Soạn bài Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu đầy đủ - Ngữ văn 11
Bài thơ Từ ấy đánh dấu một chặng đường mới trong cuộc đời của nhà thơ Tố Hữu, đây là một bài thơ khá quan trọng và có ý nghĩa đối với tác giả. Chính vì vậy, Cunghocvui sẽ mang đến cho các bạn phần Soạn bài Từ ấy đầy đủ và chi tiết nhất. Cùng tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!
Câu 1 (Trang 44 SGK Ngữ văn 11 tập 2)
Khổ thơ đầu bài thơ:
"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim"
Nhà thơ Tố Hữu thể hiện cảm xúc vui sướng, niềm hạnh phúc khi được giác ngộ lí tưởng Cách Mạng:
- Câu thơ mở đầu: "Ngày ấy trong tôi bừng nắng hạ" là cột mốc đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời nhà thơ
+ Hình ảnh: "Nắng hạ" - ánh nắng đẹp, chói chang nhất và mạnh mẽ nhất, tượng trưng cho lý tưởng cách mạng đã soi sáng cho cuộc đời của tác giả
+ Sử dụng động từ "bừng" diễn tả một trạng thái sôi nổi, dứt khoát, mạnh mẽ
- Hình ảnh "Mặt trời chân lí" sử dụng nghệ thuật ẩn dụ, nhà thơ cho rằng lý tưởng cách mạng chính là thứ ánh sáng của mặt trời, kết hợp với động từ “chói” thể hiện sức mạnh làm cho con người ta thức tỉnh, giác ngộ
- "rộn tiếng chim", "một vườn hoa lá": miêu tả sự vui sướng, những âm thanh rộn rã đang reo lên trong lòng tác giả.
=> Khổ thơ đầu đã thể hiện lên niềm vui sướng, hân hoan của Tố Hữu khi giờ đây tác giả đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đây là một sự kiện đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời của nhà thơ này.
Xem thêm Hoàn cảnh ra đời bài thơ Từ ấy
Phân tích và cảm nhận bài thơ Từ ấy
Câu 2 (Trang 44 SGK Ngữ văn 11 tập 1)
Những nhận thức mới trong Tố Hữu về lẽ sống của cuộc đời:
- Nỗi niềm muốn hiến dâng, muốn hòa mình vào cái tôi rộng lớn, cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của nhà thơ Tố Hữu
"Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải khắp trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời."
+ Động từ "buộc" cho thấy sự gắn kết, gắn chặt của nhà thơ với mọi người
+ Muốn trải tấm lòng mình đi khắp nhân gian: "Để tình trang trải khắp muôn nơi"
+ Tinh thần đoàn kết, đồng lòng, gắn bó keo sơn như anh em ruột thịt: "Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời"
=> Ông muốn quên đi cái tôi vị kỷ để hướng đến cái ta chung. Đây chính là nét mới trong nhận thức của nhà thơ, sau khi được giác ngộ lí tưởng Cách Mạng, Tố Hữu muốn mình sống mở lòng ra, muốn hòa mình vào cuộc sống của những người dân trên mọi miền của Tổ quốc. Nhà thơ muốn quên đi cái tôi nhỏ bé, tầm thường để hướng đến những điều lớn lao, cao cả.
- Hình ảnh thơ gần gũi, có tác động mạnh mẽ đến nhà thơ cũng như bạn đọc: "hồn tôi với bao hồn khổ", "mạnh khối đời"
=> Ý thơ mang đậm cái tôi trữ tình sâu sắc của tác giả
Câu 3 (Trang 44 SGK Ngữ văn 11 tập 2)
Tố Hữu muốn khẳng định mình sẽ là sợi dây gắn kết với mọi người trong khổ thơ cuối của bài thơ:
"Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ."
- Điệp từ "là" được lặp lại ba lần cho thấy sự khẳng định chắc chắn của tác giả trước tình cảm của mình đối với non sông, đất nước.
- Hai câu thơ cuối thể hiện tình yêu thương con người của nhà thơ, đó chính là là tình thương hữu ái giữa các giai cấp
+ Tố Hữu khẳng định mối liên hệ của mình đối với mỗi người dân Việt Nam nói chung và quần chúng lao động nói riêng.
+ "Vạn đầu", "vạn kiếp" cho thấy còn rất nhiều người trong xã hội cần được yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ, cũng cho thấy tình cảm mà tác giả dành cho họ, bởi ông sẵn sàng làm anh, làm em của tất cả những con người thân thương đó.
=> Sự thức tỉnh của Tố Hữu là sự hướng tới cái ta chung, hướng tới niềm vui lớn của cả dân tộc.
Câu 4 (Trang 44 SGK Ngữ văn lớp 11 tập 2)
Nghệ thuật của bài thơ Từ ấy:
- Nhà thơ sử dụng một loạt các biện pháp tu từ như: ẩn dụ, nhân hóa, so sánh
- Hình ảnh thơ giản dị nhưng thấm thía, dễ cảm, dễ đi vào lòng người
- Mạch cảm xúc chuyển biến tự nhiên, ý thơ ngắn gọn, xúc tích
- Giàu nhạc điệu, có tính nhạc đậm nét
Thông qua phần Soạn bài Từ ấy, Cunghocvui.com hy vọng đây sẽ là một tài liệu hữu ích dành cho các bạn. Chúc các bạn học tốt!