Đăng ký

Chiến tranh và người bản xứ trong bài Thuế máu

1,094 từ

Chiến tranh và người bản xứ trong bài Thuế máu trích Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc

“Trước năm 1914, họ chỉ là những tên da đen bẩn thiu, những tên An-nam-mít bẩn thỉu...”. Cách hành văn đó đã gợi ý lên một ý rằng: trong chiến tranh, rất có thể họ (những người da đen và những người An-nam-mít ấy) sẽ có một thân phận khác. Và quả đúng là như vậy: sau đó “lập tức họ biến thành những đứa “con yêu”, những người “bạn hiền” của các quan cai trị phụ mẫu nhân hậu...”. Điều gì đã khiến cho họ từ địa vị quá thấp hèn, bị khinh miệt trở nên cao quý như vậy? Không có phép lạ nào ở đây cả. Tác giả chỉ gợi ra một ý nhỏ (“ấy thế mà cuộc chiến tranh vui tươi vừa bùng nổ”) là tất cả sự thật đã được phơi bày. Công chúng Pháp rất có thể đã bị bất ngờ.

Tác giả đã gọi những người dân bản xứ là “họ”, trong khi lại gọi đại diện của chính quyền thực dân là “các quan cai trị nhà ta...”. Điều đó giúp tác giả có được vị thế gần gũi với nhân dân Pháp, tỉ tê tâm sự và chỉ cho họ một sự thật: vị thế “cao quý”, “vinh dự đột ngột” mà những người dân bản xứ được “hưởng” hiện tại chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cho họ cả, thậm chí thà rằng họ cứ là “giống người bẩn thỉu” còn hơn.
 
Vẫn giữ nguyên giọng điệu châm biếm, “vui vui” mà như cứa từng nhát dao sắc lạnh ấy, tác giả chứng minh bằng những dẫn chứng cụ thể mà đau lòng: những người dân bản xứ phải “đột ngột xa lìa vợ con, rời bỏ mảnh ruộng hoặc đàn cừu của họ...” để “đi phơi thây trên các chiến trường châu Âu”. Người đem thân làm mồi cho cá dưới đáy biển, kẻ bỏ xác tại những miền hoang vu, gần gũi hơn thì ngay ở bờ sông Mác-nơ, bãi lầy miền Săm-pa-nhơ...Những kẻ không phải ra trận cũng không khá gì hơn khi họ phải nhiễm hơi ngạt trong các nhà máy hóa chất chế tạo vũ khí giết người.

Đó là những tội ác thực sự phía sau những danh từ mĩ miều kia. Giọng điệu châm biếm của tác giả được thể hiện qua cách “nhại” những mĩ từ ấy (vinh dự đột ngột, bảo vệ Tổ Quốc của những loài quỷ quái, những miền hoang vu thơ mộng, lấy máu mình tưới những vòng nguyệt quế của các cấp chỉ huy...) càng làm bộc lộ sự ghê tởm trong quá trình “khai hoá văn minh” của chính quyền thực dân.
 
Việc sử dụng những con số thống kê chính xác đến thời điểm này có tác dụng không khác gì một nhát búa: bảy mươi vạn người bản xứ đã đặt chân lên đất Pháp, trong đó “tám vạn người không bao giờ còn trông thấy mặt trời trên quê hương đất nước mình nữa”. Biện pháp nói giảm, nói tránh được sử dụng trong trường hợp này đã tạo ra hiệu ứng ngược lại: càng cố làm giảm đi số lượng và tránh nói đến sự mất mát thì nỗi đau càng nhân lên.