Đăng ký

Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu

1,806 từ Phân tích
Đề bài

Đề bài: Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu

Hướng dẫn giải

    Tố Hữu gương mặt quen thuộc của thơ ca cách mạng Việt Nam. Đối với ông thơ không chỉ dùng để bày tỏ tình cảm, mà nó còn dùng để cổ vũ, tuyên truyền cho chiến đấu. Tố Hữu để lại sự nhiệp phong phú, đồ sộ, ngay từ tập thơ đầu tay – Từ ấy đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Bài thơ Từ ấy là cảm xúc hân hoan, vui sướng của người thanh niên trẻ tuổi khi được đứng vào hàng ngũ cách mạng của Đảng.

    Bài thơ Từ ấy nằm trong tập thơ cùng tên. Tác phẩm được sáng tác tháng 7 năm 1938 khi Tố Hữu được kết nạp Đảng. Bởi vậy, trong cả bài thơ là niềm hân hoan, hạnh phúc khi bắt gặp lí tưởng của Đảng. Nhan đề bài thơ mang tính phiếm chỉ, không rõ thời gian, địa điểm nào. Nhưng người đọc vẫn có thể nhận ra “từ ấy” chính là để nhắc đến bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Tố Hữu.

    Ngày vào Đảng đối với tất cả mọi người không chỉ là niềm vui mà còn là niềm vinh dự, khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng để cống hiến cho đất nước. Chế Lan Viên cũng từng nghẹn ngào, ghi lại khoảnh khắc khi được ánh sáng, lí tưởng của Đảng soi đường:

    Ngày vào Đảng đất trời như đổi khác

    Những vật vô tri cũng làm rưng nước mắt

    Đá sỏi cây cằn, sao bỗng thấy thiêng liêng?

    Giọng nói quen nghe, màu đất quen nhìn

    Bỗng chan chứa trăm điều chưa nói hết

    Và đối với Tố Hữu cũng như vậy, ngày được kết nạp đảng lòng ông vui sướng, say mê khi mình đã lựa chọn con đường đúng đắn, đã bắt gặp lí tưởng của Đảng:

    Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

    Mặt trời chân lí chói qua tim

    “Từ ấy” là một mốc son chói lọi, là khoảnh khắc lịch sử của mỗi đời người, là phút huy hoàng trong cuộc đời Tố Hữu. Nếu trước đây dù yêu nước, thương dân nhưng ông lại hoàn toàn bế tắc khi không tìm được lối đi cho mình để giải phóng dân tộc, thì đến đây ông đã có thể yên tâm với con đường mình lựa chọn. Con đường này đầy chông gai, hiểm nguy nhưng hứa hẹn một tương lai tươi sáng đang mở ra trước mắt. Trong câu thơ này, Tố Hữu sử dụng liên tiếp các hình ảnh ẩn dụ: “nắng hạ” là nguồn ánh sáng rực rỡ, đầy sức sống, để diễn tả niềm hạnh phúc, vui sướng đong đầy tâm hồn nhà thơ trong ngày kết nạp Đảng. Đẹp đẽ hơn là hình ảnh “mặt trời chân lí”, đó là ánh sáng lí tưởng của Đảng, của cách mạng đã tỏa rạng muôn nơi, soi đường, chỉ lối cho con người. Nếu mặt trời là sự sống của vạn vật, thì ánh sáng của Đảng chính là mặt trời của muôn nghìn nhân dân Việt Nam. Lí tưởng cách mạng như một nguồn sáng mới đã làm thức tỉnh lí trí, mang đến cho tác giả nguồn sức mạnh kì diệu. Đồng thời, ông còn liên tiếp sử dụng các động từ mạnh: bừng, chói, cho thấy tác động đột ngột, mạnh mẽ của ánh sáng cách mạng đã xua tan đêm tối của dân tộc, mở ra một con đường mời. Niềm vui niềm hạnh phúc đã được Tố Hữu diễn tả trực tiếp ở hai câu thơ tiếp:

    Hồn tôi là một vườn hoa lá

    Rất đậm hương và rộn tiếng chim

    Sử dụng biện pháp so sánh, Tố Hữu đã khẳng định tâm hồn ông khi được ánh sáng của Đảng chiếu rọi tựa như một vườn hoa lá tươi tốt, và trở nêm đậm hương đậm sắc, tràn đầy sức sống. Tâm hồn tác giả được tiếp nhận ánh sáng của Đảng trở nên mạnh mẽ, tràn đầy sinh lực, để ông sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn.

    Sau khi được kết nạp vào Đảng, Tố Hữu có sự chuyển biến mạnh mẽ về lẽ sống: “Tôi buộc lòng tôi với mọi người/ Để tình trang trải với trăm nơi/ Để hồn tôi với bao hồn khổ/ Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”. Mặc dù nói đến cái tôi nhưng không hề cô lập, riêng lẻ, mà là cái tôi hòa nhập, gắn kết với mọi người. Cái tôi cá nhân không tách biệt quần chúng mà hòa nhập, xích gần lại với họ. Tố Hữu sử dụng hàng loạt động từ để khẳng định sự gắn kết này: buộc, trang trải, gần gũi nhau để tạo nên “một khối đời” lớn mạnh, cùng nhau chống lại kẻ thù chung. Câu thơ nhấn mạnh sức mạnh đoàn kết của con người trong công cuộc đấu tranh cách mạng: mỗi cá nhân sẽ làm cho khối đời chung trở nên mạnh hơn, ngược lại, khối đời chung ấy sẽ giúp cho mỗi cá nhân tăng thêm sức mạnh cho mình, vững tâm hơn, tin tưởng hơn.

    Không chỉ chuyển biến trong nhận thức mà Tố Hữu còn có cả sự chuyển biến về mặt tình cảm:

    Tôi đã là con của vạn nhà

    Em của vạn kiếp phôi pha

    Là anh của vạn em nhỏ

    Không áo cơm cù bất cù bơ

    Cái tôi đứng giữa và hòa nhập vào quần chúng lao khổ, Tố Hữu đã là thành viên của gia đình ấy. Biện pháp lặp cấu trúc: là anh, là con, là em thể hiện mối quan hệ gắn bó khăng khít như ruột thịt khi hòa nhập vào đại gia đình. Qua đó Tố Hữu cũng diễn tả trách nhiệm lớn lao của bản thân cần phải đi cứu vướt cuộc đời những “vạn đầu em nhỏ” “vạn kiếp phôi pha”. Họ là những kiếp sống lầm than, cơ cực nhất trong xã hội, bởi vậy cần phải giải phóng họ để họ được sống cuộc đời tự do, hạnh phúc.

    Bài thơ sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ. Cách ngắt nhịp vô cùng linh hoạt kết hợp với phép điệp tạo nên nhạc tính cho bài thơ. Không chỉ vậy còn diễn tả được niềm say mệ, háo hức khi được kết nạp vào Đảng. Đồng thời kết hợp giữa tự sự và trữ tình một cách hài hòa, đã đem lại hiệu quả nghệ thuật cao nhất.

    Từ ấy là một bài thơ hay, đặc sắc trong đời thơ Tố Hữu. Tác phẩm là niềm say mê, vui sướng mãnh liệt trong ngày đầu bắt gặp lí tưởng cách mạng. Đó là mốc son chói lọi, đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc đời mới, đây cũng là mốc đánh dấu sự khởi đầu của một hồn thơ. Kết hợp với các biện pháp nghệ thuật, giọng điệu linh hoạt đã tạo nên sự thành công cho tác phẩm.

shoppe