Phân tích Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân chi tiết, hay nhất
Phân tích Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân chi tiết, hay nhất
Truyện ngắn Chữ người tử tù được cho là một trong những tác phẩm toát lên được cái đẹp – cái thiên lương cần có ở mỗi người. Phân tích Chữ người tử tù chính là chỉ ra cho người đọc thấy được nội dung của tác phẩm, sự sáng tạo và tài năng của tác giả. Từ đó, nêu lên giá trị của tác phẩm, thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm.
Phân tích Chữ người tử tù chi tiết
Mở bài:
Nói đến nhà văn Nguyễn Tuân là nói đến một người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Nguyễn Tuân sinh năm 1910, là đứa con của Hà Nội, sinh ra trong gia đình nhà nho, ông bắt đầu sáng tác từ rất sớm. Không chỉ là nhà văn, Nguyễn Tuân còn được nhiều người nể trọng bởi học vấn uyên bác, hiểu biết về nhiều lĩnh vực như: âm nhạc, điện ảnh, hội họa, sân khấu kịch,...
Dù sáng tác rất sớm, song nhà văn chỉ thực sự nổi tiếng sau sự ra đời của các tập tùy bút, bút ký nổi tiếng như: “Vang bóng một thời”, “Một chuyến đi”,...Và khi nhắc đến “Vang bóng một thời”, chúng ta không thể nào bỏ qua truyện ngắn “Chữ người tử tù” – một trong những tác phẩm xuất sắc làm nên tên tuổi nhà văn Nguyễn Tuân.
Thân bài phân tích chữ người tử tù
Tình huống truyện éo le, trớ trêu, kì lạ
Thành công của một tác phẩm truyện trước hết phải kể đến cách xây dựng tình huống truyện sao cho hấp dẫn, cuốn hút người đọc. Ở “Chữ người tử tù”, Nguyễn Tuân đã tài tình dựng nên một tình huống đặc sắc, kì lạ và có phần éo le, dẫn dắt người đọc đi từ trang văn này đến trang văn khác không thể rời mắt.
Tình huống bắt đầu ở không gian và thời gian khác lạ, không gian là một nhà giam tăm tối, nơi đại diện cho cái ác, cái xấu, nơi cầm tù, giam chân những kẻ bất lương, vậy mà trong chính nơi đây đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao và Viên quản ngục.
Phân tích tình huống của truyện chữ người tử tù
Cuộc gặp mặt này diễn ra vào những ngày cuối đời của Huấn Cao trước khi ông ra pháp trường lĩnh án chém. Ở địa vị xã hội Huấn Cao là một người anh hùng đứng lên đòi lại công bằng cho người dân, muốn lật đổ chế độ đương thời, do sa cơ thất thế ông bị triều đình bắt giam và trở thành tử tù. Còn viên quản ngục lại là đại diện cho giai cấp cầm quyền, đại diện cho tầng lớp quan lại triều đình. Điều này đã tạo ra sự đối nghịch và khoảng cách về địa vị xã hội ở họ.
Mặt khác, trên bình diện nghệ thuật Huấn Cao là một người học thức uyên bác hay nói một cách cụ thể hơn ông chính là một nghệ sĩ sáng tạo ra cái đẹp và viên quản ngục là người biết trân trọng, thưởng thức cái đẹp. Giữa hai người có cùng điểm chung là tình yêu đối với cái đẹp, chính tình yêu này đã xóa đi khoảng cách giữa họ, kéo họ gần lại tạo thành mối quan hệ khăng khít.
Qua cách xây dựng tình huống truyện của Nguyễn Tuân, đã góp phần tạo nên kịch tính của truyện, thúc đẩy cao trào dẫn đến kết quả. Từ đó giúp ta hiểu hơn về tính cách nhân vật, thấm thía nội dung mà tác giả muốn truyền tải: “Sự bất tử và sức mạnh cảm hóa của cái đẹp”.
Xem thêm:
Phân tích nhân vật Huấn Cao trong chữ người tử tù hay nhất
Top 3 mẫu tóm tắt chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
Phân tích chữ người tử tù qua nhân vật Huấn Cao
Khi đọc tác phẩm có lẽ ai ai cũng ấn tượng về nhân vật Huấn Cao. Đây là nhân vật trung tâm của truyện, đóng một vai trò to lớn đối với sự thành công của tác giả. Huấn Cao được biết đến là một người nghệ sĩ tài hoa viết chữ đẹp đến nỗi người cả vùng tỉnh Sơn vẫn ca tụng “cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”, “chữ ông Huấn đẹp lắm, vuông lắm..có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật ở trên đời.”
Đâu chỉ ở cái tài làm người đời ca tụng mến mộ. Huấn Cao còn được cả tài lẫn đức, vì “tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít khi chịu cho chữ”, chẳng phải ông ích kỷ mà do ông ý thức được giá trị con chữ cũng như tài năng của mình, ông chỉ cho chữ với những ai có tấm lòng thiên lương như ông, những người biết yêu và quý cái đẹp.
Trước thời cuộc, ông vẫn quan tâm đến bách tín, đến nhân dân. Ông khởi xướng cho phong trào chống lại triều đình, mong muốn nhân dân có được đời sống ấm no hơn. Dù thất bại, khí phách của một người anh hùng vẫn giúp ông ngẩng cao đầu trước kẻ thù. Khi bị chuyển đến nhà giam ông vẫn ung dung rũ rệp trên thang gông. Những tình tiết này đủ để chứng minh trong con người ông ẩn chứa khí chất ung dung của một nhà nho yêu nước.
Ngay cả khi được viên quản ngục biệt đãi, ông cũng không lấy làm lạ và xem đó như “việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh”. Nhưng đến khi viên quản ngục tìm đến, Huấn Cao lại có thái độ khinh miệt và dứt khoát “ Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn một điều.....vào đây”. Trước cường quyền ông không hề e sợ, vẫn thản nhiên, xem nhẹ cái chết, đây chính là khí phách vốn có của một vị anh hùng.
Vẻ đẹp đặc sắc nhất mà Nguyễn Tuân xây dựng cho nhân vật là ở thiên lương trong sáng. Chính thiên lương trong sáng làm nên cốt cách con người Huấn Cao. Bởi ông không vì ngọc ngà châu báu hay uy quyền mà tự ý cho chữ, cả đời ông chỉ viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho bạn tri kỉ. Sau khi hiểu ngọn nguồn câu chuyện, ông cảm động trước tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” của viên quản ngục, chấp nhận cho chữ.
Phân tích chữ người tử tù qua nhân vật viên quản ngục
Nhà văn Nguyễn Tuân
Nếu Huấn Cao mang cho mình đầy đủ cái tài cái đức và cái đẹp của thiên lương, thì hình tượng viên quản ngục được dựng lên nhằm tô điểm thêm cho sự thiên lương trong sáng ấy. Viên quản ngục là người say mê cái đẹp và khao khát được thưởng thức cái đẹp, có được cái đẹp, dĩ nhiên trong viên quản ngục phải có thiên lương trong sáng thì mới biết yêu và trân trọng cái đẹp nhiều đến thế, nhưng tâm hồn ấy lại sai đường lạc lối vào chốn bùn nhơ, tội ác.
Dù là tay sai dưới quyền triều đình nhưng viên quản ngục đã dũng cảm , dùng tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” đối đãi với Huấn Cao. Trong những ngày trước khi Huấn Cao bị đưa ra pháp trường ông luôn tỏ vẻ tôn kính, khiêm nhường trước một người nghệ sĩ – người sáng tạo ra cái đẹp.
Với ông, không gì nuối tiếc bằng việc không xin được chữ của ông Huấn. Ông khao khát có được một câu đối do Huấn Cao viết để treo ở trong nhà. Và hơn hết ông đồng cảm xót xa trước một người tài ba sắp phải lìa xa cõi đời.
Điều này làm bật lên thiên lương trong sáng ẩn chứa bên trong, một con người biết xót thương, đau khổ trước cái đẹp bị hủy diệt nghĩa là họ đang phẫn nộ, căm thù cái ác, cái xấu. Trong họ, tình yêu cái đẹp đang hiện hữu và phát triển một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Phân tích chữ người tử tù: cảnh cho chữ
Phân tích tác phẩm chữ người tử tù - Cảnh cho chữ
Phần hấp dẫn nhất của tác phẩm là cảnh cho chữ. Đêm hôm ấy, tại trại giam đã diễn ra một cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”. Trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, dưới đất bừa bãi phân chuột, phân gián. Ấy vậy mà nơi đây lại diễn ra cảnh cho chữ, lẽ ra cái đẹp trong nghệ thuật phải được trao đi trong một không gian và thời gian đẹp, diễm lệ, trong tác phẩm thì hoàn toàn trái ngược.
Nghịch lý đó đâu chỉ thể hiện qua không gian thời gian, mà nó còn hiện rõ trong tôn ti thứ bậc.Một buồng giam với ba người đang chăm chú, tên tử tù cổ đeo gông chân vướng xiềng lại ung dung cho chữ trên tấm lụa trắng, thầy thơ lại thì run run hai tay bưng chậu mực, còn viên quản ngục lại khúm núm dùng đồng tiền đánh dấu ô chữ. Cái “run run”, “khúm núm” cúi đầu kia không phải ám chỉ kẻ hèn hạ mà đó chính là thái độ trân trọng, tôn kính, xem đó là điều nên làm.
Trong sự nghịch lý đó, Huấn Cao đã hoàn thành cảnh cho chữ trên tấm lụa, đỡ viên quản ngục đứng dậy và cho lời khuyên. Đây là cử chỉ hết sức cao đẹp, là hành động vực dậy, mong muốn được bảo vệ cái thiên lương trong sáng. Huấn Cao nói: “Thầy quản nên tìm về nhà quê mà ở...Ở đây khó giữ được thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Trước lời khuyên chân thành của một nghệ sĩ sắp phải lìa xa cõi đời, viên quản ngục cảm động cúi đầu “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.
Xem thêm:
Soạn bài chữ người tử tù: trả lời câu hỏi sách giáo khoa văn 11
Soạn chữ người tử tù: Tác giả, tác phẩm chi tiết, đầu đủ
Giá trị của tác phẩm chữ người tử tù
Giá trị trong tác phẩm chữ người tử tù
- Giá trị nội dung của tác phẩm
Qua “Chữ người tử tù”, Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công nhân vật Huấn Cao với hình tượng một người nghệ sĩ tài hoa có thiên lương trong sáng. Nhân vật này là điển hình cho kiểu người một thời vang bóng trong tác phẩm Nguyễn Tuân giai đoạn trước cách mạng tháng 8. Làm nổi bật quan niệm thẩm mĩ của nhà văn trong cách thức xây dựng nhân vật mang đầy đủ vẻ đẹp chân-thiện-mỹ. Nhờ đó, gửi gắm đến người đọc thông điệp ý nghĩa về sự bất tử của cái đẹp về sức mạnh cảm hóa, sinh sôi của cái đẹp dù trong hoàn cảnh tăm tối nhất.
- Giá trị nghệ thuật
Tạo dựng nên tình huống truyện kì lạ, éo le mà đặc sắc, cuốn hút người đọc. Sử dụng từ Hán Việt mang sắc thái trang trọng cổ kính phù hợp với thời gian cốt truyện. Tận dụng tuyệt đối thủ pháp đối lập và bút pháp tả thực đẩy tình huống truyện lên cao trào, làm người đọc cảm nhận nhân vật theo nhiều góc độ khác nhau, mang lại nhiều cung bậc cảm xúc.
Kết bài phân tích chữ người tử tù
“Chữ người tử tù” là một trong những tác phẩm đưa tên tuổi Nguyễn Tuân vang dội trên Văn đàn, để lại dấu ấn khó phai trong lòng người đọc. Tác phẩm góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú cho kho tàng văn học nước nhà. Truyền tải nhiều bài học ý nghĩa mang tính nhân văn sâu sắc.