Đăng ký

Vẻ đẹp của “chất vàng của thiên nhiên” và “thứ vàng mười đã qua thử lửa”

A. ĐỀ BÀI

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Sự thống nhất của chính phủ, sự thống nhất đã kết hợp các bạn lại thành một dân tộc, giờ cũng rất gần gũi với các bạn. Sự thống nhất là nền tảng độc lập thực sự của đất nước, là trụ cột cho hạnh phúc gia đình, là hoà bình với các nước khác; là an toàn, là thịnh vượng; là tự do mà chúng ta rất quý trọng. Nhưng rất dễ thấy rằng, từ những sự khác biệt, sẽ nảy sinh nhiều lo lắng, và kẻ thù bên trong và bên ngoài sẽ sử dụng nhiều thủ đoạn, chủ động tấn công liên tục (mặc dù thường lén lút và âm thầm) nhằm làm xói mòn niềm tin của các bạn. Lúc các bạn biết được một cách chính xác giá trị của liên minh với hạnh phúc cá nhân và tập thể là khi các bạn tôn trọng sự gắn kết vả không gì lay chuyển được mối liên minh đó; quen với cách suy nghĩ và nói về liên minh như là thần hộ mệnh cho sự thịnh vượng và ổn định chính trị của các bạn; trông coi giữ gìn liên minh; triệt tiêu bất cứ mối hoài nghi nào về một liên minh có thể bị phá vỡ và kiên quyết phản đối những hành động làm các vùng miền của đất nước xa lánh nhau, hoặc làm yếu đi sợi dây kết nối những phần khác nhau lại.
                                                                                                                              (Tổng thống Mĩ - Những bài diễn văn nổi tiếng, NXB Thế giới, trang 33)
1.      Chỉ ra thao tác lập luận chính của văn bản trên.
2.       Nêu ý chính của văn bản trên.
3.       Phân tích ngữ pháp của câu thứ hai.
4.       Theo tác giả, điều gì làm xói mòn lòng tin của nhân dân?
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng - đứng - Việt - Nam tạc vào thế kỉ:
Anh là chiến sĩ Giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước
Ơi anh Giải phóng quân
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.
                                                                                                                                   (Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân)
5.       Nếu phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên.
6.       Tìm các biện pháp tu từ có trong đoạn thơ trên.
7.       Câu thơ Tên Anh đã thành tên đất nước có ý nghĩa như thế nào?
8.       Viết đoạn văn nêu cảm nhận của anh/chị về hai dòng thơ cuối.
PHẦN II. LÀM VĂN
Câu 1 (3 điểm)
Facebook là một website truy cập miễn phí do công ty Facebook, Inc điểu hành. Người dùng có thể tham gia các mạng lưới được tổ chức theo thành phố, nơi làm việc, trường học và khu vực để liên kết và giao tiếp với người khác. Mọi người cũng có thể kết bạn và gửi tin nhắn cho họ và cập nhật trang hồ sơ cá nhân của mình đề thông báo cho bạn bè biết về chúng. (Theo Wikipedia)
Hiện ở Việt Nam có khoảng hơn 40 triệu tài khoản facebook. Nhiều bạn trẻ sử dụng quá nhiều hoặc lạm dụng facebook, trong khi chính người sáng lập Mark Zuckerberg lại không bị hội chứng nghiện facebook.
Viết bài văn nghị luận về những lợi ích và tác hại của việc sừ dụng facebook trong giới trẻ hiện nay.
Câu 2 (4 điểm)
Sông Đà là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà Nguyễn Tuân đã thu hoạch được trong chuyến đi gian khổ và hào hứng tới miền Tây Bắc rộng lớn... để tìm kiếm chất vàng của thiên nhiên “cùng thứ vàng mười đã qua thử lửa ” ở tâm hồn của những con người lao động và chiến đấu trên miền núi sông hùng vĩ và thơ mộng đỏ.
(Ngữ văn 12, Tập một, trang 185)
Phân tích đoạn trích “Người lái đò sông Đà” để thấy được vẻ đẹp của “chất vàng của thiên nhiên” và “thứ vàng mười đã qua thử lửa” của miền Tây Bắc mà nhà văn nói đến.

B. GỢI Ý

PHẦN I
1.    Thao tác lập luận chính: Giải thích
2.    Ý chính của văn bản: Sự thống nhất là nền tảng độc lập thực sự của đất nước, là trụ cột cho hạnh phúc gia đình, là hoà bình với các nước khác; là an toàn, là thịnh vượng; là tự do mà chúng ta rất quý trọng.
3.      Câu văn đó là câu đơn:
-         CN: Sự thống nhất
-         VN1: là nền tảng độc lập thực sự của đất nước
-         VN2: là trụ cột cho hạnh phúc gia đình
- VN3: là hoà bình với các nước khác
-         VN4: là an toàn, là thịnh vượng
-         VN5: là tự do mà chúng ta rất quý trọng
4.      Điều làm xói mòn lòng tin của nhân dân là sự chia rẽ: Nhưng rất dễ thấy rằng, từ những sự khác biệt, sẽ nảy sinh nhiều lo lắng, và kẻ thù bên trong và bên ngoài sẽ sử dụng nhiều thủ đoạn, chủ động tấn công liên tục.
5.      Phương thức biểu cảm
6.      Biện pháp tu từ:
-         Điệp từ: không một
- Nhân hoá: Tổ quốc bay lên
7.       “Tên anh đã thành tên đất nước” là câu thơ mang cảm hứng ngợi ca, đất nước của những anh hùng, của những người chiến sĩ giải phóng, Những con người anh hùng đã làm nên hình tượng đất nước.
8.       Học sinh tự viết đoạn văn, chú ý nội dung hai dòng thơ cuối: Dáng đứng hiên ngang của người lính giải phóng, tư thế hi sinh đầy bi tráng, hào hùng đã làm nên tinh thần, khí phách của cả dân tộc. “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” là hình ảnh đẹp, kì vĩ, mang cảm hứng sử thi, lãng mạn của chủ nghĩa anh hùng, thể hiện sức sống trường tồn của dân tộc.
PHẦN II
Câu 1.
a) Mở bài
“Nói về việc sử dụng facebook nói riêng và mạng xã hội trong xã hội hiện đại nói chung.
-         Những tác động tích cực và tiêu cực của facebook với giới trẻ hiện nay.
b) Thân bài
*      Thực trạng
Hiện nay chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, mọi người ở mọi nơi có thể liên kết với nhau hết sức dễ dàng. Sự ra đời của facebook cũng nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối, chia sẻ thông tin. Đó cũng là sự thay đổi của hình thức ghi chép cá nhân từ sự riêng tư (nhật kí, hồi kí trước đây) sang hình thức ghi chép chia sẻ, công khai.
-        Những lợi ích của mạng xã hội đem lại cho con người:
+ Sự chia sẻ tạo cho con người giải tỏa những áp lực của đời sống;
+ Làm phong phú đời sống tinh thần con người
+ Mở rộng, lan tỏa thông tin, kết giao bạn bè, quảng cáo sản phẩm...
-        Những điều không tích cực (tác hại) của việc sử dụng mạng xã hội:
+ Lạm dụng mạng xã hội (facebook) đã dẫn đến tình trạng phụ thuộc (gọi là nghiện Face - theo các nhà nghiên cứu đại học Anh thì một người truy cập facebook hơn 10 lần/ngày được xem là nghiện); dẫn đến mất thời gian, mất tập trung vào công việc..
+ Những thông tin ở mạng xã hội không được kiểm chứng, xác thực vì vậy có thể tạo ra những thông tin không chính xác, gây ra những hậu quả đáng tiếc cho cá nhân và xã hội. Sử dụng facebook với mục đích xấu (nói xấu, bôi nhọ danh dự, giả mạo để trục lợi...) sẽ gây ảnh hưởng đến xã hội (nêu các dẫn chứng thực tế).
+ Những thông tin ở facebook có thể tạo áp lực cho các cá nhân, dẫn tới mất tự chủ, mất kiểm soát, trầm cảm...
*      Nguyên nhân
-        Do cơ chế quản lí lỏng lẻo của facebook;
-        Do nhận thức của các cá nhân và trình độ sử dụng, úng dụng công nghệ chưa cao; mất cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo công nghệ; do tâm lí chạy theo xu hướng, thói quen của cộng đồng...
*Giải pháp
-        Kiểm soát thời gian sử dụng và nội dung facebook của cá nhân, không gây ảnh hưởng, tác động xấu đến người khác;
-         Chọn lọc, thẩm định các thông tin trước khi chia sẻ, bình luận;
-        Tổ chức các hình thức hướng dẫn người sử dụng, các diễn đàn trao đổi, các chuyên gia tư vấn.
*      Phương châm ứng xử
-        Xem facebook như trang thông tin cá nhân, cần coi trọng thông tin của mình cũng như của người khác;
-        Xây dựng văn hoá sử dụng mạng xã hội; chọn lọc các thông tin hữu ích, phù hợp.
c) Kết luận
Khẳng định lại lợi ích và tác hại của việc sử dụng facebook đối với mỗi cá nhân. 

Có thể bạn quan tâm: Tổng hợp các dạng viết đoạn văn nghị luận xã hội
Câu 2.
a) Mở bài
-        Giới thiệu về Nguyễn Tuân và kí của Nguyễn Tuân: Dường như có mối liên hệ mật thiết giữa Nguyễn Tuân - một nhà vãn tài hoa uyên bác, ngông với đời - với thể loại tuỳ bút, một thể loại cũng đòi hỏi ở nhà văn những phẩm chất như vậy. Nguyễn Tuân tìm đến thể loại này cũng để thỏa chí sáng tạo, thú chơi ngông của mình.
-        Tuỳ bút Sông Đà là những trang viết đặc biệt thành công, có sự hoà quyện ở tâm hồn tài năng của người nghệ sĩ và ở vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của chính dòng sông Đà. Trong bài tuỳ bút, Nguyễn Tuân đã tìm thấy chất vàng thiên nhiên Tây Bắc và chất vàng mười ở con người Tây Bắc.
b) Thân bài 
*      Giải thích nhận định:
-        Nhà văn dùng cách thức so sánh, dùng chữ ‘"vàng"’ (vẻ đẹp và sự quý giá) để ví von với vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng cho con sông và vẻ đẹp phẩm chất, khí phách, tài trí của con người lao động. Nếu vẻ đẹp của thiên nhiên là “chất vàng” thì vẻ đẹp con người là “vàng mười”, tức là vẻ đẹp hoàn thiện, hoàn mĩ.
-     Nhưng vẻ đẹp và sự quý giá ấy không dễ tìm thấy, mà nó còn đang ẩn giấu, náu mình trong những vùng đất xa xôi, ở những thứ xù xì thô ráp, ở trong đời sống hằng ngày. Điều đó đòi hỏi nhà văn phải là người biết tìm kiếm, sàng lọc và phát hiện ra vỏ đẹp ấy, và thể hiện nó bằng tài năng của mình, Qua đó, tác phẩm là món quà dâng cho đời, góp nhặt những thứ “vàng mười” đẹp đẽ của thiên nhiên đất nước và con người.
* Phân tích
-     Trong tuỳ bút Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân đã phát hiện ra “chất vàng” quý báu của một dòng sông: “ Đà giang độc bắc lưu” là một dòng sông vừa hung bạo vừa trữ tình, hai mặt tính cách vừa bổ sung, vừa hoà hợp làm nên vẻ đẹp riêng và sức sống mãnh liệt của dòng sông:
- Tính cách hung bạo: những đoạn sông đầy đá chìm và thác dữ. Nhưng bên cạnh sự hung bạo ấy, ta vẫn thấy ở sông Đà một biểu tượng về sức mạnh dữ dội và vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên đất nước. Sự dữ dội của sông Đà: “đá bờ sông dựng thành”, “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn gùn ghè suốt năm”, “những hút nước xoáy tít”.,, vẻ đẹp dữ dội có phần man dại của sông Đà cho ta thấy cái quý giá của sức nước, của những “tuốc-bin thuỷ điện”. Đến đây, “chất vàng” khổng chỉ còn là hình tượng mà còn có ý nghĩa thực tế, đó là sức mạnh kinh tế, kĩ thuật của con người, biến sông Đà thành tài sản quý giá đối với cuộc sống con người.
+ Tính cách trữ tình: Sông Đà là dòng sông thơ mộng, trữ tình: hình dáng mềm mại “tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc”. Đó là hình ảnh so sánh đẹp, gợi cảm, con sông như người con gái đẹp “áng tóc mun dài ngàn ngàn vạn vạn sải...” ; cảnh sắc hai bên bờ sông cũng rất đỗi thơ mộng “như bờ tiền sử”, “hồn nhiên như nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”... Không gian mơ màng, thời gian huyền thoại đem đến cho sông Đà diện mạo khác thường, đầy sức huyền ảo, hấp dẫn.
-     Chất “vàng mười” - hình tượng người lái đò sông Đà: Nguyễn Tuân dùng chữ “vàng mười” để chỉ vẻ đẹp và giá trị của người lao động. Đồng thời, nhà văn cũng nhắn nhủ ý tưởng rằng: phẩm chất, tài năng của con người cũng như thứ vàng mười phải được tôi luyện, thử thách trong cuộc sống, giống như vàng được tôi luyện trong lửa vậy. vẻ đẹp ấy cũng ẩn giấu bề sau những hành động, những công việc lao động thường ngày mà nhà văn cần tìm tòi phát hiện, như Nguyễn Minh Châu luôn tâm niệm: “thiên chức của nhà văn là suốt đời đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”, vẻ đẹp con người Tây Bắc càng quý giá, đáng trân trọng vì đó là những con người lao động đang hòa mình vào với thiên nhiên, chinh phục và cải tạo thiên nhiên.
+ Người lái đò - không mang một tên riêng - là người lao động vô danh, như bao quần chúng khác. Nhưng con người vô danh ấy nhờ lao động, nhờ chinh phục, chế ngự thiên nhiên hung bạo mà sáng ngời phẩm chất, khí phách cao đẹp. Nguyên Tuân không tiếc lời miêu tả và ca ngợi người lái đò sông Đà vừa hấp dẫn vừa hùng tráng trong cuộc thuỷ chiến với sông Đà. Trong những cuộc thuỷ chiến ấy, người lái đò dùng sự dũng cảm, phi thường, mưu trí để vượt qua hết vòng vây này đến vòng vây khác. Ông giành thế chủ động bơi ông lái đã “nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá”. Người lái đò hiện lên với tư thế một người chiến thắng, làm chủ thiên nhiên: cưỡi lên thác ghềnh của sông Đà như một lão tướng dày dạn kinh nghiêm. Hình ảnh người lái đò như mang dáng dấp của những anh hùng trong các thiên anh hùng ca thời cổ đại.
+ Chất “vàng mười” còn thể hiện ở tài trí của con người’, sự dũng cảm, gan dạ, tài ba, dám đương đầu với thử thách. Tài nghệ của người cầm lái đạt đến độ điêu luyện, siêu phàm: ông “ghì cương lái miết phóng nhanh vút vút cửa ngoài, cửa trong”, “thuyền như một mũi tên tre”... Người lái đò cũng giống như hệ thống nhân vật tài hoa của Nguyễn Tuân, luôn xuất hiện với tư cách một nghệ sĩ trong nghề nghiệp của mình. Ông luồn tránh, lái lượn trên dòng nước hung bạo của Đà giang. Tài nghệ siêu phàm ấy chính là thứ “vàng mười” ngời ngời tỏa sáng giữa thiên nhiên hùng vĩ của Tổ quốc.
c) Kết luận
Khẳng định vẻ đẹp của hai hình tượng thiên nhiên và con người Tây Bắc trong tuỳ bút “Người lái đò sông Đà” thể hiện quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Cái đẹp hiển hiện trong thiên nhiên, cuộc sống của chúng ta, niềm vui, hứng thú của nhà văn là khám phá và ngợi ca những vẻ đẹp đó.

Xem thêm >>> Đặc điểm phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân

Trên đây là bài viết Cunghocvui đã làm rõ về "chất vàng của thiên nhiên" và "thứ vàng mười đã qua thử lửa" trong bài "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân. Chúc các bạn học tập tốt <3

shoppe