Phân tích Từ ấy của Tố Hữu hay nhất - Ngữ văn 11
Bài thơ Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu là một bài thơ quan trọng, đánh dấu sự giác ngộ Cách Mạng cũng như con đường thi ca của nhà thơ. Do đó, Cunghocvui.com xin gửi đến các bạn bài phân tích Từ ấy hay nhất. Cùng tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!
Bài làm
Tố Hữu là một nhà thơ chiến sĩ, thơ của ông mang tính chất thơ trữ tình chính trị sâu sắc. Nổi bật cho phong cách thơ của Tố Hữu là bài thơ Từ ấy. Bài thơ là những chuyển biến sâu sắc trong tâm hồn nhà thơ khi được giác ngộ lí tưởng Cách Mạng cùng với tâm nguyện được cháy hết mình với lẽ sống, với tư tưởng Cách Mạng cao đẹp ấy.
Bài thơ Từ ấy được sáng tác vào tháng 7 năm 1938, sau thời gian hoạt động phong trào thanh niên ở Huế, Tố Hữu vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Bài thơ được trích trong phần đầu "Máu lửa" của tập thơ Từ ấy, là những cảm xúc vui sướng, niềm hân hoạn, rạo rực của người thanh niên trẻ khi được giác ngộ lí tưởng Cách Mạng. Đây cũng chính là cột mốc quan trọng đánh dấu mốc son chói lọi tham gia Cách Mạng của nhà thơ, cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của Tố Hữu.
Mở đầu bài thơ là tâm trạng hân hoan, vui sướng của nhà thơ khi bắt gặp lí tưởng Cách Mạng:
"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim"
"Từ ấy" có lẽ là khoảng thời gian mà nhà thơ bắt gặp ánh sáng, bắt gặp lí tưởng của Cách Mạng. Không rõ là từ bao giờ, chỉ biết rằng từ khi nhà thơ Tố Hữu xung phong đi phong trào thanh niên, ông đã ý thức được sâu sắc nỗi nhục mất nước, nỗi căm ghét trước kẻ thù xâm lược. Có lẽ vì thế mà khi được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng, tháng 7 năm 1938 thì Tố Hữu như tìm được lẽ sống cho chính bản thân mình, là con đường để nhà thơ có thể tin tưởng, đi theo mà chiến đấu vì quê hương, đất nước. Tố Hữu miêu tả rất hay và giàu tính gợi hình: "Mặt trời chân lí" là thứ ánh sáng chói lọi, đẹp đẽ của Đảng đã khiến trái tim người chiến sĩ bừng tỉnh, rộn rã và vui tươi khi bắt gặp ánh sáng ấy. Nhà thơ cảm thấy rạo rực và yêu đời hơn bất cứ lúc nào:
"Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim..."
Tìm ra được lẽ sống của cuộc đời, tâm hồn nhà thơ như nở ra cả một vườn hoa xanh tốt, ngập tràn sức sống. Sức trẻ của tuổi thanh niên có lẽ cũng không khiến tâm hồn nhà thơ rạo rực như vậy, chỉ có ánh sáng của Đảng, của Cách Mạng mới có tác động thật mãnh liệt, thật lớn lao. Nghệ thuật chuyển đổi cảm giác làm mở ra cả những dư vị và âm thanh đang vang lên trong tâm hồn tươi trẻ của nhà thơ.
Khổ thơ thứ hai đã nói lên nỗi niềm muốn hiến dâng, muốn hòa mình vào cái tôi rộng lớn, cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của nhà thơ Tố Hữu: rằng nhà thơ muốn vượt qua những cái tôi cá nhân ích kỉ, tầm thường để vươn đến với mọi người, sống chan hòa với nhân dân:
"Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải khắp trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời."
Động từ "buộc" cho thấy ước muốn mãnh liệt và cháy bỏng của nhà thơ. Nếu như ở giai đoạn trước Cách Mạng, Tố Hữu có phần đề cao cái tôi cá nhân của mình thì khi bắt gặp lí tưởng, ánh sáng của Đảng, nhà thơ khao khát mở lòng mình ra, để chia sẻ, hòa nhập với mọi người. Nhà thơ muốn "để tình trang trải khắp nơi", muốn "Để hồn tôi với bao hồn khổ/ Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời" là ước muốn được thấu hiểu, sẻ chia với những người xung quanh. Ông muốn quên đi cái tôi vị kỷ để hướng đến cái ta chung, giống như cái cách muốn hòa mình vào thiên nhiên với tình yêu đất nước mà ta đã bắt gặp trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải:
"Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến."
Để dân tộc thêm đoàn kết, để sức mạnh của quân và dân đánh bại được kẻ thù thì trước kết mỗi người phải hạ thấp cái tôi cá nhân của mình để cống hiến, hòa nhập vào cái ta chung của cả dân tộc. Ý thơ mang đậm cái tôi trữ tình sâu sắc của tác giả.
Theo chân mạch cảm xúc ấy, Tố Hữu muốn khẳng định mình sẽ là sợi dây gắn kết với mọi người:
"Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ."
Điệp từ "là" được lặp lại ba lần cho thấy sự khẳng định chắc chắn của tác giả trước tình cảm của mình đối với non sông, đất nước. Tố Hữu tự nhận mình là "con của vạn nhà", "em của vạn kiếp phôi pha" và "anh của vạn đầu em nhỏ". Đó là những thứ tình cảm ruột thịt, gắn bó sâu sắc giữa con người với con người, cùng là truyền thống đạo lí "Thương người như thể thương thân" của người dân Việt Nam. Ước muốn của nhà thơ đã đạt đến mức cao cả, vĩ đại khi Tố Hữu không còn nhớ tới cái tôi cá nhân của tầng lớp tiểu tư sản trước kia để gắn bó với mọi người. Tóm lại khổ thơ thứ ba là lời bộc bạch và tâm nguyện cao đẹp của nhà thơ dành cho đất nước khi giác ngộ lí tưởng Cách Mạng. Lời thơ tha thiết, bồi hồi mà cũng sâu lắng, đi vào lòng người.
Trong biết bao những bài thơ đậm nét phong cách Tố Hữu, Từ ấy có lẽ là minh chứng sáng rõ nhất cho tuyên ngôn nghệ thuật của nhà thơ này. Cũng qua đó mà ta thấy được cái tài năng trong việc viết những sự kiện chính trị không hề khô khan mà đậm chất trữ tình sâu sắc của tác giả.
Từ bài Phân tích Từ ấy của Cunghocvui.com. Chúng mình hy vọng các bạn sẽ có một tài liệu tham khảo hữu ích phục vụ cho quá trình cảm nhận và phân tích văn học. Chúc các bạn học tốt!