Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
Đề bài
Đề bài: Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
Hướng dẫn giải
Quang Dũng là một người nghệ sĩ tài hoa, ông không chỉ làm thơ, viết văn mà còn vẽ tranh, soạn nhạc, nhưng người ta nhớ nhất về ông vẫn là trên vai trò của một nhà thơ. Thơ ông hồn hậu, phóng khoáng, mang cái lãng mạn, tài hoa. Tây Tiến là một trong những bài thơ thể hiện rõ nhất nét vẽ tài hoa trong sáng tác cũng như trong chính tâm hồn ông.
Bài thơ mở đầu bằng hai câu thơ đồng thời cũng là cảm xúc chủ đạo của tác phẩm:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Đối tượng của nỗi nhớ ấy là con Sông Mã, con sông gắn liền với chặng đường hành quân của người lính. Không chỉ nhớ sông Mã mà còn nhớ Tây Tiến, nhớ đồng đội, những người đã gắn bó suốt quãng đời gian khổ mà vô cùng hào hùng.Và nỗi nhớ ấy còn bao trùm cả rừng núi - địa bàn hoạt động của binh đoàn Tây Tiến. Tất cả nỗi nhớ ấy được cô đúc trong nỗi nhớ vô cùng đặc biệt: “Nhớ chơi vơi”, cùng với cách hiệp vần “ơi” ở câu thơ trên làm nổi bật một nét nghĩa mới: “Chơi vơi” là trạng thái trơ trọi giữa khoảng không rộng, không thể bấu víu vào đâu cả. “Nhớ chơi vơi” có thể hiểu là một mình giữa thế giới hoài niệm mênh mông, bề bộn. Đó là nỗi nhớ da diết, miên man, bồi hồi, sâu lắng làm cho con người có cảm giác đứng ngồi không yên.
Sau việc khơi nguồn mạch cảm xúc là sự tái hiện lại núi rừng Tây Bắc, người bạn một thuở đã cận kề gắn bó với tác giả. Tác giả gợi nhắc nhiều địa danh xa lạ: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu... để đưa người đọc bước vào những địa danh heo hút, hoang sơ. Thiên nhiên ấy vô cùng khắc nghiệt, với sương khói mịt mù: Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi. Trên đỉnh Sài Khao, sương dày vùi lấp cả đường đi, vùi lấp cả đoàn quân. Đoàn quân hành quân trong sương lạnh giữa núi rừng trùng điệp không tránh khỏi cảm giác mệt mỏi rã rời. Con người trở nên hết sức bé nhỏ giữa biển sương dày đặc mênh mông ấy… Ấn tượng tiếp theo được tác giả tập trung bút lực để khắc họa là núi cao vực sâu, là đèo dốc điệp trùng: Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống. Câu thơ chủ yếu dùng thanh trắc tạo nên những nét vẽ gân guốc, mạnh mẽ, vẽ nên cái hùng vĩ và dữ dội của thiên nhiên. Nhịp thơ ngắt 4/3 như bẻ đôi câu thơ để tạo độ cao dựng đứng và quanh co của triền dốc núi. Đồng thời ông sử dụng linh hoạt các từ láy giàu sức tạo hình khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút được đặt liên tiếp nhau để đặc tả sự gian nan trùng điệp. Không chỉ vậy, thiên nhiên ấy còn đầy hoang sơ, bí ẩn: Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người. Chiều chiều, tiếng thác nước gầm thét thị oai sức mạnh hoang sơ bản năng của núi rừng. Cái dữ dội của thiên nhiên được đẩy cao cực độ trong âm thanh gầm thét mạnh mẽ kia. Đêm đến tiếng cọp thấp thoáng đâu đây đe doạ tính mạng con người… Giữa không gian rừng núi hiểm trở, đầy nguy hiểm, hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên với đầy khó khăn, gian khổ, hi sinh: Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời. Họ không chỉ mệt mỏi vì đường xa, mà còn vì đói khát, bệnh tật… nhưng họ vẫn cố gắng tiến bước cho đến lúc buộc phải nằm lại trên dọc đường hành quân. Cách nói giảm nói tránh “không bước nữa”, “gục lên súng mũ bỏ quên đời” khiến màu sắc tang thương, u buồn vợi bớt. Chính vì thế, câu thơ nói về cái chết nhưng không có màu sắc bi lụy.
Trên con đường hành quân, với nhiều gian lao, vất vả, trước khung cảnh: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” đã khiến người lính quên đi biết bao khó khăn, vất vả và cả sự hi sinh. Trong những ngày dài hành quân, phải xa gia đình, quê hương, xa bạn bè lại chịu biết bao cực khổ, chỉ cần một mái nhà tranh gặp ven đường cũng làm lòng ta ấm lại. Nhà ai, mà ngỡ như chính nhà mình, và ẩn hiện trong đó là làn sương mờ ảo đầy nên thơ, trữ tình. Và hai câu thơ kết đã tái hiện lại một cảnh tượng thật êm ấm: Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi. Sau bao nhiêu gian khổ băng rừng, vượt núi, lội suối, trèo đèo, những người lính tạm dừng chân, nghỉ ngơi ở một bản làng, quây quần bên những nồi cơm đang bốc khói. Nếu như câu thơ trên dung ba thanh trắc gợi lên những làn khói mỏng manh bay qua từng kẽ lá, thì câu thơ cuối lại sử dụng toàn thành bằng gợi nên sự êm dịu, ấm áp. Đây chính là những kí ức đẹp đẽ nhất, còn mãi lằn sâu trong tiềm thức người lính Tây Tiến.
Ở khổ thơ tiếp theo không khí rộn ràng trong một đêm liên hoan văn nghệ diễn ra vừa vui tươi, vừa ấm áp. Trong đêm liên hoan ấy, đối với nhà thơ, nổi bật nhất chính là hình ảnh: Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/ Kìa em xiêm áo tự bao giờ. Chữ “bừng” được xem là nhãn tự của câu thơ, gợi ra ánh sáng của những ngọn đuốc rừng rực như những bông hoa lửa. Ánh sáng càng rực rỡ và bừng sáng hơn khi có sự kết hợp với sự lộng lẫy của những người con gái đẹp vùng sơn cước. Người con gái vốn hàng ngày lam lũ, tần tảo nay hiện lên như những nàng thơ, vô cùng tuyệt mĩ. Hai chữ “kìa em” đã diễn tả đầy đủ tiếng reo vui, kèm với đó là sự ngỡ ngàng của những người lính. Trong tiếng khèn man điệu, người con gái e ấp, tình tứ trong điệu múa khiến biết bao người đắm say. Những người con gái ấy chính là linh hồn của đêm văn nghệ.
Nếu bốn câu thơ trên rực rỡ, lung linh bao nhiêu thì bốn câu cuối trong khổ lại man mác, đượm buồn bấy nhiêu. Khung cảnh thiên nhiên trong buổi chiều chia tay sương giăng mắc bốn phía: Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ. Không gian mờ ảo, vưa hư mà vừa thực. Sông nước, bến bờ lặng lẽ, hoang dại, chỉ có màu lau trắng trải dài tít tắp, phất phơ theo chiều gió thổi. Thiên nhiên như có linh hồn, “hồn lau” hài hòa với “hồn thơ” của những người lính đa cảm. Cũng có thể hiểu “hồn lau” là một ẩn dụ đặc sắc gợi về vẻ đẹp giản dị, gần gũi, hồn hậu của những con người, những người lao động trên sông nước mênh mông. Trên nền thiên nhiên tĩnh lặng và thơ mộng đó nổi bật hình ảnh con người: Có nhớ dáng người trên độc mộc/ Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa. “Dáng người” là một hình ảnh đa nghĩa, có thể hiểu là dáng người con gái, là dáng người chiến sĩ hay dáng của những người dân nơi đây. Nhưng nếu kết hợp với câu thơ dưới thì hình ảnh dáng người ấy phải là người con gái, “hoa đong đưa” cũng như ánh mắt lung liếng, tình tứ của người con gái. Khiến những người lính chân tuy rời mà lòng vẫn thổn thức nhớ thương.
Nếu trong những câu thơ trên hình ảnh những người lính Tây Tiến mới chỉ thấp thoáng xuất hiện thì ở khổ thơ cuối cùng, hình ảnh của họ đã hiện lên vô cùng chân thực, rõ nét. Họ trước hết hiện lên với ngoài hình kì lạ: Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm. Đây đều là hậu quả của những trận sốt rét rừng khủng khiếp mà người nào cũng phải trải qua. Trong hồi ức của những người lính Tây Tiến trở về, đoàn quân tử vong vì sốt rét rừng nhiều hơn là vì đánh trận bởi rừng thiêng nước độc mà thuốc men không có. Tác giả không hề che giấu hiện thực, không nhìn nó bằng con mắt màu hồng, mà miêu tả chân thật, chi tiết. Cách nói chủ động: “không mọc tóc” chứ không phải tóc không thể mọc vì sốt rét tạo nên nét dữ dội, ngang tàng, cứng cỏi của người lính Tây Tiến; cái vẻ xanh xao vì đói khát, vì sốt rét của những người lính qua ngòi bút Quang Dũng lại toát lên vẻ oai phong, hùng dũng.
Tuy nhiên cái nhìn của Quang Dũng không chỉ có hiện thực, mà còn hết sức lãng mạn: Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm. Trái tim những người lính trải qua bao lửa đạn không hề chai sạn, mà vẫn nồng nàn, rạo rực, khát khao yêu đương “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Dáng kiều ấy chẳng phải gì khác chính là hình ảnh của những cô thiếu nữ Hà Thành. Những giấc mơ mang hình dáng kiều thơm đã trở thành động lực để giúp người lính vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; đã thúc giục họ tiến lên phía trước; và cũng là sợi dây thiêng liêng của niềm tin mang họ vượt qua bom đạn trở về.
Trong quá trình chiến đấu không tránh khỏi những hi sinh, nhưng vượt lên trên tất cả vẫn là lí tưởng, khát vọng sống cao đẹp: Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh. Dù phải chiến đấu gian khổ, dù biết cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào nhưng họ không hề sờn lòng nản chí, mà quyết tâm càng được nung nấu mạnh mẽ hơn. Đoạn thơ khép lại bằng sự hi sinh đầy anh dũng của họ: Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Trong bài thơ, Quang Dũng không hề né tránh hiện thực khắc nghiệt, dữ dội. Trong chặng đường hành quân, nhiều người lính không thể vượt qua đã gục lên súng mũ bỏ quên đời. Dọc đường Tây Tiến cũng là vô vàn những nấm mồ liệt sĩ mọc lên “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”… Và bây giờ, một lần nữa tác giả nhắc đến sự ra đi của họ Áo bào thay chiếu anh về đất. Người lính Tây Tiến gục ngã bên đường không có đến cả mảnh chiếu để che thân. Thế nhưng tác giả đã cố gắng làm giảm đi tính chất bi thương của những mất mát: Áo bào (áo mặc ngoài của các vị tướng thời xưa) đã khiến họ trở thành những chiến tướng sang trọng; Về đất là cách nói giảm nói tránh thanh thản và vô tư sau khi đã làm tròn nhiệm vụ. Và sông Mã gầm lên tráng khúc vừa dữ dội, vừa hào hùng để tiễn đưa người lính trở về với đất mẹ.
Bốn câu thơ cuối như một lời thề son sắt của người lính Tây Tiến, họ ra đi không ước hẹn ngày về, đều sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. Hai câu thơ cuối là lời khẳng định chắc chắn dù có rời xa nhưng tâm hồn tình cảm của những người lính Tây Tiên vẫn gắn bó máu thịt với những ngày tháng, những địa điểm mà đoàn quân Tây Tiên đã đi qua.
Tây Tiến – bài thơ đã dựng lên một cách đây đủ và chân thực nhất vẻ đẹp của ngươi lính. Họ vừa mang trong mình cái bay bổng, lãng mạn nhưng đồng thời cũng hết sức kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh cho độc lập chung của tổ quốc. Để tạo nên sự thành công của tác phẩm cũng không thể không nhắc đến những đóng góp về nghệ thuật như hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu,… Tất cả hòa phối một cách nhịp nhàng đã tạo nên một thi phẩm xuất sắc.