Nghị luận về phương diện nội dung, nghệ thuật trong bài thơ, đoạn thơ
Dưới đây Cunghocvui gửi đến bạn yêu cầu, lưu ý, dàn ý và ví dụ minh họa (có hướng dẫn) về nghị luận về phương diện nội dung, nghệ thuật trong bài thơ, đoạn thơ.
1) Tổng quát
a) Yêu cầu
Luôn luôn bám sát định hướng đã cho sẵn, làm nổi bật vấn đề nghị luận tránh việc phân tích, cảm nhận lan man toàn bộ bài thơ, đoạn thơ.
b) Lưu ý
- Phạm vi của dạng đề tương đối rộng có thể khai thác ở cả khía cạnh nội dung (hình tượng Sóng trong bài thơ Sóng, hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến...) hoặc nghệ thuật (màu sắc cổ điển và hiện đại trong bài thơ Chiều tối, nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca...).
- Cần học kĩ từng phương diện nội dung, nghệ thuật của các tác phẩm thơ.
2) Dàn ý
a) Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm (đoạn thơ),
- Giới thiệu được về vấn đề nghị luận (hình tượng sóng, hình tượng người lính...)
b) Thân bài:
+ Đầu tiên, nếu vấn đề nghị luận mà đề bài đưa ra có từ ngữ hàm súc hoặc không thông dụng, cách nói bóng bẩy thì cần giải thích rõ.
Ví dụ: Phân tích vẻ đẹp của bức tranh tứ bình trong một đoạn thơ của bài thơ Việt Bắc, học sinh trước khi phân tích cần giải thích được bức tranh tứ bình là gì.
+ Khi viết cần xác định trọng tâm nghị luận nhưng cũng tránh việc tách rời hai yếu tố nội dung và nghệ thuật. Nếu đề bài đề cập đến yếu tố nội dung, cần đánh giá được các yếu tố nghệ thuật thể hiện nội dung đó; khi đề bài yêu cầu khai thác phương diện nghệ thuật lại cần rút ra được nội dung chủ đề, tư tưởng thể hiện qua đó.
+ Bài viết có thể theo trình tự phân tích các câu thơ, đoạn thơ để làm sáng tỏ vấn đề nhưng không giống như hai dạng bài trên, người viết còn có thể lựa chọn trình tự “bổ dọc”, tức là làm bài theo hệ thống ý làm sáng tỏ vấn đề nghị luận, dùng các câu thơ rải rác ở trong bài để làm sáng tỏ các ý đó mà không nhất thiết theo thứ tự trước sau.
c) Kết bài: Khẳng định lại vấn đề nghị luận
3) Ví dụ minh họa
a) Đề bài: Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Xuân Quỳnh.
Có thể bạn quan tâm: Nỗi nhớ tình yêu: Tương tư và Sóng
b) Gợi ý
♦ Mở bài
- Giới thiệu tác giả Xuân Quỳnh, tác phẩm “Sóng”
- Vấn đề nghị luận: hình tượng sóng.
♦ Thân bài
* Luận điểm 1 :Khái quát chung:
- Hình ảnh sóng rất quen thuộc trong văn học để thể hiện thế giới tình cảm đa dạng, phức tạp của con người.
- Trong bài thơ, Xuân Quỳnh vẫn thể hiện được sự một sáng tạo nghệ thuật độc đáo với hình tượng sóng: sóng và em hợp thành một cặp hình ảnh song hành, quấn quýt. Sóng là hình tượng trung tâm của bài thơ, mạch thơ cũng là những lớp sóng.
* Luận điểm 2: Hình tượng sóng trong bài thơ:
- Hình tượng sóng qua âm điệu, cách tổ chức ngôn ngữ: thể thơ năm chữ, ngắt nhịp linh hoạt, tổ chức ngôn ngữ theo nguyên tắc đối xứng, hô ứng, trùng điệp.
- Hình tượng sóng được khắc hoạ cụ thể, toàn vẹn, sinh động qua mạch kết nối của các khổ thơ, hình tượng sóng liên tục được khám phá với nhiều ý nghĩa khác nhau; mỗi khám phá gợi liên tưởng đến em và tình yêu:
+ Hai khổ đầu: sóng là đối tượng để chia sẻ, giãi bày, để cảm nhận. Đặc điểm của sóng rất giống với các cung bậc tình yêu.
+ Bốn khổ thơ tiếp: Hình tượng sóng trở thành đối tượng để ngẫm nghĩ, để suy tư, để truy tìm ngọn nguồn của tình yêu và những cung bậc đầy màu sắc của nó
+ Ba khổ cuối: Từ chỗ là đối tượng của sự suy tư, trăn trở, sóng trở thành khát vọng. Sóng và em song trùng từ đầu bài thơ, đến đây em hoà tan vào sóng để đẩy con sóng tới chan chứa yêu thương.
* Luận điểm 3: Khái quát lại:
- Sóng là hình tượng trung tâm của bài thơ cũng là một hình tượng ẩn dụ, đó là sự hoá thân, phân thân của cái tôi trữ tình. Có thể gọi sóng là cái tôi thứ hai của nữ sĩ.
- Cùng với hình tượng em, sóng thể hiện những trạng thái, quy luật riêng của tình yêu, cùng vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ đang yêu, rất truyền thống mà cũng rất hiện đại.
♦ Kết bài: Khái quát, khẳng định vấn đề nghị luận
Xem thêm >>> Nghị luận văn học: phân tích, cảm nhận về một bài thơ
Nếu có ý kiến thắc mắc hay đóng góp đến Cunghocvui thì bạn hãy để lại ở phía dưới comment, chúc bạn học tập tốt <3