Đăng ký

Trình bày quan niệm của Nguyễn Trải về một quốc gia độc lập tự chủ

1,482 từ

Trình bày quan niệm của Nguyễn Trải về một quốc gia độc lập tự chủ. Từ Sông núi nước Nam đến Bình Ngô đại cáo (cụ thể là qua đoạn trích Nước Đại Việt ta), quan niệm này đã được kế thừa, phát triển như thế nào?

Với đoạn trích Nước Đại Việt ta, Nguyễn Trãi đã đưa ra một quan niệm hoàn chỉnh về quốc gia, dân tộc, đồng thời khẳng định quyền độc lập, tụ chủ không thể xâm phạm của đất nước Đại Việt.

Lí lẽ rõ ràng, mạch lạc, lập luận chặt chẽ, giọng văn hùng hồn, hào sảng, người viết thể hiện bản lĩnh vững vàng, niềm tự hào, tự tôn dân tộc mãnh liệt khi đưa ra những chứng cớ xác định độc lập, chủ quyền của dân tộc:
 
- Quốc hiệu riêng và lịch sử lâu đời.
 
- Nền văn hiến có bề dày truyền thống. Khái niệm “văn hiến” bao hàm trong đó nhân tố văn hóa và con người. Nguyễn Trãi rất quan tâm tới yếu tố con người - chủ nhân của lịch sử, của quốc gia. Việc nhấn mạnh vai trò, vị trí con người - mà cụ thể ở đây là nhân tài - với việc khẳng định quyền tự chủ của một quốc gia cho thấy cái nhìn nhân văn sâu sắc.
 
- Cương vực lãnh thổ xác định.
 
- Phong tục tập quán riêng.
 
- Truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng.
 
- Chính thể (bộ máy nhà nước và các thê chế chính trị) độc lập.
 
Từ Sông núi nước Nam đến Bình Ngô đại cáo là sự tiếp thu, kế thừa và phát triển của quan niệm về quốc gia, dân tộc. Ở Sông núi nước Nam - tác phẩm được coi như bản tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất - người viết dõng dạc khẳng định nền tự chủ của dân tộc Việt Nam trên hai phương diện: biên giới lãnh thổ và chủ quyền. Đến Bình Ngô đại cáo Nguyễn Trãi xuất phát từ hoàn cảnh thực tế đất nước, từ quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, đã bổ sung, mở rộng, thể hiện bước tiến dài trong nhận thức về quốc gia: bên cạnh hai nhân tố cơ bản là ranh giới địa lí và quyền làm chủ, quốc gia Đại Việt được khẳng định vững vàng với truyền thống lịch sử rực rỡ (lịch sử dựng nước - đặt ngang hàng các triều đại phong kiến Việt Nam (Triệu, Đinh, Lí, Trần) với những vương triều hùng mạnh nhất trong lịch sử Trung Hoa (Hán, Đường, Tống, Nguyên), lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước - các triều đại phong kiến được Nguyễn Trãi đề cập đến gắn liền với những chiến thắng lẫy lừng trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền, độc lập của dân tộc); với nền văn hóa và những phong tục tập quán lâu đời; với con người, cụ thể là nhân tài hào kiệt. Khái niệm quốc gia dân tộc được mở rộng cả bề rộng lẫn chiều sâu, cả không gian lẫn thời gian, cả những yếu tố vật chất cụ thể lẫn những yếu tố văn hóa tinh thần.

Đặt vào bối cảnh ra đời của tác phẩm, ở Sông núi nước Nam tuy quan niệm về quốc gia còn khoác cái vỏ thần bí nhưng đã cho thấy một ý thức tự hào dân tộc sâu sắc. Ba chữ “quốc” (Việt Nam là một quốc gia độc lập), “đế” (vua nước Việt là hoàng đế), “cư” (người Việt Nam có quyền cai quản đất nước minh) thể hiện tinh thần tự chủ, niềm tự tôn dân tộc và niềm tin mạnh mẽ vào sự bình đẳng, ngang hàng giữa Việt Nam với Trung Hoa. Vào thời điểm sáng tác bài thơ, nước ta vẫn bị coi là một quận trực thuộc Trung Hoa, chưa được công nhận là một nước riêng (quốc). Vua Đại Việt không được công nhận là “vương” (vua nước chư hầu) chưa nói gì đến “đế” (người cai quản toàn thiên hạ, có quyền phong vương cho vua các nước chư hầu). Vì vậy, việc quản lí và làm chủ đất nước của người nước Nam với đất nước Nam (cư) cũng không được thừa nhận. Sông núi nước Nam là lời tuyên ngôn dõng dạc khẳng định Đại Việt, là một quốc gia độc lập, tự chủ. Nguyễn Trãi tiếp thu cái nhìn ấy. Lập luận của ông được triển khai theo hai hướng lồng ghép trong nhau: nhấn mạnh cái riềng của Đại Việt (khẳng định sự độc lập) trong sự đối sánh với Trung Hoa, từ đó nhấn mạnh vị thế ngang hàng, bình đẳng.