Phân tích tội ác của thực dân qua bài Thuế máu
Đề bài
Đề bài: Phân tích tội ác của thực dân qua bài Thuế máu.
Hướng dẫn giải
Với tư cách là một thiên phóng sự điều tra, Bản án chế độ thực dân Pháp là văn chương báo chí. Sức thuyết phục của nó là những con số, những nhân chứng, những thống kê, nghĩa là những sự thật không gì chối cãi được. Người viết nó ở vào vị thế khách quan không hề khoa trương cường điệu. Song, một mặt khác, tác phẩm rất gần với văn chương hình tượng, nghĩa là những sáng tạo nghệ thuật ở một loạt hình ảnh gợi cảm, ở giọng điệu trào phúng, giễu cợt, mỉa mai. Sự kết hợp về mặt thể loại này đã đưa đến một hiệu quả không ngờ: tố cáo chế độ thực dân, phơi bày cuộc sống khốn cùng của người dân các xứ thuộc địa. Lòng căm giận đối với chế độ thực dân và yêu thương đối với nhân dân các nước thuộc địa là những mạch ngầm văn bản thể hiện một khát vọng mãnh liệt, sâu sắc của tinh thần chiến đấu, của ý chí chiến đấu giành độc lập tự do của cây bút tài hoa cũng là của một người chiến sĩ cách mạng.
Thuế máu là một cách đặt tên chương đầy ấn tượng, có sức biểu cảm, khơi gợi rất cao. Đây là một thứ thuế cực kì vô lí, một sự bóc lột tàn bạo, trắng trợn đến tận cùng sinh mạng của những người dân thuộc địa. Chiến tranh phi nghĩa đối với bọn đế quốc là một cách làm giàu nhanh nhất và bóc lột xương máu của những người dân thuộc địa mà chúng tự phong cái nghĩa vụ khai hoá, bảo hộ là con đường rẻ nhất. Đó là những cuộc chiến tranh mang lại lợi nhuận vổ cùng lớn. Bóc lột sức lực mồ hôi đã là một tội ác. Bóc lột xương máu lại là một tội ác lớn hơn. Bản chất độc ác ấy, lần đầu trên báo chí được phanh phui, bộ mặt của bọn thực dân hiện nguyên hình là những loài dã thú trong thời đại văn minh. Tính chất phản nhân loại ấy được lôi ra ánh sáng, trước vành móng ngựa của lương tri. Trình tự và cách đặt tên các phần trong chương đầu của tác phẩm vừa theo lô-gíc thời gian, trọn vẹn một quy trình công nghệ đưa thân xác người dân thuộc địa vào guồng máy chiến tranh (Chiến tranh và “người bản xứ” ; Chế độ lính tình nguyện ; Kết quả của sự hi sinh) vừa theo nguyên tắc của nghệ thuật. Hình thức đầu cuối tương ứng trong kết cấu (như hình ảnh chiếc lò gạch trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao) tạo nên sự va đập dữ dội trong tâm trí của người đọc, người nghe. Xương máu mà người dân thuộc địa phải trả cho các cuộc chiến tranh đế quốc thật là vô nghĩa. Sự lừa bịp của bọn thực dân không còn một thứ bình phong hay mĩ từ nào che giấu được.
Chúng đã đẩy những người dân thuộc địa vào cảnh đang thương, lấy họ làm vật hi sinh, làm bia đỡ đạn cho quyền lợi của chúng trước chiến tranh. Họ bị thực dân Pháp coi là “những tên da đen bẩn thỉu”, “những tên An-Nam-mít bẩn thỉu”, họ chỉ biết kéo xe và ăn đòn. Số phận của họ cực kì đáng thương, cho thấy bộ mặt tàn ác bất nhân của thực dân Pháp. Thế nhưng khi chiến tranh nổ ra, bọn Thực dân Pháp bộc lộ bộ mặt lừa bịp bỉ ổi, chúng dùng những lời lẽ hoa mĩ, gọi là “con yêu, bạn hiền” phong cho họ cái danh hiệu “chiến sĩ bảo vệ công lí và tự do” không những thế, chúng còn bắt người dân thuộc địa phải đi lính.
Mặc dù không muốn nhưng những người dân thuộc địa chỉ là những người thấp cổ bé họng không làm gì khác được nên đành phải chấp nhận đi lính hoặc xì tiền ra. Chúng dùng lời lẽ lừa lọc dối trá “tấp nập đầu quân, không ngần ngại dời bỏ quê hương” thế nhưng trên thực tế họ bị xích, trói, nhốt lại, họ bị bọn thực dân Pháp bắt đi lính. Chúng dùng thủ đoạn bỉ ổi, đầu tiên chúng bắt người dân nghèo và khỏe mạnh, sau đó chúng quay sang xoay tiền của nhà giàu, chúng giao nộp số người trong một thời gian quy định và chúng gọi đó là chế độ lính tình nguyện. Than ôi!, số phận của người dân thuộc địa thật là trớ trêu. Họ phải đi lính “làm mồi cho thủy lôi”, “bỏ xác ở dùng Ban-căng hoang vu”, “lấy máu mình tưới lên vòng nguyệt quế”, “lấy xương mình chạm vào chếc gậy của ngài thống chế”, “số phận của họ không gì có thể thảm thương hơn”. Thế mà 70 vạn người đặt chân lên nước Pháp thì 8 vạn người không thể nhìn thấy mặt trời trên đất mình nữa. Chứng tỏ thuế máu là thứ thuế vô cùng tàn ác vì họ phải lấy máu mình, hi sinh cả tính mạng của mình để làm bia đỡ đạn cho thực dân Pháp. Thế mà sau chiến tranh lời lẽ hoa mĩ của bọn thực dân Pháp như in bặt. Chúng quay ngoắt lại, đối xử với họ rất tàn bạo họ lại bị coi là những tên An nam mít bẩn thỉu. Chúng cho họ ăn như cho lợn ăn, nhồi nhét họ cho họ ngủ như cho lợn ngủ và họ lại phải chịu số phận thảm thương. Sau chiến tranh bản chất tàn ác bất nhân, bộ mặt lừa bịp của thực dân Pháp được bộ lộ rõ nhất.
Toàn bộ bài văn, xét về mặt nghệ thuật thì cái nổi trội nhất là bút pháp trào phúng: ngôn ngữ trào phúng, ngữ điệu trào phúng, kết cấu, lập luận nhằm mục đích trào phúng. Tác giả của nó đã sử dụng cách đánh chính diện, đánh vỗ mặt theo lối bóc trần tâm địa của kẻ lừa bịp mị dân, dồn chúng vào đến chân tường không nơi ẩn nấp. Còn cách đánh lại rất văn chương, đã đạt đến chiều sâu của sự thâm thuý.