Đề thi thử THPT Quốc gia Ngữ văn - THPT Chuyên Nguyễn Huệ
Cunghocvui gửi đến bạn đề thi đọc hiểu THPT Quốc gia môn Ngữ Văn - THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội. Đi kèm với đề thi là những hướng dẫn chi tiết và chính xác nhất giúp bạn học tập tốt.
A. ĐỀ BÀI
Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:
(1) Đất nước đẹp vô cùng.
Nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác
Khi bờ bãi dần lui, làng xóm khuất,
Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre.
(2) Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ?
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương!
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở,
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương!
(3) Có nhớ chăng, hồi gió rét thành Ba Lê?
Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá
Và sương mù thành Luân Đôn, người có nhớ
Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?
(4) Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước
Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa...
(Trích Người đi tìm hình của nước - Chế Lan Viên)
Câu 1: Đoạn thơ gắn với sự kiện lịch sử nào?
Câu 2: Tìm 01 bài thơ khác có cùng đề tài với đoạn thơ trên (Nêu rõ tên tác giả, tác phẩm)
Câu 3: Đoạn thơ sử dụng phương thức biểu đạt chính nào?
Câu 4: Anh/chị hãy chỉ ra những tình cảm nhà thơ thể hiện trong khổ thơ thứ 3.
B. HƯỚNG DẪN
Câu 1:
Câu hỏi trên gắn nội dung của bài thơ với sự kiện lịch sử đi cùng với bài thơ đó. Đối với bài thơ không có trong chương trình như bài thơ Người đi tìm hình của nước, học sinh cần đọc kĩ bài thơ để tìm ra nội dung chủ đạo, sau đó vận dụng hiểu biết của mình về kiến thức liên ngành (ở đây là kiến thức lịch sử) để giải quyết vấn đề. Thông thường các câu hỏi tương tự như vậy đối với dạng này thường hướng đến những kiến thức trong tầm hiểu biết của học sinh THPT.
Gợi ý câu trả lời: Đoạn thơ gắn với sự kiện Bác lên đường cứu nước (1911).
Câu 2:
Đổ tìm được các bài thơ thuộc đề tài tương tự, học sinh cần nắm được đề tài của tác phẩm này. Đây là cách hỏi khéo, kiểm tra xem học sinh có xác định đúng đề tài của tác phẩm hay không, nếu xác định đúng đề tài thì sẽ chọn được tác phẩm đúng. Đề tài có sự phân biệt rất rõ ràng đối với chủ đề.
Gợi ý câu trả lời: Bài thơ cùng đề tài viết về Bác, ví dụ: Bác ơi! (Tố Hữu)
Câu3:
Đoạn văn thể hiện những suy nghĩ, tình cảm của tác giả về những vất vả, gian truân của Bác trong hành trình đi tìm con đường cứu nước cho đất nước và dân tộc. Chính vì vậy phương thức biểu đạt chính phải là biểu cảm
Gợi ý câu trả lời: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ: biểu cảm,
Câu 4:
Đối với những câu hỏi hỏi về một yếu tố nhỏ trong một đơn vị của đoạn trích (ở đây là khổ 3), học sinh cần có cái nhìn tổng quan, toàn diện tới nội dung của toàn đoạn, từ đó nhận ra nét riêng biệt của đơn vị kiến thức được hỏi.
Gợi ý câu trả lời: Những tình cảm nhà thơ thể hiện trong khổ thơ thứ 3 là sự xót xa, niềm ngưỡng mộ khi nhắc tới những khó khăn, gian khổ và nghị lực phi thường của Bác trên đường cứu nước.
Xem thêm: Phân tích tư tưởng đoạn trích trong "Đất Nước" của Nguyễn Khoa Điềm