôi bồ câu... mà ông gọi là thú "phong lưu đồng ruộng"

-Tác phẩm, hai tập truyện ngắn: "Nên vợ chồng"(1955) và "Con chó xấu xí "(1962)

-"Vợ nhặt" viết năm 1955 được in trong tập truyện ngắn "Con chó xấu xí"

Truyện ngắn có tiền thân là tiểu thuyết "xóm ngụ cư" tác phẩm viết sau CMT8 nhưng còn dang dở và bị mất bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (1954) tác giả dựa vào cốt truyện cũ để viết truyện ngắn "Vợ nhặt"

-Nội dung:

+Truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim lân không chỉ miêu tả tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp 1945 mà còn thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của họ: ngay trên bờ vực của cái chết, họ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và yêu thương đùm bọc lẫn nhau.

+Chủ đề: Lên án tội ác của bọn thực dân, phát xít, phát hiện và khẳng định niềm khao khát hạnh phúc của gia đình, niềm tin mãnh liệt của người dân lao động

-Nghệ thuật:

+Tình huống truyện độc đáo: Vừa lạ, vừa éo le

+Cách kể chuyện hấp dẫn

+Miêu tả tâm lí khá tinh tế, dựng đối thoại sinh động


RỪNG XÀ NU

-Nguyên Ngọc, Nguyễn Trung Thành là bút danh của Nguyễn Văn Báu. Sinh năm 1932 tại Quảng Nam. Lăn lộn nhiều năm trên chiến trường ác liệt cả trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ.

-Hơi hướng Tây Nguyên, màu sắc tráng lệ, khuynh hướng sử thi... tạo nên cốt cảnh và vẻ đẹp văn chương của Nguyên Ngọc - Nguyễn Trung Thành

-Truyện "Rừng Xà Nu" được Nguyễn Trung Thành viết năm 1965, xuất hiện lần đầu trên tạp chí Văn Nghệ Quân giải phóng miền Trung Bộ, số 2 năm 1965 - năm 1969, in trong tập truyện ký "Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc".

-Nội dung: Tác phẩm đã tái hiện một bức tranh sinh động giúp người đọc hình dung một thời lịch sử rất đau thương mà anh dũng bất khuất của dân tộc. Thông qua câu chuyện về những con người ở một bản làng hẻo lánh, bên những cánh rừng xà nu bạt ngàn, xanh bất tận, tác giả đã đặt ra một vấn đề có ý nghĩa lớn lao của dân tộc và thời đại: để giành được độc lập, để cho sự sống của đất nước và nhân dân mãi mãi trường tồn, không có cách nào khác hơn là phải cùng nhau đứng lên, cầm vũ khí chống lại kẻ thù.

-Nghệ thuật: Bút pháp nghệ thuật đậm chất sử thi và cảm hứng lãng mạn qua: Đề tài, chủ đề, nghệ thuật trần thuật, miêu tả thiên nhiên, khắc họa tính cách số phận nhân vật, hình tượng xà nu,...


CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA

-Nguyễn Minh Châu (1930-1989) quê ở làng Thơi, xã Quỳnh Hải huyện Quỳnh Lưu,, tỉnh Nghệ An.

-Sau 1975, Nguyễn Minh Châu là một trong số những nhà văn đầu tiên của thời kì đổi mới đã đi sâu khám phá sự thật đời sống ở bình diện đạo đức thế sự. Tâm điểm những khám phá nghệ thuật của ông là con người trong cuộc mưu sinh, trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách.

-Truyện ngắn lúc đầu được in trong tập Bến Quê (1985), sau được nhà văn lấy tên chung cho một tuyển tập truyện ngắn (in năm 1987)

-Truyện in đậm phong cách tự sự - triết lí cuả Nguyễn Minh Châu, rất tiêu biểu cho hướng tiếp cận đời sống từ góc độ thế sự của nhà văn ở giai đoạn sáng tác thứ hai.

-Nội dung: Từ câu chuyện về một bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đời đằng sau bức ảnh, truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" mang đến cho người đọc nhiều suy ngẫm:

+Cần có 1 cách nhìn đa diện, nhiều chiều để có thể phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng,

+Mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời: Nghệ thuật phải gắn với cuộc đời - "NT vị nhân sinh"

-Nghệ thuật: Truyện xoay quanh tình huống tự nhận thức nhân vật từ lạ lẫm, ngộ nhận đến "giác ngộ", tình huống truyện đã chi phối:

+giọng điệu thay đổi linh hoạt: lúc say sưa hùng biện, lúc hài hước tự trào, lúc khách quan tiết chế, lúc trầm lắng suy tư.

+diễn biến tình tiết giàu kịch tính, chi tiết đối lập...

+sắc thái suy tư, chiêm nghiệm, suy tư - triết lí nổi bật hơn cả với những câu văn miêu tả giàu chất trữ tình, nhịp chậm, ngữ điệu trầm.


HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT

-Lưu Quang Vũ (1948-1988) sinh ra ở Hà Hòa,Phú Thọ, quê gốc Đà Nẵng, năng khiếu nghệ thuật của ông đã sớm bộc lộ từ nhỏ. Lưu Quang Vũ không chỉ trở thành một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm tám mươi của thế kỉ XX mà còn được coi là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đạ. Năm 1988, ông mất đột ngột vì tai nạn giao thông.

- Hồn Trương Ba, da hàng thịt được Lưu Quang Vũ viết năm 1981 nhưng đến năm 1984 mới công diễn và gây được ấn tượng mạnh đối với công chúng trong và ngoài nước. Từ một cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã xây dựng thành một vở kịch nói hiện đại, đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng,, triết lí và nhân văn sâu sắc.

-Nội dung: Qua đoạn trích tác giả muốn gửi tới người đọc thông điệp:

+ Được sống làm người qúy giá thật, nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn

+Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn.

+Con người phải luôn luôn biết đấu tranh với những nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục, thô thiển.

-Nghệ thuật:

+Nghệ thuật tạo tình huống, tạo xung đột kịch tính

+Nghệ thuật diễn tả hành động nhân vật, dựng lời thoại: Phù hợp với hoàn cảnh, tính cách nhân vật và sự phát triển của xung đột kịch

Chúc các bạn học tốt ^_^!!

shoppe