Cảm nhận bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Tràng giang (Bài 2)
Đề bài
Đề bài: Cảm nhận bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Tràng giang
Hướng dẫn giải
Huy Cận một trong những nhà thơ nổi bật nhất trong phong trào Thơ Mới. Tập thơ đầu tay của ông là Lửa thiêng đã ghi những dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Nổi bật nhất trong tập thơ ấy ta không thể không nhắc đến Tràng giang. Tác phẩm không chỉ là nỗi niềm cô đơn khắc khoải của nhân vật trữ tình mà dưới ngòi bút tài hoa của Huy Cận một thiên nhiên thật đẹp, thật buồn cũng hiện lên vô cùng ấn tượng, rõ nét.
Tác phẩm được gợi cảm hứng từ những con sông rộng lớn, mênh mông của đất nước. Đọc Tràng giang người ta cố công tìm kiến hình ảnh một con sông cụ thể lẩn khuất sau những câu chữ của Huy cận. Nhưng tuyệt nhiên không thể xác định được nó là con sông nào, ở đâu. Bởi con sông ấy ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam này, đó là con sông quê hương, con sông thương nhớ. Nhan đề bài thơ là Tràng giang, tức những con sông dài, sông lớn, như vậy không gian mênh mông sông nước chính là nơi khơi nguồn cảm hứng thi ca trong lòng Huy Cận.
Thiên nhiên trong Tràng giang là một thiên nhiên đẹp, đượm buồn và thẫm đẫm nỗi cô đơn. Mở đầu bài thơ là bức tranh thiên nhiên mang những nét cổ điển đặc trưng:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng
Khung cảnh mênh mông trời nước nối tiếp nhau mở ra, những con sóng nhỏ lăn tăn nối tiếp xô vào bờ, không gian mở được mở rộng với từ láy “điệp điệp”. Trên mặt sông rộng mênh mông ấy con thuyền xuất hiện thật nhỏ bé, đơn độc, kết hợp với những cành củi khô trôi lặng lờ giữa dòng sông, khiến cho khung cảnh thiên nhiên lại càng trở nên buồn bã, đìu hiu hơn.
Sang đến khổ thơ thứ hai, điểm nhìn của Huy Cận đã có sự dịch chuyển, thi sĩ hướng mắt ra xa hơn và trước mắt ông là “Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu/ Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều/ Nắng xuống trời lên sâu chót vót/ Sông dài trời rộng bến cô liêu”. Vẫn là sông nước đấy thôi, nhưng tâm hồn thi sĩ đang cố gắng tìm kiếm trong không gian ảm đạm kia một chút hơi thở của sự sống ở nơi cồn nhỏ, ở tiếng chợ xa xa. Nhưng vẳng lại chỉ là sự nín thinh của vạn vật. Khổ thơ sử dụng hàng loạt các từ chỉ cái bé nhỏ: lơ thơ, cồn nhỏ kết hợp với các từ đìu hiu, cô liêu gợi nên hồn cốt sự vật đã làm nổi bật bức tranh phong cảnh buồn bã. Đọc câu thơ ta bất giác nhớ đến Chinh phụ ngâm: “Non kì quạnh quẽ trăng treo/ Bến thì gió thổi đìu hiu mấy gò”. Tuy thời thế thay đổi, tuy cách nhau cả trăm năm, nhưng cảnh ấy, tình ầy vẫn chẳng hề đổi thay. Vẫn là sự hiu quanh, vẳng vẻ đến nào long của tạo vật. Thiên nhiên đó còn có sự tĩnh lặng đến tuyệt đối, âm thanh chợ xa hư thực thực hư khó lòng có thể xác định nổi. Nếu âm thanh đó là thực thì có lẽ không gian đã phải yên ắng biết chứng nào, con người mới có thể nghe được như vậy. Rời tầm mắt, Huy Cận di chuyển lên cao, trời đất mênh mông, “sâu chót vót” càng khiến con người cô đơn, lạc lõng hơn. Bức tranh thiên nhiên mở rộng cả ba chiều: chiều rộng, chiều cao và chiều sâu đến vô cùng. Những sự vật vận động trái chiều nhau nắng xuống trời lên khiến không gian càng được mở rộng hơn nữa. Sử dụng từ “sâu chót vót” là một từ rất lạ, không phải là cao mà là sâu đã nhấn mạnh cái sâu không cùng của cảnh vật, màu xanh ngút ngàn của bầu trời khiến có cái gì đó rờn rợn ở trong lòng.
Bức tranh cô đơn, hiu quạnh tiếp tục được bổ sung ở khổ thơ thứ ba:
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng
Những cành bèo lặng lờ trôi trên dòng sông mênh mông rộng lớn, với những bờ xanh lặng lẽ tiếp bãi vàng. Sự quạnh hiu qua mỗi khổ thơ lại càng rõ nét hơn. Đây không chỉ đơn thuần là sự cô quạnh của khung cảnh mà nó còn là sự cô đơn trong chính tâm hồn người thi sĩ. Nguyễn Du đã từng đúc kết: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” cũng chính là vì lẽ đó. Cái nhìn của tâm trạng đã ảnh hưởng, đã thấm dần sang cảnh vật, khiến cho mọi vật trở nên ảm đạm, cô đơn như chính thân phận của người thi sĩ. Không gian thiên nhiên đó chính là không gian tâm trạng của nhân vật trữ tình.
Khổ thơ cuối bài thơ đã mở ra một bức tranh khác, hùng vĩ, tráng lệ:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Các lớp mây chồng xếp lên nhau thành từng tầng, từng bậc, đùn lên thành những núi mây bạc trắng xóa. Hòa cùng cái ráng chiều đỏ của hoàng hôn làm cho bức tranh diễm lệ, kì vĩ hơn bao giờ hết. Tương phản với sự hùng vĩ của thiên nhiên là cánh chim cô đơn, bé nhỏ đến đáng thương, tội nghiệp. Nhìn khung cảnh ấy lòng ông cũng không thôi nhớ về quê nhà: “Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.
Bức tranh thiên nhiên trong thơ Huy Cận đẹp mà thấm đẫm nỗi buồn, đó là nỗi buồn thê lương khắc khoải. Dù cuối bức tranh ấy có xuất hiện sự kì vĩ, mĩ lệ, nhưng chỉ là trong thoáng chốc, ngưng đọng ở bài thơ vẫn là nỗi cô đơn, lạc lõng thấm đầy trong từng cảnh vật.
Tràng giang là một bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, xinh xắn mà cũng thật độc đáo trong thơ ca Việt Nam. Đằng sau bức tranh ấy là nỗi nhớ quê hương khắc khoải, là tình yêu nước sâu đậm mà kín đáo của Huy Cận dành cho non sông, đất nước.