Đăng ký

Kĩ năng làm văn kiểu bài nghị luận xã hội

Đề bài

Làm thế nào để viết tốt dạng đề văn nghị luận xã hội?

Hướng dẫn giải

Trước tiên cần hiểu nghị luận xã hội là gì?

Nghị luận xã hội là kiểu bài nghị luận có nhiệm vụ bàn bạc, nhận định, đánh giá, đề xuất ý kiến về một vấn đề xã hội.

Phạm vi các vấn đề xã hội nói chung là hết sức rộng lớn bao gồm các vấn đề sinh hoạt, nếp sống, cho đến các vấn đề tư tưởng, đạo đức, tác phong, các vấn đề chính trị, văn hóa. 

Trong nhà trường, phạm vi nghị luận xã hội thường đề cập đến các vấn đề gần gũi với sự hình thành nhân cách, ý thức công dân của người học sinh, như các vấn đề đạo đức, luân lí, lẽ sống, trách nhiệm công dân, ý chí tiến thủ,, tinh thần vị tha... Học sinh cần phải chứng tỏ trong các vấn đề ấy bản thân có hiểu biết, có thái độ, lập trường đúng đắn, tiến bộ, tất cả vì sự công bằng xã hội, sợ phông thịnh của đất nước và hòa bình cho mọi người. 

Làm sao để làm tốt bài nghị luận xã hội?

Để làm tốt kiểu bài này, học sinh phải thường xuyên tu dưỡng, tích lũy kiến thức xã hội, tìm hiểu kho tàng cách ngôn, danh ngôn, chú ý khía cạnh xã hội, đạo đức, chính trị trong văn học, suy nghĩ về nếp sống và nghĩa vụ của người công dân trong thời đại mới.

Bài nghị luận xã hội tốt đòi hỏi học sinh chẳng những có hiểu biết và trình bày rõ ràng, thuyết phục về vấn đề xã hội đang bàn mà còn cần biết bày tỏ cách suy nghĩ của riêng mình cùng một lập trường công dân tích cực, nhiệt tình. 

Học sinh phải biết vận dụng kiến thức trong đời sống thực tế, hay trong sử sách, trong tác phẩm nghệ thuật để luận giải vấn đề xã hội đang bàn, phải viết sao cho lay động được những tư tưởng, tình cảm xã hội của người đọc, người chấm thi. Tránh sao chép sáo mòn những tư tưởng có sẵn trong khi bản thân học sinh không hề hiểu hoặc dửng dưng.

Xem thêm: 

Kĩ năng làm bài nghị luận xã hội

nlxh

Vô cảm trong xã hội ngày nay (nguồn ảnh internet)

1.  Lập ý và bố cục:

Xác lập được luận điểm, luận cứ xác đáng. Trình bày với bố cục ba phần đại thể như sau:

a) Mở bài

Giới thiệu vấn đề xã hội cần được bình luận với tầm quan trọng, thích đáng của nó (nêu tầm quan trọng, giới thiệu vấn đề, dự báo hướng giải quyết)

b) Thân bài:

- Trình bày rõ vấn đề được đem ra bình luận bằng thao tác miêu tả, giải thích, phân tích tư tưởng của đề và lấy dẫn chứng chứng minh tính xác thực của vấn đề đó.

- Phân tích các mặt đúng, sai, lợi, hại của tư tưởng hay hiện tượng có vấn đề để có nhận định, đánh giá đúng. Có thể sử dụng các thao tác phân tích, so sánh, đối chiếu...

- Xem xét vấn đề trên các bình diện từ cá nhân đến xã hội, từ quá khứ đến hiện tại, từ lí luận đến thực tiễn, trong ngoài nước...tùy từng trường hợp cụ thể.Có dẫn chứng trong từng phạm vi dể chứng minh, nhận dịnh.

- Phân tích nguyên nhân, dự báo hậu quả tức tầm quan trọng của vấn đề đòi hỏi phải tích cực giải quyết hoặc đề xuất kiến nghị

c) Kết bài: 

Nêu tổng quát vấn đề vừa bàn và bày tỏ thái độ  hướng tới liên hệ thực tiễn, hành động.

2. Kĩ năng giải thích, phân tích, chứng minh, suy luận

- Học sinh phải biết cách giải thích ý trong đề, trong các danh ngôn, tục ngữ, cách ngôn , nhận định, phân tích nó ra từng khía cạnh nhỏ hơn để xem xét.

- Biết vận dụng các thao tác lập luận, quy nạp, diễn dịch, so sánh  để rút ra kết luận

3. Kĩ năng diễn đạt

- Biết dùng từ, đặt câu phù hợp. Biết sử dụng câu phức để diễn tả những ý phức tạp. 

- Biết dựng đoạn văn với các thủ pháp thông thường như liệt kê, song hành, móc xích...

- Biết tạo cho lời văn có giọng điệu, vừa đúng đắn, vừa gợi cảm, đưa người đọc vào vấn đề cần quan tâm.

shoppe