Phân tích nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù hay nhất
Hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù là một hình tượng nhân vật điển hình cho phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân: cho thấy vẻ đẹp tài hoa và phi thường của con người. Sau đây, Cunghocvui sẽ mang đến cho các bạn bài phân tích nhân vật Huấn Cao hay nhất và đầy đủ nhất!
Bài làm
Trong nền văn học Việt Nam, mỗi một nhà văn, nhà thơ khi xây dựng hình tượng nhân vật cho các sáng tác của mình đều dành tất cả những tâm huyết, những tư tưởng cũng như quan niệm về cuộc đời của mình để gửi gắm vào đó. Ta có thể kể đến hình tượng nhân vật Chí Phèo - Thị Nở mà nhà văn Nam Cao đã xây dựng lên bằng ngòi bút nhân đạo và tình yêu thương con người của ông trong xã hội lúc bấy giờ. Hay nhân vật Kiều trong Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du với số phận éo le, thể hiện cái nhìn về cuộc sống của người con gái có tài nhưng lại bạc mệnh. Còn với Nguyễn Tuân, nhà văn luôn đi tìm kiếm những nét đẹp phi thường của con người thì ông đã vẽ nên hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù. Huấn Cao tượng trưng cho vẻ đẹp của một con người tài hoa, uyên bác và khí thế bất khuất ngay cả khi chuẩn bị chém đầu.
Chữ người tử tù có tên ban đầu là Dòng chữ cuối cùng, in trên tạp chí Tao đàn năm 1939. Sau đó được in trong tập Vang bóng một thời. Tập truyện này gồm 11 truyện, là kết tinh của tài năng uyên bác cũng như ngòi bút sắc sảo của Nguyễn Tuân. Hình tượng nhân vật Huấn Cao có một nét gì đó rất riêng, để lại dấu ấn mạnh mẽ đối với người đọc.
Huấn Cao trước hết hiện lên với hình ảnh một con người có tài viết chữ rất đẹp. Theo như lời của ông quản ngục thì "Chữ ông Huấn đẹp lắm, vuông lắm, có được chữ ông treo trong nhà là một vật báu ở đời." Từ lâu, ông Huấn Cao đã nổi tiếng khắp vùng tỉnh Sơn nhờ tài năng viết chữ "rất nhanh và rất đẹp", cái tài của ông khiến cho người đời phải ngưỡng mộ, thán phục, ai cũng muốn xin một chữ của ông để đem về treo trong nhà. Những người như quản ngục cũng phải say mê, đắm đuối từng nét chữ của ông. Bởi chữ của Huấn Cao không chỉ đẹp mà còn thể hiện hoài bão tung hoành của cả một đời người, nhà văn cho thấy sự trân trọng của ông đối với những nét chữ cổ truyền của dân tộc.
Nhưng hình tượng nhân vật Huấn Cao không chỉ có tài năng phi thường, ngòi bút tài hoa, trí tuệ uyên bác mà còn có một khí chất hơn người khi ở trong chốn lao tù. Bị bắt với tội danh cầm đầu bọn phản nghịch nhưng thực chất Huấn Cao lại là một anh hùng dám đứng lên vì chính nghĩa, vì lẽ phải cho nên ông không hề run sợ mà vẫn hiên ngang trước việc làm của mình. Hình ảnh Huấn Cao với khí thế bất khuất được thể hiện qua chi tiết: "Huấn Cao khom mình, chúc mũi gông nặng, thúc mạnh vào đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái". Nguyễn Tuân đã gợi tả lên hình ảnh người anh hùng ngang tàn, muốn phá bỏ xiềng xích dưới ách nô lệ. Điều này càng thể hiện rõ nét hơn qua chi tiết Huấn Cao không hề muốn nhận biệt đãi từ người quản ngục. Ông Huấn dứt khoát tuyên bố rằng: "Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng bao giờ đặt chân vào đây." Với lòng tự trọng và uy vũ của mình, Huấn Cao không hề muốn nhận sự biệt đãi của những tên cai ngục đang phải nghe theo tầng lớp thống trị hống hách kia. Dù sắp phải chết nhưng Huấn Cao không hề lo sợ trước những kẻ đang nắm trong tay số phận của mình mà ngược lại vẫn bất chấp, dửng dưng trước lời mời ấy. Đây rõ ràng là cái nét đẹp, khí chất hiên ngang của một người anh hùng "đầu đội trời, chân đạp đất" như Huấn Cao.
Nét đẹp cuối cùng mà ta thấy được ở nhân vật này chính là cái thiên lương trong sáng, nhân cách cao cả của ông Huấn. Điều này được thể hiện trong cảnh cho chữ của ông với người quản ngục. Ông Huấn tự nhận rằng: "Đời ta cũng mới viết có bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn của ta thôi. Ta nhất sinh không vì vàng bạc hay quyền quý mà ép mình phải viết chữ bao giờ". Con chữ của ông không bao giờ được viết bừa bãi mà phải quý lắm, trân trọng lắm ông mới trao tặng những nét chữ "tung hoành cả đời người" của mình. Vậy mà ông lại cho chữ một người xa lạ là người quản ngục, bởi ông thấy ở người quản ngục lương tâm trong sáng, lương thiện cùng tấm lòng mà người quản ngục dành cho ông. Cảnh cho chữ hiện lên thật đẹp giữa người trân trọng từng con chữ và người viết chữ "đậm tô từng nét chữ trên vuông lụa bạch trắng tinh", người tử tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng nhưng vẫn toát lên nhuệ khí tài hoa vượt bậc. Sau khi cho chữ, Huấn Cao còn khuyên người quản ngục, rằng: "Ở đây lẫn lộn, ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa với những nét chữ vuông tươi tắn nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời con người". Câu nói của Huấn Cao cho thấy ông không chỉ có thiên lương trong sáng mà còn là người trân trọng thiên lương của người khác, muốn người đó giữ được lương tâm của chính mình.
Huấn Cao là mẫu nhân vật điển hình cho ngòi bút của Nguyễn Tuân, ta thấy được ở nhân vật này cả tài năng, khí chất cùng với lương tâm cao cả, trong sạch của ông. Để kiếm tìm được một người như vậy thật là khó, vậy nên mỗi một lời văn viết ra, tác giả đều dành những sự trân trọng, đề cao con người tài hoa, uyên bác ấy. Đó là người mà Nguyễn Tuân cả đời xê dịch để kiếm tìm, cũng là chất riêng trong phong cách văn chương của ông.
Đọc truyện ngắn Chữ người tử tù, ta có thể cảm nhận được những nét đẹp hơn người của nhân vật Huấn Cao và thêm cảm phục trước khí thế bất khuất của những người anh hùng thời xưa dám đứng lên để bảo vệ chính nghĩa. Trong thời bình, ta vẫn luôn cần những con người có tố chất như vậy để bảo tồn phẩm chất của người dân Việt Nam.
Từ bài Phân tích nhân vật Huấn Cao, Cunghocvui hy vọng các bạn học sinh sẽ hiểu được về nhân vật này cũng như phong cách sáng tác của tác giả Nguyễn Tuân. Chúc các bạn học tập tốt!