Nghị luận văn học về một đoạn thơ hay nhất
Cunghocvui gửi đến bạn những lưu ý, yêu cầu bắt buộc cần nắm được trong một bài nghị luận về một đoạn thơ để có thể đạt được điểm tối đa. Mong rằng bài viết sẽ giúp ích được cho quá trình học tập của bạn!
1) Tổng quát
a) Yêu cầu
Thể hiện được chiều sâu của kiến thức
Phân tích tỉ mỉ, sâu sắc các chi tiết, hình ảnh thơ
Thể hiện sự cảm thụ và đánh giá của cá nhân với đoạn thơ đó.
Phân tích, cảm nhận cần thấy được vai trò, vị trí của đoạn thơ trong việc thể hiện chủ đề, tư tưởng chung của tác phẩm.
Phân tích, cảm nhận đi từ nội dung đến nghệ thuật và kèm theo trích dẫn câu thơ.
b) Lưu ý
- Dù chỉ là phân tích, cảm nhận một đoạn thơ nhưng vẫn cần đảm bảo đầy đủ các yêu cầu trên nên không được coi nhẹ.
- Nếu là:
+) Nghị luận những đoạn thơ mở đầu thì phần cuối của thân bài nên giới thiệu khái quát nội dung của những đoạn thơ tiếp theo trong bài thơ, tạo nên tính trọn vẹn.
+) Nghị luận về những đoạn thơ sau thì phần đầu của thân bài nên giới thiệu nội dung khái quát của những đoạn thơ trước đó làm phần đề dẫn.
2) Ví dụ minh họa
a) Đề bài:
Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu:
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sảng như ngày mai lên.
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.
(Việt Bắc - Tố Hữu - SGK Ngữ văn 12 tập Một)
b) Gợi ý:
♦ Mở bài: Giới thiệu tác giả Tố Hữu, tác phẩm Việt Bắc, đoạn thơ (vị trí, nội dung khái quát: bức tranh Việt Bắc ra hận).
♦ Thân bài:
* Luận điểm 1: Khái quát chung
- Giới thiệu về hoàn cảnh sáng tác và nội dung khái quát của bài thơ Việt Bắc.
- Khái quát nội dung của đoạn thơ trước (tâm trạng chia li tiễn biệt giữa mình và ta, bức tranh thiên nhiên, hình ảnh con người Việt Bắc trong nỗi nhớ của người ra đi).
* Luận điểm 2: Phân tích đoạn thơ:
- Khái quát: Đoạn thơ dựng lại không khí hào hùng của những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta
- Khí thế dũng mãnh của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Bắc (8 câu đầu):
+ Sự lớn mạnh của lực lượng kháng chiến (quân chủ lực, dân công, xe vận tải), không khí chuẩn bị cho các chiến dịch khẩn trương, sôi nổi, đầy quyết tâm (khai thác nghệ thuật so sánh, cường điệu; hiệu quả của từ láy và điệp âm, sử dụng nhiều âm bật hơi, âm rung...)
+ Niềm lạc quan tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước (đèn pha bật sáng như ngày mai lên đối lập với quá khứ nghìn đêm thăm thẳm sương dày.)
- Khí thế chiến thắng của mọi miền đất nước (4 câu sau):
+ Niềm vui dâng tràn, lan tỏa trong không gian với tốc độ nhanh chóng tạo; nên một màn đố vui trải dài từ Bắc vào Nam.
+ Chú ý nghệ thuật liệt kê gắn bó với tên địa danh cụ thể từ Bắc tới Nam, từ miền xuôi đến miền ngược. Điệp từ vui diễn tả niềm vui lớn.
* Luận điểm 3: Đánh giá, khái quát lại.
- Đoạn thơ ca ngợi cuộc kháng chiến hào hùng, tự hào về sức mạnh của nhân dân đất nước trước kẻ thù xâm lược.
- Nghệ thuật sử dụng các hình ảnh, từ ngữ, phối hợp sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật (các từ láy, các động từ, phép điệp, so sánh, ẩn dụ...).
- Giọng thơ sảng khoái, hào hùng, nhịp điệu mạnh mẽ, âm hưởng hùng tráng.
♦ Kết bài: Đoạn thơ thể hiện thành công cảm hứng ngợi ca cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta.
Xem thêm >>>Luyện tập viết đoạn văn nghị luận về một hiện tượng đời sống
Trên đây là bài viết Cunghocvui sưu tầm và tổng hợp chính xác nhất về nghị luận một đoạn văn, kèm theo những yêu cầu và lưu ý bạn cần nắm được. Đừng quên để lại những comment ý kiến thắc mắc, đóng góp ở phía bên dưới, chúc bạn học tập tốt <3