Đăng ký

Hãy kể lại một cuộc tham quan hay du lịch mà em nhớ mãi (Cù Lao Chàm)

1,597 từ

Hãy kể lại một cuộc tham quan hay du lịch mà em nhớ mãi (Cù Lao Chàm)

Dì tôi dạy học ở Hội An. Nghỉ hè, tôi đến Hội An thăm dì và thăm em Ngọc. Một thoáng Cù Lao Chàm mãi mãi ghi nhớ trong lòng tôi đã hoá tâm hồn tôi. Cù Lao Chàm cách bờ biển Cửa Đại thuộc Thành phố Hội An về hướng đông khoảng 18 km. Cù Lao Chàm - một quần đảo gồm 8 hòn đảo lớn, nhỏ nối sát nhau như một chuỗi ngọc bích, từng được coi là hoa tiêu trên biển cho các thuyền buôn nước ngoài đến Hội An.

Cù Lao Chàm vốn tên là Chiêm Bất Lao do người Chăm Pa đặt, và cách đây trên 2000 năm có tên là Tiêm Bích La. Đến thời Đại Việt có tên là Ngọa Long Đạo (con rồng nằm trên biển đông).
 
Năm 1940, trên quần đảo mới chỉ có lơ thơ 13 nóc nhà. Đến nay (2008) đã có trên 600 nóc nhà với 3.000 dân. Diện tích Cù Lao Chàm khoảng 12 km2, trong đó diện tích rừng chiếm đến 90%.

Một sáng đầu tháng 6, ba dì cháu xuống tàu cao tốc. Chỉ 30 phút sau con tàu đã đi chậm lại neo vào bến đảo. Từ xa, tôi đã nhìn thấy những hòn đảo xanh rì nổi lên giữa biển khơi.

Theo đoàn du khách, tôi và em Ngọc cùng dì đến thăm chùa Hải Tạng, ngôi chùa cổ gần 300 năm. Chùa có 5 pho tượng cổ sơn son thếp vàng, và một đại hồng chung. Sớm sớm chiều chiều khi tiếng chuông chùa Hải Tạng ngân lên, thì người ở đất liền, cách xa 18 km cũng nghe rõ mồn một. Một sư già cho biết: Đại hồng chung rất mầu nhiệm. Người nào đau đầu thì chui vào chuông, nữ đánh chín tiếng, nam đánh bảy tiếng sẽ giảm đau, khỏi bệnh! Em Ngọc đòi chui vào chuông liền bị dì Hương nạt! Tôi nhíu mũi lại, cười...

Phía sau chùa Hải Tạng có giếng cổ nước trong veo, do người Chăm làm theo cách xếp gạch. Trên đảo còn Miếu thờ ông Tổ nghề yến. Ông vốn là dân chài người làng Thanh Châu (Hội An), do bị trôi giạt trên đảo một thời gian dài, đói quá ông mới lần theo vách hang tìm thức ăn mà thấy tổ yến. Sản lượng yến trên Cù Lao Chàm tuy không lớn nhưng rất quý, đó là loại bạch yến, theo thời giá hiện nay, một kí bán ra từ 5 ngàn đô đến 10 ngàn đô. Trên đảo còn có miếu thờ Ông (cá voi), lúc nào cũng toả khói hương trầm thơm ngát.
 
Cù Lao Chàm có nhiều bãi tắm đẹp như Bãi Ông, Bãi Làng, Bãi Xếp, Bãi Biền, Bãi Hương, Bãi Nằm, Bãi Chồng. Tên mỗi bãi tắm gắn liền với một huyền tích mà người dân đảo lưu giữ và tôn thờ trong tâm ức.

Từ Bãi Làng sang Bãi Xếp chỉ mất 5 phút tàu cao tốc. Ba dì cháu cùng đoàn du khách được thay đồ, xuống thuyền đáy kính thưởng ngoạn san hô dưới độ sâu 8 mét. Bãi Xếp có 30 loại san hô trong tổng số 135 loại san hô của Cù Lao Chàm. Đẹp nhất, lạ nhất là san hô đỏ, san hô sừng nai, xanh dương, vàng óng... như những cung điện dưới thuỷ cung được kể lại trong truyện cổ. Tôi càng ngắm càng mê li.
 
Bãi Chồng trải dài trải rộng, cát vàng, cát trắng hiện rõ trong làn nước trong veo, sóng lăn tăn khi đảo ru biển hát. Rất thơ mộng, hữu tình và bình yên. Tại đây, tôi thấy nhiều du khách nước ngoài trong bộ đồ tắm nằm phơi nắng đọc sách, hoặc bơi lặn hoặc khoác tay nhau dạo chơi...
 
Bữa cơm trưa tại nhà hàng nơi Bãi Chồng có đủ hương rừng vị biển mà các du khách sẽ nhớ suốt đời. Ốc rừng, cua đá và rau rừng là đặc sản. Cua đá màu tím, gạch màu vàng, ăn rất ngậy, thơm và ngọt. Rau rừng có đến 12 loại, nào là rau Sừng, rau Săng, rau Dòn, nào là rau Đồn, rau Cu, nào là... chỉ nghe tên cũng biết đó là rau rừng hoang dại. Vị chua chát, bùi ngậy, ngòn ngọt của hải sản quyện lẫn với mùi cay nồng của ớt tươi và nước mắm nguyên chất, với món rau rừng lạ miệng làm khoái khẩu nhiều người.
 
Sau bữa cơm trưa, du khách lên tàu cao tốc trở lại bờ. Con tàu lao vút về phía Hội An để lại sau những làn sóng cuồn cuộn bọt trắng xoá. Cù Lao Chàm mở dần giữa trùng dương mênh mông. Một thoáng Cù Lao Chàm đầy dư vị. Hình ảnh giang sơn cẩm tú in đậm hồn tồi sau một chuyến tham quan về dải đất Miền trung mến yêu.