Phân tích bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu (Bài 3)
Đề bài
Đề bài: Phân tích bài thơ Đồng chí.
Hướng dẫn giải
Trong bài thơ Đất nước Nguyễn Đình Thi đã viết:
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng
Hình ảnh người chiến sĩ áo vải hiện lên vô cùng đẹp đẽ. Họ - những con người bình dị, mộc mạc, nhưng chính họ là người đã làm nên đất nước. Trong dòng chảy văn học kháng chiến chống Pháp, hình ảnh người lính không ngang tàng, hóm hỉnh như kháng chiến chống Mĩ, nhưng lại mang trong mình nét chất phác, giản dị và hơn hết là tình yêu đất nước tha thiết. Vẻ đẹp tâm hồn đó đã đã Chính Hữu khắc họa rõ nét trong bài thơ Đồng chí.
Đồng chí vừa là những nét vẽ rất thực về cuộc sống, chiến đấu của những người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Nhưng đằng sau những nét vẽ chân thực đó lại là một tâm hồn vô cùng lãng mạn, dù cái lãng mạn chỉ mới phảng phất, nhưng cũng đủ để cho người đọc cảm nhận được đầy đủ vẻ đẹp tâm hồn của người lính.
Cả tác phẩm như một câu chuyện kể về cuộc đời người lính, nhưng không phải bằng lời văn xuôi mà bằng chính những dòng thơ thấm đẫm cảm xúc. Lời thơ mộc mạc, giản dị và chân thành đã đưa người đọc khám phá cuộc sống chiến đấu, cũng như tâm hồn của họ. Mở đầu bài thơ là những hình ảnh rất chân thực về nguồn gốc xuất thân của người lính nông dân:
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Họ vốn từ nhiều miền quê khác nhau, người nơi miền chiêm trũng “nước mặn đồng chua”, người lại từ miền đồi núi “đất cày lên sỏi đá” tụ hợp về chung một nơi. Điều gì đã khiến họ rời bỏ quê hương, để đến đây, đó chẳng phải là tình yêu làng, yêu nước nồng nàn đó sao. Thật tinh tế, Chính Hữu đã sử dụng từ “đôi” để nói lên sự gắn bó giữa hai con người xa lạ. Nếu là hai, thì có thể tách rời các thực thể, nhưng đôi thì không thể tách rời nữa. Mà giữa những người chiến sĩ có sự gắn bó, kết dính hài hòa với nhau. Từ đôi đến tri kỉ, rồi đến đồng chí là cả một quá trình thấu hiểu lẫn nhau. Kết lại bảy câu thơ đâu, hai tiếng vang lên đầy ám ảnh, ý nghĩa:
Đồng chí!
Đồng chí là một khái niệm mới, để nói về những con người cùng chung mục đích, lí tưởng. Và ở họ sau những tháng ngày chiến đấu gian khổ, cùng mang nỗi niềm, lí tưởng, đọng lại, kết tinh lại chính là tình đồng chí bền chặt, sâu sắc. Tình đồng chí ấy không chỉ được gây dựng trên cơ sở tình cảm mà còn được gây dựng trên cơ sở cùng chung giai cấp, mục đích, lí tưởng. Ngày họ ra đi, không màng gian nhà – nơi chốn thân thương đã sinh ra họ; giếng nước, gốc đa gắn bó với kỉ niệm tuổi thơ, nuôi họ khôn lớn. Hai chữ “mặc kệ” như một lời dứt khoát lên đường để thực hiện nhiệm vụ lớn lao hơn, cao cả hơn, đó là nhiệm vụ cứu nước.
Không dừng lại ở đó, nét vẽ hiện thực của Chính Hữu tiếp tục xoáy sâu để thấy được cuộc sống vô vàn những khó khăn mà họ phải đương đầu:
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng chán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Những cơn sốt rét rừng đã từng được nhà thơ Quang Dũng tái hiện trong bài thơ Tây Tiến: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm”. Người chiến sĩ không chỉ phải đương đầu với khói bom, lửa đạn chiến tranh mà họ còn phải đương đầu với rừng thiêng nước độc, với căn bệnh sốt rét rừng ám ảnh đến cả trong giấc ngủ. Căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng biết bao người. Chính Hữu không che giấu, mà vẽ những nét rất chân thật, để ta có thể cảm nhận hết sự khắc nghiệt của chiến tranh. Không chỉ vậy họ còn phải đối mặt với sự thiếu thốn về vật chất, những chiếc quần rách tơi tả, chắp vá, cái lạnh của mùa đông thấm vào da thịt; hành quân dài ngày mà chân chẳng có lấy một đôi giày. Nhưng họ đã vượt qua tất cả bằng tình yêu thương, bằng cái nắm tay đầy nồng ấm. Cái nắm tay đó trao truyền sức mạnh, niềm tin và ý chí phấn đấu cho họ. Như vậy, khắc họa chân thực hiện thực cuộc sống của người lính, Chính Hữu không phải để nói lên gian nan, cực khổ mà người lính phải đương đầu mà trên hết là làm sáng lên vẻ đẹp của tình đồng chí, lòng yêu nước.
Đằng sau chất hiện thực sống sít, là hình ảnh vô cùng lãng mạn về người lình:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
Câu thơ vừa mang nghĩa thực, vừa mang ý nghĩa biểu tượng, đầy lãng mạn. Trong đêm phục kích chờ giặc, ông chỉ có những người bạn chiến đấu, khẩu súng và vầng trăng, Trời về khuya, có lúc nhìn lên, trăng như treo đầu ngọn súng. Từ thực tế đó, ông đã viết nên hình ảnh “đầu súng mảnh trăng treo”, sau này cắt bớt chữ “mảnh” thành “đầu súng trăng treo”. Nhưng đồng thời khổ thơ cũng đầy chất lãng mạn. Súng là hình ảnh của chiến tranh khói lửa, trăng là hình ảnh của thiên nhiên trong mát, cuộc sống thanh bình. Sự hòa hợp của trăng và súng toát lên vẻ đẹp tâm hồn của người lính và tình đồng chí của họ, vừa nói lên ý nghĩa cao cả của cuộc chiến tranh yêu nước: Người lính cầm súng là để bảo vệ cho độc lập, tự do của đất nước. Trăng và súng là gần và xa, là chiến sĩ và thi sĩ, là hiện thực và lãng mạn. Tất cả hòa quyện tạo nên vẻ đẹp của người lính, đời lính.
Bằng những vần thơ vừa giàu chất hiện thực, vừa thấm đẫm chất lãng mạn, Chính Hữu đã khắc họa thành công hình ảnh người lính vừa giản dị, mộc mạc vừa anh hùng, dũng cảm. Họ là những người chiến sĩ quả cảm, đem hết tuổi trẻ và sức lực để cống hiến cho tổ quốc, cho sự bình yên của quê hương, đất nước.