Đăng ký

Cảm xúc trong tác phẩm thơ của Xuân Quỳnh

A) ĐỀ THI
I.       ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn văn bản sau và trả lời câu hỏi:
... Cơ hội chỉ tồn tại ở những chỗ mà người ta kêu ca. Khi người ta kêu ca, đó chính là cơ hội của bạn. Hãy giải quyết vấn đề và những lời than vãn đó đi, bạn sẽ nắm bắt được cơ hội.
Chúng ta nên từ những thất bại mà người khác mắc phải, không cần thiết học từ những câu chuyện thành công của họ. Rất nhiều trường MBA hiện nay tập trung vào những câu chuyện thành công. Chúng ta có nhiều lý do để thành công nhưng chỉ có một lý do thất bại. Hãy học hỏi từ lý do thất bại của người khác.
Trong 18 năm qua, cùng với đội ngũ của mình, chủng tôi thu nhập những câu chuyện thất bại của người khác để nghiên cứu, học hỏi và cố gắng tránh nó.
Nếu muốn làm gì đó, các bạn phải có ý tưởng và ước mơ. Ý tưởng là điều bạn có thể làm khi người khác không thể, điều bạn có thể làm tốt hơn những người khác, điều bạn có thể làm khác với số đông. Khi tất cả đều nói phải thế này, các bạn hãy nghĩ sao không phải thế kia. Khi người ta nói phải thế kia, các bạn hãy nghĩ sao không phải là thế này. Các bạn cần phải khác biệt. Nếu các bạn cũng như những người khác thì làm sao có cơ hội?
Tôi được biết ở Việt Nam có một số cuốn sách về tôi, về Alibaba. Có vẻ câu chuyện rất nổi tiếng. Tôi không đọc chúng bởi vì trong tương lai, tôi muốn tự viết một cuốn sách về Alibaba - 1.001 sai lầm.
Nếu bạn học hỏi được từ những sai lầm, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, bạn sẽ thực tế hơn. Khi nhìn thấy tất cả những thất bại, khi vẫn muốn chiến đấu cho tương lai, bạn sẽ có cơ hội.
Không ai là siêu nhân. Nếu muốn thành công, bạn phải thực tế, phải tập trung, phải làm việc theo nhóm, phải lạc quan vào tương lai. Đó là tất cả những gì tôi muốn chia sẻ với các bạn và tôi sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi...
                                                                                                                                            (Bài phát biểu của tỉ phú Jack Ma tại Hà Nội ngày 06/11/2017 - vnexpress.net)
* MBA:là tên viết tắt của chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị kinh doanh.
Câu 1: Xác định thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn văn bản trên?
Câu 2: Theo anh/ chị, vì sao tác giả lại khẳng định: Cơ hội chỉ tồn tại ở những chỗ mà người ta kêu ca?
Câu 3: Phân tích tác dụng của biện pháp điệp cấu trúc cú pháp trong hai câu văn: “Khi tất cả đều nói phải thế này, các bạn hãy nghĩ sao không phải thế kia. Khi người ta nói phải thế kia, các bạn hãy nghĩ sao không phải là thế này.”
Câu 4: Hãy rút ra những bài học thiết thực nhất cho anh/ chị từ nội dung văn bản trên?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Hãy trình bày suy nghĩ của anh/ chị bằng một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) về lời khuyên của tỉ phú Jack Ma: Không ai là siêu nhân. Nếu muốn thành công, bạn phải thực tế.
Câu 2 (5,0 điểm):
Viết về cảm xúc trong thơ, nhà phê bình Hoài Thanh từng cho rằng: Dòng cảm xúc quá chừng sôi nổi khiến cho câu chữ không thể đi theo những đường viền có sẵn, ý thơ xô đẩy làm cho khuôn khổ câu thơ cũng phải lung lay.
Anh/ chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên qua đoạn thơ sau:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước 
Ôi con sóng nhớ bờ 
Ngày đêm không ngủ được 
Lòng em nhớ đến anh 
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam 
Nơi nào em cũng nghĩ 
Hướng về anh - một phương
                                     (Sóng - Xuân Quỳnh, SGK Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục, 2008, Tr.155 - 156) 

B) HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. ĐỌC - HIỂU
Câu 1:
Thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn văn bản: Thao tác lập luận bình luận/ Thao tác bình luận. Câu 2:
Có thể đưa ra nhiều cách lí giải khác nhau, song cần đảm bảo tính logic, thuyết phục. Gợi ý:
Tác giả khẳng định: Cơ hội chỉ tồn tại ở những chỗ mà người ta kêu ca vì:
- Những chỗ người ta kêu ca phản ánh nhu cầu cấp thiết mà chưa được đáp ứng của con người.
- Khi lắng nghe những nhu cầu đó, mỗi cá nhân sẽ hiểu biết hơn về xã hội. Khi nghiên cứu, tìm tòi để thỏa mãn những nhu cầu đó thì có thể tạo ra được những sản phẩm kinh doanh mang lại lợi nhuận cao. Nói cách khác là việc biết lắng nghe và thỏa mãn những lời kêu ca sẽ tạo nên cơ hội thành công.
Câu 3:
Tác dụng của biện pháp điệp cấu trúc cú pháp trong hai câu văn: “Khi tất cả đều nói phải thế này, các bạn hãy nghĩ sao không phải thế kia. Khi người ta nói phải thế kia, các bạn hãy nghĩ sao không phải là thế này”: - Tạo cho câu văn sự nhịp nhàng, hài hòa.
- Nhấn mạnh và khẳng định vai trò quan trọng của sự khác biệt giữa tư duy cá nhân và tư duy số đông. Đặc biệt nhấn mạnh tính hai mặt của một vấn đề mà để đạt được thành công con người cần nghiên cứu nghiêm túc vấn đề đó.
Câu 4:
Có thể đưa ra nhiều bài học khác nhau, cần nêu được ít nhất hai bài học:
- Bài học về việc biết nắm bắt cơ hội, tìm kiếm thành công. Thành công chỉ đến với những người có tinh thần học hỏi, biết quan sát, lắng nghe, đặc biệt là lắng nghe, phân tích mặt trái của vấn đề (những lời kêu ca than vãn).
- Bài học về ý chí, bản lĩnh; tinh thần lạc quan: biết tin tưởng vào bản thân và con đường mà mình đã lựa chọn, biết đứng dậy từ những vấp ngã.
- Bài học về việc phân tích, đánh giá, nhìn nhận vấn đề: không chủ quan, phiến diện, không chạy theo số đông; cần khôn ngoan, tỉnh táo để có những quyết sách đúng đắn.
- Bài học về bí quyết thành công, đó là tính thực tế, tính tập trung, tinh thần hợp tác làm việc theo nhóm. Những yếu tố đó sẽ hỗ trợ tối đa cho mỗi cá nhân để có thành công.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ được suy nghĩ về cái nhìn và cách sống thực tế để có được thành công.
- Giải thích:
+ Siêu nhân: người có năng lực phi thường.
+ Thực tế: hiện thực về đời sống vật chất và tinh thần của xã hội.
Quan niệm là một lời khuyên ý nghĩa: không ai là người phi thường, thành công chỉ đến với những người biết bám sát, biết nhìn nhận và đánh giá toàn diện hiện thực đời sống xã hội.
- Bàn luận:
+ Cuộc sống luôn có vô vàn khó khăn, thử thách, trong khi năng lực bản thân mỗi người có hạn; bởi vậy khi tiến hành công việc phần lớn con người đều phải đối diện với thất bại.
+ Muốn có thành công, cần có phương pháp và một phương pháp hiệu quả nhất là nhìn nhận thực tế: thực lực (khả năng), nhu cầu đời sống, phân tích thực tế xã hội, bước lên từ chính chỗ mình vấp ngã, nỗ lực vượt qua khó khăn...
+ Phê phán những cá nhân có suy nghĩ và mơ ước viển vông, hành động xa rời thực tế.
- Liên hệ, rút ra bài học chân thành thiết thực cho bản thân (với tư cách là một công dân trẻ tuổi, sắp có bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời).
(Trong quá trình bàn luận, học sinh lấy dẫn chứng chứng minh) Câu 2:
CHÚ Ý
Đây là dạng đề nghị luận về một ý kiến bàn về văn học. Với dạng đề này, các em cần lưu ý:
- Mở bài cần giới thiệu được ý kiến cần bàn luận, tác phẩm hoặc đoạn trích cần phân tích.
- Thân bài c ầ n giải thích rõ nhận định trước khi đi vào phân tích chi tiết.
- Kết bài: cần khái quát được giá trị, ý nghĩa của nhận định.

Câu 2:
1.       Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận:
Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
2.                  Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
Phân tích hai khổ thơ trong bài Sóng để làm sáng tỏ cho nhận định của Hoài Thanh
3.       Triển khai vấn đề nghị luận:
Cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp dẫn chứng và lí lẽ.
a.       Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm
b.       Giải quyết vấn đề nghị luận
* Giải thích ý kiến của Hoài Thanh
CHÚ Ý
Phần giải thích cần làm rõ được các thuật ngữ: cảm xúc, ý thơ, những đường viền có sẵn, khuôn khổ câu thơ...
- “Cảm xúc” là những rung động, là tình cảm - đây là yếu tố quan trọng nhất của thơ. Khởi nguồn của thơ là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc. “Sôi nổi” chỉ mức độ của cảm xúc: nồng nàn, cháy bỏng, mãnh liệt dâng trào. “Ý thơ” chỉ tư tưởng, tình cảm.
- “Những đường viền có sẵn”, “khuôn khổ câu thơ”: Những quy định có sẵn từ trước, những hình thức có tính chất khuôn mẫu, ổn định. “Xô đẩy”, “không đi theo”, “lung lay” đều chỉ sự bứt phá, vượt ra khỏi những quy định.
Khi cảm xúc, tình cảm trong thơ đến mức mãnh liệt nó sẽ phá vỡ những khuôn mẫu, những hình thức có tính chất ổn định. Từ đó cho thấy trong mối quan hệ giữa nội dung cảm xúc và hình thức nghệ thuật của thơ thì nội dung cảm xúc đóng vai trò chi phối.
* Chứng minh qua đoạn thơ trong bài Sóng
CHÚ Ý
Phần chứng minh cần bám sát vào 2 luận điểm chính:
- Dòng cảm xúc quá chừng sôi nổi ở đoạn thơ này là gì?
- Hình thức nghệ thuật có gì độc đáo, khác lạ?
- Hai khổ thơ thể hiện dòng cảm xúc quá chừng sôi nổi, là tiếng nói tình cảm mãnh liệt của một trái tim phụ nữ yêu chân thành, da diết.
+ Khổ thơ thứ nhất: nỗi nhớ da diết, cháy bỏng. Nỗi nhớ lúc thì được biểu hiện gián tiếp, ẩn mình trong “sóng”, lúc thì được giãi bày trực tiếp bằng nỗi nhớ của chính “em”, mỗi nét tâm trạng được nhắc lại tựa như những vòng sóng cộng hưởng, lan tỏa.
++ Trong 4 câu thơ đầu: có tới 3 lần từ “sóng” được điệp lại như điệp khúc của một bản tình ca với những giai điệu da diết, như một ám ảnh thường trực về tình yêu và nỗi nhớ, những câu thơ tựa như những đợt sóng, gối lên nhau, hối hả vươn tới bờ.
++ Nghệ thuật đối “con sóng dưới lòng sâu - Con sóng trên mặt nước” đại dương gồm nhiều con sóng, có con sóng nổi, có con sóng chìm nhưng tất cả đều có chung một đặc điểm đó chính là nỗi nhớ bờ: “Ôi con sóng nhớ bờ - Ngày đêm không ngủ được”
Nỗi nhớ chất đầy không gian (trên mặt nước, dưới lòng sâu), đằng đẵng theo thời gian (ngày - đêm) cũng như tâm trạng nhớ nhung của những người yêu nhau khi phải cách xa: có lúc sôi nổi mãnh liệt, có lúc sâu lắng âm thầm. Xuân Quỳnh đã phát hiện thấy sóng “không ngủ được” vì “sóng mang trong mình nỗi nhớ, sóng chính là nỗi nhớ... đã là sóng thì bao giờ cũng thức, sóng không ngủ vì nếu sóng ngủ thì chính sóng cũng không tồn tại nữa” (Nguyễn Đăng Mạnh) sóng chính là trái tim của biển cả, là nhịp đập, là sự sống của biển cả.
++ Hai câu sau của khổ thơ đầu diễn tả trực tiếp nỗi nhớ trong em: Em nhớ anh như sóng nhớ bờ. Sóng nhớ bờ trong cõi thực, giới hạn bởi ngày và đêm, còn người con gái khi yêu thì nỗi nhớ băng qua mọi giới hạn, xáo trộn cả cõi thực và cõi mơ, thống trị cả trong tiềm thức, vô thức: “Cả trong mơ còn thức” sự phi lí trong thực tế (bởi đã mơ thì không còn thức, đã thức thì hết mơ rồi) nhưng lại diễn tả một chân lí trong tình yêu. Chỉ những ai biết trân trọng tình yêu, yêu chân thành và mãnh liệt mới có thể sẻ chia điều đó!
2 câu thơ giãi bày trực tiếp nỗi nhớ của “em” như một so sánh ngầm với nỗi nhớ của sóng: Biển khơi bao la có bao nhiêu con sóng thì có bấy nhiêu nỗi nhớ dù đó là sóng nổi, sóng chìm... Đại dương có nhiều con sóng, đời chỉ có 1 em, nỗi nhớ em dành cho anh bằng tất cả nỗi nhớ của những con sóng ngoài đại dương kia gộp lại.
Khổ thơ là sự phát hiện ra một thuộc tính bất biến của tình yêu: Yêu gắn liền với nỗi nhớ, một tâm hồn ngừng nhớ là dấu hiệu chắc chắn của một trái tim đã ngừng yêu.
+ Khổ thơ thứ hai: sự thủy chung son sắt trong tình yêu
++ Nhà thơ sử dụng cách nói ngược: thông thường người ta nói “xuôi nam - ngược Bắc” thì Xuân Quỳnh lại viết “xuôi về phương Bắc - ngược về phương Nam” nhắc đến những miền không gian Bắc - Nam là gợi lên dự cảm về sự xa cách (Vừa thoáng tiếng còi tàu - Lòng đã nam đã bắc). Cách nói ngược này đã nhấn mạnh vào những nghịch lí của cuộc đời, sự cách trở gian lao trong thực tế. Lời thơ bình thản, nhẹ nhàng mà sao ta vẫn nghe thấy ở đó một nỗi thấp thỏm, một linh cảm trước cuộc đời đầy bất trắc, đổi thay vô thường!
++ Điệp từ “dẫu” được nhắc lại hai lần, lại đứng ở đầu câu cho thấy ý thức của người con gái: vẫn biết tình yêu còn nhiều khó khăn, gian khổ nhưng “em” chấp nhận vì có thể nào đánh giá được tình yêu nếu không đặt vào thử thách!
++ Nhà thơ đáp lại hai giả định trên (Dẫu xuôi...... Dẫu ngược) bằng một sự khẳng định “Nơi nào..... một
phương”. Câu thơ vang lên như lời thề nguyện chắc nịch của tình yêu: dù ở bất cứ nơi đâu, dù trải qua muôn trùng sóng gió, trái tim em vẫn luôn hướng về anh, tình yêu em vẫn dành trọn cho anh. Nếu cuộc đời có bốn phương tám hướng thì lòng em chỉ có một phương duy nhất: phương anh. Anh chính là vầng mặt trời suốt đời soi sáng và sưởi ấm cho em.
Nếu nỗi nhớ là thuộc tính của tình yêu thì sự thủy chung lại là một phẩm chất cần có của tình yêu.
-       Hai khổ thơ còn cho thấy sự phá vỡ những hình thức, khuôn mẫu có tính chất ổn định (câu chữ không đi theo đường viền có sẵn, khuôn khổ câu thơ bị lung lay)
CHÚ Ý
Phần chứng minh cần bám sát vào 2 luận điểm chính:
-       Dòng cảm xúc quá chừng sôi nổi ở đoạn thơ này là gì?
-       Hình thức nghệ thuật có gì độc đáo, khá lạ?
+  m điệu của hai khổ thơ: mang âm điệu của sóng. Sóng biển hay cũng chính là sóng lòng của người con gái đang yêu: không bình lặng mà lúc nhỏ nhẹ, dịu dàng khi lại ồn ào, mãnh liệt.  m điệu đó được tạo nên do thể thơ (thể thơ năm chữ, gieo vần, ngắt nhịp, hài thanh linh hoạt).
+ Sự sáng tạo hình tượng thơ độc đáo: hai hình tượng sóng và em cứ sóng đôi, đan cài vào nhau. Sóng mang tâm trạng của người và người mang trong mình tiếng sóng vỗ của tình yêu rạo rực.
+ Khổ thơ viết về nỗi nhớ là khổ thơ dài nhất cả bài, tính cân xứng, đều đặn giữa các đoạn thơ dường như bị phá vỡ vì đoạn thơ đã chạm đến chỗ da diết nhất, khắc khoải nhất của tình yêu khổ thơ kéo dài ra như cách để nhà thơ đo chiều dài nỗi nhớ.
* Đánh giá chung
-       Ý kiến của nhà phê bình Hoài Thanh là ý kiến xác đáng, đúng đắn về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong thơ. Tuy nhiên cũng cần phải thấy rằng: Không phải cứ có cảm xúc mãnh liệt thì sẽ có sự phá cách và tạo nên cái mới trong nghệ thuật thơ ca. Việc sáng tạo nên những hình thức mới mẻ còn phải phụ thuộc vào cái tài của người nghệ sĩ. Cảm xúc chỉ là phần “xương thịt”, là yếu tố khơi nguồn và thúc đẩy. Hơn nữa, không chỉ thơ mà đối với loại hình nghệ thuật nào cũng vậy nội dung cảm xúc, tư tưởng luôn đóng vai trò chủ đạo, quyết định đối với hình thức thể hiện.
-       Hai khổ thơ của bài Sóng đã thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người con gái khi yêu: nỗi nhớ mãnh liệt cồn cào và tình yêu thủy chung son sắt. Dòng cảm xúc quá chừng mãnh liệt ấy đã được thể hiện qua hình thức đoạn thơ mộc mạc, giản dị nhưng vẫn tạo nên được sự cuốn hút lớn với người đọc.
c.                   Kết thúc vấn đề nghị luận
4.       Chính tả, dùng từ, đặt câu:
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa Tiếng Việt.
5.       Sáng tạo:
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Xem thêm >>> Tổng hợp đề thi thử THPT Quốc gia 2018 hay nhất

                         Tâm hồn người con gái đang yêu trong "Sóng" của Xuân Quỳnh

Trên đây là mẫu đề thi chuẩn của Bộ GD-ĐT năm 2019 mà Cunghocvui gửi đến bạn. Mong rằng bài viết sẽ giúp ích được cho quá trình học tập của bạn, chúc bạn học tập tốt <3

shoppe