Đăng ký

Bài ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Tây Nguyên

A. ĐỀ BÀI
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:
Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn của nước ta, đáng lẻ phải sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ của dân tộc, nhất là trong lúc này.
Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Vãn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy. Có người chỉ biết Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của Lục Vân Tiên, và hiểu Lục Vân Tiên khá thiên lệch về nội dung và về văn, cỏn rất ít biết thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, khúc ca hùng tráng của phong trào yêu nước chống bọn xâm lược Pháp lúc chúng đến bờ cõi nước ta cách đây một trăm năm.
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước mà tác phẩm là những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống bọn xâm lược phương Tây ngay buổi đầu chúng đặt chân lên đất nước chúng ta.
               (Trích Phạm Văn Đồng - “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc” - Bài viết tháng 7 năm 1963, nhân kỉ niệm 75 năm ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu)
1.     Đoạn văn trên thuộc thể loại gì? Nội dung cơ bản của đoạn văn?
2.    Theo tác giả đoạn văn, ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu có ánh sáng khác thường ở điểm nào? Để khẳng định ánh sáng khác thường ấy, tác giả đã dùng biện pháp gì?
3.    Cảm nhận của anh/chị về hình ảnh “ngôi sao sáng” mà tác giả bài viết dùng để nói về Nguyễn Đình Chiểu?
Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Ảo cài khuy bấm, em làm khổ toil
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Nổi ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mộc thế cho vừa lòng anh.
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê 
Hôm qua em đi tỉnh về 
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
                                      (Chân quê -Nguyễn Bính)
4.    Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai? Anh/chị hiểu như thế nào về tâm trạng của nhân vật trữ tình ấy? Cái tên “Chân quê” của bài thơ có ý nghĩa như thế nào?
5.    Bài thơ có sự kết hợp của các phương thức biểu đạt nào? Sự kết hợp các phương thức biểu đạt như thế có tác dụng như thế nào?
6.    Phân tích đặc sắc của câu thơ “Hoa chanh nở giữa vườn chanh/Thầy u mình với chúng mình chân quê”.
PHẦN II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1 (3 điểm)
Nhà văn nổi tiếng của Liên Xô (cũ) I-li-a Ê-ren-bua trong bài “Thử lửa” viết tháng 6 năm 1942 - thời kì khó khăn nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc mà nhân dân Liên Xô tiến hành chống phát xít Đức xâm lược đã viết: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc, có thể nào quan niệm được sức mãnh liệt của tình yêu mà không đem nó vào lửa đạn gay go thử thách ”.
Anh/chị hãy viết một bài văn ngắn trình bày ý kiến của mình về những cảm nghĩ trong đoạn văn trên.
Câu 2 (4 điểm)
Có thể xem truyện ngắn “Rừng xà nu” (Nguyễn Trung Thành) như một bài ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Tây Nguyên trong thời kì kháng chiến chống đế quốc Mĩ.
Hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

B. GỢI Ý
PHẦN I
1.     Bài viết của Phạm Văn Đồng thuộc thể nghị luận văn học. Để hiểu đúng nội dung của đoạn văn càn đặt bài viết vào thời điểm ra đời của nó (tháng 7 năm 1963). Đoạn văn là phần đầu của bài viết.
-       Chỉ ra Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao có ánh sáng khác thường trên bầu trời văn nghệ dân tộc.
-       Khẳng định thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là bài ca hùng tráng về cuộc chiến đấu oanh liệt của dân tộc ta ở buổi đầu chống bọn xâm lược Pháp.
2.     Ánh sáng khác thường của ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu tỏa chiếu từ lòng yêu nước nồng nàn trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Tác phẩm của ông là những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta chống bọn thực dân xâm lược tàn bạo.
Biện pháp khẳng định: so sánh và nhắc nhở (có những người chỉ biết truyện thơ Lục Vân Tiên mà không biết nhiều tác phẩm mang tình cảm yêu nước, tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của Nguyễn Đình Chiểu).
3.      Cảm nhận về ý nghĩa biểu cảm của hình ảnh “ngôi sao sáng” trên bầu trời. Chú ý liên hệ với cuộc đời, cảnh ngộ riêng của Nguyễn Đình Chiểu (bị mù loà, thời buổi loạn lạc khi triều đình nhà Nguyễn hèn nhát, vô trách nhiệm...).
4.     Nhân vật trữ tình trong bài thơ là chàng trai thôn quê có người yêu cùng làng đi tỉnh về.
Chàng trai khấp khởi mừng, ra tận con đê đầu làng đón người yêu đì tỉnh về. Nhưng em rộn ràng, tươi mới bao nhiêu thì lòng anh lại buồn giận bấy nhiêu. Trong chữ “khổ” ở câu thơ này chứa chất bao nhiêu nỗi niềm của chàng trai:
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Ao cài khuy bấm em làm khổ tôi
-        Ngỡ ngàng trước vẻ tươi mới, chất quê bị phôi pha.ở em.
-        Buồn và giận vì em vô tư, đổi thay như thế.
 - Lo lắng bởi rồi sẽ mất em.
-        Vì “khổ”, vì thiết tha níu giữ chân quê, tình quê nên chàng trai liên tiếp hỏi tìm những trang phục, những hình ảnh truyền thống (điệp khúc “Nào đâu”).
Tên bài thơ Chân quê có ý nghĩa: Nhà thơ đặt ra vấn đề thú vị về mối quan hệ giữa truyền thống, bảo tồn văn hoá dân tộc với hiện đại, với sự tiếp nhận văn minh nhân loại. Đặt trong hoàn cảnh đất nước nô lệ, không ít cảnh lố lãng, bon chen ở xã hội thời bấy giờ thì tình cảm thiết tha với chân quê, với hồn quê ở Nguyễn Bính là một biểu hiện của tinh thần dân tộc, của ý thức giữ mình đáng trân trọng.
5.    Chân quê kết hợp hài hoà, tự nhiên giữa tự sự và trữ tình. Qua một câu chuyện kể, lời tự thuật mà nhân vật trữ tình bộc lộ cảm xúc, nỗi niềm.
Sự kết hợp các phương thức biểu đạt như thế đã tạo nên sự gần gũi, tính chân thực của nội dung tác phẩm.
6.     Các hình ảnh “hoa chanh”, “vườn chanh” trong câu thơ mang ý nghĩa biểu tượng. Chúng mình là hoa chanh và hoa chanh chỉ đẹp, chỉ là mình khi nở giữa vườn chanh,.. Chàng trai đã đem cả truyền thống, đạo lí của ông cha (Thầy u mình') ra để nhắc nhở, khuyên ngăn cô gái mình yêu. Đối với con người Việt Nam, nhất, là đối với những con người chân quê, truyền thống, cội nguồn cỏ sức níu giữ to lớn.
PHẦN II
Câu 1.
Khi trình bày suy nghĩ về đoạn, văn trong bài “Thử lửa” của I-li-a Ê-ren-bua cần lưu ý những điểm sau:
* Tác giả và bối cảnh ra đời của “Thử lửa”
-       I-li-a Ê-ren-bua là một nhà văn, nhà báo, một phóng viên mặt trận xuất sắc của đất nước Liên Xô (cũ) trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống phát xít Đức tàn bạo. Những bài viết tràn đầy nhiệt huyết yêu nước, nóng bỏng không khí chiến trường của ông có sức mạnh, cổ vũ, thôi thúc lớn lao.
-        Bài “Thử lửa” được viết tháng 6 năm 1942, khi cuộc chiến đấu chống phát xít xâm lược của quân đội, nhân dân Liên Xô đứng trước nhiều thử thách, khó khăn chồng chất.
*     Nội dung, tinh thần cơ bản của đoạn văn.
Lòng yêu nước lớn lao, thiêng liêng ở mỗi con người được hình thành, xây đắp từ tình yêu những gì hết sức cụ thể, gần gũi thường ngày. Tình cảm gia đình, tình yêu làng xóm, quê hương là cội nguồn trực tiếp, vững bền của lòng yêu tổ quốc.
-   Lòng yêu nước chân chính luôn gắn liền cùng hành động, cùng sự tự nguyện chấp nhận thử thách, hi sinh. Chính khi được tôi luyện trong lửa đạn gay go, lòng yêu nước càng sâu sắc, càng ngời sáng.
*   Chú ý làm sáng tỏ nội dung đoạn văn bằng thực tế lịch sử của dân tộc, bằng những tấm gương anh hùng trong các cuộc kháng chiến... Chú ý khẳng định ý nghĩa sâu sắc của nó qua liên hệ với tình hình đất nước ta hiện nay.
Câu 2.
*     Giới thiệu chung về truyện ngắn Rừng xà nu
Một truyện ngắn xuất sắc về Tây Nguyên của Nguyễn Trung Thành, một thành tựu nổi bật của văn xuôi Việt Nam thời kì chống Mĩ cứu nước.
-     Rừng xà nu được viết vào đầu mùa hè năm 1965 khi Nguyễn Trung Thành đang tham gia chiến đấu, hoạt động văn nghệ ở chiến trường Liên khu 5 nóng bỏng. Ra đời trong không khí quyết liệt, sôi nổi ấy, hướng tới hiện thực phản ánh là miền đất Tây Nguyên những năm đầu kháng chiến chống Mĩ, tác phẩm mang đậm chất sử thi, là bài ca hùng tráng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của con người miền đất này trong thời đại đánh Mĩ.
* “Rừng xà nu” ngợi ca tinh thần bất khuất, sự vùng dậy quật cường của con người Tây Nguyên trong khói lửa chiến tranh ị
-      Chủ nghĩa anh hùng cách mạng bao hàm sự vượt tình thế thử thách lớn của lịch sử bằng lí tưởng cao cả, hành động phi thường. Để làm nổi bật điều ấy, viết Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành đã tái hiện chân thực những đau thương, mất mát to lớn của đồng bào Tây Nguyên ở những năm đầu kháng chiến chống Mĩ khi kẻ thù điên cuồng khủng bố. Câu chuyện cụ Mết kể lại với con cháu Xô Man trong đêm làng đón Tnú về thăm đã đưa ta về những ngày tháng đau thương, đen tối của Tây Nguyên.
-     Chính từ trong thử thách đau thương ấy, con người Tây Nguyên đã bất khuất vùng dậy. Truyện ngắn đã diễn tả sinh động cuộc khởi nghĩa của làng qua những chỉ tiết gây ấn tượng mạnh, những hình ảnh giàu chất sử thi. Trước cảnh dân làng bị đàn áp, Tnú bị tra tấn dã man, thanh niên Xô Man đã theo lệnh cụ Mết dùng giáo, mác, dao, rựa bất ngờ xông ra đâm chém hết cả tiểu đội lính giặc. Sau cuộc vùng dậy ấy, cả đêm làng không ngủ, đánh chiêng ầm vang, đốt lửa xà nu sáng rực khắp vùng rừng để mài giáo vót chông xây dựng làng kháng chiến.
-      Từ quá trình vùng dậy bất khuất của dân làng Xô Man, “Rừng xà nu” đã làm sáng tỏ một quy luật của đời sống, một chân lí của lịch sử: Tức nước ắt phải vờ bờ, có áp bức tất dẫn tới đấu tranh. Tư tưởng cách mạng này, con đường tất yếu của đồng bào Tây Nguyên, của lịch sử dân tộc này được nhà văn gửi gắm qua lời cụ Mết: “Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu: chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo.”
*    Khi miêu tả quá trình vùng dậy bất khuất của đồng bào Tây Nguyên, Rừng xà nu đã xây dựng thành công hình ảnh một tập thể nhân dân anh hùng
Ca ngợi chủ nghĩa anh hùng mang tính tập thể là một đặc điểm của văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975.
-      Làng Xô Man là một tập thể thảnh đồng bất khuất trong bão táp chiến tranh. Dù kẻ thù điên cuồng khủng bố nhưng trong làng không một ai nao núng, không một ai chịu dẫn lũ giặc vào rừng tìm chỗ ở của cán bộ, chỗ giấu vũ khí của du kích. Nhiều người sẵn sàng chấp nhận cái chết chứ không đầu hàng, không phản bội lí tưởng cách mạng.
-      Hình ảnh làng Xô Man gợỉ người đọc liên tưởng đến cánh rừng xà nu kiêu hãnh “ưỡn tấm ngực lớn”, cứ vượt lên bất chấp đạn đại bác từ đồn giặc.
*    Chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Tây Nguyên trong Rừng xà nu được kết tinh qua các nhân vật tiêu biểu, các đại diện của từng thế hệ.
-      Truyện ngắn Rừng xà nu mang dáng dấp một tiểu thuyết, phản ánh chân thực một thời kì lịch sử đau thương, hào hùng của miên đât Tây Nguyên với nhiều thế hệ con người kế tiếp nhau. Từ cụ Met qua Tnú, Mai đến Dít rồi Heng. .. đó là những thế hệ tiếp nối trưởng thành nhanh chóng trong khói lửa chiến tranh.
~ Nhân vật cụ Mết: pho sử sống của làng Xô Man bất khuất, người phát động và tổ chức cuộc khởi nghĩa đầu tiên của làng. Nhân vật này như một cây xà nu cổ thụ, như chiếc gạch nối giữa truyền thống anh hùng của Tây Nguyên tự ngàn xưa với hiện tại quật cường của thời đánh Mĩ.
-Nhân vật Tnú:
+ Thể hiện quá trình trưởng thành của một thế hệ con người Tây Nguyên trong ánh sáng cách mạng với nhiều biến cố, sự kiện đáng nhớ.
+ Con người trung thực, gan góc, dũng cảm.
+ Con người giàu tình cảm, có tình yêu thương thắm thiết, lòng căm hờn mãnh liệt (tình yêu quê hương sâu nặng, tình cảm gia đình thắm thiết, lòng căm thù giặc mãnh liệt).
- Các nhân vật Dít, Heng: gan góc, hồn nhiên, tiếp nối xuất sắc truyền thống cha anh.
* Kết luận chung: “Rừng xà nu” là một bài ca hào hùng về thiên nhiên dạt dào sức sống, về vẻ đẹp con người Tây Nguyên thời kháng chiến chống Mĩ. Tác phẩm giàu cảm hứng sử thi, xây dựng thành công nhiều hình tượng nhân vật với những chi tiết nghệ thuật đặc sắc.

Xem thêm >>> Ý nghĩa câu nói của cụ Mết

                         So sánh hình tượng hai nhân vật: Cụ Mết và Tnú

Chúc các bạn học tập tốt! Đừng quên like và share nhé <3