Cảm nhận về bài thơ Từ ấy chi tiết nhất
"Từ ấy" là một bài thơ tiêu biểu trong sự nghiệp thơ Tố Hữu. Cunghocvui xin gửi tới các bạn bài cảm nhận về bài thơ Từ ấy nhằm đem lại cảm nhận một cách đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất về bài thơ, giúp các bạn thuận tiện hơn khi học tập môn Ngữ văn 11. Hy vọng với tài liệu tham khảo "cảm nhận về bài thơ Từ ấy" này sẽ giúp ích thầy cô và các bạn.
Đề bài: Nêu cảm nhận của em về bài thơ Từ ấy
Nhận xét về Tố Hữu, Chế Lan Viên từng nói "Thơ anh là lối thơ lấy cái đường đi toàn đời, lấy cái hơi toàn tập, lấy cái tứ toàn bài là chính... anh là con chim vụ ở đường bay hơn là bộ lông, bộ cánh, tuy vẫn là lông cánh đẹp". Ông được coi là lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam, sự nghiệp của ông gắn liền với các dấu mốc lịch sử của đất nước, của cách mạng. Và bài thơ "Từ ấy" là một trong những bài thơ tiêu biểu, được ông sáng tác năm mười tám tuổi, khi người thanh niên trẻ bước chân vào hàng ngũ của Đảng.
Tố Hữu sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo trên mảnh đất Huế giàu truyền thống văn hóa. Là con của một người cha thích làm thơ và người mẹ thuộc nhiều câu dân ca đã ảnh hưởng sâu sắc tới hồn thơ Tố Hữu. Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, cuộc đời thơ ca gắn bó chặt chẽ, song hành với chặng đường lịch sử của đất nước, Tố Hữu được coi là cánh chim đầu đàn trong nền thơ ca cách mạng Việt Nam.
Nhà thơ Tố Hữu
Năm 1938, khi Tố Hữu vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, niềm hạnh phúc dâng trào nên ông đã viết bài thơ để ghi lại giây phút xúc động, thiêng liêng ấy. "Từ ấy" là thời điểm, dấu mốc ghi lại bước ngoặt trọng đại trong cuộc đời và sự nghiệp của Tố Hữu: "Từ ấy là tâm hồn trong trẻo của tuổi mười tám đôi mươi đi theo lý tưởng cao đẹp, dám sống, dám đấu tranh".
Khổ thơ đầu là tâm trạng của người chiến sĩ khi bắt gặp lý tưởng cộng sản:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chm
Hai chữ "Từ ấy" đặt ở đầu bài thơ ghi dấu ấn thời điểm quan trọng trong cuộc đời và thơ ca Tố Hữu. Đó là lúc chàng trai mười tám tuổi đứng trong hàng ngũ của Đảng tranh đấu cho sự tiến bộ của con người. "Từ ấy" là lúc tác giả được giác ngộ hình thành một màu thơ mới thuộc về nhân dân, đất nước. Hai chữ "Từ ấy" trở nên thiêng liêng, quan trọng, ghi lại bước ngoặt, khai sinh ra cánh chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam.
Bằng hình ảnh ẩn dụ như nắng hạ, mặt trời chân lý chói qua tim, tác giả khẳng định lý tưởng cộng sản như nguồn ánh sáng tươi mát mạnh mẽ, rực rỡ, bừng sáng trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ. Nguồn sáng ấy chói chang như nắng mùa hạ, không chỉ tràn ngập không gian bên ngoài mà còn cả tâm hồn và nhận thức của người thanh niên trẻ. Ánh sáng ấy đã xua đi cái buồn đau, bế tắc còn rơi rớt trong nhận thức của những thanh niên có nhiệt huyết nhưng chưa tìm được chân lý:
Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước
Chọn một dòng hay để nước trôi
Nếu mặt trời của thiên nhiên đem lại ánh sáng, sự sống cho muôn loài thì mặt trời chân lý đem lại niềm tim, hơi ấm và sự sống cho dân tộc bởi đó là ẩn dụ chỉ ánh sáng của Đảng, tư tưởng tiến bộ, hợp lẽ phải ở đời. Động từ "chói" vừa miêu tả ánh sáng vừa gợi sức mạnh xuyên thấm của lý tưởng cộng sản đối với trái tim tuổi trẻ "đang khao khát yêu đời". Hai câu thơ sau diễn tả cụ thể hơn niềm vui sướng vô hạn của tác giả trong buổi đầu tiên đến với ánh sáng của lý tưởng cộng sản. Bút pháp so sánh đã cụ thể niềm vui trong lòng người chiến sĩ trẻ. Vườn hoa lá, hương thơm, tiếng chim ca là thế giới ngập tràn sức sống. HÌnh ảnh ẩn dụ và hiện thực hòa quyện với nhau khẳng định sự mạnh mẽ kì diệu của lý tưởng cộng sản đối với tâm hồn Tố Hữu.
Nếu giai cấp tư sản và tiểu tư sản đề cao cái tôi cái nhân "Ta là Một, là riêng, là thứ nhất/ Không có ai bè bạn nổi cùng ta" thì Tố Hữu thể hiện một ước muốn mãnh liệt, gắn kết cá nhân với cộng đồng:
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời
Động từ "buộc" thể hiện sự tự nguyện về quyết tâm vượt qua giới hạn nhỏ bé của cá nhân để chan hòa, gắn bó với cộng đồng. Chữ "buộc" cũng cho thấy trách nhiệm của người trí thức giác ngộ chân lý, "buộc" cuộc đời mình với cuộc đời người để "tình trang trải khắp trăm nơi". Với từ trang trải, ta hình dung tâm hồn tác giả mở rộng tới vô cùng để đồng cảm, yêu thương từng mảnh đời bất hạnh: em bé đi ở, chị với em, cô kỹ nữ trên Hương giang, lão đầy tớ nghèo lướt thướt giữa trời mưa.
Hình ảnh khối đời ẩn dụ chỉ cộng đồng cùng chung cảnh ngộ, số phận khát vọng. Khi "cái tôi" nhỏ bé hòa trong cái ta lớn lao thì sức mạnh của mỗi người nhân lên gấp bội phần. Từ đó có sự chuyển biến trong tâm hồn tình cảm của tác giả:
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ
Nếu ở khổ thơ đầu, nhà thơ bày tỏ sự say mê, vui sướng khi gặp lý tưởng cộng sản, khổ hai là tiếng nói chân thành, tự nguyện gắn bó với cuộc đời thì quần chúng thì đến khổ cuối là một sự chuyển biến lớn trong tâm hồn của tác giả. Ba chữ "là" xuất hiện liên tiếp trong đoạn thơ như là lời khẳng định chắc nịch, dứt khoát về sự hòa nhập tuyệt đối. Từ giây phút thiêng liêng đón nhận ánh sáng của cách mạng, người thanh niên trẻ đã trở thành một thành viên thân thiết trong đại gia đình rộng lớn của nhân dân. Tấm lòng đồng cảm của nhà thơ hướng về con người lang thang cơ nhỡ không chốn nương thân hay những kiếp sống cơ cực mòn mỏi, dãi dầu sương gió. Chính tình cảm ấy chứng tỏ người thanh niên trẻ tuổi hoàn toàn giác ngộ tình cảm, lý trí và đạo lý làm người.
Với hình ảnh tươi sáng, ngôn ngữ giàu nhạc điệu, bài thơ cất lên như một lời ca tiếng hát náo nức, đam mê của một tâm hồn trong trẻo đi theo lý tưởng của Đảng, cách mạng. Bài thơ là lời tuyên ngôn về lẽ sống và sáng tác của con người trọn đời gắn bó với dân, với nước như Chế Lan Viên đã nói rằng: "Tố Hữu là nhà thơ của vạn nhà. Anh đã buộc lòng cùng nhân loại".
Xem thêm >>> Soạn bài Từ ấy ngắn gọn và đầy đủ nhất
Hoàn cảnh ra đời bài thơ Từ ấy
Với bài cảm nhận về bài thơ Từ ấy, Cunghocvui đã đem lại cho các bạn bài viết tham khảo đầy đủ và chi tiết nhất. Nếu có đóng góp gì cho cảm nhận của em về bài thơ Từ ấy 11, hãy để lại ở phần bình luận nhé!