Giải thích và chứng minh câu ca dao: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước..."
Giải thích và chứng minh câu ca dao:
"Nhiễu điều phủ lấy giá gương.
Người trong một nước phải thương nhau cùng"
Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Trong cuộc sống, tình yêu thương là ngọn lửa xua đi lạnh lẽo, là hơi ấm niềm tin, sự sẻ chia đưa con người xích lại gần nhau, vượt qua bao gian khó. Để nhắn nhủ con cháu học tập và phát huy truyền thống đó, ông cha ta có câu:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Người xưa đã mượn hình ảnh “nhiễu điều phủ lấy giá gương” để gởi gắm lời nhắn nhủ. Có lẽ ai cũng biết “nhiễu điều”, hay tấm lụa đỏ chỉ thật sự có giá trị khi được phủ lên “giá gương”, giá đỡ chân dung, bài vị người đã khuất. Và cũng như thế, “giá gương” chỉ mang vẻ trang trọng, quí giá khi được phủ lên bởi “nhiễu điều”. Hai vật gắn bó với nhau. Nhiễu điều phủ giá gương để làm cho giá gương không bị bụi bẩn, hoen ố, mờ nhạt theo thời gian. Và không có giá gương để phủ lên, nhiễu điều cũng mất đi một phần giá trị, bớt đi sự trang nghiêm, rực rỡ… Từ mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa hai vật, cha ông ta đã khuyên nhủ mọi người, khuyên nhủ con cháu phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.
Mỗi người sinh ra không phải ai cũng giống nhau. Chúng ta tuy khác nhau về phong tục, tập quán, bất đồng ngôn ngữ, nhưng tất cả chúng ta đều có một điểm chung, đó chính là cùng dòng máu, cùng được sinh ra trong bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ, hay nói cách khác, chúng ta chung nguồn gốc con Rồng cháu Tiên. Vì vậy, dù ở miền xuôi hay miền ngược, chúng ta đều là anh em nên phải gắn bó, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Hơn nữa, chúng ta sống và phát triển trong những mối quan hệ xã hội. Chúng ta đều là thành viên cuả gia đình, học sinh của lớp, của trường, là công dân của một nước. Có ai có thể sống riêng lẻ mà không cần mọi người xung quanh không? Có ai có thể tồn tại một mình mà không cần người khác không? Nếu sống riêng lẻ, tách biệt thì con người sẽ cô đơn, khó sống tốt được. Ngược lại, yêu thương lẫn nhau sẽ mang lại sự ấm áp, vui vẻ. Khi các thành viên trong gia đình quan tâm, yêu thương nhau thì đó là gia đình hạnh phúc, ngập tràn tiếng cười. Khi một tập thể lớp biết đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau thì đó là một tập thể vững mạnh. Khi một đất nước mà toàn dân một lòng, yêu thương, chia sẻ thì sẽ đưa đất nước đi lên, phát triển. Vì vậy, yêu thương là một tình cảm đẹp. Chính sự yêu thương con người đã gắn kết cộng đồng, tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người.
Bên cạnh đó, yêu thương con người còn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ xưa đến nay. Nhờ biết yêu thương mà ta đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách. Trong kháng chiến, nếu không có sức mạnh của tình yêu thương, đùm bọc thì làm sao quân dân ta có thể đánh tan kẻ thù Pháp Mĩ hùng mạnh? Nếu không có tình yêu thương thì liệu ngày hôm nay chúng ta có được sống trong một đất nước hòa bình thế này không? Và cũng nhờ có đức tính biết yêu thương, chia sẻ ấy, đồng bào cả nước đã bao lần vượt qua những khó khăn, cùng nhau sẻ chia, vượt qua nỗi đau thiên tai, lụt lội hay bão tố. Cho dù ở những vùng miền khác nhau nhưng ai ai trên đất nước này cũng đều hướng về nhau. Truyền thống đó, đức tính đó chúng ta cần giữ gìn và phát huy.
Không những thế, khi trao đi sự yêu thương, chúng ta cũng sẽ nhận được sự yêu thương từ người khác. Nếu biết quan tâm, sẻ chia với những khó khăn, bất hạnh của những người xung quanh thì khi bạn cô đơn, trở ngại, người khác cũng sẵn sàng mở rộng vòng tay với bạn. Nếu sống ích kỉ, bạn chỉ sẽ nhận về sự thờ ơ của người khác. Yêu thương làm tâm hồn ta đẹp hơn, lại được sự yêu mến, quí trọng của mọi người.
Ta thử tìm hiểu ý nghĩa và giá trị của câu ca dao này như thế nào? Trước hết, từ câu ca dao ta thấy hiện lên một hình ảnh khá đẹp: tấm nhiễu điều bao phủ phía ngoài chiếc giá gương trải qua ngày này tháng kia, hứng chịu biết bao bụi bặm, bẩn nhơ của cuộc đời để chiếc gương phía trong mãi hoài sáng trong, ngời chiếu. Tác giả vô danh ở đây đã mượn hình ảnh đẹp đẽ, gợi cảm ấy để ngầm so sánh với tấm lòng rộng mở, sẵn sàng chở che, đùm bọc lẫn nhau của nhân dân cả nước ta. Câu ca dao phản ánh một nguyện vọng, tình cảm của mỗi con người Việt nam trong mọi hoàn cảnh đều phải đoàn kết “Lá lành đùmlá rách” một lòng giúp đỡ lẫn nhau vươn lên trong cuộc sống.
Mỗi người Việt Nam dẫu ở miền xuôi hay miền ngược, đồng bằng hay cao nguyên, rừng núi cũng đều có quan hệ là “người trong một nước”. “Người trong một nước” tuy khác nhau về nguồn gốc, hoàn cảnh và điều kiện sống riêng biệt nhưng bên trên những cái khác nhau đó, mọi người vẫn có nhiều cái giống nhau, chung với nahu làm nên tình nghĩa. Chung tổ tông ấy là tình đồng bào. Chung xóm làng, thôn ấp ấy là tình đồng hương. Chung trường học ấy là tình đồng môn. Chung cảnh ngộ ấy là tình đồng cảnh. Chung một mục đích một lí tưởng sống ấy là tình đồng chí. Chung một nghề ấy là tình đồng nghiệp. Chung một nghề ấy là tình đồng nghiệp. Chung một họ hàng là tình đồng tông…
Vượt lên trên các khác biệt nhỏ, vì sự giống nhau của một điều chung lớn hơn, người ta biết thương yêu, đỡ đần đoàn kết nhau. Trong thôn ấp, mối quan hệ tình làng nghĩa xóm thắt chặt mọi người lại với nhau thể hiện bằng lòng yêu thương, sự tương trợ lẫn nhau mỗi khi tắt đèn tối lửa. Tinh thần đoàn kết của nhân dân ta đâu chỉ gói gọn trong lũy tre thôn ấp mà còn được biểu hiện rộng rãi vượt ra phạm vi cả nước qua mối quan hệ trao đổi về vật chất lẫn tinh thần.. Một hạt gạo, một tấm áo đầy tình nghĩa của địa phương này gửi đến địa phương khác khi biết đồng bào mình nơi đó bị thiên tai, hoạn nạn đang lâm phải cảnh màn trời chiếu đất đều thắm thiết biết bao tình cảm nhiễu điều giá gương. Đặc biệt, mỗi khi đất nước có họa ngoại xâm, mọi tầng lớp nhân dân ta ở mọi miền đều xông lên tận tâm, tận lực góp cả sức người, sức của để giữ gìn từng ngọn rau tấc đất của cha ông.
Trước khi đi, Lạc Long Quận có dặn Âu Cơ rằng: sau này có gì khó khăn thì giúp đỡ nhau. Điều đó cho thấy người xưa còn nhắc nhở con cháu phải biết thương yêu, tương trợ nhau. Mỗi khi miền nào trên đất nước ta có hoạn nạn, thiên tai lũ lụt thì những nơi khác đều hướng về nơi ấy, chung sức chung lòng quyên góp, ủng hộ vật chất lẫn tinh thần. Điều đó thể hiện tinh thần đoàn kết tương trợ của nhân dân ta đối với nhau. Ngoài đời sống là thế, còn trong những câu chuyện cổ tích thì sao? Truyện cổ tích không đơn thuần chỉ là những câu chuyện hư cấu, tưởng tượng mà thông qua đó cha ông ta muốn gửi gắm những suy nghĩ, tình cảm, thể hiện những ước mơ, niềm tin về công lí.
Và hơn thế nữa là tư tưởng nhân đạo của dân tộc ta, được lột tả một cách sâu sắc qua câu chuyện cổ tích “Thạch sanh” quen thuộc. Nhân vật Thạch sanh đại diện cho chính nghĩa, hiền hậu, vị tha, dũng cảm, sẵn sàng tha thứ cho mẹ con Lí Thông, người đã bao lần tìm cách hãm hại mình. Không những thế, khi 18 nước chư hầu kéo quân sang đánh Thạch Sanh nhằm cướp lại công chúa, chàng đã sử dụng cây đàn thần của mình để thức tỉnh binh lính, làm cho binh lính lần lượt xếp giáp quy hàng mà không cần động đến đao binh. Chẳng những thế, chàng lại mang cơm thết đãi họ trước khi rút về nước.