Bình giảng bài thơ "Từ ấy" (1)
Đề bài
Đề bài: Bình giảng bài thơ Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu.
Hướng dẫn giải
Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành sinh năm 1920 tại Thừa Thiên - Huế. Ông là nhà thơ lớn của nền thi ca cách mạng Việt Nam. Cuộc đời thơ của Tố Hữu gắn liền với cuộc cách mạng của ông, Mỗi tác phẩm của thi sĩ là một chặng đường lịch sử, là một chiến công của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch: Từ ấy (1937 - 1946), Việt Bắc (1954), Gió lộng (1961), Ra trận (1972), Máu và Hoa (1977)...
Bài thơ Từ ấy được. Tố Hữu sáng tác vào tháng 7-1938; nhan đề bài thơ trở thành tên tập thơ đầu của Tố Hữu. Bài thơ nói lên niềm vui sướng hạnh phúc của một thanh niên yêu nước bắt gặp lí tưởng cách mạng của Đảng, thấy gắn bó với nhân dân cần lao.
Từ ấy là lúc, là khi nhà thơ được giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, một kỉ niệm sâu sắc của người thanh niên yêu nước bắt gặp lí tưởng cách mạng mà sau này ông nói rõ trong một bài thơ "Con lớn lên con đi tìm Cách mạng — Anh Lưu, Anh Diểu dạy con đi - Mẹ không còn nữa, con còn Đảng. Dìu dắt khi con chửa biết gì" (Quê mẹ).
"Mặt trời chân lí" là hình ảnh ẩn dụ ca ngợi lí tưởng cách mạng, ca ngợi chủ nghĩa Cộng sản đã soi sáng tâm hồn, đã "chói qua tim" đem lại ánh sáng cuộc đời như "bừng" lên trong nắng hạ - một cách nói rất mới, rất thơ về lí tưởng.
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Lí tưởng cách mạng đã làm thay đổi hẳn một con người, một cuộc đời. So sánh để khẳng định một sự kiện biến đổi kì diệu mà lí tưởng cách mạng đem lại.
Hồn ta là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim
"Hồn" đã trở thành "vườn hoa lá" một vườn xuân đẹp ngọt ngào hương sắc, rộn ràng tiếng chim hót. Đây là khổ thơ hay nhất, đậm đà màu sắc lãng mạn nhất trong thơ Tố Hữu. Ngoài việc sáng tạo hình ảnh ẩn dụ (mặt trời chân lí), tác giả lựa chọn sử dụng từ ngữ rất chính xác, hình tượng và gợi cảm" bừng", "chói", "đậm", "rộn" để diễn ta thay hay niềm say mê lí tưởng "Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng" (Agagông - Pháp)
Hai khổ thơ thứ 2 và thứ 3 nói lên tình yêu thương giai cấp của người chiến sĩ cách mạng. Dưới ánh sáng của lí tưởng Cộng sản chủ nghĩa nhà thơ thấy tâm hồn mình gắn bó với nhân dân cùng khổ:
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.
Các động từ - vị ngữ như : "buộc", "trang trải", "gần gũi" diễn tả tình cảm gắn bó thiết tha của người chiến sĩ cách mạng, với quần chúng lao khổ. Các từ ngữ "mọi người - trăm nơi" "bao hồn khổ" chỉ số đông nhân dân cần lao mà nhà thơ hướng tới để xây dựng "khối đời", khối công - nông liên minh ngày thêm mạnh, thêm gần gũi chặt chẽ. Ba chữ "tôi" xuất hiện trong khổ thơ thể hiện một tình cảm chân thành, tiếng nói trái tim của người cách mạng.
Khổ cuối với cách diễn tả trùng điệp, các từ "con", "em", "anh" xuất hiện liên tiếp, giọng thơ càng trở nên sôi nổi thiết tha: "là con ...là em..là anh". Các số từ "vạn" (vạn nhà), "vạn" (vạn kiếp phôi pha) "vạn" (vạn đầu em nhỏ..)- cho thấy người chiến sĩ cách mạng sống trong lòng nhân dân, được nhân dân yêu thương, đùm bọc, chở che để khơi dậy sức mạnh nhân dân đứng lên chiến đấu cho tự do và hạnh phúc. Tố Hữu đã có một cách nói sôi nổi, mới mẻ tình cảm cách mạng, tình yêu giai cấp.
Tôi là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ...
Từ ấy mang hồn thơ trẻ trung, sôi nổi, nồng nàn, say mê và tràn đầy yêu thương. Say mê lí tưởng, yêu thương giai cấp đã tạo nên tình cảm lớn trong bài thơ Từ ấy. Hình tượng đẹp và mới mẻ, chất chữ tình chính trị đã làm nên hương sắc bài thơ. Sáu mươi năm đã qua mà câu thơ "Mặt trời chân lí chói qua tim" vẫn còn mới mẻ. Tố Hữu là nhà thơ viết được những vần thơ hay nhất, đẹp nhất ca ngợi lí tưởng cách mạng và ca ngợi Đảng.