SOẠN BÀI TRÀNG GIANG CỦA NHÀ THƠ HUY CẬN- NGỮ VĂN LỚP 11 CHI TIẾT
SOẠN BÀI TRÀNG GIANG CỦA HUY CẬN- NGỮ VĂN LỚP 11
“Tràng giang” là một trong bài thơ hay nhất của Huy Cận. Qua việc khắc họa bốn khổ thơ, tác giả không chỉ cho người đọc cảm nhận được vẻ đẹp vừa cổ điển, vừa hiện đại của bức tranh thiên nhiên, mà còn góp phần bộc lộ tâm trạng của nhân vật trữ tình. Bài soạn tràng giang sau đây sẽ cung cấp cho người đọc một góc nhìn mới mẻ, khái quát nhất về tác phẩm. Cùng theo dõi bài soạn nhé.
Soạn bài Tràng Giang đầy đủ nhất
Tìm hiểu khái quát về tác giả, tác phẩm
Tác giả:
+ Huy Cận (1919 – 2005), tên khai sinh là Cù Huy Cận, quê Hà Tĩnh.
+ Huy Cận là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ Mới với hồn thơ ảo não.
Tác phẩm:
+ Hoàn cảnh sáng tác
+ Bài thơ “Tràng giang” được rút ra từ tập “Lửa thiêng” (1940). Tác phẩm được viết vào mùa thu năm 1939 và cảm xúc được gợi lên từ cảnh sông Hồng mênh mang sóng nước.
+ Bài thơ “Tràng giang” đã khắc họa rõ nét vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên, nỗi cô đơn của cái tôi trữ tình trước vũ trụ bao la, rộng lớn. Đồng thời, ẩn sâu trong bài thơ là tình yêu đời, yêu quê hương nồng nàn, da diết của tác giả.
Xem thêm:
Phân tích hai khổ đầu Tràng Giang- Huy Cận
Cảm nhận bài thơ Tràng Giang của Huy Cận
Soạn bài Tràng giang chi tiết nhất
Câu hỏi sách giáo khoa (phần: Hướng dẫn học bài)
Câu 1:
+ Câu thơ đề từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” được hiểu: Là những tâm trạng, cảm xúc (nhớ, bâng khuâng) của nhà thơ trước khung cảnh thiên nhiên mênh mông, lớn rộng (trời rộng, sông dài). Lời đề từ cả bao quát gần như toàn bộ tâm trạng của khách thể và chủ thể trữ tình.
+ Câu thơ đề từ có mối liên hệ trực tiếp với bức tranh thiên nhiên và tâm trạng của tác giả trong bài thơ: Từ cảnh rộng lớn, mênh mang và tình cảm cô đơn, buồn bã trong lời đề từ đã thâu tóm được tinh tế nội dung các khổ thơ về cảnh sắc thiên nhiên và cảm xúc của nhân vật trữ tình.
Câu 2:
Trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa soạn bài Tràng Giang
Cảm nghĩ về âm điệu chung của toàn bài thơ:
+ Bài thơ “Tràng giang” thấm đẫm một nỗi buồn. Đó là nỗi buồn man mác, mênh mang của tạo vật, của con người.
+ Xúc cảm u buồn toát lên từ bài thơ hòa lẫn với tình yêu nước của tác giả.
Câu 3:
Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ đậm màu sắc cổ điển mà vẫn gần gũi, thân thuộc bởi vì:
+ Bức tranh thiên nhiên trong “Tràng giang” được khắc họa từ sự kết hợp giữa bút pháp cổ điển và bút pháp hiện đại: Sự hài hòa giữa hình ảnh thơ cổ điển và hình ảnh thơ đời thường (Khổ 1); Sự đan xen giữa các từ Hán Việt và từ thuần Việt (Khổ 2), … Do đó, lời thơ, ý thơ gợi lên trong lòng người đọc một vẻ đẹp vừa cổ kính, trang nghiêm nhưng cũng rất đỗi dung dị, đời thường.
+ Xuất phát từ phong cách nghệ thuật và tài năng miêu tả thiên nhiên của Huy Cận: Thơ ông có sự kết hợp giữa thơ ca truyền thống và thơ Đường, cùng với khả năng miêu tả cảnh sắc độc đáo trong thơ, đã góp phần tạo nên bức tranh thiên nhiên mang dáng vóc của Đường thi nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp đơn sơ, bình dị.
Xem thêm:
Phân tích hai khổ cuối Tràng Giang
So sánh Trường Giang và Đây thôn Vĩ Dạ
Câu 4:
Tình yêu thiên nhiên ở đây có thấm đượm lòng yêu nước thầm kín. Bởi vì:
+ Bộc lộ rõ nỗi buồn thương đau đáu, nỗi cô đơn tột bật của Huy Cận trước tình cảnh mất nước.
+ Hình ảnh thơ trong bài “Tràng giang” là những hình ảnh đặc tả cảnh sắc thiên nhiên quen thuộc, gần gũi của quê hương, xứ sở: Con thuyền, làng, chợ, bến, mây núi, cánh chim, …
+ Đặc biệt, đằng sau bức tranh thiên nhiên được miêu tả trong khổ thơ thứ tư, tác giả đã trực tiếp bộc lộ tấm lòng yêu quê nhà, yêu nước tha thiết.
Câu 5:
Những đặc sắc nghệ thuật của bài thơ:
+ Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sắc thái cổ điển và hiện đại.
+ Bút pháp tả cảnh tinh tế, đặc sắc và giàu ý nghĩa biểu đạt.
+ Thể thơ thất ngôn mang dáng vẻ cổ kính đã góp phần tạo nên sự cân xứng, nhịp nhàng cho bài thơ.
+ Nghệ thuật đối xứng được vận dụng tài tình, sáng tạo.
+ Hệ thống từ láy phong phú, giàu giá trị biểu cảm: Từ láy tiếng Hán (cụm từ: Tràng giang) và từ láy tiếng Việt.
Soạn bài Tràng Giang trả lời câu hỏi sách giáo khoa (phần: Luyện tập)
Soạn bài Tràng Giang phần luyện tập
Câu 1:
Cách cảm nhận về không gian và thời gian trong bài thơ đáng chú ý ở chỗ:
+ Không gian trong bài “Tràng giang” như được mở rộng ra từ mặt sông cho đến tận chót vót đỉnh trời. Đặc biệt, không gian trong khổ thơ thứ hai được mở rộng theo nhiều chiều khác nhau (Cao, dài, rộng). Điều đáng lưu ý là không gian càng mở rộng bao nhiêu, ta lại càng cảm thấy sự mênh mông, hoang sơ, vắng lặng bấy nhiêu. Rõ ràng từ cách nhà thơ cảm nhận không gian đã cho thấy nỗi lòng cô đơn, trống trải của thi nhân trước không gian ấy. Đó là điều đáng lưu tâm.
+ Không gian trải rộng thì thời gian dường như cũng kéo dài theo. Nhưng đáng lưu ý ở chỗ là nhà thơ cảm nhận thời gian trong sự tương quan đối lập với không gian. Trong khổ thơ thứ nhất, không gian sống nước thì bao la mênh mang >< thời gian của cõi nhân sinh thì nhỏ bé, đơn côi.
Xem thêm:
Soạn Đây thôn Vĩ Dạ ngắn gọn nhất
Soạn bài chiều tối lớp 11 ngắn gọn nhất
Câu 2:
Câu thơ cuối “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” làm cho người đọc liên tưởng đến hai câu thơ trong bài Lầu Hoàng Hạc của Thôi Hiệu bởi vì:
+ Thứ nhất, chúng ta đều biết thơ Huy Cận chịu ảnh hưởng của thơ Đường. Vì thế, khi đọc câu thơ cuối bài “Tràng giang” lại khiến người đọc liên tưởng đến thơ của Thôi Hiệu thì cũng có thể hiểu được.
+ Thứ hai, hình ảnh “khói sóng” trong buổi hoàng hôn đều được cả hai nhà thơ sử dụng để diễn tả nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết nên dễ khiến cho người đọc có sự đối sánh, liên tưởng.
+ Ngay cả Huy Cận cũng từng giải thích vì sao lại nhớ đến Hoàng hạc lâu: “Vì lúc đó (1939), tôi buồn hơn Thôi Hiệu đời Đường” (Trích). Cũng có thể, trong quá trình tìm hiểu về Huy Cận, người đọc đã biết được điều này.
Trên đây là soạn bài Tràng Giang ngữ văn 11 chi tiết nhất. Qua bài soạn, CungHocVui hy vọng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tác giả, tác phẩm và học tập tốt hơn.