Đăng ký

Phân tích bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu

3,839 từ

Phân tích bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu

Ra đời tại chiến khu Việt Bắc năm 1948, được in trong tập Đầu súng trăng treo(1966), bài thơ Đồng chí của Chính Hữu đã trải ngót nửa thế kỉ lưu dấu trong trí nhớ bạn đọc. Sức hấp dẫn của tác phẩm nằm ngay trong sự giản dị, trong sáng và hàm súc của ngôn từ. Vẻ đẹp của người lính vệ quốc, tình đồng chí của họ, “yếu tố quyết định” sự tồn tại và chiến thắng của quân đội ta đã được thể hiện một cách thành công nhờ vào “những rung động mới mẻ và sâu lắng” của một người lính viết về những người lính.

Cuộc kháng chiến chống Pháp đã trở thành điểm gặp gỡ của bao người dân yêu nước. Chính họ, mới đây thôi, đã “Rũ bùn dửng dậy sáng loà” bằng cuộc Cách mạng tháng Tám. Giờ đây họ lại sát cánh bên nhau: “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Hoàn cảnh lịch sử mới đã khai sinh một tình cảm mới, một quan hệ mới mà trước đó họ chưa hề biết đến: tình đồng chí! Chính Hữu đã ghi lại tình cảm cao quý và mới mẻ ấy bằng những vần thơ mộc mạc, chân thành. Bài thơ mở ra bằng những câu thơ mang vẻ tâm tình:
 
Đúng vậy, nếu không có cuộc chiến tranh này, những người lính làm sao có thể gặp được nhau. Mỗi người mỗi cảnh, mỗi vùng quê khác nhau, họ là người xa lạ. Ấy thế mà, dẫu chẳng hẹn, nhưng họ lại gặp nhau, cùng một đội ngũ, cùng một chiến hào. Họ đến với nhau bằng những lời giới thiệu quê mình. Đối với người Việt, kiểu thăm hỏi, giới thiệu này giúp người ta tự nhiên hơn, dễ gần nhau hơn. Tác giả tuy không chỉ đích danh bản quán nơi cư ngụ của từng người, nhưng hình ảnh “nước mặn đồng chua” gợi nhớ đến một vùng đất ven biển, úng lụt quanh năm, còn làng tôi “đất cày lên sỏi đá” nói đến một vùng trung du khô cằn, nơi đất đai hơn giá bạc vàng. Tuy nhiên, dù là ở miền xuôi hay miền ngược thì những người nông dân mặc áo lính này đều có chung một cái nghèo. Chính vì cùng nghèo, cùng cơ cực mà họ dễ thông cảm và hiểu được vui buồn của nhau. Song, việc họ có mặt trong đoàn quân vệ quốc không phải do cái nghèo xô đẩy mà do tình yêu Tổ quốc. Ông cha ta đã mang trong mình dòng máu yêu nước, đến lượt mình, khi Tổ quốc có xâm lăng, tinh thần yêu nước ấy lại “nồng nàn” “mạnh mẽ” hơn bao giờ hết, khiến họ đến bên nhau, kết thành một khối quyết nhấn chìm bọn cướp nước và bán nước. Hoàn cảnh sinh hoạt và chiến đấu đã làm cho tình bạn của họ phát triển.

Hình ảnh “đêm rét chung chăn” làm ta nhớ đến một bài ca dao vui về người chiến sĩ trong những ngày đầu kháng Pháp: “Ba thằng một cái chăn bông...” đêm Việt Bắc thì quá rét. chăn lại quá nhỏ ấy là chưa nói đến chuyện mỏng, ba chàng loay hoay mãi mà không đủ ấm. Đắp được chân thì hở đầu, đắp được bên này thì lại hở bên kia. Cuối cùng, “cái khó” đã làm “ló cái khôn”: “Ba thằng quặp chặt gió lùa vào đâu”. Chính trong những ngày thiếu thốn, khó khăn ấy, từ “xa lạ” họ đã trở thành tri kỉ của nhau. Tri kỉ thật tự nhiên, thật cảm động. Từ trong tâm khảm họ bỗng bật thốt lên hai từ “đồng chí”. Ai mà chẳng thế, đồng chí là cùng chí hướng, cùng mục đích. Nhưng tình cảm ấy, một khi có cái lõi bên trong gian khó thì mới thực sự bền vững. Phía sau những câu thơ nói về gió, về rét, lặng lẽ cháy một ngọn lửa ấm nồng của tình đồng chí, đồng đội. Ngẫm ra, hai tiếng “đồng chí” còn có ý nghĩa của một tiếng reo thầm vì trong tận cùng gian khó ý nghĩa đích thực của tình cảm này mới được phát lộ một cách đầy đủ nhất. Có thể coi hai từ “Đồng chí” đứng tách ra như một khổ riêng. Nó là cao trào cảm xúc được tụ dồn trong sáu câu thơ trước, và khởi đầu cho những suy nghĩ tiếp sau.
 
Đi dọc bài thơ là sự sóng đôi của hai hình tượng anh và tôi. Cái tình tri kỉ, cái hơi ấm đồng chí được bắc qua sự sóng đôi có ý nghĩa bổ sung ấy. Từ những câu thơ nói về gia cảnh, về cảnh ngộ, đến đây, ta bắt gặp một sự thay đổi lớn lao trong quan niệm của người chiến sĩ. Họ để lại sau lưng mảnh trời quê hương với những băn khoăn trăn trở để cùng “ra lính”, “Ruộng nương” đã tạm gửi cho “bạn thân cày”, “gian nhà không” (một tài sản nghèo, cũ kĩ) giờ dể mặc gió “lung lay”, xiêu vẹo... Lên đường đi chiến đâu, người lính chấp nhận sự hi sinh, tạm gạt sang một bên những tính toán riêng tư. Là những đứa con của quê hương, thời bình, các anh cầm cuốc, cầm cày xây dựng cuộc sống; thời chiến, cầm súng để bảo vệ quê hương. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà “Giếng nước, gốc đa nhớ người ra lính”. Làng xóm, quê hương, hậu phương nhớ các anh, tin cậy và truyền thêm sức mạnh cho các anh để các anh được “chân cứng đá mềm”. Đây là câu thơ thể hiện một nỗi nhớ hai chiều: tiền tuyến nhớ hậu phương, hậu phương nhớ tiền tuyến.
 
Như vậy, tình đồng chí đã được tiếp thêm sức mạnh bởi tình yêu quê hương, đất nước. Còn trong hiện tại, đang có chung kỉ niệm “cơn sốt rét nơi rừng sâu, cùng chịu chung sự thiếu thốn” “áo anh rách vai”, “quần tôi có vài mánh vá”, “chân không giày”... Tất cả những khó khăn gian khổ được tái hiện bằng những chi tiết hết sức thật, không một chút tô vẽ, trang điểm. Ngày đầu của cuộc kháng chiến, quân đội cụ Hồ mới được thành lập, thiếu thốn đủ đường, quần áo rách bươm, phải buộc túm lại nên người lính vệ quốc còn được gọi là “vệ túm”. Dọc những câu thơ này, ta không khỏi “chạnh lòng” khi nhớ đến người lính của Chính Hữu trong một bài thơ khác - bài Ngày về:
 
Nhớ người ra đi đất trời khói lửa
Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giầy vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
Tấm lòng son thề mãi đến khi già
Phơi gió núi với mưa ngàn cỏ nội.
 
Có thời, có người đã coi những câu thơ trên đây là cái “mộng rớt” tiểu tư sản! Thực ra, đây là những câu thơ mang vẻ đẹp lãng mạn. Phía sau những câu thơ có phần ồn ào kia vẫn là tính chân thật của những chàng trai dám xả thán vì nghĩa lớn. Chỉ tiếc, hơi thơ có phần cũ, chất liệu thơ có phần mòn sáo. Nó không đủ sức lay thức người đọc bằng cái thật trong bài Đồng chí. Cùng hướng về một lí tưởng, cùng trải nếm sự khắc nghiệt của chiến tranh, người lính chia sẻ cho nhau tình thương yêu ở mức tột cùng “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Thực sự, đấy là một câu thơ nói rất được rất nhiều, mặc dù, những bàn tay tìm đến để truyền niềm tin và sức mạnh cho nhau đã thay cho tất cả mọi lời nói, thay vì anh - tôi, giờ đây họ đã là một nhà sau “nụ cười buốt giá”. Đó là nụ cười bất chấp mọi gian khổ, khó khăn, tràn đầy niềm tin và niềm lạc quan. Nhà thơ đã phát hiện rất tinh cái nội lực tinh thần ẩn sau trong trái tim người lính. Nội lực tinh thần ấy, trên cơ sở cảm thông và thấu hiểu sâu sắc lẫn nhau đã tạo nên chiều sâu và sự bền vững của thứ tình cảm thầm lặng nhưng rất đỗi thiêng liêng này.
 
Những câu thơ cuối bài đã hoàn chỉnh một cách xuất sắc chân dung người chiến sĩ giản dị, mộc mạc mà khỏe khoắn, can trường:
 
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
 
Đây là những câu thơ có giá trị tạo hình rất cao, vẫn là “rừng hoang sương muối”, cái giá, cái rét cứ theo đuổi người chiến sĩ nhưng không cản được họ “đứng cạnh bên nhau”. Tư thế “chờ giặc tới” là tư thế hoàn toàn chủ động. Trong khung cảnh ấy, đột hiện một tứ thơ lạ, độc đáo: Đầu súng trăng treo. Trong thơ xưa đã từng có cảnh trăng treo đầu núi: “Non kì quạnh quẽ trăng treo - Bến phi gió thổi đìu hiu mấy gò” (Chinh Phụ Ngâm). Trăng đấy, núi đấy nhưng sao mà thê lương, ảm đạm đến mức “quạnh quẽ” “đìu hiu”. Thơ Chính Hữu hoàn toàn khác. Biểu tượng “đầu súng trăng treo” là một biểu tượng đậm chất lãng mạn và khỏe khoắn. Anh bộ đội cầm súng, nòng súng hướng lên trời, vầng trăng trên cao đã xế, nhìn nghiêng một góc nào đó ngỡ như vầng trăng đang treo đầu súng. Cái ảo và cái thực hoà kết với nhau, tạo nên một liên tưởng bất ngờ, kì thú. Câu thơ chỉ bốn chữ nhưng sức nén rất căng. Cây súng trong tay người chiến sĩ tượng trưng cho hoà bình. Người lính cầm súng là để bảo vệ cho “quê hương”, “làng tôi” cho “giếng nước gốc đa” của Tổ quốc và cho cả vầng trăng thơ mộng kia nữa. Hai hình ảnh trăng và súng tưởng như đối lập nhau, nhưng qua cái ảo để ở bên nhau một cách hợp lí, không hề khiên cưỡng. Vẻ đẹp của tinh thần chiến đấu, chất thơ của cuộc chiến tranh dồn tụ hài hoà trong một biểu tượng thật đẹp đẽ. Có lẽ, đó là lý do để nhà thơ đặt tên cho tập thơ của mình là Đầu súng trăng treo đấy chăng?
 
Cùng với Nhớ của Hồng Nguyên, Tây Tiến của Quang Dũng, Lên Cấm Sơn của Thôi Hữu, Viếng bạn của Hoàng Lộc, Cá nước của Tố Hữu... Đồng chí đã góp phần chạm khắc được chân dung đẹp đẽ của người lính vệ quốc trong những ngày đầu chống Pháp. Đó là những nông dân mặc áo lính, chân thật, hồn nhiên nhưng cũng rất sâu sắc trong tình đồng đội. Chính Hữu đã biết chọn những chi tiết thật, nóng hổi trong đời sống để xây dựng hình tượng người chiến sĩ theo cách riêng của mình. “Câu thơ run rẩy sự sống như một sợi dây thần kinh bị bóc trần ra khỏi vỏ, trực tiếp chạm vào nóng lạnh của môi trường.” (Vũ Quần Phương). Bài thơ không chỉ là tác phẩm xuất sắc của Chính Hữu mà còn là một trong những thi phẩm xuất sắc nhất của thơ ca kháng chiến.

>> Soạn bài Đồng Chí Ngắn nhất | Soạn văn 9 Ngắn nhất

shoppe