Đăng ký

Kĩ năng làm văn kiểu bài phân tích văn học

I. Kiến thức về kiểu bài phân tích văn học

1. Phân tích văn học là khám phá các giá trị văn học và vấn đề văn học qua từng khía cạnh và từng biểu hiện cụ thể của tác phẩm văn học, sáng tác của một tác giả, văn học của một giai đoạn hay của một nhận định lí luận văn học.

Khi làm bài phân tích văn học, cần thực hiện 2 yêu cầu sau đây:

- Chia đối tượng phân tích ra từng phần, từng khía cạnh theo một logic nhất định.

- Phát hiện nội dung từng phần, từng khía cạnh ấy qua các biểu hiện cụ thể (phân tích chi tiết).

2. Phân tích văn học bao gồm các kiểu sau:

- Phân tích tác phẩm văn học (bao gồm phân tích tác phẩm tự sự, tác phẩm trữ tình, phân tích các phương diện của tác phẩm như nội dung, nghệ thuật, phân tích các bộ phận: nhân vật, ngôn ngữ...)

- Phân tích vấn đề văn học (bao gồm phân tích vấn đề văn học sử, vấn đề lý luận văn học)

Các tác phẩm văn học

3. Yêu cầu

Phân tích văn học cần có thái độ khách quan, khoa học, có biểu hiện đúng đắn về đối tượng phân tích, có phát hiện nhất định qua các chi tiết. Bài văn cần có bố cục mạch lạc, diễn đạt rõ ràng, suy luận chặt chẽ, dẫn chứng xác đáng, lời văn gợi cảm. 

II. Kĩ năng làm bài văn phân tích văn học

1. Trình tự các bước lập ý, làm bài

- Định hướng, xác lập và sắp xếp các ý cần phân tích.

- Chọn chi tiết làm dẫn chứng

- Phân tích các chi tiết theo các ý trên

- Tổng kết, nhận định, đánh giá tác phẩm (sáng tác, tác giả, vấn đề) theo kết quả phân tích

2. Xây dựng bố cục bài văn

Bài văn phân tích văn học có 3 phần với nội dung đại thể như sau: 

a) Mở bài: Giới thiệu đối tượng phân tích (tác phẩm, tác giả, vấn đề) bao gồm các ý:

- Nhận định, đánh giá tổng quát vấn đề cần phân tích

- Sự cần thiết phải phân tích

- Dự báo hướng phân tích và có thể là các phần sẽ được phân tích

b) Thân bài: Trình bày sự phân tích theo từng phần, từng khía cạnh đã được phân chia, thông qua các dẫn chứng cụ thể (nhân vật, chi tiết, hình ảnh, ngôn ngữ..)

Trong từng phần, sự trình bày có thể thực hiện bằng cách diễn dịch (nêu một ý nhận định chung trước, sau đó  nêu dẫn chứng và phân tích, so sánh đối chiếu, giải thích ý nghĩa, để chứng minh cho nhận định ấy; tiểu kết kết quả phân tích), hoặc theo hướng quy nạp (giới thiệu các biểu hiện, chi tiết và phân tích, sau đó quy nạp thành nhận định đánh giá chung).

c) Kết bài: Khái quát các kết quả phân tích trình bày ở thân bài. Nêu đánh giá tổng quát, mở rộng đào sâu nhận định.

3. Kĩ năng phân tích chi tiết

- Biết khai thác các phương thức biểu hiện nghệ thuật vốn có của tác phẩm (kết cầu, ngoại hình nhân vật, ngôn ngữ nhân vật, vần điệu, thể thơ, các biện pháp tu từ...) để phát hiện nội dung.

- Biết cách xác lập những so sánh đối chiếu, sử dụng phương pháp thống kê, phương pháp thay thế bộ phận...để đánh giá nội dung nghệ thuật của hiện tượng văn học.

 

 

shoppe