So sánh Tây Tiến và Đất nước đầy đủ, chi tiết cho học sinh lớp 12
So sánh Tây Tiến và Đất Nước - Ngữ văn 12
Tây Tiến và Đất nước là hai bài thơ tiêu biểu trong nền văn học nước ta. Hai bài thơ tưởng chừng như không có sự liên quan nhưng quy tụ rất nhiều điểm chung và trogn đó phải kể đến chính là tinh thần cách mạng cao đẹp. Cùng so sánh Tây Tiến và Đất nước để thấy rõ điều này. Cùng theo dõi trong bài viết dưới đây nhé.
So sánh Tây Tiến Quang Dũng và Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm
Mở bài so sánh Tây Tiến và Đất nước
Đối với một người nghệ sĩ, mỗi tác phẩm đều là một miền cảm xúc riêng được họ trải lòng qua câu chữ. Nếu như với Quang Dũng, “Tây Tiến” là nơi trải nỗi nhớ về một Tây Tiến thân thương, thì với Nguyễn Khoa Điềm, ông viết “Đất nước” bằng tất cả lòng tự hào và tình yêu mãnh liệt. Mỗi bài thơ trên đều mang những nội dung, cảm xúc riêng biệt, nhưng chung quy lại, chúng đều gặp nhau ở tư tưởng cùng tinh thần cách mạng cao đẹp.
Xem thêm:
Phân tích bài thơ Tây Tiến Quang Dũng hay nhất
Thân bài so sánh Tây Tiến và Đất nước chi tiết
Đôi nét về tác giả, tác phẩm
-
Về Quang Dũng
Quang Dũng là một nhà thơ, một nhà soạn nhạc tài ba và cũng đồng thời là một người lính đứng trong hàng ngũ chiến đấu nơi đầu tuyến. Ông đã cùng binh đoàn Tây Tiến trải qua những mọi gian nan, khó khăn mà vẻ vang của Cách mạng Việt Nam. Vào năm 1948, sau khi nhận được lệnh chuyển sang đơn vị khác, Quang Dũng đã viết nên Tây Tiến để ghi lại những cảm xúc thiêng liêng cùng những kỉ niệm gắn bó sâu sắc với đồng đối, với nhân dân và núi rừng Tây Bắc.
-
Về Nguyễn Khoa Điềm
Bước sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, người đọc sẽ được tiếp cận với “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Nguyễn Khoa Điềm là một trong những cây bút ưu tú trong hàng ngũ nhà thơ trẻ thời kỳ chống Mỹ.
Với xuất thân từ một gia đình trí thức yêu nước ở Huế, ông đã gia nhập vào phong trào đấu tranh sinh viên ngay khi còn ngồi ở ghế nhà trường. Có lẽ vì thế mà thơ của ông đã sớm giàu chất suy tư cùng muôn cảm xúc dồn nén của một người trí thức mang tình cảm sâu đậm với đất nước.
Cụ thể, “Đất nước” là phần đầu của chương V trong trường ca Mặt đường khát vọng. Tác phẩm được viết vào năm 1971 tại chiến khu Trị Thiên. Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn căng thẳng, khốc liệt.
Ra đời trong không khí hào hùng của cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, cả hai nhà thơ Quang Dũng cùng Nguyễn Khoa Điềm đều thổi vào tác phẩm của mình linh hồn non nước cùng lý tưởng cách mạng tươi đẹp: sẵn sàng dấn thân, cống hiến tuổi trẻ cho sự nghiệp chung của Tổ quốc.
Tây Tiến - nỗi nhớ về một thời bi tráng đã xa
So sánh Tây Tiến và Đất nước hay nhất
Trong Tây Tiến, cảm hứng chủ đạo của bài thơ đến từ nỗi nhớ nhung đồng đội, nhớ nhung vùng đất in dấu chân hào hùng mà cả đoàn binh Tây Tiến đã đi qua. Trong cái mảnh đất có địa hình khắc nghiệt đó, binh đoàn Tây Tiến phải ngày đêm hành quân, mặc cho con đường có gập ghềnh, mặc cho bất kỳ lúc nào cũng có thể mất đi tính mạng, họ vẫn miệt mài không mỏi:
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Liệu đoàn binh ấy có vì chặng đường gian khổ ấy mà chùn bước? Không đời nào! Họ vẫn cứ bước, vẫn không ngừng nỗ lực, vẫn cống hiến của những tháng ngày tươi đẹp của tuổi xuân vì độc lập, tự do của đất nước. Ý chí chiến đấu đó vẫn luôn được nung nấu và bùng cháy mãnh liệt, để rồi nó vượt lên cả những thử thách, bệnh tật hiểm nguy.
Trên cả những điều đó là tư tưởng cao đẹp của những chàng thanh niên trẻ. Đó là tư tưởng hiến dâng sức mình, hy sinh thân mình vì lý tưởng của Đảng, lý tưởng của Cách mạng:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Đoạn thơ cuối của tác phẩm này luôn khiến người đọc phải trầm lặng vì những gì mà người lính trẻ phải đánh đổi. Với việc sử dụng nhiều từ Hán Việt nhằm đẩy cao sắc thái trân trọng, tác giả đã thành công thể hiện được không khí trang nghiêm cùng lòng thành kính, trân trọng trước sự hi sinh của người lính. Đồng thời, câu thơ như đưa người đọc đến với chiến trường năm nào.
Xem thêm:
Top 5 mở bài Đất nước hay nhất
Top 5 mở bài Tây Tiến hay nhất
Những chiến binh trong đoàn Tây Tiến đều chỉ là những chàng trai trẻ, họ rời xa giảng đường, rời xa mọi hoài bão của tuổi trẻ để khăn gói lên đường đi cứu nước. Họ là người ý thức sâu sắc nhất con đường họ vừa lựa chọn là một con đường vô cùng chông gai, chẳng biết được ai còn ai mất.
Nhưng rồi, họ vẫn kiên quyết ra đi, bỏ mọi thứ lại phía sau, để tiến lên hàng ngũ đầu chiến tuyến. Và có lẽ, đã không ít người đã bỏ mạng nơi xứ người lạnh lẽo. Họ nằm xuống giữa mảnh đất lạ lẫm, không được cất liệm cũng chẳng có an táng. Thứ cuối cùng theo họ khi hi sinh chỉ có một manh chiếu cuốn vội của những người đồng đội đồng cam cộng khổ. Manh chiếu nhỏ chính là lời từ biệt đau thương nhất, cũng là lời cảm ơn và tri ân sâu sắc nhất.
Với việc sử dụng cụm từ “Anh về đất”, tác giả đã khiến cho cái chết của người lính trở nên thật giản dị và thân quen. Họ không hề chết, họ chỉ đang quay về với đất mẹ mà thôi. Cuộc đời họ đã đủ bi tráng và hào hùng rồi, họ đã chiến đấu quá kiên cường rồi, và họ mệt rồi, nên lại về với vòng tay của đất mẹ, để được nghỉ ngơi, để được che chở.
Đoạn thơ kết lại nhưng vẫn vang mãi âm hưởng hào hùng. Linh hồn người tử sĩ đã hòa vào đất, dường như con sông Mã đang tấu lên khúc nhạc hùng tráng để tiễn đưa người lính về với cõi linh thiêng, vĩnh hằng. Tại nơi đó, người lính vẫn sống cùng đất mẹ, sống cùng nước non thân thương, sống trong tiềm thức và sự tri ân của trái tim hàng triệu nhân dân Việt Nam.
Đất nước - Khi tình yêu nam nữ hòa vào nhịp thở chung của thời đại
So sánh hai tác phẩm Tây Tiến và Đất nước
Với cùng tư tưởng cao đẹp, Nguyễn Khoa Điềm đã viết nên “Đất nước” từ những vần thơ giản dị nhưng lại giàu giá trị biểu đạt. Khi đang miệt mài tìm về nguồn cội của đất nước, ta như cảm nhận được nỗi băn khoăn của thi sĩ:
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”
Tình yêu nước của Nguyễn Khoa Điềm phải chăng gắn liền với sự hiểu biết và gắn bó sâu nặng với đất nước. Ông tìm về từ cổ tích, từ những trang sử sách và đưa ra cái nhìn trân trọng, nâng niu bề dày văn hóa của một dân tộc hào hùng. Ông không chỉ hiểu về mảnh đất mình yêu, mà còn coi nó là một phần trong xương máu của mình:
“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Một cuộc trò chuyện lứa đôi đầy thân mật được tác giả dựng nên đã tạo nên cho lời thơ chất trữ tình rất nhẹ nhàng và mềm mại. Tình yêu nam nữ ấy hòa cùng nhịp thở với tình yêu tổ quốc, để rồi nó làm nên vị ngọt ngào, đằm thắm của men tình.
Xem thêm:
Phân tích đoạn 3 Tây Tiến cụ thể, chi tiết
Phân tích đoạn 2 Tây Tiến chi tiết, hay nhất
Chính lúc này, cái tôi cá nhân đã hòa vào với cái ta chung, và tạo thành một thể thống nhất, trọn vẹn. “Đất nước là máu xương của mình” - một khái niệm mới được tác giả sáng tạo nên đã thể hiện sự gắn bó, thân thiết không thể tách rời giữa đất nước với con người nơi đây.
Từ cái hành trình đi tìm về nguồn cội của đất nước, Nguyễn Khoa Điềm đã lồng ghép một lời nhắc nhở sâu sắc đến thế hệ trẻ tương lai về lòng tự tôn dân tộc.
“Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời”
Là người con của đất nước, thế hệ trẻ phải luôn “gắn bó, san sẻ” và “hóa thân cho hình dáng đất nước”. Thế hệ trẻ chính là người sẽ thắp lên ngọn lửa yêu nước cho chính mình, từ đó giục giã lời ca cống hiến sức trẻ cho dân tộc, cho đất nước. Đó là lý tưởng cao đẹp được Đảng coi đường chỉ lối, đưa dân tộc ta đến với bến bờ hạnh phúc, tự do.
Dẫu thế, mỗi tác giả đều mang một cái tôi riêng vào tác phẩm
So sánh Đất nước và Tây Tiến chi tiết, hay nhất
Khi so sánh Tây Tiến và Đất nước, ta thấy dù hai tác giả với hai tác phẩm, ở hai thời điểm khác nhau nhưng gặp nhau ở tư tưởng chung: tư tưởng yêu nước và sẵn sàng cống hiến cho đất nước. Tuy nhiên, bên trong cái chung ấy là cái “tôi: độc đáo của mỗi thi sĩ.
Nếu như Tây Tiến được Quang Dũng viết bằng thể thơ thất ngôn, kết hợp sử dụng từ Hán Việt để tăng sự trang trọng, kính trọng cùng giọng thơ hùng hồn, mạnh mẽ, dứt khoát nhằm tạo nên một âm hưởng hào hùng tô đậm cho hiện thực khốc liệt của chiến tranh, từ đó khẳng định sự bất tử của người lính bi tráng.
Thì Đất nước lại được Nguyễn Khoa Điềm khai thác bằng thể thơ tự do với giọng điệu tâm tình, từ ngữ giản dị nhằm khẳng định vai trò của toàn thể nhân dân đang sống trên đất nước này.
Nếu như ở Tây Tiến, cảm hứng đất nước được tác giả gợi nên từ nỗi nhớ của người lính với chiến khu gắn bó trong những tháng năm đầu của cuộc chiến chống Pháp. Thì ở Đất nước, tác giả bộc lộ suy nghĩ về đất nước qua cái nhìn tổng quát, từ đó đưa ra những khái niệm mới mẻ về đất nước sau khi hoàn thành cuộc kháng chiến chống Mĩ tại Trị Thiên.
Kết bài so sánh Tây Tiến và Đất nước
Hai bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng và Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm dẫu được ra đời trong những hoàn cảnh riêng, được tạo nên từ những tâm hồn mang cá tính riêng. Nhưng nó lại gặp nhau ở tư tưởng cao đẹp hướng về tình yêu nước mãnh liệt.
Chính vì thế, mỗi tác phẩm đều mang trong mình sức sống bền lâu trong lòng mỗi người đọc qua từng thế hệ. Và cũng từ đó, tình yêu nước và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với quê hương, đất nước cũng được khơi dậy một cách rất đẹp, rất giản dị và tự nhiên.
Đó là bài so sánh Tây Tiến và Đất nước mà các bạn có thể tham khảo. Hi vọng bài viết này mà CungHocVui mang đến sẽ hữu ích và giúp bạn có những cảm nhận sâu sắc hơn về hai tác phẩm này!