Đăng ký

Vai trò của cây cối trong việc bảo vệ môi trường sống

3,026 từ

Thuyết minh vai trò của cây cối (hoặc của rừng, các loài động vật hoang dã, của nhiên liệu sạch...) trong việc bảo vệ môi trường sống.

Bài làm:

Cây xanh là lá phổi của Trái Đất. Không phải tự nhiên mà cho đến hôm nay, các nhà nghiên cứu và chuyên gia đều nhận định như vậy. Từ xa xưa, thiên nhiên nói chung, cây cối nói riêng đã giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sống của con người.

Trong lịch sử hình thành và phát triển của nhân loại, thiên nhiên luôn giữ vị trí vô cùng trọng yếu, bởi lẽ sự sống trên Trái Đất bao gồm yếu tố tự nhiên và nhân tạo. Trong đó, cây cối là sinh vật xuất hiện sớm và gắn bó với sự tiến hóa của loài người lâu nhất. Vậy cây cối là gì?

Cây cối là một bộ phận của thiên nhiên, là một bộ phận của hệ thống sinh thái, bao gồm toàn bộ những loài thực vật sinh trưởng trong tự nhiên. Cây cối có quan hệ chặt chẽ với các sinh vật khác, động vật, con người... Nhưng nó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống của những sinh vật khác.

Cây cối giữ vai trò đặc biệt quan trọng với cuộc sống con người, với môi trường tự nhiên xung quanh. Vai trò thiết yếu nhất là cung cấp ô xi, duy trì sự sống cho tất cả sinh vật trên hành tinh. Qúa trình quang hợp của chúng sẽ hấp thụ cacbonic và cung cấp lượng lớn ô xi, đồng thời điều hòa khí hậu và tạo bóng mát, trở thành thức ăn cung cấp chất đinh dưỡng tốt cho cơ thể, khi phân hủy còn tạo ra phân xanh – một loại phân bón không gây ô nhiễm môi trường.

Chúng ta hãy thử tưởng tượng một ngày kia cây cối không còn tồn tại trong cuộc sống. Khi những thiết bị công nghệ thông tin hiện đại ngày càng phát triển trong thời đại công nghệ số 4.0 mang đến lượng lớn sóng âm tần, sóng điện tử, ... và chúng ta chỉ hàng ngày phụ thuộc vào điều hòa, quạt điện, máy tính, sóng wifi,... Thì liệu cuộc sống sẽ kéo dài được bao lâu khi không khí dần mất đi trong lành. Không có chiếc máy lọc không khí nào lớn hơn cây cối trong tự nhiên. Không khí sẽ dần bị ô nhiễm, nắng mưa vượt khỏi tầm kiểm soát, mưa lũ ngập lụt và hạn hán sẽ xuất hiện nhiều hơn, hiện tượng Trái Đất nóng lên, băng tan, hiệu ứng nhà kính... sẽ tấn công mạnh mẽ cuộc sống của chúng ta.

Cuộc sống của con người không bao giờ hoàn thiện nếu không có tự nhiên. Cây cối tạo lên rừng, rừng là môi trường sống của rất nhiều động vật khác, rừng ngăn xói mòn, sạt lở đất. Cây cối cung cấp chuỗi thức ăn tự nhiên, đảm bảo cân bằng sinh thái, cung cấp những tài nguyên thiên nhiên quý giá để phục vụ cuộc sống con người ngày càng được nâng cao. Rừng là nhà của rất nhiều loài động vật quý hiếm. Mỗi cánh rừng với những loài cây khác nhau được chia ra rất nhiều tầng độ cao thích hợp với những loài sinh vật khác nhau. Những cánh rừng nguyên sinh là mái nhà chung của hàng nghìn động thực vật quý hiếm cần được bảo tồn. Và ngay cả khi những con người ích kỷ, tham lam đêm ngày nghĩ cách phá rừng lấy gỗ, cây cối vẫn kiên trì làm nhiệm vụ trao đổi khí, điều hòa môi trường của bản thân mình. Cây cối tạo nên môi trường trong lành, là nơi khiến tâm hồn ta trở nên thoải mái hơn.

Thế nhưng, nhìn vào thực tế hiện nay, chuyện gì đang xảy ra? Diện tích rừng ngày càng thu hẹp, ngoài những tác động của tự nhiên như cháy rừng, con người đang chính tay tàn phá môi trường sống của cây cối, chặt cây lấy gỗ, tàn phá nặng nề nhiều khu rừng. Con người mải mê theo những lợi ích nhỏ mọn của bản thân, không hề nghĩ đến thiên tai không trong tầm kiểm soát, hằng năm vẫn đúng dịp tới gây lũ quét, địa chấn. Rừng đã mất, không còn gì ngăn gió chắn bão, xói mòn, sạt lở đất đầu nguồn gây ra những thiệt hại lớn về vật chất, những nỗi đau trong tinh thần con người.

Những ngày trước, đất nước ta tự hào biết bao về “rừng vàng biển bạc” quê hương. Nhưng giờ đây, hàng năm đều có tin hàng trăm hecta rừng bị cháy rụi, những cánh rừng bị chặt phá trái phép. Môi trường sinh thái đang đứng trước nguy cơ bị xáo trộn, đặc biệt vang lên một hồi chuông báo động trong tình trạng Trái Đất đang nóng lên từng ngày.

Hiện nay, không chỉ riêng nước ta mà toàn bộ thế giới đều đang gấp rút thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường mà cây xanh là yếu tố được coi trọng hàng đầu. Những sự kiện được tổ chức, những lời kêu gọi và hội nghị được mở ra khuyến khích trồng rừng phủ xanh đồi trọc, bảo vệ lá phổi của Trái Đất. Đảng và Nhà nước ta cũng không ngừng cố gắng đề và thực hiện những biện pháp quản lý chặt chẽ việc khai thác rừng kết hợp với tái tạo rừng.

Từ thời con người còn ăn lông ở lỗ, chúng ta đã gắn bó với rừng. Rừng cho ta những vật dụng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày: thức ăn, áo mặc... Vai trò của rừng đối với con người không bao giờ thay đổi. Rừng giúp điều hòa khí hậu, làm sạch bầu khí quyển. Rừng được coi là lá phổi xanh cũng bởi rừng hút lấy những khí bụi bặm và trả lại cho con người không khí trong lành. Đặc biệt, ngày nay, khi Trái Đất nóng lên do hiệu ứng nhà kính, vai trò của rừng trong việc giảm lượng CO2 từ các hoạt động của con người là vô cùng quan trọng. Nếu không có rừng, chúng ta sẽ phải sống trong một bầu khí quyển ô nhiễm, hứng chịu những biến đổi thất thường của thời tiết, những thảm họa từ thiên nhiên. Rừng giúp điều tiết nước, phòng chống xói mòn, lũ lụt. Rừng còn điều hòa được dòng chảy của các con sông, dòng suối: tăng lượng nước sông, suối vào mùa khô và giảm lượng nước vào mùa mưa. Rừng là môi trường sống của tất cả các loài sinh vật trên Trái Đất. Hiện nay, khi rừng bị phá hoại, môi trường sống của nhiều loài động vật cũng bị xâm phạm, đẩy chúng tới bờ vực tuyệt chủng. Rừng cung cấp các loại gỗ như: đinh, sến, lim, táu... Động vật rừng là nguồn thực phẩm, dược phẩm, nguồn gen quý, da, lông, sừng là những mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Bên cạnh đó, rừng với môi trường sinh thái trong lành, đa dạng là một danh lam thắng cảnh, một địa điểm du lịch thú vị thu hút nhiều du khách. Tìm đến thiên nhiên hoang sơ sẽ giúp ta giải tỏa căng thẳng, tạm quên đi những bộn bề, nhỏ nhặt trong cuộc sống đời thường.

Ông cha ta có câu thành ngữ: “Rừng vàng biển bạc” vốn để ca ngợi vẻ đẹp trù phú, giàu có của quê hương. Đất nước ta từng có ba phần tư diện tích là rừng, đồi núi. Nhưng, hiện nay, diện tích rừng đã bị giảm xuống đáng kể. Một bộ phận người dân không hiểu rõ tầm quan trọng của rừng đã phá rừng để đốt nương làm rẫy. Nhưng cũng có người, nhận thức được vai trò của rừng vẫn chặt cây, phá rừng, săn bắn động vật quý hiếm trái phép để thu lợi ích về mình. Nhiều cánh rừng bị đốn hạ giờ đây chỉ còn trơ trọi mỗi gốc. Những hành động vì cái lợi trước mắt ấy đã gây ra những hậu quả nặng nề. Môi trường trở nên bị ô nhiễm trầm trọng. Lũ lụt, hạn hán xảy ra liên miên và ngày càng dữ dội hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của con người.

Hiểu được vai trò của rừng và thấy được hậu quả của việc chặt phá rừng, mỗi chúng ta cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ và chăm sóc rừng. Những cơ quan chức năng, các nhà chức trách cần có những biện pháp thích hợp và quản lí chặt chẽ việc khai thác rừng, xử phạt nghiêm khắc những hành vi phá rừng, trộm rừng trái phép. Những dự án “phủ xanh đồi trọc” cần được triển khai nhiều hơn nữa ở khắp mọi miền đất nước.

Hủy hoại rừng chính là hủy hoại cuộc sống của chính chúng ta. Hãy yêu quý và bảo vệ rừng để cho đất nước mãi được tươi đẹp, Trái Đất mãi là hành tinh xanh.

shoppe