Hình ảnh anh bộ đội qua bài "Đồng chí" và "Bài thơ về tiểu đội xe không kính tiểu đội xe không kính"
A. ĐỀ BÀI
Câu 1: Hãy nêu một số từ ngữ dùng để xưng hô trong tiếng Việt và cho biết cách dùng những từ ngữ đó.
Câu 2: Trình bày những nét chính về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du.
Câu 3: Viết một đoạn văn nêu lên cảm nghĩ của em về hình ảnh bọn giặc ngoại xâm và vua Lê Chiêu Thống trong hồi thứ mười bốn của tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí".
Câu 4: Hình ảnh anh bộ đội trong bài thơ “Đồng chí “của Chính Hữu và bài “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật.
B. GỢI Ý
Câu 1: - Hệ thống từ ngữ xưng hô trong tiếng Việt rất tinh tế và biểu cảm. Thông thường, người ta dùng hai từ loại đại từ và danh từ (lớp danh từ chỉ quan hệ thân thuộc) để xưng hô.
+ Đại từ: tôi, chúng tôi; ta, chúng ta; tao, chúng tao; mày, chúng mày; nó, chúng nó, ...
+ Danh từ: ông, bà, cha mẹ (má, mạ, u, bầm, bủ, me,...), bác, chú, cô, dì, con, cháu, bác sĩ, giáo viên, thủ trưởng,...
- Người nói cần căn cứ vào đối tượng giao tiếp và các đặc điểm khác của tình huống giao tiếp mà lựa chọn từ ngữ xưng hô cho thích hợp.
- Cách xưng hô trong tiếng Việt thường khi tự gọi mình thì phải khiêm tốn; khi gọi người khác thì phải tôn kính.
Ví dụ-. Giao tiếp với người bằng tuổi mình nhưng vẫn gọi họ là “anh”, “chị”, là “bác”. Điều đó chứng tỏ khi giao tiếp, ta luôn xem họ ở vai trên trong quan hệ với nành. Hoặc khi giao tiếp trong các cuộc hội họp, ta thường dùng các từ thể hiện sự tôn kính: quý vị, quý ông, quý bà, quý cô, ...
Câu 2: Những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du.
I. Cuộc đời:
Nguyễn Du sinh năm 1766. Tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên. Ông quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông ra đời trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và sáng tác văn học. Cha của Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm (từng giữ chức Tể tướng dưới triều Lê). Người anh lớn cùng cha với Nguyễn Du là Nguyễn Khản (làm quan Tham tụng dưới triều Lê). Nguyễn Điều, Nguyễn Đề (anh cùng cha). Nguyễn Hành, Nguyễn Thiện (cháu gọi Nguyễn Du bằng chú ruột) đều có làm quan. Mẹ của Nguyễn Du là bà Trần Thị Tần, vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm là người xứ Kinh Bắc.
Từ nhỏ đến 10 tuổi, Nguyễn Du sống trong dinh của cha. Khi cha và mẹ lần lượt qua đời, bốn anh em Nguyễn Du về sống với Nguyễn Khản (anh cùng cha khác mẹ).
Năm 1783, Nguyễn Du thi đậu Tam trường, nhận một chức quan võ ở Thái Nguyên, kế chân người cha nuôi vừa mất (cha nuôi là viên quan dưới tay Nguyễn Nghiễm - họ Hà ở Thái Nguyên, không có con trai.
Năm 1789, Nguyễn Du về quê vợ ở Thái Bình, sống cuộc sống vật chất thiếu thốn, đói khổ. Sau đó, ông về lại Tiên Điền.
Tháng 2 năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua. Tháng 8 năm 1802, Nguyễn Ánh cho mời Nguyễn Du ra làm quan. Nguyễn Du ra làm quan với tâm trạng bất đắc dĩ.
Năm 1813, ông được thăng chức Học sĩ điện Cần Chánh rồi được cử lên làm chánh sứ đi Trung Quốc. Khi về nước, ông lại được thăng chức Tham tri bộ Lễ.
Năm 1820, Gia Long qua đời. Minh Mệnh lên ngôi. Nguyễn Du được cử đi sứ Trung Quốc lần nữa. Nhưng chưa kịp đi thì bị bệnh dịch mà mất vào ngày 18/9 /1820 (nhằm ngày 10/8 năm Canh Thìn).
II. Sự nghiệp sáng tác
1. Những tác phẩm bằng chữ Hán: Nguyễn Du sáng tác nhiều tác phẩm bằng chữ Hán:
a) Thanh Hiên thi tập (Tập thơ của Thanh Hiên) gồm 78 bài, viết chủ yếu trong những năm tháng trước khi ra làm quan với nhà Nguyễn.
b) Nam trung tạp ngâm (Các bài thơ ngâm khi ở phương Nam) gồm 40 bài viết vào thời gian ông làm quan ở Huế và Quảng Bình.
c) Bắc hành tạp lục (Ghi chép trong chuyến đi sang phương Bắc) gồm 131 bài thơ sáng tác trong chuyến ông đi sứ Trung Quốc.
2. Sáng tác bằng chữ Nôm
a) Đoạn trường tân thanh (Tiếng nói mới về một nỗi đau đến đứt ruột) còn gọi là Truyện Kiều. Gọi là Truyện Kiều là gọi theo tên nhân vật chính Thuý Kiều. Truyện Kiều viết về một người con gái tài sắc mà gặp nhiều bất hạnh. Thuý Kiều một người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng bị lưu lạc 15 năm. Nàng phải chia lìa với người yêu là Kim Trọng, phải làm lẽ, đi tu, tự tử, làm kĩ nữ. Qua Truyện Kiều, tác giả muốn nói lên số phận bất hạnh của con người nói chung trong xã hội bất công, tàn bạo mà đặc biệt là thân phận người phụ nữ.
b) Văn tế thập loại chúng sinh: được viết vào rằm tháng 7 (1814) đế giải thoát linh hồn của chúng sinh.
-> Năm 1965, Hội đồng Hoà bình thế giới đã công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hoá thế giới và ra quyết định trọng thể nhân dịp 200 năm ngày sinh của ông.
Câu 3. Viết một đoạn văn nêu lên cảm nghĩ của em...
Hồi thứ mười bốn của tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí không chỉ tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, mà còn miêu tả một cách chân thực và sinh động sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống. Lê Chiêu Thống và những bề tôi trung thành của ông ta đã vì mưu lợi ích riêng của dòng họ mà đem vận mệnh của cả dân tộc đặt vào tay kẻ thù xâm lược, lẽ tất nhiên họ phải chịu đựng nỗi sỉ nhục của kẻ đi cầu cạnh van xin. Tướng giặc Tôn Sĩ Nghị thì “sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp, dẫn bọn lính kị mã của mình chuồn qua cầu phao, rồi nhắm hướng Bắc mà chạy. Quân sĩ thì “tan tác” bỏ chạy, xô đẩy nhau qua sông, cầu đứt, quân lính rơi xuống sông, nước sông Nhị Hà “tắc nghẽn không chảy được”. Bọn giặc ngoại xâm thì thảm bại như vậy còn Lê Chiêu Thống và bề tôi của ông ta thì “đưa Thái hậu ra ngoài” rồi chạy bán sống bán chết, cướp cả thuyền dân để qua sông. Vua Lê và bọn tuỳ tùng suốt mấy ngày không ăn, may gặp được người thổ hào thương tình đón về cho ăn và chỉ đường cho chạy trốn. Thật nhục nhã cho những kẻ “cõng rắn cắn gà nhà”. Chỉ được miêu tả trong một đoạn văn nhưng bản chất hèn hạ của bọn cướp nước và bán nước đã được phơi bày. Hình ảnh thảm bại của bọn cướp nước và vua tôi Lê Chiêu Thống đối lập hoàn toàn với hình ảnh Nguyễn Huệ và nghĩa quân của ông. Ta càng cảm phục người anh hùng Nguyễn Huệ và nghĩa quân bao nhiêu thì lại càng coi khinh bọn giặc ngoại xâm và những kẻ bán nước hại dân để mưu lợi ích riêng cho dòng họ của mình.
Câu 4: Hình ảnh anh bộ đội trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu và bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.
1. Đặt vấn đề
- Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật là hai trong số những bài thơ tiêu biểu của thơ ca Việt Nam viết về đề tài anh bộ đội trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ.
- Hình ảnh anh bộ đội trong hai bài thơ có những đặc điểm giống nhau nhưng cũng có những đặc điểm riêng.
- Phân tích hình ảnh anh bộ đội trong hai bài thơ, ta sẽ thấy rõ vẻ đẹp của họ trong hai cuộc kháng chiến.
2. Giải quyết vấn đề
a) Hình ảnh anh bộ đội trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu
- Họ xuất thân từ nông dân:
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Là những người nông dân từ nhiều miền quê “xa lạ”. Nhưng vì cùng chung mục đích đánh giặc cứu nước nên dẫu cho “chẳng hẹn” họ trở thành những người lính và họ “quen nhau”.
- Họ hiểu, cảm thông sâu sắc với nhau:
Vốn là một nông dân, mảnh ruộng đối với anh quý giá biết bao. Vậy mà anh đành gửi cho “bạn thân cày”. Anh ra đi, căn nhà thiếu bóng anh “mặc kệ gió lung lay”, “giếng nước, gốc đa” nơi một thời gắn bó với bao kỉ niệm nhớ thương anh. Anh đã sẵn sàng bỏ lại những gì quý giá thân thiết của cuộc sống nơi làng quê để ra đi vì nghĩa lớn. Làng quê thân yêu luôn nhớ về anh “Giếng nước.gốc đa nhớ người ra lính” và người ra lính cũng da diết nhớ quê hương.
- Họ cùng chung chịu đựng những khó khăn, gian khổ:
+ Họ thiếu thốn quân trang, quân dụng:
Họ phải mặc “áo rách vai”, “quần vài mảnh vá”, “chân không giày”. Thiếu thốn đến như vậy, nhưng giữa rừng núi vào mùa đông giá rét, người lính vẫn “miệng cười buốt giá”. Điều đó khẳng định: dù trong hoàn cảnh nào, người lính vẫn luôn luôn lạc quan, yêu đời.
+ Họ bị những cơn sốt rét rừng hành hạ:
Không có thuốc men, quần áo không đủ ấm, những người lính bị những cơn sốt rét rừng hành hạ. Nhiều khi da các anh xanh như tàu lá, đầu trọc lốc vì những trận sốt rét làm rụng hết tóc.
- Tình đồng chí, đồng đội ở họ rất sâu sắc, thắm thiết:
Chi tiết “tay nắm lấy bàn tay” làm xúc động lòng người đọc. Họ nắm tay nhau để truyền hơi ấm cho nhau. Họ nắm tay nhau để san sẻ
với nhau nỗi gian nan vất vả. Họ nắm tay nhau còn là để truyền cho nhau niềm tin, động viên nhau vượt qua những khó khăn vất vả.
- Người lính vừa mang vẻ đẹp chân chất, giản dị vừa mang vẻ đẹp lãng mạn:
Thời gian, không gian và cảnh vật đều nói về hoàn cảnh người lính đi phục kích giặc. Đây chính là phông nền để nổi lên ba hình ảnh gắn kết với nhau: người lính, khẩu súng và vầng trăng. “Đầu súng trăng treo" là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng, được gợi ra từ những liên tưởng phong phú. Súng và trăng là gần và xa, thực tại và mơ mộng, chất chiến đấu và chất trữ tình, chiến sĩ và thi sĩ ...
b) Hình ảnh anh bộ đội trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật
- Trước hết họ là những người luôn bất chấp gian khổ, khó khăn trên con đường vận chuyển hàng vào miền Nam.
Phương tiện vận chuyển là những chiếc xe vận tải “không kính”, “không đèn”, “không có mui xe, thùng xe có xước”.
- Họ là những người có tư thế ung dung, hiên ngang:
Đó là tư thế hiên ngang của người chiến sĩ lái xe Trường Sơn. Dù bom rơi, xe vỡ kính, xe không đèn, xe bị xước nhưng người lính vẫn:
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Từ “ung. dung” nói lên dáng điệu cử chỉ bình tĩnh, không hề nôn nóng, vội vàng hay lo lắng của người chiến sĩ lái xe. Với tư thế “nhìn đất, nhìn trời nhìn thẳng" qua khung cửa xe không còn kính chắn gió, người lái xe tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài.
- Họ là những người sôi nổi, vui nhộn, lạc quan
Sự vui nhộn lạc quan đó được tác giả miêu tả bằng những hình ảnh hết sức chân thực, đời thường. Những chàng trai với mái tóc xanh giờ đây bụi đường đã làm cho “trắng xoá như người già”. Họ chẳng cần vội rửa những khuôn “mặt lấm”, cứ để như vậy mà “phì phèo châm điếu thuốc”, họ nhìn vào khuôn mặt lấm lem của nhau và cất tiếng cười “ha ha”. Chỉ bằng một vài nét miêu tả chân thực mà chân dung người lính hiện lên thật trẻ trung, tinh nghịch, yêu đời.
Lòng lạc quan yêu đời ở người lính còn thể hiện qua những hình ảnh bất ngờ: “Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới... Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”.
Giọng thơ rất gần với lời nói, câu thơ rất rất gần với câu văn xuôi. Điều đó là nét độc đáo của bài thơ, thể hiện cái hiên ngang, bất chấp khó khăn nguy hiểm của những người lính lái xe Trường Sơn.
- Họ còn là những người dũng cảm, có tinh thần quyết chiến, quyết thắng:
Với những chiếc xe bị bom đạn Mĩ làm cho biến dạng đến trơ trụi: “Không có kinh rồi không có đèn, không có mui xe thùng xe có xước”, nhưng với tinh thần quyết chiến quyết thắng, họ vẫn cùng xe tiến thẳng về phía trước hàng trăm cây số. Đó chính là ý chí chiến đấu để giải phóng miền Nam, là tình yêu nước nồng nhiệt thời chống Mĩ.
- Họ có một trái tim đầy nhiệt huyết. Đó là trái tim chan chứa tình yêu cuộc sống, yêu quê hương đất đước.
c) Điểm giống nhau và khác nhau về hình ảnh anh bộ đội trong hai bài thơ
- Giống nhau :
+ Mục đích chiến đấu: Vì nền độc lập của dân tộc.
+ Đều có tinh thần vượt qua mọi khó khăn gian khổ.
+ Họ rất kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu.
+ Họ có tình cảm đồng chí, đồng đội sâu nặng.
- Khác nhau:
+ Người lính trong bài Đồng chí mang vẻ đẹp chân chất, mộc mạc của người lính xuất thân từ nông dân.
+ Người lính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính luôn trẻ trung sôi nổi, vui nhộn với khí thế mới mang tính thời đại.
3. Kết thúc vấn đề
- Hai bài thơ ra đời trong hai giai đoạn lịch sử khác nhau: cuộc kháng chiến chống Pháp và cuộc kháng chiến chống Mĩ nhưng đều hoàn thành một cách xuất sắc sứ mạng của thơ ca sau Cách mạng tháng Tám, thể hiện nhân vật trung tâm của thời đại - người chiến sĩ.
- Hai tác giả có được những thành công này bởi họ là những người lính. Họ đã sống và chiến đấu cùng đồng đội của mình.
- Dẫu là trong kháng chiến chống Pháp hay chống Mĩ, hình ảnh người lính trong hai bài thơ đều rất đẹp. Đó là người lính chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc, với tinh thần quyết chiến quyết thắng. Họ đều là những người giàu lòng yêu nước, tình đồng đội, đồng chí sâu nặng, bền vững.
Xem thêm >>> Vẻ đẹp tình đồng chí trong bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu
Phân tích tác phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính"
Trên đây là bài viết phân tích và cảm nhận về hình ảnh anh bộ đội trong hai tác phẩm "Đồng chí" của Chính Hữu và "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật mà Cunghocvui gửi đến bạn. Chúc các bạn học tập tốt <3