Đăng ký

So sánh hai hay nhiều đối tượng thuộc hai tác phẩm khác nhau

Cunghocvui gửi đến bạn những điều cần chú ý khi viết bài nghị luận so sánh hai hay nhiều đối tượng thuộc hai tác phẩm (hoặc nhiều tác phẩm) khác nhau, và ví dụ minh họa kèm hướng dẫn chi tiết.

I) Chú ý

-       Trong dạng bài này, yêu cầu nghị luận sẽ rất phong phú, đa dạng, phạm vi cũng được mở rộng: hai tác phẩm có thể thuộc cùng một tác giả hoặc hai tác giả khác nhau, có thể thuộc cùng một giai đoạn hoặc có thể thuộc hai giai đoạn khác nhau (có khi cách rất xa nhau); có thể so sánh toàn bộ một phương diện (nội dung hoặc nghệ thuật), có khi chỉ so sánh chi tiết, hình ảnh, nhân vật, so sánh kết thúc... Bởi thế, đối với từng dạng cụ thể, người viết cần hết sức linh hoạt, sáng tạo, tuân thủ theo nguyên tắc: trúng và hay. Trúng nghĩa là đi đúng vào trọng tâm yêu cầu, tránh tình trạng đưa hết vào bài làm toàn bộ hiểu biết về tác phẩm. Hay nghĩa là phải xây dựng được luận điểm chặt chẽ, mạch lạc, phân tích có cảm xúc để làm nổi rõ đối tượng so sánh.

-     Thông thường đề sẽ hỏi theo hai cách:

+) Định hướng (có luận điểm sẵn) 

Ví dụ: So sánh kết thúc trong hai tác phẩm Chí Phèo và Vợ nhặt

+) Đối với đề không có định hướng, yêu cầu có tính chất mở, người viết cần căn cứ vào những yếu tố cơ bản nhất theo thể loại để xây dựng luận điểm. 

Ví dụ: đối với truyện thì so sánh cốt truyện, nhân vật..; đối với thơ so sánh nhân vật trữ tình, cảm hứng chủ đạo...

II) Dàn ý

-     Luận điểm luôn luôn được xây dựng trên nguyên tắc đó là phân lập đối tượng so sánh thành các bình diện rồi mới tiến hành đối chiếu tìm ra điểm giống nhau và điểm khác biệt.

-     Luận điểm 4 của phần thân bài, khi lí giải điểm giống nhau và khác nhau, người viết nếu thực sự không có vốn hiểu biết sâu sắc, rộng rãi thì chỉ nên đưa ra những yếu tố rõ ràng, có tính khái quát.

III) Ví dụ minh họa

1) Đề bài:

Cảm nhận về vẻ đẹp của tinh thần yêu nước chống giặc qua hai đoạn thơ sau:

Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn nghìn năm đất nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp 
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta 
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận 
Người con gái trở về nuôi cái cùng con 
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh 
Nhiều người đã trở thành anh hùng 
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ 
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên 
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.

                                 (Đất Nước -Trường ca Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm -SGK Ngữ văn 12, tập Một)

Những đường Việt Bắc của ta
Ngày đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sảng như ngày mai lên.

                                                (Việt Bắc - TỐ Hữu - SGK Ngữ văn 12, tập Một) 

2) Gợi ý:

a) Mở bài:

Giới thiệu hai tác giả, hai tác phẩm, dẫn dắt đến vấn đề nghị luận: tinh thần yêu nước, chống giặc.

b) Thân bài:

*      Luận điểm 1: Khái quát chung.

-       Khái quát ngắn gọn về giá trị nội dung của đoạn trích Đất Nước.

-       Khái quát ngắn gọn về giá trị nội dung của bài thơ Việt Bắc.

*      Luận điểm 2: Phân tích làm rõ điểm giống nhau.

Hai đoạn thơ đều thể hiện tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm cao độ của nhân dân ta. Khi đất nước có kẻ thù xâm lược, nhân dân sẵn sàng đứng lên, xung trận để bảo vệ Tổ quốc:

"Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan"

Và:

"Khi có giặc người con trai ra trận

Người con gái trở về nuôi cái cùng con

Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh"

Hai đoạn thơ đều mang tinh thần hào hùng của thời đại đánh giặc.

*      Luận điểm 3: Phân tích làm rõ điểm khác nhau.

Mỗi đoạn thơ lại thể hiện hình ảnh đất nước đứng lên qua những nội dung, cách thức riêng biệt:

-       Đoạn thơ của Nguyễn Khoa Điềm:

+ Nội dung: Nhìn suốt chiều dài lịch sử 4000 năm để thấy sự tiếp nối của các thế hệ. Đất nước được tạo ra, được xây dựng và được bảo vệ nhờ công sức của những người dân vô danh “không ai nhớ mặt đặt tên”. Từ đó thức tỉnh ý thức của thế hệ trẻ cùng hoà nhịp đấu tranh chống Mĩ.

+ Hình thức: lời tâm tình của “anh” nói với “em” tha thiết, trìu mến; thể thơ văn xuôi, các thủ pháp nghệ thuật: điệp từ, điệp ngữ...

-       Đoạn thơ của Tố Hữu:

+ Nội dung: cụ thể về khí thế cuộc kháng chiến chống Pháp qua hình ảnh con đường Việt Bắc với các lực lượng xung trận đông đảo, tràn đầy tinh thần lạc quan và niềm tin vào tương lai tất thắng. Từ đó càng khẳng định vai trò quê hương cách mạng của Việt Bắc, sự gắn bó giữa người dân và người cán bộ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp.

+ Nghệ thuật: thể thơ lục bát, các thủ pháp nghệ thuật: so sánh, ẩn dụ, nghệ thuật trùng điệp.

*      Luận điểm 4: Lí giải sự khác biệt.

Khác biệt do hoàn cảnh sáng tác (thời kì chống Pháp - chống Mĩ), do sự khác biệt về phong cách thơ của hai nhà thơ (Nguyễn Khoa Điềm - trữ tình chính luận, Tố Hữu - trữ tình chính trị)

c) Kết bài: Khái quát, nhấn mạnh lại vấn đề nghị luận.

Xem thêm >>> Nghị luận hai ý kiện bàn về một vấn đề phương diện, vấn đề trong tác phẩm văn học

Hãy để lại những ý kiến thắc mắc, cùng đóng góp đến Cunghocvui ở phía dưới comment, chúc bạn học tập tốt <3

shoppe