Đăng ký

Phân tích Rừng xà nu nguyễn trung thành hay nhất - Ngữ văn 12

3,634 từ Phân tích

Với tác phẩm Rừng xà nu trong chương trình Ngữ văn 12, Cunghocvui mang đến cho các bạn bài phân tích Rừng xà nu HAY NHẤTĐẶC SẮC NHẤT về truyện ngắn này!

Bài làm

   Nguyễn Trung Thành là một nhà văn gắn bó sâu sắc với mảnh đất Tây Nguyên. Ông đã sáng tác biết bao nhiêu tác phẩm với bao nhiêu tâm huyết về vùng đất này. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ta nhớ đến ông với tiểu thuyết Đất nước đứng lên. Còn ở những năm kháng chiến chống Mỹ, hình tượng cây xà nu và hình ảnh người dân làng Xô Man, trong đó đặc biệt là nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu đã khiến cho ta không thể quên được ngòi bút miêu tả giàu tính biểu tượng và sâu sắc của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Đọc truyện ngắn, ta thêm thấy cảm phục trước tinh thần bất khuất của người dân làng Xô Man nói riêng và người dân Việt Nam nói chung trong những năm tháng đấu tranh kiên cường của dân tộc.

   Rừng xà nu được sáng tác năm 1965, in trong tập "Trên quê hương những anh hùng điện ngọc". Nhan đề của truyện được tác giả đặt theo sức sống mãnh liệt, kiên cường của cánh rừng xa nu nơi núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, cùng là sức sống bất diệt của người dân làng Xô Man.

   Hình ảnh những cánh rừng xà nu được tác giả miêu tả xuyên suốt câu chuyện về cuộc đời của nhân vật Tnú. Mở đầu truyện ngắn, nhà văn đã gợi ra hình ảnh những cây xà nu đang hứng chịu biết bao mưa bom, bão đạn của quân giặc: "Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào là không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình. Ở những vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt long lanh dưới nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại. và đặc quện thành từng cục máu lớn." Nhà văn làm hiện lên trước mắt người đọc cả một cánh rừng xà nu bạt ngàn, hàng vạn cây nhưng không một cây nào không bị đại bác của giặc bắn. Nhưng ở trên những thân cây chi chít vết thương đang ứa ra đó, tác giả vẫn miêu tả đầy chất thơ "nhựa ứa ra tràn trề, thơm ngào ngạt long lanh dưới nắng hè gay gắt". Đây là một hình ảnh vừa có ý nghĩa tả thực, vừa mang ý nghĩa biểu tượng. Xà nu vốn là một loại cây ham ánh nắng mặt trời, cho nên chúng luôn vươn lên mạnh mẽ, cao nhất và thẳng nhất để hứng trọn được những tia nắng rực rỡ. Sự vươn lên của rừng xà nu cũng là sự vươn lên với tinh thần quật cường, quật khởi của người dân làng Xô Man. Nhựa ứa ra tràn trề như sức sống mãnh liệt không bao giờ chết của những cánh rừng xà nu "Đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như một thân thể cường tráng. Chúng vươn rất nhanh, thay thế những cành đã ngã. Cứ thế hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng...''. Mỗi một vết thương mà đạn bác găm vào thân cây xà nu, nó dường như chỉ khiến cho xà nu thấm mệt, làm cho xà nu đau đớn trong một khoảng thời gian rồi cũng mau chóng lành lại, để tiếp tục vươn lên mạnh mẽ. Những cây xà nu ấy không chỉ to lớn, biết bảo vệ bản thân mà còn biết chở che cho làng. Người dân làng Xô Man sống trong sự đùm bọc của cánh rừng xa nu rộng lớn, bao la. Tnú lớn lên bằng tình thương của những người dân nơi đây, cũng là lớn lên trong sự chở che của xà nu hùng vĩ. Bằng thủ pháp nghệ thuật miêu tả tài tình của mình, Nguyễn Trung Thành đã làm hiện lên cả một cánh rừng xa nu vừa đẹp, vừa mạnh mẽ, vừa như một người mẹ chở che cho con người.

phân tích rừng xà nu

   Xà nu còn gắn với cuộc sống của người dân làng Xô Man khi nó "dẫn cả làng đi vào rừng sâu, lấy giáo mác cho cuộc nổi dậy". Xà nu tham gia vào bất kì sự kiện gì xảy ra trong làng, kể cả khi Tnú rơi vào hoàn cảnh đớn đau nhất. Người đọc làm sao quên được hình ảnh "Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc.". Bóng dáng của cây xà nu xuất hiện cả trong hoàn cảnh bi thương nhất, là công cụ để bọn giặc trừng phạt Tnú bởi sức bén lửa nhanh chóng của nó. Hình ảnh xà nu làm nhấn mạnh thêm nỗi đau đớn khôn nguôi của Tnú khi bị đốt 10 đầu ngón tay, cho thấy tội ác của giặc Mỹ to lớn đến nhường nào. Tác giả đã tố cáo tội ác man rợ của chúng thông qua hình ảnh của cây xà nu thật mạnh mẽ, đanh thép.

   Song song với hình ảnh cây xà nu là hình tượng những người dân làng Xô man. Nào là Chiến, bé Heng, Dít đều đã trở thành du kích đánh giặc. Anh Xút bị giặc treo cổ, bà Nhan bị giặc chặt đầu, rồi cả anh Quyết cán bộ, Mai cũng đã hy sinh. Toàn bộ những người dân làng Xô Man, từ già cho đến trẻ đều đã cống hiến hết mình vì Tổ Quốc. Nếu thế hệ đi trước như anh Xút, bà Nhan đã mất đi thì thế hệ trẻ như Dít, Heng lại mọc lên mạnh mẽ hơn, với tinh thần quyết tâm hơn. Và trong số đó đặc biệt là cuộc đời của nhân vật Tnú.

   Tnú ngay từ khi còn nhỏ đã cùng Mai vào rừng nuôi giấu cán bộ. Ở đây, Mai và Tnú được anh Quyết dạy chữ cho. Nếu như Mai học chữ rất nhanh, chữ nào chữ ấy đều thuộc thì Tnú lại tính tình hay quên, chỉ có vào rừng làm nhiệm vụ thì sáng dạ không ai bằng: ''Khi đi liên lạc, Tnú không đi đường mòn vì có giặc vây bắt, cứ xé rừng mà đi, lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, vượt lên trên mặt nước, cỡi lên thác băng băng như một con cá kình”. Tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường của Tnú đã có từ khi anh còn nhỏ và được thể hiện rõ hơn trong một lần Tnú đi đưa thư lên huyện cho anh Quyết. Tnú bị giặc vây bắt và hỏi rằng Cộng sản ở đâu?, anh đã chỉ thằng vào bụng mình và nói: "Cộng sản ở đây này."  Câu nói của Tnú như là thách thức, là khiêu khích sự chịu đựng của quân địch, cũng là lòng dũng cảm trước kẻ thù. Có thể nói, hình tượng nhân vật Tnú được miêu tả thật kiên cường, bất khuất qua ngòi bút của nhà văn. Nhưng đến khi bị giặc thiêu đốt 10 đầu ngón tay, người đọc mới thực sự cảm phục trước tinh thần ấy. Tnú không một lời kêu than, hai môi mím chặt khi mười ngón tay của anh cháy bừng như ngọn đuốc, đó là sức chịu đựng bền bỉ của người anh hùng Tây Nguyên. Nhân vật Tnú là nhân vật tiêu biểu cho thế hệ trẻ dũng cảm, kiên cường đấu tranh, sẵn sàng cống hiến hết mình cho Tổ Quốc. Sau này, khi Tnú đi lực lượng, anh đã giệt được thằng Dục - kẻ đã gieo rắc bao đau thương đối với dân làng, đặc biệt là đối với anh. Vì nó mà vợ con anh đã chết, anh đã trả thù được cho vợ con và dân làng, giờ đây, Tnú sẽ tiếp tục tham gia kháng chiến, để góp phần làm sạch bóng quân thù cho đất nước.

   Còn cụ Mết, người kể lại cuộc đời Tnú cho dân làng Xô Man cũng là môt cây đại thụ biểu tượng cho sức sống tiềm tàng của người dân nơi đây. Cụ Mết được miêu tả "cụ vẫn quặc thước như xưa, ngực cũng như một tấm xà nu lớn... tiếng nói vẫn ồ ồ vang trong lồng ngực", cụ dành cả cuộc đời cho làng, và dẫn dắt người dân làng Xô man chiến đấu. Cả cuộc đời của cụ Mết với bao nỗi nhọc nhằn, ông chắt lượm được những kinh nghiệm để để lại cho con cháu, ta có thể thấy được điều đó qua lời dặn dò của cụ với mọi người: "Nghe rõ chưa, các con, rõ chưa, nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tao chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu. Chúng nó cầm súng, mình phái cầm giáo". Lời dặn dò của cụ Mết như thức tỉnh con cháu, như nhấn mạnh thêm rằng, dù bất kì thế hệ nào trôi đi thì người dân làng Xô man cũng vẫn luôn quyết tâm đánh giặc, quyết tâm đứng lên vì độc lập, tự do của Tổ Quốc.

   Hình ảnh cây xà nu và hình ảnh những người dân làng Xô man là hai hình ảnh có giá trị biểu tượng sâu sắc. Cây xà nu không phải là một loại cây bình thường mà nó cũng như là một người anh hùng dũng cảm chiến đấu trước kẻ thù. Xà nu cũng bất khuất, ngay thẳng như hình ảnh cây tre - một biểu tượng vĩ đại và quen thuộc của người dân Việt Nam, của làng quê Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn lại chọn hình ảnh cánh rừng xà nu để miêu tả, vì nó có những đặc tính, những phẩm chất tượng trưng cho tinh thần anh dũng của người dân làng Xô man. Truyện ngắn sẽ không thể thành công nếu chỉ tập trung miêu tả hình tượng cây xà nu hoặc chỉ miêu tả hình tượng người dân nơi đây. Nó hẳn phải là sự lồng ghép, bổ trợ nhau để làm nổi bật lên cả hai hình tượng thật đẹp, giàu ý nghĩa này.

   Truyện ngắn Rừng xa nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành có thể nói là một truyện ngắn hay nhất khi khắc họa về hình ảnh con người và thiên nhiên quật cường trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Có chăng hình tượng cây xà nu và cuộc đời người dân làng Xô man được viết lên một cách đẹp đẽ và sâu sắc như thế là nhờ vào tình yêu mảnh đất Tây Nguyên tha thiết của nhà văn? Phải yêu mảnh đất Tây Nguyên nhiều lắm, thấu hiểu được người dân nơi đây thì tác giả mới có thể viết hay và chân thực đến như vậy.

Với bài phân tích Rừng xà nu ở trên, Cunghocvui hy vọng các bạn học sinh sẽ nắm được đầy đủ về nội dung của tác phẩm để đạt được kết quả học tập tốt nhất!

shoppe