Nêu lên suy nghĩ của em về vai trò của những người lãnh đạo
Dựa vào văn bản Chiếu dời đô (Lý Công Uẩn) và Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), hãy nêu lên suy nghĩ của em về vai trò của những người lãnh đạo như Lý Công uẩn và Trần Quốc Tuấn đối với vận mệnh đất nước.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XV là thời kì xây dựng và bảo vệ đất nước. Gắn với thời kì này chính là hai áng văn chương tiêu biểu, thể hiện vai trò của người lãnh đạo an ninh như Lý Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn đối với vận mệnh của đất nước là Chiếu dời đô và Hịch tướng sĩ.
Hai văn bản tuy ra đời trong những thời điểm, hoàn cảnh khác nhau, có nội dung khác nhau nhưng Chiếu dời đô và Hịch tướng sĩ đều thể hiện sự quan tâm, lo lắng của những vị lãnh đạo đối với vận mệnh đất nước. Chiếu dời đô được Lý Công Uẩn viết năm 1010 ngay sau khi ông mới lên ngôi. Ông viết bài chiếu này để ban bố quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Lúc này, đất nước đang trong thời bình, triều Lí phát triển lớn mạnh về cả thế và lực nên với nhãn quan chính trị, Lý Công uẩn thấy được Hoa Lư - một vùng đất chật hẹp, bao quanh bởi núi non hiểm trở không còn là nơi thuận tiện đế định đô nữa mà phải tiến xa ra vùng đồng bằng rộng lớn để xây dựng đất nước độc lập, phồn thịnh, triều đại phát triển lâu dài, bền vững. Khác với Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ được viết vào khoảng tháng 9 năm 1284 trước khi diễn ra cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ hai. Lúc bấy giờ, đất nước đang trong thời loạn, Tổ quốc đang đứng trước họa xầm lăng của kẻ thù, Trần Quốc Tuấn đã viết bài hịch này nhằm khích lệ lòng yêu nước, căm thù giặc, ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng quân giặc. Dù là lúc hòa bình hay khi cận kề chiến tranh, những người lãnh đạo như Lý Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn cũng đều thể hiện sự quan tâm, lo lắng đối với vận mệnh đất nước.
Không chỉ thể hiện sự quan tâm của các vị lãnh dạo đối với vận mệnh đất nước mà Chiếu dời đô và Hịch tướng sĩ còn có ý nghĩa và tác dụng to lớn đối với vận mệnh của quốc gia, dân tộc, thể hiện vai trò của những người lãnh đạo an ninh. Trước hết, để thuyết phục quan lại và thần dân, Lý Công Uẩn đã lấy những dẫn chứng trong lịch sử Trung Quốc các triều đại nhiều lần dời đô; nhà Thương năm lần dời đô; nhà Chu ba lần dời đô. Và kết quả những lần dời đô đó là: vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh. Lý Công Uẩn đã lấy những dẫn chứng trên làm cơ sở lí lẽ và coi đó là khuôn vàng thước ngọc để soi vàng thực tế hai triều Đinh - Lê còn nhiều hạn chế khi cứ đóng yên đô thành ở Hoa Lư: triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tốn, muôn vật không được thích nghi. Từ đó, nhà vua khẳng định việc dời đô là tất yếu, là thuận theo ý trời, phù hợp với quy luật khách quan. Tiếp đến, Lý Công Uẩn chỉ ra những thuận lợi của Đại La: từng là kinh đô cũ của Cao Vương, thế đất rồng cuộn, hổ ngồi, đã đúng ngôi nam bắc đông lại tiện hướng nhìn sông dựa núi, địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng, dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú, tốt tươi, là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước và là nơi giao thương thuận tiện bậc nhất của đế vương muôn đời. Thật vậy, đặt Đại La vào thời điểm 1000 năm trước thì nó vẫn chỉ là một. đầm lầy cỏ mọc um tùm, nhưng với tầm nhìn xa trông rộng, Lý Công uẩn đã thấy được những thuận lợi ở nơi đây và trải qua hàng ngàn năm, Đại La (Thăng Long) vẫn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, vẫn là kinh đô của đất Việt. Điều đó đã chứng tỏ sự anh minh, sáng suốt của nhà vua. Bài chiếu không chỉ là lời lẽ khô khan, những mệnh lệnh cứng nhắc mà nó còn là sự kết hợp giữa lí và tình. Nhà vua đã thể hiện niềm yêu thương, quan tâm, lo lắng đến nhân dân, đến quốc gia, dân tộc: Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi”. Và cuối bài chiếu, Lý Công Uẩn thể hiện quyết tâm của mình nhưng ông không sử dụng từ “phải” hay câu mệnh lệnh mà lại là câu hỏi và từ “muốn” mang tính trao đồi, tâm tình, thế hiện tính dân chủ, tôn trọng bề tôi của nhà vua và khiến bài chiếu có sức thuyết phục, dễ đi vào lòng người.
Còn nhà lãnh đạo tài ba - Trần Quốc Tuấn khi chứng kiến sự ngang ngược, tham lam của sứ giặc, cảm thấy danh dự của một quân nhân, một chủ tướng, danh dự của đất nước bị xúc phạm, cũng chứng kiến những hành vi sai trái của tướng sĩ nên ông đã viết bài Hịch tướng sĩ nhằm khích lệ quân sĩ để họ tập trung về một hướng. Khích lệ lòng yêu nước, căm thù giặc, ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Trước hết, ông nêu gương những trung thần nghĩa sĩ đã hi sinh vì chủ để khích lệ ý chí xả thân lập công danh của họ. Sau đó, ông tố cáo những tội ác của giặc là ngang ngược, hống hách và tham lam: đi lại nghênh ngang trên đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ; thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng. Đồng thời, ông cũng bộc bạch tâm sự của chính mình, nó là nỗi đau xót, lo lắng đến quên ăn quên ngủ khi vận mệnh đất nước đang nghìn cân treo sợi tóc: ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, là sự căm uất đến tột độ đối với những hành vi của giặc: “chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù”, và khí thế, ý chí muốn hành động thực tế để giết giặc không tiếc hi sinh: “dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng”. Qua những lí lẽ đó, Trần Quốc Tuấn muốn khích lệ lòng căm thù giặc và nhấn mạnh nỗi nhục mất nước. Tiếp đó, ông còn nói đến mối quan hệ ân tình giữa chủ tướng và các tướng sĩ dưới quyền: không có mặc thì cho áo, không có cơm thì cho cơm, quan nhỏ thì thăng chức, lương ít thì cấp bổng, đi thủy thì cho thuyền, đi bộ thì cho ngựa, lúc trận mac xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui cười; đó là mối quan hệ thân thiết như ruột thịt nhằm khích lệ tư tưởng “trung quân ái quốc”, thái độ sống ân nghĩa, thủy chưng. Sau đó, ông nghiêm khắc phê phán những lối sống sai trái của tướng sĩ: nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn, làm tướng triều đình phải hầu quân giặc làm không biết tức, nghe nhạc thái thường để đãi yến ngụy sứ mà không biết căm, hay chơi chọi gà, hay thích đánh bạc, hay thích rượu ngon, hay mê tiếng hát. Đó chính là lối sống bàng quan, hưởng lạc khi vận mệnh đất nước đang lâm nguy. Rồi Trần Quốc Tuấn chỉ ra những việc cần làm: đọc cuốn Binh thư yếu lược, huấn luyện binh sĩ, tập dượt cung tên, nâng cao tinh thần cảnh giác. Rồi từ đó khích lệ lòng tự trọng, liêm sỉ của tướng sĩ. Bài hịch này đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ hai, nó như một hồi kèn xung trận, thúc giục các tướng sĩ đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Các tướng sĩ đã hưởng ứng bài hịch bằng cách xăm hai chữ “Sát thát” lên tay và mang khí thế bừng bừng xung trận chiến đấu với quân giặc, quyết tâm chiến thắng kẻ thù. Cuộc kháng chiến đã giành thắng lợi vẻ vang và cho đến nay bài hịch vẫn còn nguyên giá trị. Qua đó, ta cũng thấy được vai trò của Trần Quốc Tuấn trong việc chỉ huy, huấn luyện quân sĩ, để họ tích cực tham gia chiến đấu chống ngoại xâm bảo vệ Tố quốc.
Vai trò của những người lãnh đạo là vô cùng quan trọng. Lịch sử dân tộc ta đã cho thấy, ở bất kì giai đoạn nào cũng xuất hiện những người đi tiên phong, những người lãnh đạo tài ba chèo lái vận mệnh đất nước, như Lý Công Ưẩn, Trần Hưng Đạo, gần đây nhất là Bác Hồ - vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại đã đưa đất nước ta thoát khỏi xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp và chiến thắng đế quôc Mĩ đưa đất nước ta thành một đất nước độc lập, tự do, dân chủ. Đúng vậy, trong công cuộc dựng nước và giữ nước sẽ luôn có những vị lãnh đạo tài năng như bộ não của đất nước đó, giúp đất nước được độc lập, tự do, phát triển vững mạnh và lâu bền.