Vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc và hình tượng người lính Tây Tiến
1) Đề bài:
Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ “Tây Tiến” để làm nổi bật vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc và hình tượng người lính Tây Tiến:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
(Tây Tiến - Quang Dũng - SGK Ngữ văn 12 tập Một)
Có thể bạn quan tâm: Những cảm xúc chân thật và lãng mạn từ "Tây Tiến" đến "Việt Bắc"
2) Gợi ý:
a) Mở bài: Giới thiệu tác giả Quang Dũng, tác phẩm Tây Tiến, đoạn thơ và vấn đề cần nghị luận: vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc và hình tượng người lính Tây Tiến.
b) Thân bài:
* Luận điểm 1: Khái quát chung.
- Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác và nội dung khái quát cùa bài thơ.
* Luận điểm 2: Phân tích để làm nổi bật vẻ đẹp của thiên nhiên và người lính Tây Tiến:
- Hai câu thơ mở đầu mang cảm xúc chủ đạo của toàn bộ bài thơ: một nỗi nhớ thiết tha, gọi dậy dòng kỉ niệm đầy thương nhớ.
- Sáu câu thơ tiếp: hình ảnh những cuộc hành quân của người lính Tây Tiến giữa thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng, được cảm nhận bằng cảm hứng lãng mạn và tâm hồn hào hoa. Nhà thơ đã lấy ngoại cảnh của núi rừng miền Tây hiểm trở, gian khổ để tô đậm chí khí anh hùng của người lính Tây Tiến.
- Bốn câu tiếp: sự hi sinh bi tráng của người lính trên đường hành quân, hi sinh bởi dãi dầu, kiệt sức nhưng vẫn hiên ngang đầy chủ động. Sự bi tráng càng được làm nổi bật trên nền của bức tranh thiên nhiên bí ẩn, sâu thẳm, oai nghiêm và ghê rợn được khắc họa qua những âm thanh.
“ Hai câu cuối: thắm thiết tình cảm quân dân và mang đậm chất hào hoa của người lính. Cảm xúc thơ bồi hồi tha thiết như lời nhắn gửi của một khúc tâm tình, như tiếng hát của một bài ca hoài niệm, bâng khuâng mà lại rất tự hào.
* Luận điểm 3: Đánh giá chung.
- Đoạn thơ đã khắc họa hình ảnh của thiên nhiên Tây Tiến đầy ấn tượng, vừa hùng vĩ, thơ mộng lại rất gập ghềnh, hiểm trở qua cảm xúc của nỗi nhớ. Nỗi nhớ cũng mang lại niềm tự hào sâu sắc khi nhà thơ khắc họa hình ảnh người lính Tây Tiến kiên cường, tràn đầy chí khí.
- Bút pháp nghệ thuật lãng mạn, sử dụng các từ láy tạo hình, thủ pháp đối... đã khiến đoạn thơ đã để lại một dấu ấn đẹp đẽ về thơ ca kháng chiến.
c) Kết bài: Khái quát, khẳng định vấn đề.
Xem thêm >>> Đề thi thử THPT Quốc gia 2017: Tây Tiến
Trên đây là bài viết phân tích một đoạn thơ trong bài "Tây Tiến" - Quang Dũng để làm nổi bật vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc và hình tượng người lính Tây Tiến, hy vọng bài viết có hữu ích cho bạn trong quá trình học tập. Chúc bạn học tập tốt <3