Soạn bài Tây Tiến của Quang Dũng đầy đủ nhất
Để nắm vững và phân tích được tác phẩm Tây Tiến của nhà văn Quang Dũng được hay nhất, sau đây Cunghocvui.com xin gửi đến các bạn bài Soạn bài Tây Tiến đầy đủ nhất, trả lời các câu hỏi trong Sách giáo khoa về nội dung của tác phẩm này.
Cùng tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!
Câu 1 (Trang 90 SGK Ngữ văn 12 tập 1)
Bố cục tác phẩm:
Bài thơ Tây Tiến được chia làm 4 đoạn, theo mạch cảm xúc của tác giả
Đoạn 1: Từ đầu... mùa em thơm nếp xôi (14 dòng đầu)
Nội dung: đoàn quân Tây Tiến hiện ra trong nỗi nhớ da diết của tác giả, với những đêm hành quân gian khổ trên cái nền của thiên nhiên miền Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội và thơ mộng.
Đoạn 2: Tiếp theo.... Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa (từ dòng 15 đến dòng 22)
Nội dung: những kỉ niệm đẹp về tình quân dân và vẻ đẹp thơ mộng của núi rừng.
Đoạn 3: Tiếp theo... Sông Mã gầm lên khúc độc hành (dòng 23 đến dòng 30)
Nội dung: khắc họa chân dung người lính Tây Tiến và sự hi sinh bi tráng.
Đoạn 4: Còn lại (4 câu cuối)
Nội dung: nhà thơ đã phải xa đơn vị, gửi lòng mình mãi mãi gắn bó với Tây Tiến.
Nhận xét: Mạch cảm xúc của nhà thơ đi theo trình tự nỗi nhớ về đoàn binh Tây Tiến, về những người đồng đội của ông. Ban đầu là nỗi nhớ tha thiết hiện về qua hình ảnh sự vật, tiếp đến là những kỉ niệm cùng đồng đội gắn bó với nhau và cuối cùng là lời khẳng định của tác giả rằng dù đã chia xa nhưng ông sẽ mãi nhớ về những người đồng đội, nhớ về đoàn quân oai hùng của mình.
Câu 2 (Trang 90 SGK Ngữ văn 12 tập 1)
Nét đặc sắc của bức tranh thiên nhiên ở khổ thơ thứ nhất và hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên qua đoạn thơ:
- Bức tranh thiên nhiên
- Thứ nhất, bức tranh thiên nhiên hiện lên với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ:
+ Hình ảnh con sông Mã lịch sử, chứng nhân cho chặng đường gian nan của người lính
+ Các địa danh lịch sử: Sài Khao, Mường Lát
+ Những con dốc, thác ghềnh
- Thứ hai, bức tranh thiên nhiên làm hiện lên quãng đường gian nan, nguy hiểm:
+ "Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm"
+ "Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người"
- Thứ ba, bức tranh thiên nhiên thơ mộng, trữ tình:
+ "Mường Lát hoa về trong đêm hơi"
+ "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa xem thơm nếp xôi" không gian sinh hoạt ấm cúng cùng với người dân.
- Hình ảnh người lính Tây Tiến trong bức tranh ấy
- Sự tinh nghịch, dí dỏm: "Heo hút cồn mây súng ngửi trời"
- Sự hiên ngang, bất khuất: "Anh bạn dãi dầu không bước nữa", một cái chết thanh thản, đẹp đẽ
- Tình quân và dân khi các anh chiến sĩ được những người dân vùng núi Tây Bắc chăm lo cho từng bữa cơm, giấc ngủ.
Xem thêm những bài phân tích đầy đủ nhất: Phân tích bài thơ Tây Tiến
Câu 3 (Trang 90 SGK Ngữ văn 12 tập 1)
Đoạn thơ thứ 2 với vẻ đẹp duyên dáng, yêu đời của người lính trong đêm hội:
- Đó là vẻ đẹp của một đêm hội với đuốc hoa, xiêm áo rực rỡ, tiếng khèn, điệu nhạc, hồn thơ quấn quýt với tình người, tình quân dân kháng chiến tình nghĩa Việt - Lào... gắn bó thuỷ chung:
"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ..."
- Cảnh tiễn đưa trên sông trong chiều sương khiến cảnh vật có hồn (hồn lau) và đầy quyến luyến, tình tứ (hoa đong đưa). Bức tranh có nét đẹp hoang dã, nên thơ... Nổi bât là hình ảnh “dáng người trên độc mộc" đem đến nét đẹp rắn rỏi, khoẻ khoắn cho bức tranh thiên nhiên thơ mộng, mềm mại, mơ màng.
"Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"
- Hình ảnh thơ không còn dữ dội mà đậm màu sắc trữ tình, thơ mộng với hai bức tranh, hai khung cảnh khác nhau, cuộc liên hoan ở doanh trại và cuộc tiễn đưa lên đường đi Châu Mộc trong một chiều sương. Cho thấy vẻ đẹp tâm hồn, sự cảm nhận tinh tế của những người lính: lãng mạn, hào hoa yêu đời... và trên hết, đó là tâm hồn thơ của nhà thơ Quang Dũng.
Câu 4 (Trang 90 SGK Ngữ văn 12 tập 1)
Làm rõ vẻ đẹp lãng mạn và tính chất bi tráng của hình ảnh người lính Tây Tiến trong khổ thơ thứ 3:
Nhà thơ Quang Dũng miêu tả hình ảnh chân dung người lính Tây Tiến thật ngang tàn ở khổ thơ cuối:
"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"
Đoàn binh vì bị những cơn sốt rét rừng khiến cho làn da xanh xao, tóc thì bị rụng hết nhưng nhà thơ vẫn miêu tả thật hài hước, dí dỏm "không thèm mọc tóc" cho thấy tư thế ung dung, hiên ngang của những người lính. Ngoài ra họ còn có tâm hồn rất thơ mộng khi nhớ về Hà Nội, nhớ về người yêu của họ ở nơi quê nhà.
- Quang Dũng còn nói lên cái chết của những người lính một cách rất bi tráng:
"Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên, khúc độc hành"
Các anh chiến sĩ đã không tiếc tuổi xuân của mình để cống hiến cho đất nước, cho dân tộc. Hình ảnh "áo bào" là hình ảnh ca ngợi cái chết của những người lính Tây Tiến quên mình vì Tổ Quốc.
Câu 5 (Trang 90 SGK Ngữ văn 12 tập 1)
Nỗi nhớ của tác giả trong khổ thơ cuối. Tại sao nhà thơ lại khẳng định "Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi"?
Nhà thơ luôn khắc khoải nỗi nhớ thương những người đồng đội của mình, dù đã chia xa nhưng tâm hồn của Quang Dũng vẫn ở lại với vùng núi Tây Bắc, nhà thơ chưa thể chấp nhận được thực tại cho nên tâm hồn vẫn luôn hướng về những kỉ niệm đẹp đẽ khi xưa.
Thông qua bài soạn bài Tây Tiến, Cunghocvui mong rằng các bạn có thể nắm được nội dung của tác phẩm này. Chúc các bạn học tốt!