Phân tích bức tranh phố huyện chiều về và tâm trạng của Liên
A. ĐỀ BÀI
I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Trên bãi cát những người lính đảo
Ngồi ghép nhau bao nỗi nhớ nhà
Chiều ảo rộng vài vạt mây hờ hững
Họ cứ ngồi như chum vại hứng mưa
Đảo tải cát
Khóc oan hồn trôi dạt
Tao loạn thời bình Gió thắt ngang cây.
Đất hãy nhận những đứa con về cội
Trong bao dung bóng mát của người
Cây hãy gọi bàn tay về hái quả
Võng gọi về nghe lại tiếng à ơi...
À ơi tình cũ nghẹn lời
Tham vàng bỏ ngãi kiếp người mong manh.
(Lời sóng 4, trích Trường ca Biển, Hữu Thỉnh, NXB Quân đội nhân dân, 1994)
Câu 1: Xác định thể thơ của đoạn thơ trên.
Câu 2: Cuộc sống của người lính đảo được nhà thơ tái hiện qua những chi tiết, hình ảnh nào?
Câu 3: Theo anh/chị, ý nghĩa của hai câu thơ Chiều áo rộng vài vạt mây hờ hững - Họ cứ ngồi như chum vại hứng mưa là gì?
Câu 4: Nêu hiệu quả của biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong câu thơ Đảo tải cát - Khóc oan hồn trôi dạt - Tao loạn thời bình - Gió that ngang cây.
II LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm): Hình ảnh người lính đảo và thông điệp “kiếp người mong manh” mà nhà thơ gửi gắm ở câu thơ cuối gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về giá trị của cuộc sống. Hãy: thể hiện suy nghĩ bằng một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ).
Câu 2 (5,0 điểm): Phân tích bức tranh phố huyện khi chiều về và tâm trạng của nhân vật Liên trước cảnh chiều muộn trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ ” - Thạch Lam (SGK Ngữ văn 11, tập Một) để thấy được nét “trữ tình đượm buồn” đặc trưng trong sáng tác của Thạch Lam.
B. HƯỚNG DẪN
Câu 1:
1. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (0,25 điểm)
Có thể trình bày đoạn văn theo nhiều cách: diễn dịch, quy nạp, móc xích, song hành...
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm):
Giá trị cuộc sống của mỗi người.
3. Triển khai vấn đề nghị luận (1,0 điếm):
Có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ được quan niệm về giá trị cuộc sống mà mỗi cá nhân theo đuổi. Có thể theo hướng sau:
- Người lính đảo có cuộc sống rất khó khăn nhưng đó là cuộc sống đầy ý nghĩa. “Kiếp người mong manh” nói về thời gian sống của mỗi cá nhân rất ngắn ngủi, hữu hạn. Bởi vậy, mồi người đều cần biết tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi đó để tạo nên giá trị cuộc sống.
- Giá trị cuộc sống gồm cả những giá trị vật chất như sức khỏe, tiền bạc... cũng gồm cả những giá trị tinh thần như tri thức, phẩm chất, tâm hồn, sự cống hiến, hi sinh, quan hệ xã hội.. .Con người cần tạo ra và tích lũy những giá trị đó, đồng thời biết cân bằng và hài hòa giữa các giá trị. Có như vậy mới có được cuộc sống có ý nghĩa và góp phần phát triển xã hội.
- Phê phán những con người chọn lối sống ích kỉ, thực dụng, sống hoài, sống phí.
- Liên hệ bản thân: bản thân là người trẻ tuổi đã sử dụng thời gian như thế nào để sống có ích nhất, đóng góp được nhiều nhất cho xã hội.
4. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm):
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa Tiếng Việt.
5. Sáng tạo (0,25 điểm):
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
Câu 2 (5,0 điểm):
Phân tích bức tranh phố huyện khi chiều về và tâm trạng của nhân vật Liên trước cảnh chiều muộn trong truyện ngắn ‘'Hai đứa trẻ ” (SGK Ngữ văn 11, tập Một) để thấy được nét “trữ tình đượm buồn” đặc trưng trong sáng tác của Thạch Lam.
1, Đảm bảo cẩu trúc bài vãn nghị luận (0,25 điểm):
Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
2, Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điếm):
Nét “trữ tình đượm buồn” thể hiện trong cảnh phố huyện lúc chiều tà và tâm trạng của Liên.
3, Triển khai vấn đề nghị luận:
Cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp dẫn chứng và lí lẽ.
a. Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm (0,5 điểm):
Thạch Lam là một trong những cây bút văn xuôi trụ cột của Tự lực văn đoàn. Tuy nhiên, Thạch Lam đã tự xác định cho mình một lối đi riêng. Hướng ngòi bút lãng mạn, giàu cảm xúc nhẹ nhàng và tinh tế vào những kiếp người nghèo khổ, những truyện ngắn tài hoa của ông thực sự như những bài thơ xinh xắn, duyên dáng và đậm chất nhân văn. “Hai đứa trẻ” trích từ tập “Nắng trong vườn” là một trong những truyện ngắn như thế.
b. Giải thích (0,25 điểm)
“Trữ tình”: giàu cảm xúc, giàu chất thơ. Nét “trữ tình đượm buồn” là chỉ một đặc trưng trong sáng tác của Thạch Lam: những câu chuyện phảng phất nỗi buồn về kiếp người, cốt truyện đơn giản, thiên về miêu tả những cung bậc cảm xúc, sắc thái tâm trạng.
c. Phân tích khung cảnh phố huyện buổi chiều và tâm trạng của nhân vật Liên (2,25 điểm)
* Chất trữ tình đượm buồn toát ra từ khung cảnh phố huyện buổi chiều:
Khung cảnh phố huyện khi chiều xuống được lọc qua cái nhìn và tâm trạng, cảm giác của nhân vật Liến, nên cũng thấm đượm cảm xúc trữ tình.
- Cảnh vật hiện lên có hồn, êm ả, thi vị mà đượm buồn: Câu chuyện mở ra bằng những âm thanh và hình ảnh báo hiệu một ngày tàn. m thanh của tiếng trống thu không “từng tiếng một vang xa để gọi buổi chiều”, của tiếng ếch nhái “kêu ran ngoài đồng ruộng”, hình ảnh của phương Tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Nhà văn như nhập mình vào linh hồn cảnh vật quê hương khiến bức tranh quê hiện lên gần gũi, thân thuộc mà gợi cảm biết bao. Bức tranh đầy chất thơ, lọc qua ánh mắt “bóng tối ngập đầy dần” của Liên mang nét buồn nao nao, man mác, pha lẫn chút bâng khuâng.
- Con người hiện lến với kiếp sống mòn mỏi, tăm tối; tuy vậy tâm hồn họ vẫn ánh lên vẻ đẹp đáng trân trọng: bám vào cuộc sống mưu sinh với niềm hi vọng nhỏ nhoi.
+ Khung cảnh chợ tàn: “Chợ chiều đã tan, người về hết, tiếng ồn ào cũng mất”. Chợ là nơi phô bày cuộc sống thực tế của một vùng quê. Không phải ngẫu nhiên mà Thạch Lam chọn một ngày chợ phiên, bởi chỉ có chợ phiên mới thấm thía hết sự tiêu điều, xơ xác của chốn quê nghèo. Chợ tàn, âm thanh đã khuất dạng, trên bãi chợ chỉ còn lại đầy rác rưởi: vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn - những đồ phế thải thảm hại, nheo nhếch, bẩn thỉu.
+ Những cư dân phố huyện trong bóng chiều:
++ Mấy đứa trẻ con nhà nghèo sau phiên chợ ùa ra tìm kiếm, nhặt nhạnh những gì còn có thể dùng được. Nhưng còn tìm được gì, kiếm được gì ở những đồ phế loại tồi tàn ấy. Người này dựa vào người kia để sổng nhưng tất cả chỉ dựa vào vô vọng.
++ Mẹ con chị Tí với gánh hàng nghèo, chiều nào cũng dọn hàng từ chập tối nhưng niềm hi vọng của chị thật mong manh. Sự uể oải, lay lắt thấm đậm khiến cả những lời trò chuyện thông thường cũng không cất lên nổi, khi Liên hỏi, chị “chép miệng mãi mới trả lời”. Đó là hình ảnh của kiếp sống cầm chừng, làn hồi qua ngày.
++ Chị em Liên và An phải “thức để trông một cửa hàng tạp hoá nhỏ xíu, dọn từ khi cả nhà bỏ về quê vì bố Liên mất việc”. Nhưng có lẽ con đường mưu sinh ấy cũng chẳng sáng sủa gì bởi hôm nay là ngày phiên mà hàng bán cũng không được mấy.
++ Trong đám cư dân phố huyện, dễ sợ nhất là bà cụ Thi hơi điên với tiếng cười khanh khách man dại tan trong không gian quạnh quẽ. Đây có lẽ là sản phẩm nhỡn tiền của cuộc sống mòn mỏi nơi phố huyện. Cuộc sống quẫn bách ấy đã chôn vùi đi một nửa ý thức của con người. Con người đang đánh mất dần chính mình.
++ Tuy nhiên, ngày nào cũng như ngày nào, bằng đấy con người vẫn bám vào con đường mưu sinh, dù chỉ là bám vảo hi vọng nhỏ nhoi, yếu ớt.
* Chất trữ tình đượm buồn toát ra từ diễn biến tâm trạng của nhân vật Liên:
- Tâm trạng man mác buồn trước khung cảnh phố huyện lúc chiều tàn: Trong khoảnh khắc thời gian ấy, cái buồn của buổi chiều quê cứ thấm thìa vào tâm hồn Liên, từ từ dâng lên và ngập tràn bởi dường như mọi chi tiết, hình ảnh âm thanh xuất hiện ở thời điểm này đều rất gợi buồn. Cảm giác man mác buồn từ cảnh vật thấm vào lòng người và nỗi buồn trong tâm hồn ngây thơ lan toả ra cảnh vật.
- Niềm xót xa, thương cảm với những kiếp người nhỏ nhoi, lay lắt trong bóng tối.
+ Hình ảnh những đứa trẻ nghèo đi nhặt rác khốn khổ, cơ cực gieo vào lòng Liên một nỗi buồn thẳm sâu, một nỗi thương cảm xót xa.
+ Liên ngậm ngùi cho mẹ con chị Tí hay cũng là nỗi ngậm ngùi cho cảnh sống của chính mình.
+ Liên và An thấy sợ, đứng lặng nhìn theo cụ Thi điên đi về phía làng. Nỗi sợ hãi đơn thuần của trẻ con hay mơ hồ một sự hoảng hốt trước nhịp sống nghèo nàn, đơn điệu đang bào mòn nhân tính của con người, I trước sự bế tắc, vô vọng của cuộc sống.
=> Với gam màu ánh sắc hoàng hôn và một vài hình ảnh đời thường xoàng xĩnh Thạch Lam đã vẽ nên một mảng tranh sinh động của phố huyện nghèo, vừa gợi cảm giác êm đềm, thi vị, lại vừa gợi sự nghèo khó lam lũ. Trong bức tranh ấy, thật khó mà nói cho rạch ròi nỗi buồn từ cảnh vật I thấm vào lòng người hay nỗi buồn trong tâm hồn Liên lan toả ra, nhuốm vào cảnh vật, chỉ biết ở đây có một cái gì rất nhịp nhàng, hoà hợp, một nỗi buồn lây vào nhau, nhuốm vào nhau để dâng đầy hơn “đôi mắt chị bóng tối ngập dần đầy”.
d. Đánh giá chung (0,5 điểm)
- Làm nên sắc thái trữ tình trong Hai đứa trẻ chủ yếu là cảm xúc buồn thương và giọng thủ thỉ trầm lắng, thiết tha qua miêu tả khung cảnh, tâm trạng.
- Chất trữ tình đượm buồn mang lại cho Hai đứa trẻ một vẻ đẹp riêng, thể hiện phong cách nghệ thuật đặc sắc của Thạch Lam.
4, Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm):
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa Tiếng Việt.
5. Sáng tạo (0,5 điểm):
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
Xem thêm >>> Sức hấp dẫn của "Hai đứa trẻ"
Thấy hay hãy like, share và đừng quên để lại những ý kiến đóng góp, thắc mắc của bản thân ở phía bên dưới comment nhé!