Vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam: Mị và bà cụ Tứ
A. ĐỀ BÀI
Phần I. Đọc hiểu (3 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Xuân Diệu tiết kiệm từng tích tắc. Nếu đi đâu về, thường thì ông treo áo lên mắc luôn chứ không vắt ở ghế, để khỏi phải mất một khoảng thời gian treo nó lên mắc áo. Có lần, Xuân Diệu mời tôi đến nhà để chuẩn bị cho cuộc hội thảo thơ ở trường Nguyễn Du. Ông hẹn chính xác tới từng phút. Tôi đến trước hẹn chừng nửa tiếng, Xuân Diệu kéo cái ghế mây mời tôi ngồi, rồi đưa cho tôi mấy tập bản thảo thơ tình chép tay của ông, để tôi đọc. Còn ông lại tiếp tục làm việc nửa tiếng nữa trên cải bàn cũ kỹ có lót một tâm kính cũng rất cũ kỹ.[...]
Xuân Diệu về nhà tôi vào năm 1968. [...] Theo lời mẹ tôi kể, thì bác nhà báo đã mượn cây đèn bão, xách ra vườn, soi từng giàn trầu, gốc cau, luống mía và mấy cây bưởi. Xuân Diệu tìm gặp những nhân vật thân thuộc của tôi. Bác ấy kiểm tra xem mày nói có đúng không. Khổ, có thể nào thì cứ nói như thế, đừng đặt điều thêm ra, kèo lại mang tiếng là mình ăn ở không thật thà. Thấy bác ấy kiểm tra, tao lo quá. Thế có làm sao không, hả con? Mà thôi, đừng có thơ phú gì nữa cho rắc rối ra. Cứ đi cày như bố mày là yên chuyện.
(Trần Đăng Khoa, Chân dung và đối thoại, NXB Thanh niên).
Câu 1: Nhân vật trung tâm được tác giả Trần Đăng Khoa nhắc đến trong đoạn trích trên là ai? .
Câu 2: Chỉ ra phong cách ngôn ngữ của đoạn trích trên. Tại sao anh (chị) nhận ra phong cách ngôn ngữ đó? .
Câu 3: Những câu sau có đặc điểm đặc biệt gì về giọng điệu? Hãy phân tích giá trị của cách sử dụng từ mang lại giọng điệu như vậy: Khổ, có thể nào thì cứ nói như thế, đừng đặt điều thêm ra, kẻo lại mang tiếng là mình ăn ở không thật thà. Thấy bác ấy kiểm tra, tao lo quá. Thế có làm sao không, hả con? Mà thôi, đừng có thơ phú gì nữa cho rắc rối ra. Cứ đi cày như bố mày là yên chuyện.
Câu 4: Qua đoạn trích, anh (chị) nhận xét gì về mối quan hệ giữa tác giả và nhân vật được nói đến? .
Phần II. Làm văn (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm):
Nhà văn Gabriel Garcia Marquez từng phát biểu: "Không phải người ta ngừng theo đuổi giấc mơ vì mình già đi, người ta già đi vì ngừng theo đuổi giấc mơ". Bằng đoạn văn khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về câu nói trên.
Câu 2 (5 điểm):
Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua nhân vật Mị ( “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài), bà cụ Tứ (“Vợ nhặt” của Kim Lân).
B. GỢI Ý LÀM BÀI
Phần I. Đọc - hiểu (3 điểm)
Câu 1: Nhân vật trọng tâm mà Trần Đăng Khoa nhắc đến là nhà thơ Xuân Diệu. .
Câu 2: Phong cách ngôn ngữ sử dụng là phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.
Dấu hiệu nhận diện là các từ ngữ mang tính đời thường: có lần, quên béng, bò xoài, khốn khổ, mãi sau này,....
Câu 3: Các câu văn: Khổ, có thế nào thì cứ nói như thế, đừng đặt điều thêm ra, kẻo lại mang tiếng là mình ăn ở không thật thà. Thấy bác ấy kiểm tra, tao lo quá. Thế có làm sao không, hả con? Mà thôi, đừng có thơ phú gì nữa cho rắc rối ra. Cứ đi cày như bố mày là yên chuyện là lời dẫn gián tiếp của Trần Đăng Khoa dẫn lời của mẹ mình.
Giọng điệu của các câu văn trên rất giản dị, chân thật, thể hiện cái lo âu đời thường của một người mẹ nông dân nghĩ về thơ phú của con cái mình. Người mẹ của Trần Đăng Khoa tiêu biểu cho những người nông dân hằng ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, luôn lo lắng cho con cái.
Dấu hiệu nhận ra giọng điệu đó là những lời nói mang tính khẩu ngữ của người mẹ và cách kể một cách hài hước của Trần Đăng Khoa khi dẫn lại những từ ngữ đó như: Khổ, có thế nào thì, tao lo quá, hả con, mà thôi, đừng có thư phú gì nữa, cứ đi cày như bố mày, yên chuyện.
Câu 4: Đoạn trích thể hiện mối quan hệ rất thân thiết giữa tác giả và Xuân Diệu, điều này thể hiện qua cách xưng hô, cách kể những câu chuyện về Xuân Diệu để toát lên sự vất vả của nhà thơ khi làm công tác sáng tạo nghệ thuật.
Phần II. Làm văn (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm):
Yêu cầu về hình thức:
- Viết đúng 01 đoạn văn, khoảng 200 từ.
- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu,...
Yêu cầu về nội dung:
- Giải thích: Câu nói của Gabriel Garcia Marquez khẳng định vai trò, ý nghĩa của ước mơ trong hành trình cuộc đời của mỗi con người. Ước mơ giúp nối dài sự sống, nối dài sức trẻ trong mỗi con người. Chừng nào còn mơ ước và theo đuổi mơ ước, chừng đó con người còn sống và tâm hồn con người còn trẻ trung.
- Chứng minh ý kiến:
+ Ước mơ, hoài bão của con người trong cuộc sống vô cùng đa dạng, phong phú. Có những ước mơ bình dị, nhỏ bé, nhưng cũng có những ước mơ lớn lao, cao cả.
Ước mơ mang đến cho tâm hồn con người sự tươi mới. Còn ước mơ tức là con người còn hướng tới tương lai, còn muốn vươn tới những điều tốt đẹp ở phía trước. Khi sống trong bầu không khí của ước mơ, tâm hồn con người sẽ tràn ngập niềm vui, tinh thần lạc quan, nhiệt huyết và đam mê.
Không có ước mơ nghĩa là không có gì chờ đợi ở ngày mai. Không có ước mơ nghĩa là không còn muốn cố gắng và vươn lên. Bởi vậy, nếu không có ước mơ, đời sống bên trong của mỗi người sẽ giống như mảnh đất khô cạn, cằn cỗi, thiếu sức sống.
+ Ước mơ mang đến cho con người sức sống, động lực, niềm tin và sức mạnh để vượt qua những thử thách, gian lao ở phía trước. Ước mơ giống như ngọn hải đăng trong cuộc đời mỗi con người, nó dẫn bước con người bước trên đường đời, định hướng cho con đường mà con người cần đi.
Thiếu đi ước mơ, mọi hành động của con người sẽ trở nên vô nghĩa, cuộc đời con người sẽ mất phương. Thiếu đi ước mơ, con người cũng không thể có đủ sức mạnh để vượt qua những thử thách phía trước.
- Bình luận:
Con người sống phải có khát vọng và biết cách giữ niềm tin ở bản thân để có thể vươn tới bao mục tiêu chờ ta chinh phục, phải biết kết hợp ước mơ và thực tại, ước mơ phải bắt nguồn từ cuộc sống, phải có ước mơ, có những khao khát mãnh liệt, cháy bỏng nhưng đừng mơ ước hão huyền, vạch ra những kế hoạch để biến ước mơ thành hành động, phải trau dồi tri thức, phải rèn luyện ý chí, những kĩ năng sống, rèn đức luyện tài để có khả năng biến ước mơ thành hiện thực.
Câu 2 (5 điểm):
1. Mở bài
- Trong nền văn học Việt Nam hiện đại 1945 - 1975, cùng với thơ, truyện ngắn cũng là thể loại có nhiều thành tựu nổi bật. Bên cạnh những truyện ngắn có giá trị viết về đề tài chiến tranh và chủ nghĩa anh hùng cách mạng còn có những truyện ngắn viết về cuộc sống thường ngày, phản ánh số phận người lao động, đặc biệt là số phận người phụ nữ với những khám phá rất mới mẻ về khát vọng và vẻ đẹp tâm hồn của họ. Tiêu biểu là Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài và Vợ nhặt của Kim Lân. Đây là hai tác phẩm có những tìm tòi, phát hiện rất mới về vẻ đẹp của Người phụ nữ trong văn học. Bên cạnh những nét chung, mỗi tác phẩm lại có cách tái hiện người phụ nữ rất riêng và đáng trân trọng. Chính điều này đã tạo nên giá trị, sức sống lâu bền cho từng tác phẩm.
2. Thân bài
- Khái quát chung
+ Từ cổ chí kim, hình tượng người phụ nữ Việt Nam như sợi chỉ đỏ, xuyên suốt nền văn học Việt Nam. Đó là những nàng Kiều với số phận đầy nghiệt ngã, người chinh phụ phải sống trong sầu tủi, cô đơn; một Hồ Xuân Hương thông minh, sắc sảo, khát khao hạnh phúc nhưng cuối cùng vẫn rơi vào bi kịch “san sẻ”. Những số phận phụ nữ trong gia đoạn văn học trước đều mang số phận khổ đau, bế tắc. Đến thời hiện đại họ hóa thân vào nhân vật Mai (Nưa chừng xuân), nhân vật Loan (Đoạn tuyệt) trong những trang văn đầy lãng mạn của Tự lực văn đoàn và họ còn là một chị Dậu bị xã hội vùi dập đến cùng cực phải bán con bán chó, để cả cuộc đời của chị là một đêm tối dày đặc, không lối thoát. Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao - một con người sinh ra đã không được ông trời ban cho nhan sắc, vậy mà chuyện tình duyên cũng không được trọn vẹn. Thị Nở muốn được chung sống với Chí Phèo, muốn chăm sóc cho Chí nhưng đó cũng là một ước muốn xa vời. Làng xóm chê cười, bà cô của Thị lại ngăn cấm. Cuộc đời của người phụ nữ thật bất công, chịu nhiều đắng cay, tủi nhục, nhưng ở họ luôn sáng ngời vẻ đẹp nhân phẩm. Họ chính là những đại diện tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam có cuộc đời bất hạnh.
+ Qua nhiều giai đoạn lịch sử, vị trí thay đổi, nhưng hình ảnh người phụ nữ vẫn nổi bật trong văn học Việt Nam từ xưa đến nay. Các nhà thơ, nhà văn luôn hướng về những phụ nữ có số phận bất hạnh, thiệt thòi, đau khổ. Họ thông cảm, khóc thương cho thân phận nhỏ bé. Với cái nhìn nhân đạo của mình, các nhà thơ, nhà văn đã làm nổi bật lên những phẩm chất cao quý sáng ngời của người phụ nữ Việt Nam.
+ Góp vào nền văn học nước nhà, Tô Hoài với tác phẩm Vợ chồng A Phủ, Kim Lân với Vợ nhặt càng tô đậm hơn hình tượng người phụ nữ. Những nhà văn này đã góp lên tiếng nói chung - tiếng nói nhân đạo đối với họ. Không những thể hiện sự quan tâm, thông cảm, đồng cảm với những số phận bất hạnh này mà những nhà văn còn trân trọng, ngợi ca những phẩm chất cao quý của người phụ nữ.
+ Đến giai đoạn văn học 1945 - 1975, hình tượng người phụ nữ đã đứng lên, vượt lên trên số phận để khẳng định mình. Với Vợ chồng A Phủ, ta bắt gặp hình ảnh Mị - một người phụ nữ dân tộc Mèo bất hạnh với sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Đọc Vợ nhặt của Kim Lân, ta cảm thấy xót xa cho bà cụ Tứ - một người giàu tình yêu.
+ Những người phụ nữ trong hai câu chuyện nói trên là những con người lao động có cuộc đời cực khổ, bất hạnh. Nhưng dưới góc nhìn sự vật, hiện tượng theo chiều hướng vận động đi lên, các nhà văn đã phát hiện, khám phá ra những vẻ đẹp khuất nấp, ẩn sâu trong hình ảnh bi kịch của họ. Để từ đó số phận của họ luôn được nhìn nhận và phát triển theo quy luật đi lên, từ bóng tối đến ánh sáng, từ “thung lũng đau thương đến cánh đồng vui”.
- Vẻ đẹp của nhân vật Mị:
+ Mị vốn là một cô gái Mèo xinh đẹp, trẻ trung hồn nhiên và có tài thổi sáo cô “uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo có bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị”. Đấy là dấu hiệu về một vẻ đẹp tâm hồn phong phú và lãng mạn, biểu hiện của một sức sống trẻ trung, rạo rực. Mị cũng đã từng được yêu và cô cũng đã từng yêu. Trái tim giàu khao khát của cô đã từng rung động theo tiếng gọi của tình yêu, hồi hộp trước những âm thanh hò hẹn. Nhưng người con gái vùng sơn cước ấy lại bị rơi vào hoàn cảnh éo le vì món nợ của cha mẹ mà cô đành phải cam chịu làm con dâu gạt nợ trong nhà thống lý. Đó là cái cảnh ngộ làm dâu trên danh nghĩa còn trong thực tế chẳng khác gì kẻ ăn người ở trong nhà , không bằng con trâu con ngựa “con ngựa con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ. Đàn bà con gái nhà này thì vùi đầu vào cả đêm cả ngày, không những thế còn bị đánh, phạt, trói cho đến chết bất cứ lúc nào”. Mị mới ngày nào là cô gái tươi tắn, xinh đẹp, giờ biển thành một cái xác không hồn, dần dần Mị trở nên chai sạn, cạn kiệt nhựa sống. Cô sống vật vờ y một cái bóng “lùi lùi như một con rùa nuôi xó cửa”.
+ Nhưng điều quan trọng là nhà văn đã phát hiện ra rằng, bên trong tâm hồn người con gái ấy vẫn còn ẩn chứa một sức sống tiềm tàng, chỉ chờ có dịp là bùng lên mạnh mẽ . Và trong tác phẩm của mình nhà văn đã miêu tả thành công sự trỗi dậy sức sống tiềm tàng đó bằng một quá trình phát triển tâm lí, hành động khá sâu sắc và hợp lý.
+ Ngay sau khi bị rơi vào cảnh làm con dâu gạt nợ cho nhà thông lí, hàng tháng dài đêm nào Mị cũng khóc. Mị cầm nắm lá ngón về nhà lạy chào vĩnh biệt cha. Cô định tự tử vì ý thức được cuộc sống tủi nhục của mình và không chấp nhận cuộc sống ấy. Nhưng sự uất ức đến nỗi muốn chết ấy lại là một biểu hiện của lòng ham sống và khát vọng tự do, vì không muốn tiếp tục một cuộc sống đầy đọa nên cô đã tìm đến cái chết như một phương tiện giải thoát nhưng rồi cô lại không thể chết vì còn đó món nợ truyền kiếp. Thương cha không muốn cha phải khổ và thế là Mị đành phải sống, sống mà như đã chết bởi “ở lâu trong cái khổ dần dần Mị cũng quen đi”. Chính lúc này, Mị lại trở nên đáng thương hơn, bởi muốn chết nghĩa là con người ấy còn ham sống, không chấp nhận một cuộc sống tủi nhục đọa đày và khi không còn ý nghĩ đến cái chết nữa tức là ý nghĩa của sự sống dường như không còn tồn tại nữa.
+ Với tấm lòng nhân hậu đầy cảm thông, nhà văn nhận ra rằng khát vọng hạnh phúc trong Mị có thể bị vùi lấp, lãng quên nhưng không thể biến mất, bị tiêu tan. Trong tâm hồn trẻ trung sớm bị chai sần vì đọa đày, đau khổ kia âm ỉ một ngọn lửa ham sống và chắc chắn sẽ bùng cháy mạnh mẽ khi gặp những điều kiện thuận lợi.
+ Và khoảnh khắc ấy đã đến, đó là vào một đêm tình mùa xuân. Sự thức tỉnh trong tâm hồn Mị là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố. Năm ấy, Tết dường như đến sớm hơn mọi năm, rất có không khí và tâm trạng, do đó, nó cũng khơi gợi sự sống tràn đầy, trẻ trung. Tết ở Hồng Ngài năm ấy thật đẹp và thanh bình : “Trên đầu núi, các nương ngô nương lúa đã gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các kho [...] trong các làng mèo đó, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mõm đá xoè như con bướm sặc sỡ [...] hoa thuốc phiện vừa nở trắng lại đổi ra màu đỏ hau , đỏ thẫm rồi chuyển sang màu tím ngắt...” Đặt biệt, cái không khí chờ đợi Tết, những đứa trẻ con chơi bi, chơi quay, tiếng sáo gọi bạn yêu lơ lửng, tha thiết bồi hồi khi đêm về. Mị nghe tiếng sáo vọng lại tha thiết, bồi hồi, Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi sáo “Mày có con trai con gái/ mày đi làm nương/ ta không có con trai con gái ta đi tìm người yêu”.
+ Những yếu tố ngoại cảnh đó là những nhân tố cực kỳ quan trọng dẫn đến sự diễn biến tâm lý nhân vật nó đóng vai trò của nhân tố gợi hứng đánh thức kí ức và gợi lại kỉ niệm yêu đương bị lùi vấp bấy lâu trong tâm hồn lầm lũi thường ngày, trơ thành tiếng gọi tha thiết nơi trái tim đã bao lâu nay âm thầm, câm nín. Từ ngoại cảnh đã tác động làm đối thay cảm xúc, tâm trạng và cuối cùng cụ thể hóa bằng hành động. Năm đó Mị đã uống rượu “uống ừng ực từng bát” rồi say lịm người, hơi men lâng lâng đã gọi lại cho Mị quá khứ tươi đẹp mà cô đã lãng quên. Mị nhớ về những ngày còn con gái, nhớ những đêm xuân hò hẹn và lãng quên thực tại. Mị nhìn, nghe mà không thấy, cuộc rượu tàn lúc nào không hay “Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng người hát [...] rượu đã tan lúc nào người về, người đi chơi đã vắng cả. MỊ không biết Mị ngồi trơ một mình giữa nhà”.
+ Nhưng “lòng Mị đang nhớ về ngày trước tai Mị văng vẳng tiếng gọi bạn đầu làng” Quá khứ dồn dập trở về rất sống động, thiết tha làm “Mị phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng trở lại như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm, Mị muốn đi chơi, bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi tết huống chi, A Sử với Mị không có lòng với nhau nhưng phải ở với nhau ...” Trong cái trạng thái nửa say, nửa tỉnh ấy, lại thêm sự thôi thúc của tiếng sáo réo rắt “gọi bạn yêu vẫn lơ lủng bay ngoài đường anh ném pao, em không bắt/ em không yêu quả pao rơi rồi” ý thức đã thực sự trở lại với Mị. Khi ý thức trở lại đã dẫn đến một loạt các hành động “cô quấn lại tóc và với tay lấy váy mới, chuẩn bị đi chơi”.
+ Nhưng chính lúc yêu đời đang trỗi dậy mãnh liệt, tâm hồn cô đang phơi phới trở lại cũng là lúc Mị bị vùi dập phũ phàng .Vừa lúc A Sử về biết ý định của Mị, hắn lấy dây trói nghiến cô vào cột nhà rồi bỏ đi chơi. Suốt cái đêm đen tối bị trói đứng vào cái cột giữa nhà thống lí đó Mị hết thiếp đi rồi chợt tỉnh dậy, nhưng hình như cả đêm ấy, tiếng sáo dìu dặt của đám bạn trai vẫn đưa tâm hồn Mị sống lại những ngày đẹp đẽ ở quê nhà, tiếng sáo vẫn đưa cô đi theo những cuộc chơi của đám trai làng. Tâm hồn cô vẫn sống với không khí của ngày hội xuân. Cô định bước đi nhưng tay chân đã bị trói chặt cứng, không tài nào cựa quậy được. Những lúc ấy Mị bỗng ý thức được cảnh ngộ hiện tại của mình và trong lòng lại trào lên một nỗi đau xót, tủi nhục. Mị lại thổn thức, miên man nghĩ về thân phận không bằng con trâu, con ngựa của mình rồi dần thiếp đi. Gần sáng cô bừng tỉnh, thử cựa quậy xem mình còn sống hay đã chết, ý thức được sống lại trở về và trong lòng Mị lo sợ rằng nếu phải chết cay, chết đứng trên cái cột trói này.
+ Sau cái Tết ấy, những năm tháng nặng nề trong phân thận nô lệ tủi nhục của Mị tưởng lại cứ âm thầm lặng lẽ trôi đi...cho đến khi Mị chứng kiến cảnh A Phủ bị bắt trói vì tội để mất trâu của nhà thống lí. Cái cảm giác ban đầu của Mị thật thản nhiên. Mị dường như đã trở nên vô cảm trước tất cả. Một suy nghĩ thật giản đơn và có phần nhẫn tâm chiếm lĩnh tâm trí cô “Nếu A Phủ là một cái xác chết đứng đấy cũng thế thôi”. Có khi Mị cứ cả đêm nhìn ngọn lửa nhảy múa và nghĩ , những ý nghĩ tủi cực, đau xót. Cho đến hôm ấy, “ trời đã khuya, Mị lại trở dậy thổi lửa. Ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang thấy mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại...” thì Mị lại chợt bừng tỉnh “trông người lại nghĩ đến ta”. Hình ảnh ấy khiến Mị bỗng nhớ đến câu chuyện rùng rợn về những người đàn bà bị trói đứng cho đến chết trong nhà thống lí cũng trên cái cọc này và hồi ức đưa cô về với những lần chính mình bị đánh, bị trói trước đây...Ý nghĩ A Phủ rất có thể sẽ bị chết trong đêm nay đã hoàn toàn đánh thức tình thương và lòng căm hận trong lòng Mị. Từ thương người đến thương thân và tình thương ấy cứ lớn dần, lớn dần để rồi dẫn Mị đến với ý thức ngày càng rõ rệt hơn về một sự thật tàn bạo và vô lí, bất công “Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết [...]. Nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác [...]. Ta là thân đàn bà đã bị nó bắt về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi...Người kia việc gì mà phải chết...” Ý thức đó đã thôi thúc Mị đứng dậy cắt dây trói cho A Phủ và bất giác chạy theo anh, cùng trốn khỏi Hồng Ngài. Hành động bộc phát nhưng thật quyết liệt đó của Mị một phần là do sự thúc bách của tình thế khiến cô không thể làm khác, bởi cô hiểu rõ “ở đây thì chết mất”. Nhưng mặt khác, đó cũng là quá trình tất yếu của một quá trình dồn nén, bức xúc cả về thể chất lẫn tinh thần đối với Mị. Đồng thời đó cũng vừa là biểu hiện, vừa là kết quả của một sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ đã được trỗi dậy trong con người Mị, kết thúc cả quãng đời đầy ải, tối tăm của cô trong nhà thống lí để bắt đầu một cuộc đời mới. Đó chính là cái nhìn nhân đạo của Tô Hoài đối với những kiếp người bất hạnh, đau thương - một cái nhìn luôn hướng về ánh sáng, hướng về cái đẹp trong mỗi con người.
Có thể bạn quan tâm: Ý nghĩa tiếng sáo trong "Vợ chồng A Phủ"
- Nhân vật bà cụ Tứ:
+ Xuất hiện trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân in năm 1961, tác phẩm lấy bối cảnh của nạn đói năm 1945 nhưng bị mất bản thảo nên sau này Kim Lân mới viết lại. Nỗi ám ảnh của cái đói, của cái chết trở nên khủng khiếp và nó khiến cho con Người rơi vào tình cảnh éo le, ngang trái nhưng chính ở đây giá trị của tình thương lên ngôi và vẻ đẹp tâm hồn của con người được khẳng định. Người đọc đến với câu chuyện này đặc biệt ấn tượng với nhân vật bà cụ Tứ: một người mẹ giàu tình thương, luôn lạc quan vào cuộc đời và sẵn sàng hi sinh cho hạnh phúc của con cái.
+ Bà cụ Tứ hiện lên là một người rất chịu khó và cần cù. Con lấy vợ ngay trong lúc nạn đói hoành hành, bà đã cố gắng thu vén, dọn dẹp nhà cửa đoàng hoàng, tươm tất. Buổi sáng hôm sau, khi Tràng bước ra khỏi cửa đã thấy mẹ đang lúi húi nhổ đám cỏ dại giữa sân. Rồi bà vẽ ra viễn cảnh mua gà về nuôi thành đàn, thành bầy, bảo con đóng chuồng gà chỗ bếp...
+ Bà cụ Tứ bị đặt vào hoàn cảnh rất bất ngờ và éo le: Xúc động cụ thể, hiểu hơn ai hết gia cảnh của mình cùng cảnh ngộ của con trai trong những ngày đói kém hiện tại cho nên lúc đầu thấy có một người đàn bà xa lạ đến nhà mình, ngồi đầu giường con trai mình, lại chào bằng “Ơ, bà hết sức ngạc nhiên. Nhưng bằng kinh nghiệm và sự từng trải qua thái độ rối rít như một đứa trẻ và những phân trần cắt nghĩa không mấy rành rẽ của con trai, bà đã hiểu ra tất cả cơ sự”.
+ Kim Lân đã khôn khéo chọn giọng điệu và ngôn ngữ nội tâm rất đúng với nhân vật để diễn tả tâm trạng của một bà lão nghèo khó, già cả nhưng vẫn còn rất nhạy cảm và từng trải “bà lão cúi đầu nín lặng” một sự nín lặng chứa đựng biết bao nỗi thương xót và trĩu nặng suy tư: bà lão hiểu rồi lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán xót thương cho số kiếp đứa con vừa cảm thấy tủi phận cho bản thân mình. “Chao ôi người ta dựng vợ gả chồng lúc ăn nên làm nổi, những mong sinh con mở mặt sau này còn mình thì ...Biết chúng nó có nuôi nổi nhau qua cơn đói khát này không”. Đó là tâm lí thương thân tủi phận. Nhưng là sự thương thân tủi phận của một người mẹ từng trải và giàu lòng nhân hậu, bởi trong cái ý nghĩ buồn tủi của bà còn chứa đựng biết bao nhiêu tình thương và trách nhiệm. Do vậy mà nó ẩn chứa bao nổi lo lắng, dằn vặt, xót xa của tấm lòng người mẹ trước cảnh ngộ trớ trêu và đáng thương của đôi trẻ trong những ngày đói khát.
+ Nhưng bằng tình thương con vô bờ bến, bà không nghĩ cho mình, bà nuốt nghẹn những cảm xúc đắng cay, giấu đi những niềm xót xa tủi hổ, bà chỉ nghĩ đến cuộc đời Tràng và Người vợ nhặt ở ngày mai. Bà lão chuyển sang cảm thông, thương xót cho người đàn bà xa lạ bỗng nhiên trở thành “vợ nhặt” con mình: “bà lão nhìn người đàn bà lòng đầy thương xót”. Tác giả đã diễn tả những ý nghĩ âm thầm, tủi cực mà đầy thông cảm của người mẹ ấy “Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình, mà con mình mới được vợ”. Vậy là chính tình yêu thương con, yêu thương đồng loại và bằng một trái tim giàu lòng nhân ái mà bà mẹ nghèo đã vượt qua được những định kiến nặng nề trong xã hội cũ để đạt đến sự cảm thông lớn lao - bà vui mừng chấp nhận cuộc hôn nhân của Tràng và đón nhận nàng dâu mới.
+ Sáng hôm sau, bà lão xăm xắn nhanh nhẹn khác hẳn ngày thường, bà vui tươi quét dọn cùng với cô con dâu. Trong bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới, người mẹ nhân hậu và từng trải đã khơi dậy một niềm vui sống, niềm hi vọng mới giúp các con của mình có thêm sức sống để vượt qua những khắc nghiệt của đói nghèo hiện tại, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Câu chuyện đã tỏa sáng tấm lòng nhân ái của bà cụ Tứ.
+ Cái nhìn đầy cảm thông, yêu thương của bà cụ Tứ đối với con dâu hay đó cũng là cái nhìn đầy nhân đạo của Kim Lân đối với người vợ nhặt nói riêng và với những số phận chịu nhiều bất hạnh trong nạn đói nói chung. “Dù kề bên cái chết vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng vẫn tin vào sự sống và hi vọng ở hiện tại, vẫn muốn sống, sống cho ra người”.
Có thể bạn quan tâm: Phân tích nhân vật Tràng - Vợ nhặt
- Đánh giá chung
+ Thông qua hình tượng nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ và bà cụ Tứ trong Vợ nhặt, cả hai nhà văn đều phát hiện ra vẻ đẹp ẩn chứa trong tâm hồn người phụ nữ.
+ Họ đều mang những vẻ đẹp rất đỗi bình dị, đời thường. Từ đó, họ như bước ra từ tác phẩm, hóa thân thành những con người có thật trong cuộc sống ngày hôm nay.
+ Thông qua hình tượng hai nhân vật trên, chúng ta nhận thấy tài quan sát, phát hiện tinh tế của nhà văn. Qua đó, chúng ta nhận ra một chân lí bất diệt: sứ mệnh của nhà văn là tìm kiếm, phát hiện và ca ngợi giá trị của con người.
- Nhận xét:
+ Giai đoạn văn học 1945 — 1975, các tác phẩm văn học được thắp sáng bằng vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ. Không chỉ có Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt nói đến vẻ đẹp ấy mà rất nhiều tác phẩm cũng ngợi ca. Đó là nhân vật Nguyệt với vẻ đẹp thanh khiết trong Mảnh trăng cuối cùng, là nhân vật Đào yêu lao động và hăng hái xây dựng cuộc sống mới trong Mùa lạc, là Chiến yêu thương gia đình, dũng cảm, gan góc trong Những đứa con trong gia đình. Tất cả những vẻ đẹp ẩn chứa nơi họ làm bừng sáng lên hình tượng người phụ nữ Việt Nam đến tuyệt vời.
+ So với giai đoạn trước, vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ tỏa sáng mãnh liệt hơn. Nếu như trước đây ta bắt gặp những số phận người phụ nữ cam chịu, chìm đắm trong đau khổ, nước mắt, bi kịch thì trong giai đoạn này, các tác giả với ý thức cách mạng đã nâng tầm những người phụ nữ, giúp họ vượt lên trên số phận, đứng vững trên chính đôi chân của mình, tự khẳng định vị trí và chỗ đứng của mình. Họ sẵn sàng tham gia cách mạng, cầm súng chiến đấu để thay đổi cuộc đời, số phận của mình.
3. Kết bài
- Như vậy, hình tượng người phụ nữ đã xuất hiện trong nền văn học Việt Nam giai đoạn 1945 đến hết thế kỉ XX đầy ấn tượng và đặc sắc. Đó là những số phận đáng thương, những cuộc đời nghiệt ngã và đầy bất hạnh. Nhưng không dừng lại ở việc khai thác những nỗi đau khổ, những bất công của xã hội, của cuộc sống đã đẩy cuộc đời họ vào những bế tắc cùng cực mà các nhà văn còn tô đậm lên những vẻ đẹp phẩm chất thật đáng trọng - thứ ánh sáng đẹp đẽ của tâm hồn người phụ nữ. Bằng tình yêu cuộc sống, khát vọng được sống mãnh liệt và với những phẩm chất tốt đẹp vốn có của người phụ nữ họ đã vượt qua những rào cản, bất công xã hội, vượt qua số phận bất hạnh để tìm đến hạnh phúc. Như nhà văn Nguyễn Khải đã từng viết: “Sự sống nảy sinh trong cái chết, hạnh phúc hiện hữu từ trong những cái hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”.
Xem thêm >>> Phân tích và so sánh "Vợ chồng A Phủ" và "Vợ nhặt"
Bài viết gửi đến bạn dàn bài cảm nhận về vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam qua nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài) và bà cụ Tứ (Vợ nhặt - Kim Lân), và phần đọc hiểu theo chuẩn cấu trúc đề thi năm 2017. Mong rằng bài viết sẽ giúp ích được nhiều cho quá trình ôn tập của bạn <3