Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu (Bài 2)
Đề bài
Đề bài: Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu
Hướng dẫn giải
Chính Hữu nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, các tác phẩm của ông tập trung miêu tả về người lính và chiến tranh. Số lượng tác phẩm của ông để lại không nhiều, nhưng chỉ với bài thơ Đồng chí cũng đã đủ để khẳng định vai trò, vị trí của ông trong nền văn học dân tộc.
Bài thơ Đồng chí được sáng tác vào đầu năm 1948, khi tác giả cùng những đồng đội của mình tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của Pháp. Trong tác phẩm hình ảnh người lính hiện lên vừa chân thực, vừa hết sức anh dũng.
Bảy câu thơ đầu, tác giả nêu lên cơ sở của tình đồng chí. Trước hết họ có chung nhau hoàn cảnh xuất thân: “Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”. Anh và tôi có cùng cảnh ngộ xuất thân, chúng ta đều đến từ những miền quê nghèo khó. Vì đất nước bị xâm lược, tôi và anh từ những người xa lạ cùng kề vai sát cánh bên nhau chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Chính Hữu cũng thật tinh tế, ông không dùng chữ “hai” mà dùng chữ “đôi”, chữ hai gợi nên khoảng cách, sự xa lạ giữa hai con người, nhưng chữ đôi lại không như vậy. Đôi gợi lên sự gắn kết, hòa hợp với nhau, qua đó khẳng định sự gắn bó, bền chặt giữa những người đồng đội. Không chỉ chung về hoàn cảnh xuất thân, họ còn cùng chung nhiệm vụ, mục đích và lí tưởng chiến đấu :
Súng bên súng đầu sát bên đầu
Súng là tượng trưng cho quá trình đấu tranh bảo vệ tổ quốc, còn đầu tượng trưng cho mục đích, lí tưởng chiến đấu. Như vậy, những người lính dù có hoàn cảnh xuất thân khác nhau, nhưng ở họ đều ngời sáng tinh thần yêu nước. Họ chiến đấu để bảo vệ quê hương, chiến đấu để bảo vệ làng xóm thân thương của mình.
Để làm sâu sắc hơn tình cảm gắn bó của họ, tác giả còn nhìn thấy ở những người lính ấy một điểm chung khác: Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ. Trải qua gian khổ, khó khăn trong những năm tháng chiến đấu gian lao họ đã trở thành tri kỉ. Hai tiếng tri kỉ thật thiêng liêng và đáng trân trọng. Tri kỉ là những người hiểu bạn như hiểu chính mình. Họ là những người như vậy, không chỉ hiểu mà còn cảm thông cho những nỗi niềm của nhau. Để rồi câu thơ “Đồng chí” chốt lại toàn bộ ý thơ khổ đầu. Câu thơ tách riêng thể hiện cảm xúc dồn nén, chân thành và cho thấy sự thiêng liêng, sâu nặng của tình đồng chí. Đoạn thơ không chỉ là sự lí giải về cơ sở hình thành tình đồng chí mà còn cho thấy quá trình biến đổi từ những người nông dân xa lạ, họ trở thành những người đồng đội sống chết vẫn bên nhau.
Câu thơ “Đồng chí” có thể coi là bản lề khép mở giữa hai khổ thơ, khép lại cơ sở hình thành tình đồng chí và mở ra những biểu hiện cao đẹp của thứ tình cảm thiêng liêng ấy. Họ ra đi từ những miền quê khác nhau, nhưng họ đều hiểu về những tâm tư tình cảm của nhau, bởi đó cũng chính là tâm sự của họ: “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày/ Gian nhà không mặc kệ gió lung lay/ Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”. Vì sự độc lập của dân tộc, họ - những người lính gửi gắm lại ruộng nương, vườn tược cho người thân, từ mặc kệ thể hiện thái độ kiên quyết, dứt khoát. Nhưng sự mạnh mẽ đó không hề tỏ ra vô tâm, quyết liệt nhưng không hề lạnh lùng. Từng giây phút ở nơi chiến trường họ vẫn mong ngóng hướng về quê nhà, nhớ về “giếng nước, gốc đa”. Họ tự nén lại yêu thương, nén lại nỗi nhớ nhung khắc khoải để cống hiện trọn vẹn đời mình cho cuộc kháng chiến của toàn dân tộc.
Trong chiến trường ác liệt, gian lao họ còn đồng cảm cộng khổ, cùng nhau vượt qua mọi khắc nghiệt của hoàn cảnh. Đó là những cơn sốt rét rừng đã cướp đi sinh mạng của biết bao người lính, đã từng được Quang Dũng tái hiện lại trong bài thơ Tây Tiến:“Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời”. Trong những năm chiến tranh, sốt rét rừng là nỗi ám ánh với tất cả binh lính, nhưng “anh với tôi” vẫn bên nhau để cùng vượt qua cái “sốt run người”. Họ còn cùng nhau vượt qua những thiếu thốn, khó khăn : áo rách vai, quần vài mảnh vá, chân không giày. Cuộc sống của họ thiếu thốn đủ đường, nhưng nhờ tình cảm đồng đội họ đã vượt qua tất cả những gian khổ đó để bảo vệ tổ quốc. Hình ảnh “tay nắm bàn tay” thật đẹp đẽ, chất chứa biết bao yêu thương, trìu mến, họ luôn bên nhau sẵn lòng chia sẻ mọi khó khăn, thiếu thốn. Tình cảm nồng đậm, ấm áp chân thành đó đã sưởi ấm tâm hồn họ, nâng bước họ trên con đường chiến đấu bảo vệ tổ quốc.
Ba câu thơ cuối hoàn chỉnh bức tranh đẹp đẽ về tình cảm đồng chí, đồng đội :
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
Bức tranh được tác giả xây dựng trên một không gian vô cùng khắc nghiệt: đêm đã về khuya, sương ngày một xuống dày, cảnh vật trở nên hoang vu, lạnh lẽo. Trong khung cảnh ấy, họ đứng cạnh nhau chờ giặc tới, tư thế của họ thật hiên ngang, chủ động, sẵn sàng nghênh chiến bất cứ lúc nào với kẻ thù. Hình ảnh “đầu súng trăng treo” vừa mang ý nghĩa tả thực, vừa mang ý nghĩa biểu tượng. Đây trước hết là hình ảnh thực về những đêm canh gác ở rừng, trăng xuống thấp như treo trên đầu mũi súng. Nhưng ngoài ra, trăng là biểu tượng cho hòa bình, súng là biểu tượng cho chiến đấu. Khi kết hợp hai hình ảnh ấy với nhau ta có một biểu tượng thật đẹp đẽ: những người lính cầm súng chiến đấu để bảo vệ hòa bình, độc lập cho dân tộc. Bài thơ kết lại bằng hình ảnh đẹp, hoàn chỉnh bức tranh người chiến sĩ trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp.
Tác phẩm được viết bằng thể thơ tự do, với kết cấu mạch lạc, có bản lề khép mở giữa hai phần thơ. Ngôn ngữ thơ giản dị, chân thành mà sâu sắc. Giọng điệu tha thiết, xúc động lòng người đọc. Những hình ảnh giản dị, hàm súc và giàu sức gợi.
Bằng những lời thơ chân thành, tha thiết, Chính Hữu đã tái hiện thành công tình cảm đồng chí, đồng đội bình dị mà sâu sắc. Khắc họa vẻ đẹp của những người lính nông dân trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp : họ luôn kề vai sát cánh bên nhau, vượt qua mọi khó khăn, thử thách của hoàn cảnh để bảo vệ đất nước.
Mời bạn tham khảo các bài soạn văn và phân tích về bài thơ Đồng chí:
Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu (Bài 2)
Phân tích hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng chí (Bài 2)
Vẻ đẹp của tình đồng chí trong bài thơ Đồng chí (Bài 2)
Phân tích tác phẩm "Đồng chí" của Chính Hữu
Phân tích hình ảnh người lính trong bài thơ "Đồng chí"
Vẻ đẹp tình đồng chí trong bài thơ "Đồng chí"
Phân tích bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu (Bài 1)
Phân tích bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu (Bài 3)
Phân tích bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu (Bài 2)
Phân tích bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu (Bài 3)
Phân tích bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu (Bài 4)
Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:
Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 9 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 9 và Những bài văn hay lớp 9 đạt điểm cao.