Đăng ký

Phân tích một đoạn thơ trong bài thơ Tây Tiến (bài 1)

1,881 từ Phân tích Soạn bài Dàn ý
Đề bài

Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Hướng dẫn giải

Đây là kiểu bài phân tích tác phẩm văn học, cụ thể là phân tích một đoạn thơ. Phân tích một đoạn để thấy rõ đặc sắc của bài thơ. Đoạn thơ này tập trung thể hiện hình tượng người lính Tây Tiến ở hai tính chất thẩm mĩ: cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng. Đây cũng là hai phương diện cần được phân tích.  

Dưới đây chúng tôi cung cấp 1 dàn ý chi tiết gợi ý làm bài đề văn trên:

1. Mở bài: 

Tây Tiến là bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất của Quang Dũng, đã để lại ấn tượng sâu đậm, đặc biệt cho người đọc. Bài thơ gợi nhớ về cuộc sống và chiến đấu của bộ đội Tây Tiến, một đơn vị được thành lập vào năm 1947 và hoạt động tại vùng núi rừng biên giới Việt - Lào. Đây là đoạn thơ thứ 3 của bài thơ, trong đó nhà thơ tập trung khắc họa hình tượng tập thể người lính Tây Tiến bằng bút pháp lãng mạn thấm đượm tinh thần bi tráng. Một thời chất lãng mạn này chưa được hiểu đúng mức, ngày nay, với thời gian lùi xa ta đã có điều kiện hiểu rõ hơn, đúng hơn về nó.

Tây Bắc

2. Thân bài:

a) Vẻ đẹp lãng mạn của người lính Tây Tiến.

Đoạn thơ đã tập trung khắc họa hình tượng người lính Tây Tiến từ ngoại hình, nội tâm co đến cái chết, nhưng hình tượng thơ từ mang bút pháp lãng mạn , có xu hướng tô đậm những cái phi thường sử dụng rộng rãi các thủ pháp tương phản, tác động mạnh vào cảm quan người đọc, kích thích trí tưởng tượng của họ.

Đoạn một của bài thơ tập trung miêu tả khung cảnh vừa hoang vu, hiểm trở, vừa hùng vĩ, dữ dội khác thường của núi rừng rồi tiếp theo sau đó, đoạn hai thể hiện những nét mĩ lệ, thơ mộng của Tây Bắc. Đến đoạn này (đoạn ba) nhà thơ Quang Dũng đã trực tiếp thể hiện người lính tây Tiến với một vẻ đẹp độc đáo đến kì dị, gây ấn tượng đặc biệt:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Khi viết "đoàn binh không mọc tóc" , "Quân xanh màu lá dữ oai hùm" - những hình ảnh kas kì dị này hẳn nhà thơ biết hơn ai hết rằng sự ăn uống kham khổ, thiếu thốn, sốt rét, đã làm cho da người xanh xạm, tóc rụng hoặc do yêu cầu chiến đấu mà phải húi trọc đầu cho tiện. Nhưng Quang Dũng không muốn chỉ nhìn đoàn quân theo khía cạnh thực tế không đẹp đó, mà như mỉm cười hóm hỉnh xem đó là một biểu hiện của tướng mạo phi thường, chứa đưng một sức mạnh tiềm tàng, bí ẩn nào đó làm quân thù khiếp vía theo quan niệm xưa.

Cũng vậy, hình ảnh "mắt trừng gửi mộng qua biên giới"  tuy có một dáng vẻ oai hùng xưa cũ, nhưng nói đúng cái thực của nhiệm vụ phối hợp chiến đấu với bộ đội Lào để tiêu diệt sinh lực địch. Và hình ảnh Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm với 3 chữ "dáng kiều thơm" tuy có phần sáo mòn nhưng vẫn nói được nỗi nhớ nhà da diết của các chàng trai Hà thành. Phải dáng kiều thơm mới xứng với người anh hùng trừng mắt gửi mộng qua biên giới chứ! 

b) Kì dị độc đáo mà vẫn đậm đà chất bi tráng

Tiếp theo hình ảnh về cái chết đơn giản, bình dị của người lính do kiệt sức trên đường hành quân ở đoạn trên:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời

là hình ảnh những nấm mồ: 

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Hình ảnh "Rải rác biên cương mồ viễn xứ"  đượm một chút ý vị thê lương của những cái chết xa nhà liền được khỏa lấp bằng tình cảm lí tưởng coi cái chết nhẹ tựa lông hồng " Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh". Hình ảnh "Áo bào thay chiếu anh về đất" cũng làm cho cái chết của người chiến sĩ thêm phần trang trọng, cổ điển. Nhưng cái bề ngoài lãng mạn ấy không che lấp được nỗi đau dữ dội ở bên trong. Đến câu "Sông Mã gầm lên khúc độc hành" thì tiếng khóc bị nén lại đã hóa thành tiếng gầm của sông núi quê hương tạo nên một âm thanh bi tráng cho bài thơ. Sông Mã như tấu lên khúc nhạc trầm hùng tiễn đưa linh hồn những người chiến sĩ về nơi an nghỉ. 

3. Kết bài

Sắc thái lãng mạn và chất bi tráng của bài thơ đã thể hiện tính sử thi đặc biệt của bài thơ. Cùng với các bài thơ cùng viết về để tài như "Viếng bạn" của Hoàng Lộc, "Nhớ" của Hồng Nguyên, "Lên Cấm Sơn" của Tần Sắc, Quang Dũng đã góp vào bảo tàng hình ảnh người lính một bức chân dung độc đáo về người lính Tây Tiến. 

Hi vọng bài viết này sẽ là một gợi ý tham khảo giúp các em học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của bài thơ, đoạn thơ, phong cách sáng tác của nhà thơ Quang Dũng cũng như biết cách phân tích các tác phẩm văn học khác!

 

shoppe