Soạn bài Chữ người tử tù- Soạn văn lớp 11
Câu 1 : Tình huống truyện của tác phẩm Chữ người tử tù là gì? Tác dụng của tình huống này đối với việc thể hiện tính cách nhân vật và kịch tính của truyện?
- Hai nhân vật: Huấn Cao và Quản ngục, trên bình diện xã hội hoàn toàn đối lập nhau, nhưng hai nhân vật này đều là những người có tâm hồn nghệ sĩ. Trên bình diện nghệ thuật, họ là những người tri âm, tri kỉ với nhau.
- Tác giả đã đặt những nhân vật này vào tình thế đối địch: tử tù và quản ngục, tạo nên cuộc gặp gỡ kì lạ trong chốn ngục tù tối tăm, dơ bẩn.
⟶ Mối quan hệ đặc biệt éo le, đầy trớ trêu giữa những những tâm hồn tri âm, tri kỉ. Từ đây nảy sinh nhiều kịch tính: người tử tù thành người mà viên quản ngục nhờ vả muốn xin chữ; đồng thời lại là người mở đường hướng thiện cho cuộc sống về sau của viên quản ngục. Chính tình huống độc đáo này đã giúp làm nổi bật trọn vẹn, tự nhiên vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Huấn Cao và làm sáng tỏ tấm lòng biệt đãi người tài của viên quản ngục.
Câu 2 : Phân tích vẻ đẹp độc đáo của hình tượng Huấn Cao. Qua nhân vật Huấn Cao, anh (chị) có nhận xét gì về quan niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp.
- Huấn Cao là một người tài hoa khác thường. Ông có tài viết chữ rất đẹp, "chữ đẹp và vuông lắm", khiến nhiều người mơ ước có được chữ viết của ông treo trong nhà của mình, trong đó có viên quản ngục.
- Huấn Cao là một con người hiên ngang, khí phách, là một anh hùng đầu đội trời chân đạp đất. Một tử tù đợi ngày ra pháp trường vẫn giữ trạng thái ung dung, tự tại và không nề nao núng. Đến cảnh chết chém ông còn chẳng sợ. Sự ngang tàng của ông còn được thể hiện qua thái độ không quỵ lụy trước cường quyền và hơn nữa lại còn rất miệt thị viên quản ngục.
- Ông còn là một người có "thiên lương" trong sáng và cao đẹp. Thể hiện ở thái độ tôn trọng trước một nhân cách đẹp (viên quản ngục), trước một người nghệ sĩ có cái sở nguyện trong sáng. Ông sẵn sàn cho chữ, sẵn sàng chia sẻ những lời gan ruột chân thành với viên quản ngục trước khi vào kinh thành thụ án: "Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy quản nên thay chốn đi… ở đây thiên lương khó giữ cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi". Đó là sự ứng xử đáng trọng của một nhân cách cao cả.
⟹ Qua hình tượng nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân muốn bày tỏ những quan niệm của mình về cái đẹp. Với Nguyễn Tuân, cái tài phải đi đôi với cái tâm. Cái đẹp và cái thiện không thể tách rời nhau. Đó là một quan niệm thẩm mĩ tiến bộ của tác giả.
Câu 3. Nhân vật quản ngục có phẩm chất gì khiến Huấn Cao cảm kích coi là "một tấm lòng trong thiên hạ", và tác giả coi đó là "một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ".
- Làm nghề trông coi ngục, nhưng viên quản ngục lại có thú chơi thanh cao, tao nhã – thú chơi chữ.
- Viên quản ngục biết trân trọng giá trị con người, biết quý trọng nhân tài. Điều này thể hiện rõ qua chi tiết về những hành động biệt đã đối với Huấn Cao và những người bạn tù của Huấn Cao.
- Là người có tấm lòng "biệt nhỡn liên tài", người biết trân trọng những giá trị văn hóa.
- Diễn biến nội tâm, hành động và cách ứng xử của viên quản ngục chứng tỏ dù sống ở nơi tăm tối nhưng ông vẫn giữ được nhân cách cao đẹp – một tấm lòng trong thiên hạ, xứng đáng trở thành bạn tri kỉ của Huấn Cao. Nhân cách và tâm hồn của viên quản ngục theo như nhận xét của Huấn Cao là "một âm thanh trong trẻo xen giữa bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ".
Câu 4. Phân tích đoạn văn tả cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục trong nhà lao. Vì sao tác giả lại coi đây là "một cảnh tượng xưa nay chưa từng có"?
Phải nói vẻ đẹp nhân cách của Huấn Cao đã bộc lộ đầy đủ, sáng chói và rực rỡ nhát là trong đêm ông cho chữ.
Giữa cái buồng tám tối, hôi hám, bẩn thỉu của nhà tù, người nghệ sĩ tài hoa ấy đã sáng tạo cái đẹp, cổ đeo dây gông, chân vướng xiềng say mê tô từng nét chữ. Trong khoảnh khắc nghệ thuật thăng hoa, tưởng như chìm khuất cả bóng dáng của kẻ tử tù. Cả cái án chém sắp đến với ông Huân tưởng như cũng đã lùi xa. Cả cái cảnh buồng nhà ngục “tối tăm, chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, tổ Yệp, đất bừa bãi phân chuột phản gián” tưởng như cũng đã chìm khuất. Giây phút này chỉ còn ánh sáng: “ánh sáng độ rực của một bó đuốc tẩm dầu” và sự trân trọng tài hoa. Viên quản ngục và người thơ lại bỗng trở nên nhỏ bé, khúm núm vớỉ thái độ ngưỡng mộ sùng kính của những kẻ liên tài và hinh ảnh người tử tù bỗng trở nên lồng lộng. Tất cả đều thấm đẫm ánh sáng thuần khiết của cái đẹp, cái đẹp của thiên lương và khí phách. Sau khi cho chữ xong, ông Huấn đã khuyên viên quản ngục: “Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững...”, "Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.
- Người xin chữ ở vị thế quản ngục, cai quản tử tù, tiếp nhận, bái lĩnh những lời khuyên của tử tù.
⟶ Vị thế trên bình diện xã hội khác, trên bình diện nghệ thuật lại khác.
⟹ Giữa chốn ngục tù tàn bạo, không phải kẻ thống trị làm chủ mà là người làm tù làm chủ. Cái thiện vẫn hiện lên mạnh mẽ chiến thắng được cái ác. Đó là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối; là sự tôn vinh cái đẹp, cái thiện và nhân cách cao cả của con người.
Câu 5 : Anh (chị) có những nhận xét gì về bút pháp xây dựng nhân vật, bút pháp miêu tả cảnh vật, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Tuân trong Chữ người tử tù?
Trả lời:
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: nhân vật được xây dựng bằng bút pháp lí tưởng hóa cảm cảm hứng lãng mạn.
- Cảnh trong tác phẩm được xây dựng bằng nghệ thuật tương phản, làm nổi bật sự đối lập gay gắt giữa cái đẹp và cái xấu, cái thiện và cái ác, tính cách và hoàn cảnh.
- Ngôn ngữ: giàu tính tạo hình, sử dụng nhiều từ hán việt, từ cổ để tạo không khí thời đại và của người vang bóng. (Cảm thấu được sống lại một cảnh tượng cổ kính, thiêng liêng về viết câu đối của cha ông ngày xưa).