Nghị luận so sánh hai hoặc nhiều đối tượng thuộc cùng một tác phẩm
Cunghocvui gửi đến bạn dàn ý nghị luận so sánh hai hoặc nhiều đối tượng thuộc cùng một tác phẩm, những chú ý cần nắm được khi làm bài và ví dụ minh họa kèm hướng dẫn chi tiết.
I) Chú ý
- Dạng đề này yêu cầu người viết phải có sự hiểu biết sâu sắc về tác phẩm, hiểu biết kĩ lưỡng về từng đoạn trong tác phẩm, từ đó mới có thể chỉ ra được điểm giống nhau và khác nhau giữa hai đối tượng được lựa chọn.
- Những đoạn trích hoặc hình tượng được đưa ra so sánh bao giờ cũng có ý nghĩa tiêu biểu cho nội dung, phong cách nghệ thuật của nhà văn, bởi vậy học sinh cần vận dụng kĩ năng phân tích một đoạn trích (trong tác phẩm thơ hoặc văn xuôi) để làm sáng tỏ từng đối tượng cũng như so sánh các đối tượng với nhau.
- Mục tiêu của đề hướng tới không chỉ là so sánh điểm giống nhau và khác nhau mà quan trọng hơn là qua các đối tượng so sánh để làm rõ hơn sáng tạo về hình thức nghệ thuật hoặc chiều sâu nội dung tư tưởng trong tác phẩm của nhà văn.
II) Dàn ý
- Phần mở bài, người viết tiến hành giới thiệu tác giả, tác phẩm, sau đó giới thiệu đến các đối tượng so sánh và vấn đề nghị luận.
- Luận điểm thứ nhất của phần thân bài, nhất thiết phải nêu ngắn gọn nội dung, khái quát giá trị tác phẩm, tạo thành phần đề dẫn vào đối tượng so sánh. Đó cũng là cách thức tạo ra tính tổng thể cho bài làm, không tách rời đối tượng so sánh ra khỏi chỉnh thể tác phẩm.
- Luận điểm 2, 3 và 4 tiến hành bình thường theo dàn ý khái quát.
Xem dàn ý khái quát Tại đây
II) Ví dụ minh họa:
1) Đề bài:
Phân tích và so sánh 2 đoạn văn sau
Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã nghe thấy tiếng nước réo gần mãi lại, réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vải rừng tre nứa nổ lửa, đang phả tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da chảy bùng bùng....
Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tốc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước sông Đà không xanh màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô. Mùa thu, nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gỉ môi độ thu về...
(Trích Người lái đò Sông Đà - Nguyễn Tuân - SGK Ngữ văn 12, trang 152)
2) Gợi ý:
a) Mở bài:
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân và tác phẩm “Người lái đò sông Đà”
- Vấn đề nghị luận: vẻ đẹp của Sông Đà qua hai đoạn văn.
b) Thân bài:
* Luận điểm 1: Khái quát chung
- Giới thiệu về hoàn cảnh sáng tác tùy bút “Người lái đò Sông Đà”.
- Khái quát ngắn gọn giá trị nội dung bài tùy bút.
* Luận điểm 2: Phân tích hai đoạn văn:
- Đoạn 1:
+ Nội dung: Đoạn văn miêu tả âm thanh nước thác, qua đó làm hiện lên vẻ đẹp hùng vĩ dữ dội của sông Đà.
+ Nghệ thuật: chú ý bám sát và phân tích các yếu tố nghệ thuật (câu văn ngắn, nhịp nhanh; nghệ thuật nhân hóa cùng các từ réo gần, rẻo to, gằn, chế nhạo, khiêu khích, van xin, oán trách... khiến nước thác vừa như một sinh thể có linh hồn sống động, tâm trạng phong phú, tính cách dữ dội vừa như một bản hùng ca tráng liệt của đại ngàn)
- Đoạn 2:
+ Nội dung: Đoạn văn miêu tả dáng sông và màu nước sông Đà, qua đó tô đậm vẻ đẹp thơ mộng của con sông Tây Bắc.
+ Nghệ thuật: chú ý làm rõ hiệu quả thẩm mỹ của các yếu tố nghệ thuật (câu văn dài, nhịp văn chậm rãi, thong thả; ngôn ngữ và hình ảnh gợi cảm tuôn dài tuôn dài, áng tóc trữ tình, xanh ngọc bích, lừ lừ chín đỏ; nghệ thuật nhân hóa làm nổi bật vẻ đẹp mềm mại trữ tình thơ mộng và gợi cảm của dòng sông)
* Luận điểm 3: So sánh:
- Điểm giống:
+ Trong nội dung: hai đoạn văn đều nói đến vẻ đẹp sông Đà, đặc biệt là nước sông Đà, qua đó, làm hiện lên cái tôi độc đáo của Nguyễn Tuân (ngôn từ phong phú; khả năng tổ chức câu văn xuôi giàu giá trị tạo hình; trí tưởng tượng mãnh liệt; tiếp cận đối tượng ở phương diện văn hóa thẩm mỹ; không ưa những gì bằng phẳng, nhợt nhạt...)
+ Trong nghệ thuật: ngôn ngữ giàu có; nghệ thuật nhân hóa
- Điểm khác:
+ Nội dung: cùng tả nước sông Đà nhưng đoạn 1 tả âm thanh, đoạn 2 tả màu nước nên đoạn 1 như một bản nhạc, đoạn 2 như một bức họa; đoạn 1 tô đậm vẻ đẹp hùng vĩ dữ dội; đoạn 2 tô đậm vẻ đẹp thơ mộng trữ tình
+ Nghệ thuật: câu vãn (đoạn 1 câu ngắn, nhịp nhanh; đoạn 2 câu dài, nhịp chậm); ngôn ngữ (đoạn 1 thiên về góc cạnh, nhiều động từ; đoạn 2 thiên về cái đẹp mềm mại, gợi hơn tả); về giọng điệu (đoạn 1 giọng mạnh mẽ; đoạn 2 giọng tha thiết nhẹ nhàng).
* Luận điểm 4: Đánh giá, khái quát lại:
- Khẳng định vẻ đẹp của hình tượng Sông Đà, dòng sông vừa hung bạo, vừa trữ tình.
- Khẳng định sự độc đáo, tài hoa trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
c) Kết bài: Khái quát, khẳng định vấn đề nghị luận.
Xem thêm >>>Hình tượng người lái đò sông Đà
Trên đây là những hướng dẫn và ví dụ minh họa nghị luận so sánh hai hoặc nhiều đối tượng thuộc cùng một tác phẩm mà Cunghocvui gửi đến bạn. Chúc các bạn học tập tốt <3