Đăng ký

Trình bày và lí giải quan điểm của mình qua ý kiến về tác phẩm Chí phèo của Nam Cao

4,425 từ

Khi nhận xét về tác phẩm Chí Phèo, có ý kiến cho rằng: Nhà văn đã miêu tả hành trình người nông dân lương thiện bị tha hoá. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: Nam Cao đã miêu tả nhân vật từ sự tha hoá tìm về cuộc sống lương thiện

Anh/ chị đồng ý với ý kiến nào? Trình bày và lí giải quan điểm của mình.
BÀI LÀM
Nam Cao xuất hiện trên văn đàn tương đối sớm nhưng phải đến khi Chí Phèo ra đời, tên tuổi của nhà văn mới được độc giả và giới văn học biết đến. Bàn về tác phẩm này có nhiều ý kiến khác nhau. Có người nói Chí Phèo là hành trình người nông dân từ lương thiện trở nên tha hoá. Có ý kiến khác lại cho rằng truyện ngắn đề cập tới việc người nông dân từ bi kịch tha hoá đang cố gắng tìm về cuộc sống lương thiện.

Có thể nói đây là tác phẩm làm nên đời văn Nam Cao. Truyện vạch ra mâu thuẫn gay gắt giữa người nông dân và địa chủ trong xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Nhà văn đã xây dựng được một bối cảnh rất điển hình cho cuộc sống của xã hội đương thờ. Đó là làng Vũ Đại xa phủ xa tỉnh, tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng trong đó những mâu thuẫn chủ yếu của xã hội nông thôn Việt Nam đương thời. Như một ông thầy địa lí đã nói, làng này ở cái thế quần ngư tranh thực nên có tới năm bè bảy cánh. Chúng luôn tìm cơ hội dìm nhau, làm cho nhau lụi bại để chiếm miếng mồi ngon. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những số phận bi đát như Năm Thọ, Binh Chức và điển hình nhất là Chí Phèo. Đây là nhân vật trung tâm của tác phẩm giúp chúng ta trả lời được câu hỏi: Truyện là hành trình người nông dân bị tha hoá, lưu manh hoá hay từ tha hoá trở về làm người lương thiện. Trả lời được câu hỏi này chúng ta sẽ thấy tấm lòng nhân đạo cũng như tầm cao tư tưởng của tác giả.
 
Có thể nói Chí Phèo đã miêu tả rất sinh động quá trình lưu manh hoá của người nông dân. Ngay mở đầu tác phẩm chân dung nhân vật chính đã được giới thiệu một cách sinh động: “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giò cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hẳn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là của ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại, Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đã đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? (...) hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn”. Đây là chân dung Chí Phèo. Hắn xuất hiện trong trạng thái say và đã say là phải chửi, Tiếng chửi tưởng chừng rất vu vơ, vô nghĩa song vẫn theo một trình tự nhất định, từ chung chung tới cụ thể, từ rộng tới hẹp: chửi trời, chửi đời, chửi làng Vũ Đại, chửi những ai không chửi nhau với hắn và cuối cùng là “chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn”.

Tiếng chửi này phản ánh tình trạng vật vã tuyệt vọng trong tâm hồn của một kẻ cô đơn, bị xã hội làng Vũ Đại loại ra khỏi cộng đồng. Đấy là cách mà hắn giao tiếp với xã hội loài người nhưng không ai coi hắn là người nên đáp lại hắn chỉ là sự im lặng tới ghê rợn. Dân làng Vũ Đại không thèm dây lời với hắn cũng có nghĩa là họ không coi Chí là một con người. Đây là cách mở đầu ấn tượng, giới thiệu được trọn vẹn chân dung một con người khốn khổ.
 
Tiếng chửi này chỉ xuất hiện từ sau khi Chí đi ở tù về. Trước đó hắn là một chàng trai khỏe mạnh, lương thiện, đầy lòng tự trọng và biết khinh những cái gì đáng khinh. Sau bảy tám năm đi ở tù về Chí đã mang một bộ mặt lạ khác hẳn bộ mặt lành thiện xưa kia: “Hắn về lớp này trông khác hẳn (...) Trông đặc như thằng săng đá. Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt đen mà rất câng câng, hai con mắt gườm gườm trông gớm chết”. Nếu nhà tù thực dân làm biến đổi khuôn mặt Chí Phèo thì Bá Kiến lại hoàn thành nốt công đoạn cuối cùng, biến hắn trở thành một con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Từ khi trở thành tay sai của cụ tiên chỉ. Chí sống triền miên trong những cơn say. Để tồn tại, hắn phải cướp giật, đốt nhà, phá nát bao cơ nghiệp, làm chảy máu và nước mắt của bao người dân lương thiện. Chí lớn lên trong vòng tay cưu mang của dân làng Vũ Đại nhưng giờ đây hắn lại trở thành kẻ thù của họ. Người ta sợ hắn, xa lánh hắn như tránh một con quỷ độc ác. Nỗi thống khổ của Chí không phải chỉ là không cha không mẹ, không tấc đất cắm dùi mà chính là ở chỗ hắn bị xã hội vằm nát bộ mặt người và cướp đi linh hồn người. Chí Phèo giống Chị Dậu {Tắt đèn - Ngô Tất Tố) ở chỗ nghèo khổ, nhưng chị Dậu dù phải bán con, bán chó di nữa thì cũng vẫn còn là người còn hắn phải bán cả nhân hình và nhân tính. Thậm chí bán dần, bán lỗ để có thể sống kiếp sống thú vật. Tiếng chửi của Chí, do vậy, là dấu hiệu của bi kịch: con người sinh ra là người mà không được làm người.

Nếu Nam Cao chỉ dừng lại ở đây thì chân dung Chí Phèo cũng chỉ giống như Năm Thọ, Binh Chức, Trạch Văn Đoành hay Binh Tư - là các nhân vật tha hoá đã từng xuất hiện rất nhiều trong các truyện ngắn của ông. Cái để Chí không bị chìm lấp đi chính là ở chỗ tác giả đã phát hiện và khẳng định bản chất tốt đẹp của người nông dân ngay cả khi họ bị lưu manh hoá, bị xã hội cướp mất cả linh hồn. Nhà văn đã tạo ra cuộc gặp gỡ kì lạ giữa con quỷ dữ làng Vũ Đại với Thị Nở - người đàn bà xấu xí, ngẩn ngơ đến nỗi dân làng tránh thị như tránh “một con vật rất tởm”.

Sau đêm ở với Thị Nở, hắn tỉnh dậy và thấy “bâng khuâng”, “lòng mơ hồ buồn”. Hắn nghe thấy tiếng chim hót, tiếng cười của những người đi chợ, tiếng anh thuyền chài gõ mái - những âm thanh của cuộc sống đời thường lần đầu tiên vang động sâu xa trong tâm hồn Chí Phèo. Nó là tiếng gọi của sự sống nhưng hắn chưa bao giờ tỉnh táo để có thể cảm nhận được. Trước đây, Chí không biết cuộc dời mình dài bao nhiêu năm thì sáng nay, tất cả những cảm xúc của một con người ùa về đủ để hắn nhìn thấy “mình đã đi qua cái dốc bên kia của cuộc đời” Chí nuối tiếc cái ước mơ bình dị “có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Cái ước mơ giản dị ấy bây giờ sao mà xa vời. Trước mắt hắn chỉ là một tương lai với đói rét, ốm đau và cô độc, mà cái thứ ba này còn đáng sợ hơn hai cái trước. Trong một đoạn văn ngắn, rất nhiều lần tác giả nhắc tới nỗi buồn của Chí Phèo. Nỗi buồn rưng rưng tưởng như sắp trào ra thành nước mắt. Cũng may mà Thị Nở vào nếu không thì hắn “đến khóc được mất”.

Có thể nói, Nam Cao đã dành những trang văn hay nhất để mô tả diễn biến tâm trạng của con quỷ dữ làng Vũ Đại khi ăn bát cháo hành Thị Nở nấu. Đầu tiên hắn ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì “hắn thấy mắt mình hình như ươn ướt”. Đây là lần đầu tiên hắn được người ta cho chứ không phải là doạ nạt hay giật cướp. Hắn nhận ra cháo hành rất ngon. Hương vị cháo hành là hương vị của tình yêu, là tình người mà lần đầu tiên hắn được hưởng. Nam Cao đã đặt người đàn bà xấu xí này bên cạnh bà Ba nhà Bá Kiến phây phây béo tốt để thấy chỉ có tình yêu chân thành mới có thể đánh thức dậy bản tính lương thiện của Chí mà ngày thường bị che lấp đi. Tình yêu của Thị Nở làm cho hắn ăn năn, ân hận vì những tội ác đã gây ra. Hắn thèm lương thiện, mong được làm hoà, được trở lại thế giới yên bình của con người. Tình yêu của Thị Nở không chỉ thức dậy bản tính lương thiện của Chí mà còn hé mở cho hắn con đường trở về thế giới loài người: “Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thề sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được”. Chí hồi hộp hi vọng và đầy tin tưởng sẽ được làm người lương thiện.
 
Chính vì vậy, khi bị Thị Nở từ chối, hắn “bỗng nhiên ngẩn người”, “sửng sốt”. Còn gì đau đớn hơn cho một người tưởng hạnh phúc đã ở trong tầm tay lại bất ngờ tuột mất. Trong đau khổ và tuyệt vọng, hắn tìm tới rượu nhưng rượu không phá nổi thành sầu: “hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành”. Hẳn muốn say để quên nhưng càng uống lại càng tỉnh. Tỉnh để thấm thía nỗi đau đớn về thân phận của mình. Giấc mơ hạnh phúc đã vỡ tan, lần đầu tiên Chí “ôm mặt khóc rưng rức”.
 
Chí cứ uống tới say mềm người rồi “ra đi với một con dao dắt ở thắt lưng”. Hắn định tới nhà bà cô Thị Nở để “đâm chết nó” nhưng bước chân của một kẻ say lại đưa hắn tới nhà Bá Kiến. Nếu khi vừa đi ở tù về, Chí tới đây với mục đích trả thù thì lần này hắn tới để đòi lương thiện: “Tao muốn làm người lương thiện”. Đây là lời nói của người tỉnh táo và cũng không phải hoàn toàn là lời nói của kẻ lưu manh. Đúng lúc Chí Phèo khát khao lương thiện thì cũng là lúc hắn nhận ra: “Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho hết được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa”. Hắn không thể quay lại sống cuộc đời người lương thiện bởi dấu vết của tội ác vẫn còn hằn trên khuôn mặt Chí. Khi hắn có ý thức về nhân phẩm cũng là lúc hắn nhận ra tình trạng tuyệt vọng của bản thân. Thị Nở đã từ chối hắn và hắn nhận ra rằng nguyên nhân chính gây nên bi kịch của cuộc đời mình là Bá Kiến. Với hành động ném tiền, “cụ Tiên chỉ làng Vũ Đại” đã xúc phạm tới nhân tính trở về trong con người Chí bởi vẫn coi hắn là kẻ lưu manh. Sau câu nói dõng dạc đòi lương thiện, Chí Phèo đã rút dao đâm Bá Kiến. Đây là hành động quyết liệt của một người nông dân đã thức tỉnh. Việc Chí giết Bá Kiến là hành động trả thù tuy manh động nhưng đã báo trước một cơn giông tố sẽ xảy ra sau đó không lâu: Chí Phèo giết Bá Kiến rồi quay ra giết chính mình. Khi ý thức nhân phẩm đã trở về, Chí không thể chấp nhận cuộc sống lưu manh trước kia nhưng làm người thì không ai cho phép. Vì vậy, Chí Phèo đã chết trên ngưỡng cửa trở về với cuộc sống loài người. Cái chết bi thảm này đã cho thấy một điều: trong xã hội đương thời, những con người khốn khổ muốn giữ lấy nhân phẩm chỉ có một cách duy nhất là chấm dứt sự sống của mình. Cái chết của Chí ở cuối tác phẩm vừa là lời tố cáo đanh thép với xã hội đương thời vừa là tiếng kêu cứu nhân phẩm và nhân tính của con người.

Như vậy, hành trình của Chí Phèo là hành trình của một người nông dân từ lương thiện bị tha hoá, lưu manh hoá rồi từ tha hoá lại tìm đường trở về làm người lương thiện. Điều này cho thấy niềm tin sâu sắc của Nam Cao vào bản chất tốt đẹp của con người. Với đôi mắt đầy tình thương ấy, nhà văn cùng những sáng tác của mình sẽ còn sống mãi trong tâm trí độc giả.

shoppe