Dàn ý Phân tích bài Thuế máu
Đề bài
Đề bài: Dàn ý Phân tích bài Thuế máu
Hướng dẫn giải
A. Mở bài: - “Thuế máu” là văn bản nghị luận sắc bén, nổi tiếng của Nguyễn Ái Quốc với nghệ thuật trào phúng sắc sảo, vạch trần sự ác độc, thủ đoạn tàn bạo của thực dân Pháp với người dân thuộc địa trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 1.
B. Thân bài:
Luận điểm 1: Chiến tranh và người bản xứ
*Giọng điệu của bọn thực dân
+ Trước chiến tranh thế giới lần 1, chúng cay nghiệt, khinh thường người dân thuộc địa bằng những cái tên “bọn da đen bẩn thỉu”, hay bọn “An-nam-mít”, bọn chỉ biết “kéo xe tay và ăn đòn”.
+ Sau khi chiến tranh xảy ra, bọn thực dân bất ngờ thay đổi chóng mặt, chúng gọi người dân thuộc địa là “con yêu”, là “bạn hiền”, ngợi ca và phong cho họ là những “chiến sĩ tự do bảo vệ công lí”.
+ Tại sao có sự thay đổi như vậy? Vì sau khi chiến tranh xảy ra, bọn thực dân muốn dùng dân thuộc địa để giúp chúng bành trướng và chết thay cho chúng
*Số phận của người dân thuộc địa
- Trên chiến trường tàn khốc: họ buộc phải xa gia đình, xa quê hương, người phơi thây ngoài chiến trường, kẻ chết khi vượt biển, bỏ xác tại nơi hoang vu, bị tàn sát không thương tiếc…
- Ở hậu phương, họ bị bọn thực dân bóc lột, vắt kiệt sức trong các xưởng thuốc súng, bị nhiễm khí độc đến nỗi “khạc ra từng miếng phổi”.
⇒ Số phận thảm thương, bế tắc của những người dân thuộc địa.
Luận điểm 2: Chế độ lính tình nguyện
*Các thủ đoạn, mánh khóe của bọn thực dân
- Các thủ đoạn vũ lực, mánh khóe vô lí để bắt ép người dân Đông Dương đi lính và vơ vét của cải của họ:
+ Chúng mở cuộc lùng ráp, vây bắt và cưỡng chế bằng vũ lực để ép người dân đi lính
+ Chúng dùng mánh khóe trấn lột của cải của người dân bằng luận điệu: muốn không đi lính thì xì tiền ra.
+ Khi bị bắt, chúng trói, xích, đánh đập như súc vật, sẵn sàng đàn áp dã man nếu họ chống đối.
⇒ Vô nhân đạo, không từ một thủ đoạn tàn ác, coi mạng người như cỏ rác.
- Giọng điệu xảo trá, đáng khinh khi chúng nói “các bạn đã tấp nập đầu quân…; không ngần ngại rời bỏ quê hương…”.
*Phản ứng của người dân
- Tìm mọi cách để trốn thoát khỏi vòng vây của bọn thực dân
- Sẵn sàng làm cho mình nhiễm những căn bệnh nặng nhất để không phải đi nhưng cuối cùng vẫn bị chúng bóc lột, vơ vét không từ thủ đoạn.
⇒ Họ không hề tình nguyện như lời phủ toàn quyền Đông Dương đã công bố trước toàn thế giới.
Luận điểm 3: Kết quả của sự hi sinh
- Một loạt các câu nghi vấn nhưng không hề có mục đích hỏi mà tác giả đang muốn khẳng định, vạch trần bộ mặt tráo trở, tàn nhẫn, xảo trá, vô nhân đạo, bỉ ổi của bọn thực dân Pháp đối với những người dân Việt Nam
+ Chúng thẳng thường tuyên bố: “Các anh đã bảo về Tổ quốc, thế là tốt. Bây giờ chúng tôi không cần các anh nữa, cút đi.”
+ Chúng thậm chí còn ra sức vơ vét , gieo rắc vào đất nước ta những tệ nạn chết người.
⇒ Lời tố cáo thẳng thắn, quyết liệt của tác giả trước những tội ác của bọn thực dân, thái độ mỉa mai, châm biếm đến cực độ trước sựu gian xảo, bỉ ổi của chúng.
Luận điểm 4: Nghệ thuật
- Văn bản nghị luận với những luận điểm, luận cứ sắc sảo, chân thực, logic
- Sử dụng những hình ảnh giàu giá trị biểu cảm
- Giọng điệu khi mỉa mai châm biếm, khi chua xót uất hận.
C. Kết bài: - Văn bản “Thuế máu” nói riêng và “Bản án chế độ thực dân Pháp” nói chung chính là nhát dao sắc bén của Nguyễn Ái Quốc, đâm thẳng vào “tim đen” của bọn thực dân và sự đau khổ của người dân các nước thuộc địa.