Trọng tâm kiến thức Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành
Thiên truyện ngắn mở đầu bằng hình ảnh rừng xà nu và kết thúc bằng cảnh rừng xà nu.. Cây xà nu là hình ảnh quán xuyến, xuyên suốt toàn bộ câu chuyện: vừa có ý nghĩa cụ thể, vừa có giá trị tượng trưng:
- Cây xà nu ham ánh nắng và khí trời, nó vươn lên rất nhanh dưới ánh sáng cũng như Tnú, Mai, và dân làng Xô Man muốn hướng tới cuộc sống tự do.
- Cây xà nu có sức chịu đựng ghê gớm và sức sống mãnh liệt, không gì có thể tiêu diệt nổi giống như người Xô Man: anh Quyêt hi sinh thì có Tnú, Mai ngả xuống thì có Dít lớn lên thay chị và những thế hệ tiếp theo như Heng sẵn sàng kế tiếp.
Tnú, Dít, cụ Mết, bé Heng là những hình tượng nhân vật đẹp, nổi lên trong bối cảnh hùng vĩ và trang nghiêm của truyện. Mỗi hình tượng có vẻ đẹp riêng và đều mang ý nghĩa tư tưởng sâu sắc.
a) Nhân vật Tnú
- Tnú, nhân vật anh hùng người con vinh quang của mảnh đất Xô Man, của những con người Strá được Nguyễn Trung Thành khắc họa bằng những đường nét độc đáo, giàu chất sử thi. Tnú tiêu biểu cho số phận và con đường đi lên của dân tộc.
- Là một con người gan góc và táo bạo, dũng cảm và trung thực (vào rừng cùng Mai tiếp tế cho anh Quyết, khi học chữ thua kém Mai thì lấy đá đập vào đầu, khi bị bắt và bị tra khảo thì đã chỉ tay vào bụng mình mà nói rằng: cộng sản ở đây...)
- Biết vượt lên mọi đau đớn và bi kịch cá nhân chứng kiến cảnh kẻ thù giết vợ con, chịu đựng sự tra tấn man rợ của kẻ thù, hai bàn tay bị đốt cháy, mỗi ngón chỉ còn hai đốt nhưng vẫn quyết gia nhập bộ đội giải phóng.
- Có tính kỉ luật cao, tuy nhớ nhà, nhớ quê hương nhưng phải được cấp trên cho phép thì mới về và về cũng chỉ có một đêm như quy định trong giấy phép.
- Giàu tình thương yêu đối với mọi người,. Tnú thật sự là người con chung của dân làng Xô Man, của người Strá và xứng đáng với tình cảm của Mai, Dít
b) Nhân vật Dít
Dít xuất hiện không nhiều trong câu chuyện nhưng là hiện thân và là sự tiếp nối của Mai . Ở Dít, nổi bật lên một tình cảm trong sáng, sâu sắc nhưng lặng lẽ và kín đáo. Tính nguyên tắc có phần cứng nhắc của một cán bộ chính trị ở tuổi mới lớn ta có thể cảm thông. Nhưng đằng sau thái độ lạnh lùng, ngôn từ có vẻ gay gắt là những tình cảm thầm kín ẩn sau cái nhìn rất sâu đối với Tnú bằng đôi mắt mở ra bình thản, trong suốt. Và sau nữa, ở cuối câu chuyện là lúc tiễn đưa: Ba người (Tnú, cụ Mết và Dít) đứng ở đây nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời.
c) Nhân vật cụ Mết
Cụ Mết là biểu tượng cho sức mạnh tinh thần và vật chất có tính truyền thống và cội nguồn của miền núi, các dân tộc Tây Nguyên.
Linh hồn của cuộc chiến đấu là nhân vật "người Đảng" - cán bộ Quyết, nhưng người có tổ chức và điều hành, người cổ động và góp phần quan trọng để dẫn dắt là cụ Mết. Cụ Mết là đại diện của quần chúng, là cái gạch nối giữa Đảng và đồng bào dân tộc. Hình ảnh cụ Mết trong đoạn cuối thể hiện rất rõ vị trí của con người này:
Thế là bắt đầu rồi. Đốt lửa lên! Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây vụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông, đốt lửa. Đốt lửa lên!
Đó chính là sự vùng dậy của Tây Nguyên, và của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
d) Nhân vật bé Heng
Bé Heng xuất hiện nhiều ở phần đầu câu chuyện, đóng vai người hướng dẫn cho T nú trở về.
Bé Heng là tượng trưng cho lứa cây xà nu mới lớn, sống trong mình bao nhựa sống, hứa hẹn sẽ trở thành những cây xà nu mạnh mẽ, bất diệt.
Rừng xà nu thực sự là bản anh hùng ca về cuộc chiến của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
Tác giả đã khắc họa những nhân vật anh hùng , một tập thể anh hùng, vừa mang dấu ấn thời đại vừa đậm đà phong cách Tây Nguyên. Tác phẩm dạt dào cảm hứng sử thi: những nhân vật đại diện cho cộng đồng , sống chết với cộng đồng, gắn bó với số phận lịch sử của cộng đồng. Họ được ngợi ca bằng những hình ảnh chói lọi và một giọng văn say mê và trang trọng, tạo nên một chất thơ hùng tráng.
- Theo: Cùng học vui -