Phân tích Đất Nước đoạn 1 Nguyễn Khoa Điềm hay nhất
Phân tích Đất Nước đoạn 1 hay nhất
Đất nước là cảm hứng vô tận cho những tác phẩm văn chương. Nếu như Nguyễn Đình Thi ghi nhớ hình ảnh đất nước với “Việt Nam đất nước ta ơi/ Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”, Chế Lan Viên miêu tả nỗi nhớ quê hương của người cách mạng quyết ra đi tìm đường của nước “Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà”. Thì đến với Nguyễn Khoa Điềm, người đọc lại được chiêm ngưỡng một đất nước rất khác, bình dị nhưng vô cùng đẹp. Cùng phân tích Đất nước đoạn 1 để thấu hiểu sâu sắc nhất.
Phân tích đoạn 1 bài thơ Đất nước
Mở bài phân tích Đất nước đoạn đầu
Tôi vẫn luôn ấn tượng với lời thắc mắc của em bé trong bài thơ “Bài học đầu cho con” của nhà thơ Đỗ Trung Quân: “Quê hương là gì hở mẹ/ Mà cô giáo dạy phải yêu?/ Quê hương là gì hở mẹ/ Ai đi xa cũng nhớ nhiều?” Hai tiếng quê hương, đất nước có lẽ là tiếng gọi thân thương mà thiêng liêng nhất. Có bao nhiêu người đã sẵn sàng hy sinh tính mạng, gác lại mọi quyền lợi cá nhân để bảo vệ bờ cõi nước nhà, có bao nhiêu người cách mạng không quản ngại hiểm nguy, bỏ cả tuổi thanh xuân để đi “tìm hình của nước”.
Bởi đã đánh đổi quá nhiều, nên đất nước càng thêm phần trân quý hơn. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã gói ghém tình yêu quê hương, sự nhớ thương “mảnh đất hình chữ S” này vào từng vần thơ. Khổ đầu tiên bài thơ “Đất nước”, ông viết:
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…
Xem thêm:
Top 5 mở bài Đất nước hay nhất
Bài thơ Đất nước: nội dung bài thơ, hoàn cảnh sáng tác, dàn ý phân tích
Thân bài phân tích Đất nước đoạn 1
Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ gắn bó và trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Khác với những nhà thơ cùng thời khác luôn tìm đến những từ ngữ hoa mĩ, hình ảnh mỹ lệ và giàu tính tượng trưng để thể hiện lòng yêu quê hương. Nguyễn Khoa Điềm lại chú trọng những thứ bình dị, gần gũi, đời thường, lấy đó là điểm tựa để ông gửi gắm những tình cảm chân thành nhất.
Ông có nhiều tác phẩm tiêu biểu như: Đất ngoại ô, Trường ca Mặt đường khát vọng. Trong đó, Đất nước được sáng tác năm 1971, lúc ông đang hoạt động tại chiến trường Bình Trị Thiên, thuộc chương V trường ca “Mặt đường khát vọng”, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ miền Nam cùng nhau xuống đường, đoàn kết đấu tranh vì độc lập dân tộc. Đoạn thơ đầu tiên viết về hình ảnh Đất nước thân thương, bình dị trong trái tim mỗi người con đất Việt.
Đất nước vô cùng thiêng liêng những cũng rất đỗi bình dị:
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất nước đã hình thành từ rất lâu, mấy trăm nghìn năm với máu xương của ông cha ta đánh đổi. Bởi vậy mà khi ta biết ý thức về đất nước thân yêu, đất nước đã có rồi. Đất nước trên thực tế, đất nước hiện hữu xung quanh ta và ở trong tim ta nữa.
Xem thêm:
So sánh Sóng và Đất nước chi tiết
Với nhà thơ, “Đất nước là một giá trị lâu bền, vĩnh hằng; đất nước được tạo dựng, được bồi đắp qua nhiều thế hệ, được truyền nối từ đời này sang đời khác. Cho nên “khi ta lớn lên đất nước đã có rồi!” Có lẽ bởi lịch sử lâu dài và sự tồn tại trường tồn, mạnh mẽ của đất nước, nhà thơ mới khẳng khái như vậy: “đất nước đã có rồi”.
Hai câu thơ tiếp theo, Nguyễn Khoa Điềm khắc họa vẻ đẹp của đất nước trong chiều sâu văn hóa, phong tục, trong đời sống bình dị thường ngày:
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Nhà thơ đã khéo léo mượn chất liệu văn học dân gian để bàn về sự ra đời của đất nước. Hình tượng đất nước hiện lên đầy quen thuộc và thân thương với trẻ thơ, hiện hữu qua từng lời kể “ngày xửa ngày xưa” của mẹ. Giống như những câu chuyện cổ tích thường nghe, đất nước cũng đã có từ rất lâu rồi, đất nước đã có trước khi những câu chuyện cổ ra đời, đất nước đã hiện diện trong truyện cổ.
Có thể thấy, nhà thơ đã gửi gắm một thông điệp rằng trong quá trình hình thành và phát triển của đất nước, một nền văn hóa văn học đặc sắc cũng theo đó mà ra đời, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từng câu chuyện, lời ru đã dần đi vào tiềm thức mỗi người, nuôi dưỡng tâm hồn ta bằng cái chân thiện mỹ, bén rễ rồi trổ hoa rực rỡ. Đất nước còn hiện diện trong những điều thân thương và bình dị “miếng trầu bà hay ăn”.
Đây cũng là một phong tục vô cùng tốt đẹp của dân tộc: nhai trầu và nhuộm răng đen. Câu thơ còn giúp người đọc liên tưởng tới câu chuyện cổ tích “trầu cau”. Miếng trầu là biểu tượng của tình yêu, vật chứng cho lứa đôi cũng là biểu tượng tâm linh của người Việt và là truyền thống văn hóa vô cùng tốt đẹp, đã hình thành và lưu giữ 4000 năm: “miếng trầu là đầu câu chuyện”.
Phân tích Đất nước đoạn 1 của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm
Đất nước còn là truyền thống dựng nước, giữ nước, đánh giặc ngoại xâm:
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Sự tích chàng trai làng Phù Đổng là vị tướng mà trời ban xuống giúp dân đánh giặc, lớn nhanh như thổi, sức mạnh phi thường, nhổ tre đánh đuổi giặc Ân xâm lược. Truyền thống văn hóa tốt đẹp ấy mãi rực cháy trong trái tim mỗi người dân Việt. Chỉ cần đất nước cần, tôi sẽ không quản ngại hy sinh.
Những người anh hùng trẻ tuổi, dũng cảm dám đương đầu với bom đạn góp sức giành lại tấc đất quê hương mà ta phải kính cẩn nghiêng đầu: Võ Thị Sáu, Kim Đồng, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót,... Và trong từng trận đánh, tre luôn gắn bó và hỗ trợ quân dân ta, cọc tre đâm thủng thuyền quân Nam Hán, gậy gộc làm từ tre,... Tre biểu trưng cho con người của đất nước ta hiên ngang, dẻo dai, bất khuất, không bao giờ quỳ gối trước kẻ thù.
Phân tích Đất nước đoạn 1 ta thấy đất nước hiện diện trong những điều bình dị, thân thuộc vô cùng;
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất nước hình thành gắn liền với vẻ đẹp chân phương, giản dị của người phụ nữ với phong tục “búi tóc sau đầu” nhân hậu, gọn gàng, nữ tính. Thành ngữ “gừng cay muối mặn” được tác giả sử dụng để nói về sự thủy chung, son sắt; cha mẹ thương nhau chân thành, nồng thắm như tình thương ta dành cho đất nước. Mà kết quả quả tình yêu đẹp đó là những đứa con thơ, là người dân của quê hương, đất nước. Ngày đó vì còn nhiều khó khăn nên người ta quan niệm đặt tên cho con xấu để dễ nuôi. Bởi vậy mà “cái kèo”, “cái cột” cũng thành tên.
Xem thêm:
Phân tích bài thơ đất nước của Nguyễn Khoa Điềm đoạn 2
Nước ta là một nước nông nghiệp, trồng lúa nước làm lương thực nên thấu hiểu sự vất vả cực nhọc. Thành ngữ “một nắng hai sương” cho thấy được sự vất vả đó. Một hạt gạo ra đời là bao nhiêu công sức đánh đổi “dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Câu thơ còn là sự chia sẻ nhọc nhằn, ca ngợi sự cần cù, chịu thương chịu khó của người dân ta, bao khó khăn vẫn kiên cường, bất khuất.
Câu thơ cuối đoạn một là lời khẳng định đầy tự hào của nhà thơ: “Đất Nước có từ ngày đó. “Ngày đó” là ngày nào ta không rõ nhưng chắc chắn ngày đó là ngày ta có truyền thống, có phong tục tập quán, có văn hóa mà có văn hóa nghĩa là có đất nước. Yêu đất nước là yêu hết những truyền thống, phong tục tập quán, văn hóa đó của đất nước ta.
Phân tích Đất nước đoạn 1, ta thấy bằng giọng văn dung dị, chân thành, bài thơ như một lời ru ngọt ngào, đắm chìm một tình yêu thương và lòng tự hào, lòng kiêu hãnh của Nguyễn Khoa Điềm dành cho đất nước. Nhà thơ đã khéo léo kết hợp những hình ảnh thân thuộc đời thường, phong tục tập quán, vận dụng chất liệu văn hóa dân gian. Tất cả làm nên một đoạn thơ đậm đà không gian văn hóa người Việt.
Kết bài phân tích Đất nước đoạn 1
Khép lại từng trang thơ, tôi mới nhận ra được vẻ đẹp bình dị, gần gũi của đất nước, thì ra đất nước chẳng phải điều gì quá xa xôi, to lớn. Bởi lẽ, đất nước luôn hiện hữu trong trái tim, cội nguồn dân tộc, cội nguồn văn hóa đang thấm vào tận từng mạch hồn, là dòng máu đãng chảy khắp cơ thể ta. Phải yêu thương và hiểu đất nước đến nhường nào, Nguyễn Khoa Điềm mới kết tinh được những vần thơ chân thành đến thế.
Trên đây là hướng dẫn phân tích Đất nước đoạn 1 hay nhất. Các em học sinh tham khảo những gợi ý được đưa ra để đưa ra cảm nhận của bản thân về đoạn 1 của bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm một cách chân thành nhất. Bởi lẽ, đất nước trong tim mỗi người luôn để lại những ấn tượng khác nhau.
Để theo dõi thêm những tips làm bài, các bài văn mẫu hay, đừng quên theo dõi các bài văn mẫu mới tại CungHocVui nhé.