Soạn bài Rừng xà nu của tác giả Nguyễn Trung Thành - Văn 12
Trong quá trình soạn văn lớp 12, các bạn học sinh sẽ phải soạn bài Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Để giúp các bạn tìm hiểu được về tác phẩm kĩ lưỡng và đầy đủ trước khi đến lớp, Cunghocvui xin gửi đến các bạn bài soạn Rừng xà nu đầy đủ và chi tiết nhất!
I. Tìm hiểu chung
1. Hoàn cảnh sáng tác
- Tác phẩm được viết năm 1965 khi giặc Mĩ đổ quân ào ạt vào bãi biển Chu Lai - Quảng Ngãi. Đó là lúc nhà văn muốn viết một bài “Hịch tướng sĩ” thời đánh Mĩ để động viên, cổ động nhân dân bước vào cuộc kháng chiến chống Mĩ.
- Truyện được đăng trên tạp chí Văn nghệ quân giải phóng miền Trung - Trung Bộ, sau đó được in trong tập "Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc".
2.Bố cục
Truyện ngắn Rừng xà nu gồm 3 phần:
Phần 1: Đoạn đầu
Nội dung: Hình ảnh rừng xà nu
Phần 2: Đoạn chữ nhỏ
Nội dung: Câu chuyện Tnú sau ba năm đi lực lượng về thăm làng
Phần 3: Còn lại
Câu chuyện về cuộc đời bi tráng của Tnú và cuộc nổi dậy đấu tranh của dân làng Xô Man qua lời kể của cụ Mết
Xem thêm Tóm tắt Rừng xà nu
II. Tìm hiểu chi tiết
Câu 1 (Trang 48 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
- Ý nghĩa nhan đề tác phẩm: "Rừng xà nu"
Nhan đề Rừng xà nu được tác giả Nguyễn Trung Thành đặt với hai tầng ý nghĩa. Đó là ý nghĩa tả thực và ý nghĩa biểu tượng:
+ Ý nghĩa tả thực : Nhà văn nói về cây xà nu - một loài cây sống thành rừng ở Tây Nguyên. Loài cây này có sức sống mãnh liệt, không chịu khuất phục trước sự thay đổi của thời tiết. Cây xà nu luôn gắn bó mật thiết và quan hệ chiếu ứng với cuộc sống của người dân Tây Nguyên.
+ Ý nghĩa biểu tượng: Qua sức sống mãnh liệt của cây xà nu, rừng xà nu, nhà văn nói đến nỗi đau và sức sống , phẩm chất kiên cường bất khuất của nhân dân Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
- Hình ảnh rừng xà nu nằm trong tầm ngắm của đại bác của giặc ở đầu truyện ngắn
- "Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào là không bị thương."
- "Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão."
- "Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra.....rồi dần dần bầm lại, đen và quyện lại thành từng cục máu lớn"
=> Đây cũng chính là một hiện thực khắc nghiệt trong cuộc chiến tranh. Giặc Mĩ điên cuồng bắn phá thiên nhiên và con người. Với Tnú, với dân làng Xô Man, với người Tây Nguyên, đó là món nợ phải trả bằng máu.
- "Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng..."
- "Nhưng cũng có những cây vượt lên được đầu người .... Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng .... thay thế những cây đã ngã."
=> Sự vươn lên mạnh mẽ của cây xà nu cũng chính là sự tiếp nối của các thế hệ trong cuộc đấu tranh một mất một còn với giặc Mĩ của dân làng Xô Man, của con người Tây Nguyên (tiêu biểu là Dít, Bé Heng...)
- Hình ảnh rừng xà nu nối tiếp đến tận cuối chân trời ở cuối truyện
- “Đứng trên đồi xà nu trông ra xa, đến hết tầm ngắm cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời”
=> Thể hiện sự tiếp nối, trường tồn qua từng thế hệ của người dân làng Xô Man, chừng nào người dân làng Xô Man còn tồn tại thì họ sẽ quyết tâm đứng lên bảo vệ làng, bảo vệ đất nước đến cùng.
Câu 2 ( Trang 48 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
- Những nét tính cách, phẩm chất của nhân vật Tnú
- Dũng cảm, gan dạ: từ khi còn nhỏ đã cùng Mai vào rừng giấu cán bộ
- Kiên cường, bất khuất và trung thành với cách mạng: khi bị giặc bắt đã chỉ vào bụng và nói: "Cộng Sản ở đây này" và trốn được về sau 3 năm
- Khí thế anh hùng: khi bị tẩm xà nu đốt 10 đầu ngón tay mà không hề kêu than, nghiến răng chịu đựng và căm phẫn bọn giặc.
- Câu chuyện bi tráng về cuộc đời Tnú
- Bị bắt và tra tấn khi đi liên lạc
- Không cứu được vợ con
- Bị giặc tẩm nhựa xà nu đốt 10 đầu ngón tay
Trên tất cả những đau thương đó, Tnú vẫn vượt qua và thể hiện ý chí dũng cảm, ngoan cường, bất khuất của người Việt. Khi bị bắt và tra tấn vẫn trung thành với cách mạng, cố tìm cách trốn về. Khi vợ con bị hành hạ đã xông ra cứu và khi bị đốt 10 đầu ngón tay thì không hề sợ hãi, kêu than. Cả cuộc đời Tnú là một bản anh hùng ca bi tráng, kể cả sau này, anh vẫn luôn dũng cảm và đã tiêu diệt được thằng Dục - kẻ thù của cả làng Xô Man, Tnú còn lập được nhiều chiến công lớn khác.
- Vai trò của các nhân vật khác trong truyện
- Cụ Mết, Mai, Dít, bé Heng: sự tiếp nối các thế hệ làm nổi bật tinh thần bất khuất của làng Xô Man nói riêng, của Tây Nguyên nói chung.
- Mai, Dít là thế hệ hiện tại, trong Dít có Mai của thời trước, vẻ đẹp sự kiên định, vững vàng trong bão táp, chiến tranh.
- Bé Heng là thế hệ tiếp nối, kế tục cha anh, để đưa cuộc chiến tới thắng lợi cuối cùng.
- Cuộc chiến khốc liệt cần đòi hỏi mỗi người Việt có sức sống mạnh mẽ, trỗi dậy
Câu 3 (Trang 48 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
Hình tượng rừng xà nu có quan hệ mật thiết với hình tượng nhân vật Tnú. Hai hình tượng này không tách rời nhau mà gắn bó khăng khít với nhau. Rừng xà nu sẽ không thể trải mãi tới chân trời trong màu xanh bất diệt khi con người chưa thấm thía bài học “chúng nó đã cầm súng mình phải cầm giáo”.
Tác giả đã kết hợp miêu tả bao quát lẫn cụ thể, phối hợp cảm nhận của nhiều giác quan khi miêu tả cây xà nu, tạo nên hình ảnh cây xà nu đầy sức lực, tràn trề sưc sống. Tác giả luôn miêu tả hình tượng cây xà nu với con người, các hình thức nhân hóa, ẩn dụ, tượng trưng đều được vận dụng nhằm thể hiện sống động vẻ hùng vĩ của thiên nhiên và gợi ra những liên tưởng về con người. Nhà văn muốn dùng rừng xà nu làm biểu tượng cho tinh thần gan góc, dũng cảm, dạn dày, bất khuất... của nhân vật Tnú và dân làng Xô Man. Nhờ thế những đoạn văn miêu tả rừng xà nu giống như một bài thơ trữ tình với giọng văn đầy biểu cảm.
Câu 4 (Trang 48 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
- Câu chuyện được kể theo hình thức truyện lồng truyện, truyện của một đời người của Tnú lại được kể trong một đêm qua lời kể của cụ Mết.
- Xây dựng được không khí sử thi hào hùng, tráng lệ qua lối kể khan của cụ Mết, tạo nên sự gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và truyền thuyết.
- Xây dựng được những hình tượng đặc sắc mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, đó là hình tượng của cây xà nu; hình tượng những thế hệ xà nu - những thế hệ của bản làng Xô Man, của mảnh đất Tây Nguyên; hình tượng người anh hùng Tnú.
- Ngôn ngữ đặc sắc, mang đậm chất Tây Nguyên
Thông qua bài soạn Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành với hai phần tìm hiểu chung và tìm hiểu chi tiết, Cunghocvui hy vọng các bạn học sinh sẽ đạt được điểm số cao với bài văn viết về tác phẩm này. Chúc các bạn học tốt!