Đăng ký

Tâm trạng của Chí Phèo vào buổi sáng sau khi gặp Thị Nở

A. ĐỀ BÀI
I.       ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
            DẶN CON
Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ 
Dù họ hôi hám úa tàn
Nhà mình sát đường họ đến 
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi 
Quê hương họ ở nơi nào
Con chó nhà mình rất hư 
Cứ thấy ăn mày là cắn 
Con phải răn dạy nó đi 
Nếu không thì con đem bán
Mình tạm gọi là no ấm 
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ 
Biết đâu nuôi bố sau này.
                              (Trần Nhuận Minh) 
Câu 1: Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?
Câu 2: Vì sao người cha lại dặn con “Con không bao giờ được hỏi - Quê hương họ ở nơi nào?”
Câu 3: Nêu tác dụng của biện pháp tu từ lặp cấu trúc “Con không được... Con không bao giờ được... ” ở hai khổ thơ đầu.
Câu 4: Thông điệp mà anh (chị) rút ra qua lời “Dặn con” của tác giả là gì?
II.       LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh chị về ý nghĩa triết lí được gợi ra từ hai câu thơ ở phần đọc - hiểu:
Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Câu 2 (5,0 điểm):
Cảm nhận của anh/chị về sự thay đổi trong tâm trạng, nhận thức của Tràng vào buổi sáng sau khi “nhặt vợ” (trong tác phẩm Vợ nhặt - Kim Lân). Từ đó liên hệ với tâm trạng của Chí Phèo vào buổi sáng sau khi gặp Thị Nở (trong Chí Phèo - Nam Cao) để thấy được chiều sâu nhân đạo trong ngòi bút của Kim Lân và Nam Cao khi viết về số phận bất hạnh của người nông dân trước cách mạng tháng Tám.

B. HƯỚNG DẪN
I.       ĐỌC-HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1 (0,5 điểm):
Văn bản được viết theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
Câu 2 (1 điểm):
Nhà thơ dặn con như thế vì:
- Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn của mỗi người, những người hành khất vì cơ nhỡ mà có người phải bỏ quê hương đi tha hương cầu thực, vì thế nhắc đến quê hương là nhắc đến nỗi nhớ, nhắc đến niềm đau...
-      Người cha muốn con hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những kiếp người bất hạnh, kém may mắn hơn trong cuộc sống.
CHÚ Ý
Lời dặn của nhà thơ thực chất là muốn con sống không vô cảm, biết quan tâm, chia sẻ với mọi người
Câu 3 (0,75 điểm):
Phép lặp cấu trúc nhằm nhấn mạnh ý nghĩa giáo dục nghiêm khắc của người cha với con, mong muốn con mình thấu hiểu và sống đúng với đạo lí làm người: trân trọng, cảm thông, không chế nhạo những người cơ nhỡ.
Câu 4 (0,75 điểm):
Thí sinh có thể rút ra nhiều thông điệp hoặc có cách diễn đạt khác.
Ví dụ: Con người cần biết yêu thương, sẻ chia với nhau trong cuộc sống.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm):
Câu 1 (2,0 điểm):
1.       Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (0,25 điểm)
Có thể trình bày đoạn văn theo nhiều cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
2.       Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm):
Ý nghĩa triết lí gợi ra từ hai câu thơ: Mình tạm gọi là no ấm - Ai biết cơ trời vần xoay
CHÚ Ý
Cần làm rõ ý nghĩa triết lí của hai câu thơ: Cuộc đời nhiều biến đổi khôn lường. Từ đó xác định lối sống đẹp: biết chia sẻ với những người thiệt thòi, bất hạnh hơn mình.
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề cần nghị luận nhưng cần làm rõ ý nghĩa triết lí gợi ra từ hai câu thơ của Trần Nhuận Minh. Có thể theo hướng sau:
-      Giải thích ngắn gọn ý nghĩa triết lí gợi ra từ hai câu thơ: Cuộc đời nhiều biến đổi khôn lường, hôm nay đang sống trong no ấm nhưng ngày mai có thể phải tha hương cầu thực.
-       Bàn luận:
+ Câu thơ của Trần Nhuận Minh như lời nhắc nhở, cảnh báo mỗi con người trong cuộc sống không nên tự mãn vì tương lai ra sao không ai biết trước được: bệnh tật hiểm nghèo, thất bại trong kinh doanh, những rủi ro trong cuộc sống. có thể lấy đi của ta tất cả những gì đang có. Vì thế cần biết chấp nhận những thăng
trầm trong cuộc sống, đối diện với những khó khăn ấy và tìm cách vượt qua.
+ Trước những cảnh đời bất hạnh hơn mình cần biết chia sẻ, giúp đỡ, không nên chế nhạo coi thường.
4.       Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm):
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa Tiếng Việt.
5.       Sáng tạo (0,25 điểm):
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
Câu 2 (5,0 điểm)
STUDY TIP
Khi đề không trích văn bản thì cần xác định được phạm vi đề bài: sự thay đổi về tâm lí của Chí Phèo và Tràng khi hai nhân vật thức tỉnh vào buổi sáng hôm sau
- Với nhân vật Tràng: bắt đầu từ đoạn Tràng tỉnh dậy đến hết tác phẩm.
-       Với Chí Phèo: từ đoạn “Khi Chí Phèo tỉnh dậy thì mặt trời đã lên cao...” đến hết đoạn Chí Phèo được Thị Nở chăm sóc và “thèm lương thiện”.
1.       Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (0,25 điểm):
Có đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Mở bài giới thiệu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề.
2.       Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):
Sự thay đổi về tâm trạng, nhận thức của Tràng vào buổi sáng sau khi “nhặt vợ”, liên hệ với tâm trạng của Chí Phèo vào buổi sáng sau khi gặp Thị Nở để làm nổi bật tư tưởng nhân đạo của Kim Lân và Nam Cao.
3.       Triển khai vấn đề nghị luận:
Cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp dẫn chứng và lí lẽ.
a.       Khái quát về tác giả, tác phẩm (0,5 điểm):
-      Kim Lân là nhà văn của người nông dân, là cây bút của đồng ruộng. Tác phẩm của Kim Lân thể hiện sự am hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí những người ở thôn quê: dù cuộc sống có tăm tối đến đâu họ vẫn yêu thương đùm bọc nhau, vẫn hi vọng vào tương lai. Diễn biến tâm lí của Tràng sau khi “nhặt vợ” trong truyện ngắn Vợ nhặt thể hiện rất rõ điều đó.
-      Cùng viết về đề tài người nông dân trước cách mạng tháng Tám, Chí Phèo của Nam Cao cũng là một kiệt tác bất hủ. Nếu cuộc gặp gỡ với thị khiến Tràng có sự đổi thay kì diệu trong tâm trạng và nhận thức thì cuộc gặp gỡ với Thị Nở cũng khiến Chí Phèo bừng lên khát vọng được sống lương thiện.
Qua diễn biến tâm trạng của Tràng và Chí Phèo, ta nhận thấy chiều sâu nhân đạo trong ngòi bút của Kim Lân và Nam Cao khi viết về số phận bất hạnh của người nông dân trước cách mạng tháng Tám.
b.                  Cảm nhận về sự thay đổi trong tâm trạng và nhận thức của Tràng (1,5 điểm)
-       Khái quát: Tràng vốn là một chàng trai thô kệch, xấu xí, nghèo khổ, lại là dân ngụ cư. Anh đang cũng như bao người khác đang là nạn nhân của nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu (1945). Trong hoàn cảnh thân mình không biết có nuôi nổi không ấy, Tràng bỗng nhiên lấy vợ. Hành động tưởng như liều lĩnh ấy ngờ đâu lại mở ra một cuộc sống hoàn toàn khác với Tràng
-      Khi Tràng tỉnh dậy vào buổi sáng hôm sau, một cảm giác khác lạ đang ngập tràn trong anh. Tràng thấy “trong người êm ái như từ giấc mơ đi ra”. Việc có vợ vẫn hình như không phải. Hạnh phúc như một thứ men say làm anh lâng lâng hạnh phúc!
- Tràng bước ra sân và nhận thấy xung quanh mình có cái gì đổi mới. Nhà cửa, sân vườn, lối đi được quét dọn sạch sẽ. Thấy bà mẹ rẫy cỏ, vợ mình quét tước nấu nướng, cảnh tượng diễn ra thật bình thường nhưng đối với Tràng nó thật cảm động thấm thía biết bao Sự thay đổi về quang cảnh ngôi nhà làm Tràng có sự trưởng thành hơn về nhận thức:
+ Tràng bỗng thấy thương yêu, gắn bó với gia đình lạ lùng: ngôi nhà dù nghèo khó nhưng nó vẫn là tổ ấm che mưa che nắng cho cả gia đình anh ẩn chứa niềm hạnh phúc lớn lao mà bấy lâu nay anh nông dân nghèo khổ dẫu mong ước nhưng chưa bao giờ chạm tay đến được.
+ Không chỉ thấy thương yêu, gắn bó, Tràng còn ý thức được trách nhiệm với gia đình của mình: Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đây, Tràng xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà. Bước chân xăm xăm thật khỏe khoắn, tự tin, khác hẳn bước đi ngật ngưỡng mở đầu tác phẩm. Tu sửa ngôi nhà nghĩa là Tràng và gia đình mình không chấp nhận cuộc sống tạm bợ nữa, là chuẩn bị cho cuộc sống lâu dài. Họ bướng bỉnh tuyên chiến với nạn đói.
Lần đầu tiên trong đời Tràng thấy mình “nên người”. Nên người là điều cực kì quan trọng đối với những ai bị cuộc sống đẩy vào tình cảnh không được làm người.
-      Trong bữa cơm ngày đói, nghe lời người vợ kể chuyện Tràng nhớ đến “lá cờ đỏ” của đoàn người đói kéo nhau đi cướp kho thóc Nhật. Tràng hỏi vợ như để xác minh điều mình đã biết “Việt Minh phải không” Một tương lai gần đang vẫy gọi Tràng: Trong một ngày không xa chắc chắn Tràng, vợ Tràng, bà cụ Tứ sẽ hòa vào đoàn người cùng khổ kia đi đòi quyền sống. Sự đổi đời chưa thực sự diễn ra nhưng ánh hồng của cuộc đời mới đã thấp thoáng. Đó là hình ảnh của một nông thôn Việt Nam đã thức tỉnh với những cuộc chống thuế, phá kho thóc Nhật.
Vậy là, cái nạn đói khủng khiếp như một cơn lũ lớn cuốn đi biết bao sinh mạng nhưng nó cũng đã đem đến cho Tràng một người vợ, một mái ấm gia đình. Tình người đã đưa người con gái ấy về nhà Tràng nhưng tình người cũng đã đưa Tràng về bến lành của cõi nhân sinh.

Có thể bạn quan tâm: Phân tích khát vọng sống ở thị và Mị
c.      Liên hệ với diễn biến tâm lý của Chí Phèo vào buổi sáng sau khi gặp Thị Nở để thấy được chiều sâu nhân đạo trong ngòi bút của Kim Lân và Nam Cao (1,5 điểm):
CHÚ Ý
-      Chỉ phân tích thật ngắn gọn tâm trạng của Chí Phèo vào buổi sáng hôm sau khi gặp Thị Nở.
-      Khi rút ra chiều sâu nhân đạo trong ngòi bút của Kim Lân và Nam Cao cần thấy được điểm chung, điểm riêng của các nhà văn về vấn đề này là gì?
- Tâm trạng của Chí Phèo sau khi tỉnh dậy: Cuộc gặp gỡ với Thị Nở có sức mạnh diệu kì làm Chí Phèo dần dần tỉnh rượu, rồi tỉnh ngộ, nhận ra tình trạng thê thảm của bản thân hắn thấy hắn đã già mà vẫn còn cô độc. Trước sự chăm sóc chân thành của Thị Nở, Chí Phèo bỗng thấy: “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao!”
- Chiều sâu nhân đạo trong ngòi bút của Kim Lân và Nam Cao:
+ Qua sự biến đổi tâm trạng của Tràng và Chí Phèo, ta thấy cả Kim Lân và Nam Cao đều là những nhà văn có niềm tin yêu vào bản chất tốt đẹp của người nông dân. Dù cuộc sống khốn cùng đến đâu họ vẫn thương yêu, đùm bọc nhau, vẫn khát khao hạnh phúc, khát khao lương thiện. Các nhà văn cũng đề cao và ngợi ca sức mạnh của tình người chân thành trong sáng. Sự đổi thay trong tâm trạng, nhận thức của Tràng và Chí Phèo chính là nhờ sức mạnh to lớn ấy.
+ Tuy nhiên, do thời điểm sáng tác khác nhau nên tư tưởng nhân đạo của Kim Lân và Nam Cao cũng có những điểm riêng biệt:
++ Diễn biến tâm lí của Chí Phèo là hành trình thức tỉnh, khát khao trở lại làm người lương thiện. Qua đó thấy được khát vọng lương thiện của những người nông dân bị lưu manh tha hóa. Tuy nhiên, cuối cùng khát vọng của Chí Phèo vẫn bị chặn đứng. Điều ấy phản ánh sự bế tắc trong tư tưởng của Nam Cao trong việc tìm đường giải thoát cho nhân vật. Đó cũng là sự bế tắc của nhiều nhà văn hiện thực trước cách mạng tháng Tám.
++ Kim Lân sáng tác Vợ nhặt khi kháng chiến chống Pháp đã kết thúc thắng lợi, ánh sáng của Đảng đã giúp nhà văn có cái nhìn mới về tương lai của người nông dân. Tràng tưởng thành, vững vàng hơn, nhiều lần nghĩ tới lá cờ đỏ của Việt Minh dẫn đầu đoàn người đói đi cướp kho thóc Nhật. Đó là cái nhìn lạc quan chỉ có được ở lớp nhà văn đã thức tỉnh.
4.      Chỉnh tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm):
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.
5.      Sáng tạo (0,5 điểm):
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Xem thêm >>> So sánh hai chi tiết bát cháo hành và bát cháo cám

Trên đây là dàn ý phân tích về tâm trạng của Chí Phèo buổi sáng sau khi gặp được thị Nở mà Cunghocvui gửi tới bạn. Chúc các bạn học tập tốt <3

shoppe